logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
nga  
#1 Đã gửi : 26/10/2015 lúc 05:29:25(UTC)
nga

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,657

Cảm ơn: 1 lần
Tàu chiến Hoa Kỳ 'đang tới Trường Sa'

UserPostedImage

USS Lassen, tàu khu trục Hoa Kỳ, đang trên đường tới giới hạn 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây tại Biển Đông và sẽ ở đó trong nhiều giờ, hãng thông tấn Reuters đưa tin vào đầu giờ sáng ngày 27/10 giờ Việt Nam.

Điều này đánh dấu sự khởi đầu cho một loạt động thái thách thức về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại một trong các tuyến đường biển đông tàu bè đi lại nhất trên thế giới.

Trung Quốc gần đây nói "không bao giờ cho phép bất cứ nước nào" xâm phạm vùng biển và không phận của họ tại sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ điều tàu và phi cơ "tới bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép" và vào thời điểm mà Hoa Kỳ lựa chọn.

Được biết nhiều khả năng Hải quân Mỹ sẽ điều phi cơ do thám P-8A và P-3 surveillance hộ tống.

Các chuyến tuần tiễu bổ sung sẽ được tiến hành trong tuần tới và cũng có thể được tiến hành xung quanh các cơ sở mà Việt Nam và Philippines xây tại Trường Sa, một quan chức quốc phòng Mỹ ẩn danh nói với Reuters.

Tin Hoa Kỳ điều tàu chiến vào khu vực có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông được một loại các báo trong khu vực và quốc tế đưa tin trong đó có Kyodo News của Nhật, The Guardian của Anh...

Tàu khu trục USS Lassen được điều tới Biển Đông từ căn cứ Yokosuka, Nhật Bản. Tàu này từng có Hạm trưởng Lê Bá Hùng chỉ huy (04/2009- 12/2010) và từng ghé thăm Đà Nẵng vào tháng 11/2009.
Theo BBC

Sửa bởi người viết 27/10/2015 lúc 09:16:00(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

phai  
#2 Đã gửi : 26/10/2015 lúc 06:21:10(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Chiến hạm Mỹ vào vùng 12 hải lý đảo nhân tạo trong vòng 24 giờ

UserPostedImage
Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ. Ảnh AP


WASHINGTON DC (NV) – Hải Quân Hoa Kỳ sẽ đưa một khu trục hạm vào phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông trong 24 giờ.
UserPostedImage
Đô Đốc Harry B Harris Jr, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương đứng bên ảnh chụp đảo Chữ Thập do Trung Quốc bồi đắp. (Hình: AP/Cliff Owen)

CNN trích dẫn lời một giới chức hôm Thứ Hai cho biết, quyết định này đã được sự chấp thuận của Tổng Thống Barack Obama.

Nguồn tin quân sự Hoa Kỳ nói, chiếc chiến hạm sẽ đi ngang qua ngay vào đêm Thứ Hai, với sự yểm trợ của máy bay trinh sát ở trên không, bay trên không phận quốc tế.

Phi cơ sẽ canh chừng chiếc tàu và túc trực quanh đó nếu cần thiết, để ghi nhận và đối phó với bất kỳ sự kiện nào.

Nguồn tin cho biết phía Trung Quốc không hề được thông báo trước và hy vọng rằng sẽ không gặp phải rắc rối nào.
UserPostedImage
Hình ảnh chụp từ máy bay Mỹ cho thấy Trung Quốc đang cải tạo bãi Vành Khăn. Ảnh Reuters

Các đảo và vùng biển lân cận trên Biển Đông đang là mối tranh chấp chủ quyền của nhiều quồc gia như Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Hồi Tháng Sáu, Trung Quốc loan báo sắp hoàn tất việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và rằng sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở ở trên đó.

Trung Quốc không ngừng khẳng định rằng hoạt động ở Biển Đông không nhắm vào nước nào hay gây ảnh hưởng đến giao thông hàng hải hay hàng không.

