Báo Mỹ giải thích vì sao chính phủ Việt Nam thích Facebook?Việt Nam vừa cho ra mắt trang ‘Thông Tin Chính Phủ’ trên mạng Facebook dù trước đó đã từng chặn trang mạng xã hội phổ biến này.
Trang Thông Tin Chính Phủ cho ra đời bản tin đầu tiên trên mạng Facebook vào ngày 3/10 với mục tiêu ‘cập nhật kịp thời các thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới người dân’.
Trang mạng đã thu hút sự chú ý của công chúng trong tuần qua sau khi thông tin về trang này được đưa lên báo chí trong nước.
Giải thích về sự biến chuyển quan điểm trong việc sử dụng mạng xã hội Facebook thay vì các kênh chính thức như trước đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son trong cuộc họp báo chiều 22/10 nói ‘Đây là vấn đề đặt ra từ thực tiễn, là sự phát triển tiến bộ của xã hội mà chúng ta phải tranh thủ’.
Ông Son nói thêm rằng chính phủ Việt Nam ‘tận dụng’ Facebook để ‘gần với dân hơn’, nhưng việc lợi dụng Facebook để đưa tin sai trái, bịa đặt, nói xấu cá nhân, tổ chức, vi phạm tự do của người khác là sai và ‘càng sai trái hơn’ khi ‘dùng Facebook phát ngôn trái với quan điểm, chủ trương của Đảng’.
Mặc dù người đứng đầu Bộ Thông tin – Truyền Thông khẳng định ‘Người dân có thể phản biện chính phủ qua Facebook’, nhưng một số người dùng Facebook phản hồi trên trang mạng rằng những ‘comment’ của họ bị đã bị xóa đi.
Ông Nguyễn Lân Thắng, ở Hà Nội, viết trên Facebook sau khi thử trang Thông Tin Chính Phủ: “Cô Lê Nguyễn Hương Trà, cô đã làm hình mẫu xuất sắc cho quần chúng nhân dân học tập theo về phương pháp đối thoại với Chú Phỉnh [nói lái từ Chính Phủ], chỉ được cười, không được hỏi gì thêm... Đây là những còm [comment] còn sót lại sau 2 tiếng đồng hồ có mấy trăm nhân dân vào hỏi... Chúc mừng các bạn còn sống sót...”.
Không giống như các quan chức Trung Quốc vẫn đang cấm Facebook, Việt Nam – theo nhận xét của Bloomberg – trong khi vẫn duy trì kiểm soát thông tin, chính quyền lại đang tỏ dấu hiệu sẵn sàng mạo hiểm đối diện với sự phẫn nộ của người dân và chỉ trích của người Việt ở hải ngoại về các chính sách và hệ thống độc đảng khi hướng đến một sự chuyển đổi chính trị với một dàn lãnh đạo mới vào năm tới’.
Tờ báo này trích lời của ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam nói: “Lãnh đạo Việt Nam đang trở nên thực tế hơn” và “Một thế hệ quan chức trẻ mới được bầu vào các vị trí khác nhau ở các tỉnh thành vốn là những người rất quen thuộc với các công cụ tiên tiến như Facebook”.
Ông Thành cho Bloomberg biết chính quyền Việt Nam đã ngừng chặn Facebook từ 2 năm trước sau khi có sự vận động của Đại sứ quán Mỹ và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN mà Facebook là một thành viên.
Việt Nam hiện có hơn 30 triệu người sử dụng Facebook (chiếm khoảng 1/3 dân số), với 75% trong số đó nằm trong độ tuổi từ 18 – 34.
Bloomberg cho rằng các lãnh đạo Cộng sản đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng năm tới, trong đó sẽ mở ra một quá trình chuyển đổi chính trị trong chính phủ. Tờ báo dẫn lời ông Vũ Tú Thành nói các lãnh đạo Việt Nam biết rằng thực hiện từng bước nhỏ hướng tới sự minh bạch và thừa nhận những thiếu sót sẽ làm cho chính phủ được tin cậy hơn.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quang A, thành viên Xã hội Dân sự, lại không vội lạc quan về sự kiện này.
“Chuyện họ dùng các công cụ đó với mục đích để cho người dân có thể đối thoại được với chính phủ. Họ lắng nghe, đưa thông tin một cách minh bạch thì là điều tốt. Còn nếu họ dùng cái đấy chỉ để với mục đích tuyên truyền thì sẽ là xấu. Cái đó hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ họ làm trang đấy như thế nào thôi”.
Tính đến sáng ngày 23/10, trang Facebook Thông Tin Chính Phủ đã có hơn 41.000 người ‘liked’. Mặc dù các giới chức Việt Nam cho biết chỉ đang thử nghiệm duy nhất một trang Thông Tin Chính Phủ trên Facebook, nhưng hiện mạng xã hội này đang có đến 7 trang khác có cùng tên, ảnh đại diện và nội dung tương tự.
Theo AP, Bloomberg, Thanh Niên.