Nguyễn Ngọc Hưng, Tấm Gương Lớn Của Một Thi Sĩ Vượt Cao Trên Số Phận (Kỳ 1) dutule.com (ngày 1 tháng 9-2014): Trung tuần tháng 8 vừa qua, chúng tôi nhận được tập thơ “Bài ca con dế lửa” của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, hiện cư ngụ tại Quảng Ngãi, gửi, nhờ giới thiệu.
Đọc thấy trong thi phẩm có quá nhiều thơ hay, chúng tôi liên lạc với tác giả, xin tiểu sử, để giới thiệu trong cột mục “Giới thiệu một chân dung” - - Thay vì viết 1 tin ngắn. Khi nhận được 2 files bài, một của chính Nguyễn Ngọc Hưng và, một của Tiến sĩ, nhà thơ Mai Bá Ấn, chúng tôi đã đi từ bàng hoàng tới khâm phục sức phấn đấu chống trả định mệnh khốc liệt, của một nhà thơ, ở tuổi thanh niên, vừa mới tốt nghiệp Thủ khoa, Đại học SP / Quy Nhơn, 1993, chưa kịp nhận nhiệm sở thì bị chứng bệnh teo cơ (chân, tay bị co rút)!
Nguyễn Ngọc Hưng nằm một chỗ như vậy, tính ra đã 30 năm. Phương tiện chuyển dịch duy nhất của Hưng là băng-ca, với sự sự giúp đỡ của tình bạn cao quý, thiêng liêng và, liên lủy...
Với cá nhân chúng tôi, Nguyễn Ngọc Hưng, là “Tấm gương lớn của một thi sĩ vượt cao trên số phận”.
Để bạn đọc, thân hữu thấy được chân dung lớn lao đích thật của một thi sĩ trong nghịch cảnh, chúng tôi thiết tưởng không gì hơn là, chúng ta cùng lắng nghe tâm sự của chính cá nhân trong nghịch cảnh đó, qua Website của Hãng Phim Truyền Hình Sơn An, dưới đây:
Bài ca về một tình bạn thiêng liêng.
(LNĐ) Trước ngày 16/3/2014, ngày kỷ niệm “Tình bạn Việt Nam” đầu tiên đúng một ngày, BBT website Truyền Hình Sơn An nhận được bài viết ghi ngày 15/3/2014 của Nhà Thơ Nguyễn Ngọc Hưng gửi từ Quảng Ngãi cho Truyenhinhsonan.com. Câu chuyện của nhà thơ và bạn hữu của anh như một câu chuyện thần thoại về tình bạn giữa thời nay. Xin trân trọng giới thiệu nguyên văn bài viết của Nhà thơ.
3 NGÀY, 3 THÁNG, 3 NĂM RỒI 30 NĂM...NHƯ MỘT PHÉP MÀU!
Từ lâu nay, tôi - Nguyễn Ngọc Hưng (NNH) - chưa bao giờ viết và rất ít nói về bạn bè của mình. Phần vì đã có khá nhiều bài viết của các nhà văn, nhà báo; phần vì tình bạn đối với tôi quá lớn quá rộng quá sâu nên không biết phải bắt đầu từ đâu. Mọi ngôn từ trở nên bất lực trước những tấm lòng nhân hậu nghĩa tình vô hạn của bạn bè gần xa đối với tôi. Hôm nay tôi xin được kể lại một chút về những ngày đã qua để mọi người hiểu thêm về gia đình nghĩa huynh Nguyễn Xuân Anh- nghĩa tỉ Lê Thị Thu Hà và rõ hơn vì sao cho đến nay tôi vẫn còn sống, dù phải trải qua nhiều phen thập tử nhất sinh.