Nhiều giới chức Mỹ nói, tàu chiến Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của Hoa Kỳ, trong phạm vi 12 hải lý của duyên hải ngoài khơi Alaska vào đầu tháng này, khi Tổng Thống Obama đang ghé thăm tiểu bang.

Các giới chức nhấn mạnh rằng hành động của Trung Quốc phù hợp với “sự thông thương không ác ý” chiếu theo luật hàng hải quốc tế.

Tuy nhiên ở Biển Đông, Hoa Kỳ chưa hề xâm phạm vào phạm vi giới hạn 12 hải lý mặc dù Mỹ không hề công nhận các đảo ở đó là lãnh thổ của Trung Quốc, và rằng tính chất nhân tạo của nó không mang lại cho đảo một vùng lãnh hải có giá trị.
Theo báo Người Việt

Sửa bởi người viết 26/10/2015 lúc 06:31:33(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

xuong  
#3 Đã gửi : 27/10/2015 lúc 07:54:37(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Mỹ hành động 'đúng luật pháp quốc tế'

UserPostedImage

Tàu khu trục USS Lassen của Hoa Kỳ vừa hoàn tất chuyến tuần tra áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây tại Biển Đông.

Hôm thứ Ba 27/10 tàu này đã vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đá ngầm Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa.

BBC đã hỏi chuyện một số chuyên gia ở Việt Nam về sự kiện này.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD), một trung tâm nghiên cứu chiến lược dân lập đầu tiên ở Việt Nam
Cuối cùng, qua các cuộc tranh luận trong nội bộ Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc, thì các lợi ích tự do hàng hải và sức ép của hải quân và nhà lập pháp Mỹ đã thắng khi Nhà Trắng cho phép hải quân Mỹ thực hiện chuyến tuần tra này.

Hành động này để thách thức hành động bồi đắp xây dựng trái phép và các tuyên bố chủ quyền không hợp pháp của Trung Quốc tại khu vực Trường Sa, và khẳng định quyền của hải quân Mỹ qua lại các con đường biển quốc tế theo thời gian mà Mỹ lựa chọn.

Điều này buộc Bắc Kinh phải bày tỏ lập trường và sẽ phơi bày lập trường phi lý của Bắc Kinh.

Mỹ tuy không ngăn chặn được việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng các đảo, nhưng sẽ chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo khu vực Trường Sa.

BBC: Liệu hành động này có làm tăng căng thẳng ở Biển Đông không thưa ông?

Kế hoạch tuần tra đã được tuyên bố từ trước để chuẩn bị dư luận và tránh căng thẳng. Bởi vậy hành động này không gây căng thẳng kéo dài, mà sẽ buộc Trung Quốc phải tìm kiếm một giải pháp lâu dài với Mỹ và các nước có lợi ích.
Nếu hải quân Mỹ không hành động bây giờ thì sẽ quá muộn, Trung Quốc sẽ quân sự hóa các đảo Trường Sa, xây dựng trái phép và tạo sức ép lên các nước sử dụng con đường biển này trong thời bình và kiềm tỏa nó trong thời kỳ có xung đột.

Hoạt động này của Mỹ có lợi cho tự do hàng hải, có lợi cho các nước có lợi ích ở Biển Đông. Dư luận Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ hành động của Mỹ, vì nó phù hợp với hòa bình và ổn định lâu dài ở Biển Đông đồng thời hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế.

Theo tôi nghĩ, sẽ không có xung đột vũ trang. Trái lại, hành động của Mỹ thúc đẩy giải pháp giữa các nước lớn. Mỹ hành động như vậy có lợi cho Việt Nam và các nước liên quan: Việt Nam cũng sẽ có quyền tự do qua lại giữa các đảo, tiếp tế và bảo vệ.

Mỹ chọn địa điểm tuần tra rất khôn khéo, đây là bãi nửa nổi nửa chìm, không có quy chế đảo, Trung Quốc không thể tranh cãi gì được.

Tiến sỹ Trần Công Trục, cựu trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam:
Đây là thông tin rất đáng hoan nghênh vì người Mỹ đã nói là làm, đúng với luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Tôi cho rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ có phản ứng, phản đối và thậm chí trên thực tế có thể sẽ có hoạt động để ngăn cản việc này [tiếp tục xảy ra trong tương lai]. Thế nhưng khó có khả năng sẽ xảy ra xung đột lớn.

