Nữ phóng viên Thái Lan Mutita Chuachang. AFP PHOTO / Christophe ARCHAMBAULT
Qua các hành động can đảm, nữ phóng viên Mutita Chuachang 33 tuổi, được hãng tin Pháp AFP trao giải Kate Webb 2015. AFP lấy tên của một nữ phóng viên chiến trường, từng hoạt động tại Việt Nam và từ trần năm 2007, đặt cho giải thưởng này để vinh danh những phóng viên làm việc trong điều kiện khó khăn ở Châu Á.
Từ khi quân đội Thái Lan lên nắm quyền, nhiều công dân bị truy tố về tội « phạm thượng ». Trong bầu không khí trấn áp này, một nữ phóng viên trẻ tuổi không ngại hiểm nguy, thực hiện các phóng sự tố cáo trước công luận tình trạng áp bức đến mức phi lý của giới tướng lãnh.
Theo AFP, nếu những hiệp hội hiếm hoi như Luật Sư Nhân quyền và i-Law làm thống kê những vụ án gọi là « khi quân » thì nỗ lực âm thầm của nữ phóng viên Mutita Chuachang đưa đến công luận những thảm nạn của con người đằng sau những bản án này. Nhân danh bảo vệ vương triều, giới tướng lãnh Thái Lan tiến hành cuộc đảo chính vào tháng 5/2014.
Chỉ vì đóng một vở kịch bị xem là xúc phạm đến vương triều hay vẽ bên trong nhà vệ sinh công cộng một khẩu hiệu không vừa mắt phe quân nhân, là các « đối tượng » liên can dù là sinh viên hay nội trợ có thể bị tống giam với những bản án thật nặng.
Tháng 8/2015, một người đàn ông bị lãnh án 30 năm tù, một phụ nữ, mẹ của hai con thơ, bị 28 năm tù. Nữ phóng viên Mutita Chuachang dứt khoát không bỏ qua các vụ án này, bám sát tòa án, thu thập tin tức ngày giờ xử án, tìm hiểu hồ sơ và thông báo cho công luận qua các bài phóng sự không ký tên để bảo mật danh tánh.
Tổ chức Nhân quyền Mỹ Human Rights Watch từng khen ngợi các bài báo « có chất lượng cao » của Mutita Chuachang. Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền tại Bangkok, những bài báo tường thuật các phiên tòa trừng phạt « phạm thượng » đã đưa Mutita Chuachang lên tuyến đầu trong cuộc tranh đấu vì tự do ngôn luận.
Tốt nghiệp đại học danh tiếng Thammasat, Bangkok, nhà báo trẻ này tố cáo những hệ quả phi lý của loại án này. Thân nhân người bị vu cho tội « khi quân » bị láng giềng né tránh, phải đổi chổ ở, con cái phải đổi trường học.
Bản thân Mutita Chuachang khi tường thuật vụ án cũng không thể trích dẫn cáo trạng của tòa vì làm như thế sẽ bị truy tố tội phạm thượng. Cho đến nay, Mutita Chuachang chưa « được mời học tập cải tạo » nhưng với luật mới cấm tiếp xúc với tù nhân, cô phóng viên này khó có thể trực tiếp nghe lời kể của nạn nhân.
Theo RFI