Chuyên gia Lê Đăng Doanh
Một tuần sau khi Hiệp định TPP chính thức kết thúc đàm phán tại Atlanta, chuyên gia Lê Đăng Doanh là người đầu tiên cho biết về sự thật đoàn đàm phán mà đứng phía sau là Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận công đoàn độc lập, để được tham gia vào TPP.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài RFI Việt ngữ mới đây, ông Doanh nói: ‘Trong 30 chương của hiệp định thì có một chương rất nhạy cảm đối với Việt Nam, đó là chương về quyền tự do của người lao động, trong đó có phần về quyền tự do lập công đoàn. Đây là chương mà hai bên đàm phán rất gay go. Và cuối cùng cũng đã đi đến thống nhất là có một thời gian ân hạn, tức là không phải thực hiện ngay lập tức sau khi ký.
Thứ hai, Việt Nam sẽ có thời gian để ban hành các luật về lập hội, trong đó có thể sẽ có những quy định người đứng ra lập công đoàn phải là người như thế nào, bao nhiêu tuổi, trình độ ra sao, được sự tín nhiệm của công nhân như thế nào. Với tất cả những điều kiện ấy, thì tôi nghĩ là phía Việt Nam có những phương tiện thích hợp để có thể tiếp tục có được ảnh hưởng đối với các công đoàn ( độc lập ) ấy, không để tuột khỏi sự lãnh đạo của chế độ hiện nay’.
Tuy vẫn chưa có xuất hiện bất cứ quan chức có trách nhiệm nào của Việt Nam chính thức xác nhận về nội dung trên. Đây cũng như thói quen của đảng và chính quyền, vẫn chôn kín đến chừng nào có thể được tất cả những gì liên quan đến dân chủ và nhân quyền. Nhưng xác nhận của ông Lê Đăng Doanh đã là quá đủ. Là một thành viên của ban tư vấn cho chính phủ, ông Doanh được xem là người nắm được một số tin tức tương dối quan trọng về chính sách kinh tế của Việt Nam.
Vào đầu tháng 9/2015, lần đầu tiên tin tức về công đoàn độc lập đã được tiết lộ bởi một quan chức quốc hội là ông Nguyễn Đức Kiên. Trả lời phỏng vấn báo diện tử Vietnamnet, tuy không đề cập trực tiếp đến Công đoàn độc lập, nhưng ông Kiên đã gián tiếp cho biết định chế này đã được hai bên Việt Nam và Mỹ thống nhất.
Ngày 08/05/2015, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hiện diện tại trụ sở công ty Nike (Portland, Oregon), với một bài phát biểu rất đặc biệt. Đây là lần đầu ông Obama dùng thể khẳng định trong đoạn phát biểu để nêu ra vấn đề công đoàn độc lập: ‘Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ phải phải để cho người lao động tự do thành lập công đoàn bảo vệ quyền lợi. Điều này cũng sẽ tạo ra sự thay đổi’.
Tuy nhiên, không có bất kỳ cơ quan hay tờ báo nào của Việt Nam đưa tin về thỏa thuận công đoàn độc lập trong TPP.
Việt Nam vẫn luôn là quốc gia nằm trong nhóm dưới cùng của bảng xếp hạng minh bạch thông tin trên thế giới. Vào tháng 12/2014, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014): Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong số chín quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm 2014, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào, Campuchia, và Myanmar. Trong lúc điểm số của Việt Nam không thay đổi trong một bảng xếp hạng về tham nhũng hàng năm, nhiều quốc gia láng giềng lại đang cải thiện kết quả CPI của họ.
SBTN