Khi hành động, Trung Quốc phải tính tới sức mạnh của họ trong tương quan lực lượng với Hoa Kỳ, nhất là về hải quân. Thêm nữa, hoạt động của Trung Quốc ở đây, như cả thế giới biết, là hoàn toàn phi pháp. Đây là các bãi cạn, không phải đảo tự nhiên và chỉ có thể đòi hỏi vùng an toàn 500m chứ không thể yêu sách 12 hải lý xung quanh. Nhất là khi Trung Quốc cơi nới, xây cất trong vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đi ngược lại Công ước quốc tế về Luật biển.

Như vậy về cả pháp lý và tương quan lực lượng Trung Quốc đều yếu hơn và khả năng gây ra đụng độ là không có.

Tuy nhiên các bên cần kiềm chế, không để xảy ra xung ̣đột, đe dọa hòa bình trong khu vực.
Theo BBC
__________
Tàu USS Lassen
Tàu khu trục lớp Arleigh Burke
Chở theo trực thăng SH-60 Seahawk
Dài 155 mét

Rộng 18 mét

Tốc độ 30 hải lý/h

Tầm hoạt động 4,400 dặm biển


Nguồn: US NavyReutersBBC: Thưa ông, ông nhận định là phía Việt Nam sẽ có phản ứng thế nào trước sự kiện này?

Việt Nam luôn luôn khẳng định rằng Việt Nam có chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và luôn luôn phản đối các hoạt động xâm phạm chủ quyền đó.

Việt Nam cũng luôn đồng tình với các hoạt động phù hợp Công ước Luật biển mà Việt Nam là thành viên ký kết và phê chuẩn. Việc Hoa Kỳ đi vào khu vực 12 hải lý là cách hành xử hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế cho nên Việt Nam rất hoan nghênh.

Hoa Kỳ không vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, họ chỉ thực thi quyền tự do hàng hải, hàng không mà luật pháp quốc tế cho phép.

Tuy nhiên, các hành động đáng hoan nghênh như thế này của Hoa Kỳ có giải quyết được cơ bản và hoàn toàn các vấn đề liên quan tranh chấp ở Biển Đông hay không, thì còn phải kết hợp với nhiều yếu tố khác, đòi hỏi sự đoàn kết của các nước mà quyền và lợi ích bị ảnh hưởng từ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như chia sẻ của cộng đồng quốc tế.

Phải bình tĩnh khôn khéo để không xảy ra xung đột trong tình hình quốc tế phức tạp hiện này và tôi nghĩ Hoa Kỳ thừa hiểu điều này.

Hành động của Hoa Kỳ là để chứng minh các nước cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, không tự mình áp đặt luật chơi ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của các nước khác.

Sửa bởi người viết 27/10/2015 lúc 07:56:56(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

xuong  
#4 Đã gửi : 27/10/2015 lúc 08:10:47(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Tàu Mỹ tiến sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng

UserPostedImage
Đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014. AFP

Tàu chiến Mỹ tuần tra sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng. Đó là diễn biến mới nhất liên quan đến Biển Đông diễn ra trong ngày hôm nay 27/10/2015.

Khu trục hạm mang tên USS Lassen của hải quân Mỹ có trang bị tên lửa dẫn đường đã tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh hai bãi đá Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc cho bồi đắp thành các đảo nhân tạo trong thời gian qua.

Một viên chức quốc phòng Mỹ nói rằng cuộc tuần tra kéo dài vài giờ đồng hồ và là cuộc tuần tra đầu tiên trong một hoạt động mang tên tự do trên biển.

Mặc dù được mệnh danh là hoạt động thúc đẩy tự do đi lại trên biển nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng hành động mới này của nước Mỹ là nhằm thách thức Trung Quốc, nước đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình đến 90% diện tích biển Đông.

