Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida (T) và Hàn Quốc Yun Byung-se, trước cuộc họp 3 bên, ngày 29/09/2015.
Reuters
Dù bị cuốn hút vào các hồ sơ khác như Syria hay Ukraina, chính quyền Obama vẫn không quên thúc đẩy chính sách xoay trục qua vùng Châu Á-Thái Bình Dương, một trong những hướng chủ yếu của nền đối ngoại Mỹ hiện nay. Các hoạt động ngoại giao ráo riết bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra cho thấy là Hoa Kỳ đang tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược với các nền dân chủ lớn ở Châu Á, đứng đầu là Nhật Bản và Ấn Độ, với mục tiêu được cho là nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng mạnh của Trung Quốc, và mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên.
Hai sự kiện hiếm thấy liên quan đến quan hệ giữa Mỹ và Châu Á đã diễn ra gần như là đồng thời vào hôm qua, 29/09/2015 tại New York. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đã cố gắng siết chặt hàng ngũ cùng với 2 đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida và Hàn Quốc Yun Byung Se, trong một cuộc họp tay ba hiếm hoi giữa 3 đồng minh quân sự này.
Ngoài ra ông Kerry còn có một cuộc họp tay ba khác cùng với hai Ngoại trưởng Nhật Bản và Ấn Độ, trong một cuộc họp chưa từng có đã được ông Kerry giới thiệu như « cuộc hội ngộ của các nền dân chủ lớn ».
Với các đồng nhiệm Nhật Bản và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ đã tỏ mối lo ngại về « các thách thức rất quan trọng trên mặt an ninh » cho vùng Đông Bắc Á, nêu bật mối đe dọa Bắc Triều Tiên với chương trình quân sự của nước này.
Ngoại trưởng Nhật Kishida cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng dai dẳng ở vùng Đông Á, vạch mặt chỉ tên Bình Nhưỡng. Ông nhấn mạnh là chính vì thế mà « các liên minh Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn nhiều » cho an ninh khu vực.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kerry cũng đã kêu gọi « tăng cường hợp tác thế giới và khu vực với hai đồng minh vững chắc và trung thành ».
Bắc Kinh không hề bị nêu đích danh trong các tuyên bố ngoại giao chính thức của Washington và các đối tác Châu Á. Nhưng bóng dáng của cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới được thấy là vẫn bao trùm lên các cuộc họp.
Tổng thống Obama đã tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thứ Sáu vừa qua. Ngoại trừ trong hợp tác chống thay đổi khí hậu, hai đối thủ đã phơi bày các bất đồng về vấn đề tin tặc, nhân quyền và tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và các láng giềng Châu Á, đặc biệt là tại Biển Đông.
Tại nơi này, Bắc Kinh đang tiến hành công việc bồi đắp đảo nhân tạo, biến các bãi san hô thành cảng, hạ tầng cơ sở. Washington và các quốc gia Đông Nam Á sợ rằng Trung Quốc dùng sức mạnh để khống chế Biển Đông, cho phép Bắc Kinh từ Trường Sa kiểm soát con đường hàng hải có giá trị chiến lược nhất hành tinh.
Dù tự nhận là không thiên vị bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng hành động của Mỹ trong những tháng qua cho thấy là Hoa Kỳ nghiêng rõ về phía Philippines, Malaysia và Việt Nam, đang bị tham vọng của láng giềng hùng mạnh đe dọa.
Vào hôm qua, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã « nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải », và vào tháng Mười, Nhật Bản sẽ tham gia tập trận chung ở Ấn Độ Dương với Washington và New Delhi. Ba đồng minh cũng đã nêu rõ trong thông cáo chung về cuộc họp mối quan tâm của mình về Biển Đông.
Về phần Ấn Độ - vốn cũng xem Trung Quốc là đối thủ - vào tuần trước, nước này đã củng cố quan hệ đối tác « chiến lược thương mại » với Hoa Kỳ.
Theo RFI