Còn nhớ đó là đầu tháng 9 năm 1982, NNH về thực tập tại Trường cấp III Nguyễn Công Phương. Chiều trước BGH nhà trường giới thiệu Đoàn thực tập sinh, phân công lớp chủ nhiệm, sáng hôm sau tôi đã phải nhập viện vì 2 bàn tay đau nhức và có dấu hiệu co rút. Lần đầu tiên tôi chính thức được làm quen với anh Xuân Anh- lúc đó anh ấy cũng là một y sinh thực tập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi- dù trước đó có biết nhưng chưa chơi với nhau: Vì anh lớn hơn tôi dăm tuổi và học trước tôi vài lớp. 2 tháng tôi nằm viện Đa khoa Quảng Ngãi cũng là thời gian để 2 nhóm bạn của tôi và anh Xuân Anh kết nối với nhau. Vì tôi có người bạn thân là Nguyễn Văn Hiệu và anh Xuân Anh có người bạn thân là Nguyễn Diên Xướng vừa là hàng xóm, có quan hệ bà con gần gũi vừa chơi thân với nhau từ nhỏ. Chính quan hệ này đã kéo theo những thành viên khác của 2 nhóm bạn xích lại gần nhau để cùng chăm sóc NNH. Ngoài những người đã nói nhóm bạn mới này có các cặp vợ chồng: Đoàn Văn Thoại, Phạm Ngọc Thiện, Võ Tuất, Nguyễn Trung Thượng, Nguyễn Thân, Lương Văn Mạnh, Lê Quy, Trần Minh Công, Vũ Tuế, Vũ Minh... luôn là những bàn tay ấm áp cùng gia đình anh chị Xuân Anh- Thu Hà dìu đỡ tôi qua mọi đoạn đường ấm lạnh từ bấy đến giờ.
Trở lại với câu chuyện. Sau 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Quảng Ngãi, tôi được chuyển ra Bệnh viện C Đà Nẵng. Lại sau 2 tháng điều trị với 4 lần hội chẩn toàn bệnh viện và một kết luận: Bệnh này chưa có cách chữa khỏi, tôi trở về với tâm trạng tăm tối, tuyệt vọng. Một năm tiếp theo (1993) là 365 ngày dong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng của các bạn đi hết cửa này đến cửa khác ở Quảng Ngãi. Nhưng mọi cánh cửa đều không mở ra cho tôi tí hy vọng gì về việc chữa khỏi bệnh. Thế là sau Tết năm 1994 mẹ con tôi phải theo Dì Chín- người dì ruột của tôi ở Cam Ranh về thăm Tết - vào Khánh Hòa với chút hy vọng mỏng manh: Ở Thành- Diên Khánh có Thầy Hai cắt lể hay lắm!
Do số phận run rủi tôi gặp được ba má nuôi là ông bà Mười Cư ở Ngã Ba Thành và nương nhờ gia đình ấy suốt mấy năm liền. Dù đã làm đủ mọi cách nhưng bệnh tôi mỗi ngày một nặng thêm - cuối cùng tôi đã nằm một chỗ. Đến cuối năm 1997 mẹ con tôi trở lại Cam Ranh ở với Dì Chín. Lúc bấy giờ bệnh tôi đã đến hồi kịch phát: Đau nhức toàn thân, ăn ngủ không được nên người ốm như cái que. Mẹ tôi cũng tỏ ra rất mệt mỏi và có vẻ lạc thần rồi. Thấy bà chiều chiều ra đầu ngõ trông về hướng Bắc, đoán mẹ muốn về quê, tôi nhờ Dì Chín gửi điện tín về cho Phạm Ngọc Thiện là người bạn chí cốt với tôi với nội dung: “Nhờ Thiện và anh Xuân Anh lập tức vào Cam Ranh đưa mẹ con mình về. Nhắc anh Xuân Anh mang theo thuốc tiêm giữ sức cho mẹ mình”.
Một tuần lễ sau, 2 người bạn ấy vào Cam Ranh sau khi phải “ngủ công viên” ở Nha Trang một đêm- lộ phí cả nhóm bạn góp được quá nhỏ so với những chi phí dọc đường nên đành phải tiết kiệm tối đa. Dù mệt mỏi vì đường xa và có lời mời của gia đình Dì Chín ở lại chơi mấy hôm rồi hãy về nhưng nhìn bộ dạng ốm yếu, tong teo của tôi Thiện và anh Xuân Anh hội ý: Không quá 3 ngày, phải đưa về gấp! Đúng là không quá 3 ngày thật nhưng không phải với NNH mà ứng với người mẹ tội nghiệp của NNH. Còn nhớ xe chở đến đập Bến Thóc, hai mẹ con được bà con láng giềng khiêng về trên võng. Chiều trước về thì tối hôm sau mẹ tôi mất. Mẹ đã mê man suốt đường đi, cho đến khi tắt thở vẫn không trăn trối được một lời.