Bắc Kinh đe dọa đáp trả

Bộ ngoại giao Trung Quốc lên tiếng nói rằng hoạt động của chiến hạm Mỹ là bất hợp pháp vì đã vào trong lãnh hải của Trung Quốc mà không xin phép, và dọa sẽ cho tàu theo dõi hoạt động của chiến hạm Hoa Kỳ.

Công bố của Bộ ngoại giao Trung Quốc nói thêm là Bắc Kinh sẽ đáp trả bất cứ hành động khiêu khích của bất cứ quốc gia nào.

Người phát ngôn Bộ ngoại giaoTrung Quốc là ông Lưu Cương nói là nếu Hoa Kỳ tiếp tục tạo thêm căng thẳng trong khu vực thì Bắc Kinh sẽ tăng cường sức mạnh và khả năng của mình, mặc dù, ông nói thêm là Trung Quốc mong muốn sử dụng những biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột trên biển Đông.

Lý do được Hoa Kỳ viện dẫn cho việc tàu chiến của mình đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các bãi đá là Công ước về luật biển quốc tế không công nhận các bãi đá không có người ở và bị ngập khi thủy triều lên như Subi và Vành Khăn là cơ sở để khẳng định chủ quyền của một quốc gia.

Trong tháng Chín giới chức Mỹ đã tuyên bố là hải quân và không quân Hoa Kỳ sẽ đi đến bất cứ đâu mà luật lệ quốc tế cho phép. Và sau khi thực hiện cuộc tuần tra trong ngày hôm nay một quan chức Bộ quốc phòng Mỹ nói rằng Washington sẽ thực hiện cả những chuyến tuần tra xung quanh các bãi đá và cơ sở nhân tạo do Việt Nam và Philippines bồi đắp trong quần đảo Trường Sa nữa, chứ Hoa Kỳ không chỉ nhắm vào Trung Quốc.

Philippines hoan nghênh
Trái với lời phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, Philippines lên tiếng hoan nghênh hoạt động tuần tra của hải quân Hoa Kỳ. Tổng thống Benigno Aquino nói với báo chí rằng việc tàu chiến Mỹ đi vào các vùng biển như trong ngày hôm nay chứng tỏ rằng họ đang thực hiện luật lệ quốc tế như là việc tự do đi lại trên biển, chứ không có chuyện công nhận những chuyện đã rồi.

Ý ông Aquino muốn nói đến hành động cho bồi đắp các bãi đá ở Trường Sa trong thời gian qua để biến các nơi đó thành cơ sở công nhận lãnh hải của mình. Và việc làm này đã bị nhiều quốc gia chỉ trích.

Việt Nam vẫn im lặng
Cho đến tối ngày 27/10 theo giờ Hà Nội, chúng tôi chưa ghi nhận được một phản ứng chính thức nào từ phía Việt Nam, quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền của mình trong quần đảo Trường Sa, về việc tàu Khu trục hạm mang tên USS Lassen của hải quân Mỹ có trang bị tên lửa dẫn đường đã tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh hai bãi đá Subi và Vành Khăn, nơi Trung Quốc cho bồi đắp thành các đảo nhân tạo trong thời gian qua.

Tuy nhiên trong một buổi gặp gỡ các viên chức Bộ ngoại giao Việt Nam ở Hà nôi vào sáng 27/10 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng các nước lớn (đang) tăng cường sức mạnh quân sự, tập hợp lực lượng, tranh giành ảnh hưởng trong khu vực ngày càng quyết liệt.

Ông nói thêm là tranh chấp lãnh thổ đặc biệt là trên biển Đông diễn biến phức tạp, gay gắt và rất khó lường.
Theo RFA
xuong  
#5 Đã gửi : 27/10/2015 lúc 08:49:14(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Tuần tra Trường Sa: Vì sao Mỹ chọn tàu Lassen và đá Xu Bi ?

Chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải tại Biển Đông nhằm phủ nhận yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Trường Sa như vậy đã được Mỹ khởi động vào sáng nay 27/10/2015. Có hai câu hỏi được đặt ra là vì sao Mỹ lại chọn khu trục hạm USS Lassen làm tiên phong, và chọn đá Xu Bi – và Vành Khăn để thị uy.

