![UserPostedImage](http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_16x9_1024_578/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/unha3.jpg)
Tên lửa Bắc Triều Tiên chuẩn bị phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Ảnh chụp ngày 12/12/2012. REUTERS/KCNA
Vào lúc Bình Nhưỡng đang dự trù một vụ phóng vệ tinh mới vào tháng 10 tới đây, các nước quan tâm đến tình hình an ninh khu vực lại lo ngại rằng, đó cũng sẽ là một vụ thử tên lửa trá hinh, tương tự như vụ việc đã xẩy ra cách nay ba năm.
Thái độ hoài nghi của quốc tế không phải là không có căn cứ. Theo hãng tin Anh Reuters, vệ tinh mà Triều Tiên phóng lên quỹ đạo vào lúc đó trên nguyên tắc, cứ mỗi 95 phút lại bay quanh trái đất được một lần, ở độ cao khoảng 540 km.
Tuy nhiên từ đó đến nay, không ai nhận được tín hiệu nào từ khối vật thể bằng kim loại màu đen thô thiển đó, nặng đến 100 ký, mà Bình Nhưỡng tuyên bố là có gắn camera để chụp ảnh và truyền về trái đất.
Trong khi nhiều nhà quan sát rất có ấn tượng về vụ Bình Nhưỡng đưa được một vật thể vào quỹ đạo vào năm 2012, kỹ sư hàng không vũ trụ Đức Markus Schiller ngay từ năm 2013 đã phân tích rằng vụ phóng đó chỉ là một « thành tích thấp », và không hề có ý nghĩa « thay đổi luật chơi ».
Trong tuần qua, chuyên gia này đã tái khẳng định với hãng Reuters : « Không có diễn biến nào trong những năm qua đã làm tôi thay đổi đánh giá », cho dù Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thử nghiệm tên lửa tầm ngắn dựa trên công nghệ sẵn có.
Đối với chuyên gia Schiller : « Hầu hết những hoạt động đó dường như vẫn xuất phát từ động cơ chính trị hơn là kỹ thuật ».
Vào tuần trước, cơ quan không gian Bắc Triều Tiên cho biết là họ đang chuẩn bị một vệ tinh mới và sẵn sàng phóng lên quỹ đạo vào thời điểm chung quanh ngày 10/10. Nhưng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã không ghi nhận được hoạt động chuẩn bị nào tại căn cứ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên gần biên giới với Trung Quốc.
Theo RFI