Mẹ mất, tôi ở với Dì Mười. Dì Mười có 2 người con- 1 gái tên Lan,1 trai tên Y. Các em rất thương anh nên cũng tận tình chăm sóc. Nhưng nhìn gia cảnh bần hàn của Dì lòng tôi cứ nặng trĩu. Cuối cùng tôi đã chấp nhận lời đề nghị của các anh ở Phòng Thương binh Xã hội Huyện: Làm đơn xin vào Trung tâm Nuôi dưỡng đối tượng chính sách tỉnh Nghĩa Bình- ở Bình Định. Trước khi đi, tôi gửi thư cho nhóm bạn. Đêm đó có khoảng 10 người người đến. Sau khi nghe tôi trình bày ý định, mọi người bàn bạc hồi lâu và đưa ra quyết định: NNH quá buồn nên mới có ý định này chứ nhắm bộ không quá 3 tháng đâu, bây giờ đưa đi ít nữa lại mắc công đưa về. Thế là tôi đưa được bạn bè đưa đến ở Trạm xá Hành Dũng- nơi anh Xuân Anh làm việc. Hằng ngày có anh Xuân Anh và các bạn khi người này lúc người khác đến chơi và chăm sóc. Cơm nước thì chị Thu Hà và 2 cháu Nguyên Hạ(7 tuổi), Hoàng Phượng(5 tuổi) lo. Chỗ ở của gia đình ấy là một cửa hàng mua bán cấp ba giải thể chật hẹp, cách trạm xá tầm 200m. Ở trạm xá được năm rưỡi. Đầu năm 1990, tôi về sống với gia đình người anh khác mẹ ở Đức Phổ. Được cái ấm áp tình anh em ruột thịt nhưng cũng áy náy không yên vì gia đình này cũng quá ư khó khăn, vất vả. Làm nông, buôn rau lang nuôi 4 đứa con lít nhít và người em bệnh tật. Lần lữa tháng ngày đến cuối năm 1992, một người bạn tên Nguyễn Tấn Sơn gửi cho tôi một chút tiền kha khá. Bạn bè hỏi: Có nguyện vọng gì không? Tôi trả lời phát một: Nếu được, sắp xếp cho mình về lại chốn xưa! Thêm một lần nhóm bạn bàn bạc và chung tay góp vào số tiền của Sơn cho với quyết định xây một phòng nho nhỏ để đưa tôi về. Nhưng về đâu? Lúc ấy anh Xuân Anh đã chuyển sang làm công tác Chữ Thập Đỏ trên huyện và cả gia đình cũng theo về nương nhờ nhà mẹ chị Thu Hà ở thị trấn Chở Chùa. Thấy vườn nhà ấy khá rộng nhóm bạn tôi đến trình bày với bà cụ: Thưa bác, bọn cháu có thằng bạn như vậy như vậy... chắc nó không sống quá 3 năm đâu, xin bác cho một rẻo đất để xây một căn phòng nhỏ cho nó ở gần bọn cháu cho vui, khi nào nó “đi” thì căn phòng ấy để lại cho bác tùy ý sử dụng. Bà cụ vui vẻ gật đầu. Thế là một lần nữa tôi lại được sống trong vòng tay ấm áp của gia đình anh chị Xuân Anh - Thu Hà và nhóm bạn thân thiết của tôi.
Như vậy là từ đầu năm 1993 tôi sống trong căn phòng tình nghĩa ấy, vui buồn ấm lạnh cùng bạn bè tôi. Cho đến năm 2004, nhờ sự quan tâm của chính quyền thị trấn và huyện, tôi được cấp 1 lô đất. Lại nhờ các đơn vị báo chí, doanh nghiệp và các thầy cô, bạn học cũ hỗ trợ kinh phí thêm vào chút đỉnh vốn liếng dành dụm được của tôi và gia đình anh Xuân Anh, chúng tôi đã xây được một ngôi nhà khá vững chắc, khang trang. Ngày 30.04.2004 ngôi nhà được khánh thành trong niềm vui của tất cả mọi người và niềm biết ơn vô hạn của chính tôi.
