Một tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Thái Lan Mit Jai Inn. DR
Châu Á hầu như vắng bóng trên báo Pháp ngày 03/10/2015, ngoài trừ một phóng sự của nhà báo Bruno Philip trên tờ Le Monde về lãnh vực văn hóa ở Thái Lan mang tựa đề : « Sáng tác trong guồng máy kiểm duyệt Thái Lan ».
Tác giả bài viết nêu bật tình trạng là trong bối cảnh của một xã hội bác bỏ mọi hình thức khiêu khích, một chế độ thẳng tay đàn áp ở Thái Lan, đối với người nghệ sĩ, muốn vượt qua khuôn khổ này là cả một sự phiêu lưu nguy hiểm. Nhưng họ không chịu bó tay.
Đối với nhà báo Le Monde, nghệ sĩ, người làm phim ở Thái Lan giờ đây không chỉ có tập trung trên sáng tác của mình, mà để có thể tiếp tục làm việc, họ còn phải sáng tạo, phải trở nên điêu luyện trong một nghệ thuật khác có lẽ phức tạp hơn : tránh né kiểm duyệt tại một vương quốc mà quyền tự do ngôn luận thường thay đổi. Cho nên họ phải biết vượt qua cản lực bằng cách nói bóng nói gió, khiêu khích nhưng không quá lộ liễu.
Bài báo trích ví dụ của một nhà làm phim viđeo Chulayamnon Siriphol : « Nói thẳng rất nguy hiểm... muốn nói gì với công luận thì phải khéo léo đi vòng ». Trong một bộ phim ngắn, ông đã kể lại câu chuyện tình giữa một công chúa với một cậu sinh viên sau vụ đảo chính năm 1932, đã đưa Thái Lan từ nền quân chủ chuyên chế sang nền quân chủ lập hiến. Trong bối cảnh hiện nay của Thái Lan, đây là loại chủ đề có thể được xem là ‘mấp mé’ giới hạn.
Kiểm duyệt ở Thái không thiếu lý do. Theo điều 112 của Hiến Pháp Thái Lan, xúc phạm đến Quốc vương, Hoàng hậu, Thái tử, người nhiếp chính có thể bị từ 3 năm đến 15 năm tù. Vấn đề là cách diễn giải về tội ‘xúc phạm’ khá rộng để chính quyền thoải mái kiểm duyệt.
Và từ cuộc đảo chính tháng 5/2014, với việc tướng Prayut Chan Ocha lên nắm quyền, thì không gian hoạt động của giới nghệ sĩ muốn chỉ trích những biểu hiện thái quá, ngày càng eo hẹp. Nhưng không chỉ có chính quyền, người dân Thái nói chung, như nhận xét của nhà báo Kong Rithdee trên tờ The Bangkok Post, cũng có một cái nhìn đơn giản về nghệ thuật, chưa mấy quen với loại hình dấn thân. Nhưng dù thế nào, thì nói thẳng vẫn không phải là một điều tốt.
Thế nhưng, cho dù thế, bài báo trên Le Monde ghi nhận là nhiều nghệ sĩ không ngần ngại vượt qua lằn ranh « màu vàng », như họa sĩ kiêm điêu khắc gia Mit Jai Inn, đã dám chơi với màu sắc của quốc kỳ Thái – xanh trắng đỏ - mà ông đã thêm nhiều màu khác trong đó có màu xanh lá cây của quân đội.
Dĩ nhiên vấn đề kiểm duyệt không mới mẻ qua bao nhiều chế độ quân sự cầm quyền, nhưng hiện nay nhiều người đánh giá là Thái Lan đang sống dưới ách một chính quyền xuất thân từ cuộc đảo chính quân sự, với tâm lý nghi kỵ nặng nề, nên kiểm duyệt càng gay gắt thêm. Chỉ vì nói đến dân chủ hay ủng hộ chính quyền trước, ngày càng có nhiều người bị mời đến trại lính để « được » cải tạo tư tưởng.
Giới làm phim là dễ bị kiểm duyệt nhất. Có người thì nghĩ đến việc ra nước ngoài quay phim, nhiều người nghĩ đến những hình thức đối đầu, như cách thức ngoạn mục của đạo diễn Pen Ek, với cuốn phim tài liệu chính trị trong đó giới trí thức đã nói lên cảm nghĩ, phân tích về con đường khó khăn của nền dân chủ trên đát Thái.
Phim dĩ nhiên là đã bị kiểm duyệt. Nhưng đạo diễn không chịu thua đã thuyết phục được những người muốn cắt xén là không cắt hình ảnh mà chỉ cắt âm thanh thôi. Kết quả là cuốn phim đã rất thành công ở Bangkok năm 2013, vì lẽ kể lại câu chuyện lịch sử đương đại nước Thái chưa từng dậy ở trường học, và cũng độc đáo ở chỗ người ta thấy người nói chép miệng nhưng lại trong sự im lặng, không nghe một tiếng nào cả.
Đạo diễn cũng vào xem phim, nhớ lại :’Lúc đầu khán giả chưng hửng, rồi bực mình, nhưng sau đó họ đã nhanh chóng hiểu ra và bắt đầu cười’. Ông cũng tin tưởng là 50 năm nữa khi âm thanh được phục hồi thì khán giả sẽ thắc mắc : có gì đâu mà phải tranh cãi như vậy ?
Theo RFI