Sự sống của tôi, những gắng gỏi của tôi, những vần thơ thấm đẫm lòng biết ơn của tôi có chút ích lợi gì cho cuộc đời này không thực tình tôi không biết. Nhưng có một điều tôi biết chắc là bạn bè luôn là một “nửa thế giới trong tôi”. Và nếu may mắn tôi có một tí ngọt bùi gì đó tôi luôn muốn san sẻ cùng tất cả những thân bằng đã “đã đỡ tôi lên đã dìu tôi bước”:
Không thể nào đo đếm biển nghĩa ân
Nếu được vinh quang chia làm hai nửa
Nửa dâng mẹ - người khai tâm thắp lửa
Còn nửa kia san sẻ khắp thân bằng!
Nhẩm tính lại từ 3 ngày, 3 tháng, 3 năm thoắt đó mà đã gần... 30 năm. Tôi vẫn còn đây. Yên ổn, vui vẻ trong vòng tay bè bạn. Như một phép màu! Phép màu này không đến từ thần thánh cõi nào mà đến từ chính những bà tiên ông bụt cõi này- những bạn bè thân thiết của tôi. Nhất là anh chị Xuân Anh - Thu Hà, những ân nhân lớn nhất mà tôi kính trọng trân quý như cha mẹ, anh chị ruột thịt và 2 con gái Nguyên Hạ, Hoàng Phượng mà tôi xem như 2 người bạn vong niên rất đỗi yêu thương, gần gũi của mình.
Có lẽ tôi phải nói thêm một chút về chị Thu Hà - Người chị kết nghĩa mà tôi xem như đức Quan Thế Âm hóa thân xuống trần cứu vớt cuộc đời khốn khổ của tôi. Chị là một cô giáo dạy tiểu học. Dịu
dàng, nhã nhặn và biết khép mở trong mọi việc. Bản thân chị cũng không được khỏe - chậm nhịp xoang bẩm sinh, đau dạ dày, rối loạn tiền đình, thoái hóa khớp... Nhưng có phải vì mang nhiều bệnh trong người nên chị mới thông cảm, sẻ chia với người mắc bệnh nan y? Tôi nghĩ là không hẳn vậy! Hình như ai đó đã từng nói: Phàm người bị đau chân thì chẳng nghĩ được điều gì ngoài cái chân đau của mình. Chị Hà không chỉ đau chân mà còn đau nhiều thứ lắm. Lại nữa phải sống trong điều kiện kinh tế thiếu thốn trăm bề. Vậy thì chỉ có thể lý giải việc chị mở lòng tiếp nhận và chăm sóc tôi như chăm sóc một đứa em ruột thịt là xuất phát từ trái tim thiên thần, tấm lòng bồ tát bao la mà thôi. Bạn bè tôi khá nhiều, cả trai lẫn gái, và không ít trong số họ là những cặp vợ chồng. Với bạn trai thì có lẽ ai cũng sẵn sàng cưu mang, vô tư nuôi dưỡng nhưng “người đàn bà trong gia đình” không phải ai cũng có thể thông cảm và cùng chồng chăm sóc bạn trong hoàn cảnh đói nghèo rơm rạ một thời gian dài như thế mà không “khua chén động bát”. Gần 3 thập niên tôi cố gắng từng ngày vượt qua những đớn đau, dằn vặt của thể xác, tinh thần để sống và từng chút một thực hiện quyết tâm sống có ích. Suốt hành trình đầy gian khó, trắc trở đó của tôi luôn có sự đồng hành lặng lẽ nhưng tích cực và hiệu quả của chị Thu Hà. Có thể nói chính chị Hà với tất cả những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam đã giúp tôi giữ vững tâm thế, niềm tin để vượt lên số phận đầy giông bão của mình và góp phần vẽ nên một nét đẹp nho nhỏ cho đời. Biết là “đại ân nan báo” nên tôi không dám nói lời cám ơn suông mà chỉ tự hứa với bản thân mình: Quyết tâm phấn đấu mỗi ngày để “sống khỏe, sống vui, sống có ích” càng nhiều càng tốt để nhẹ bớt phần lo lắng chăm sóc của anh chị Xuân Anh- Thu Hà và khỏi phụ lòng mong đợi của những người đã tạo nên phép màu, đã viết nên “chuyện cổ tích ở Nghĩa Hành”(*) - nhóm thân bằng chí cốt của tôi!
Quảng Ngãi ngày 15.03.2014
NGUYỄN NGỌC HƯNG.