Về câu hỏi đầu tiên, Tạp chí Nhật Bản The Diplomat vào hôm nay đã cung cấp một phần câu trả lời. Trước hết là vì tàu khu trục này đang có mặt tại vùng Đông Nam Á, với một thủy thủ đoàn đã có kinh nghiệm « tương tác » với tàu Hải quân Trung Quốc.

Trong một bài viết công bố trên mạng, tờ The Diplomat cho biết là chiếc USS Lassen vào tuần trước đã ghé cảng Kota Kinabalu ở Malaysia sau 4 tuần lễ tuần tra liên tục trên Biển Đông. Thủy thủ đoàn của tàu khu trục Lassen được cho là đã có kinh nghiệm « gặp gỡ » tàu Hải quân Trung Quốc và áp dụng các quy định đã được ghi trong Bộ Quy tắc ứng xử Mỹ-Trung trong các trường hợp gặp nhau ngoài kế hoạch trên biển - gọi theo tiếng Anh là CUES.

Theo một bản thông cáo của chính bộ phận truyền thông của chiến hạm Lassen, nhân đợt tuần tra sau cùng tại Biển Đông, chiếc tàu đã gặp hai tàu hộ tống Trung Quốc lớp Giang Khải II, và một tàu hộ tống lớp Giang Hỗ (Jianghu). Kinh nghiệm chạm trán với chiến hạm Trung Quốc sẽ giúp cho chiếc Lassen tránh được các sự cố không cần thiết.

Riêng về hai mục tiêu tuần tra là Đá Xu Bi và Vành Khăn, thì đây là hai rạn san hô thuộc diện nửa chìm, nửa nổi trước lúc được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nổi, do đó theo Luật Biển Liên Hiệp Quốc, không thể đòi quyền được lãnh hải 12 hải lý.

Bên cạnh đó, trên các bãi này, Trung Quốc đã cho xây dựng các cơ sở có khả năng được sử dụng vào mục tiêu quân sự, đặc biệt là phi đạo dài hơn 3 cây số trên Đá Xu Bi. Hình ảnh vệ tinh chụp Đá Xu Bi ngày 03/09 vừa qua cho thấy là phi đạo này rộng 60 mét, hiện đã dài 2.200 mét, nhưng khi các công trình nối dài được hoàn tất thì sẽ dài đến 3.300 mét.

Theo giới chuyên gia, Xu Bi có vẻ như được thiết kế để biến thành một cơ sở cho chiến đấu cơ Trung Quốc hoạt động trong vùng, tương tự như hai cơ sở khác là Đá Chữ Thập ở Trường Sa và Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa.

Khi cho tàu chiến tiến vào một đảo có khả năng trở thành căn cứ quân sự cho Bắc Kinh, thông điệp của Washington khá rõ ràng : Trung Quốc nên thực hiện lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 9 vừa qua tại Hoa Kỳ, theo đó họ không quân sự hóa khu vực Trường Sa
Theo RFI
chung  
#6 Đã gửi : 27/10/2015 lúc 05:38:22(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

USS Lassen có làm thay đổi cục diện Biển Đông?

UserPostedImage
Chiến hạn USS Lassen của Hải quân Hoa Kỳ. Courtesy of US Navy

Sáng ngày 27 tháng 10 Mỹ đã chính thức mang chiến hạm USS Lassen vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý của các đảo bị Trung Quốc bồi đắp trái phép.

Khi Khu trục hạm USS Lassen nhận chỉ thị của Tổng tư lệnh quân dội Hoa Kỳ là Tổng thống Barak Obama tiến vào bãi đá ngầm Subi và Vành khăn trên dãy đảo ngầm nằm trong vùng biển Trường Sa, cũng là lúc Biển Đông chính thức mang một diện mạo mới khác với sự độc diễn của Trung Quốc trong một thời gian khá dài.

Sự chờ đợi phản ứng chính thức của Hoa Kỳ đã đến lúc chín muồi và dư luận không riêng gì Việt Nam mà cả Philippines và Trung Quốc cùng nhìn vào đường đi của USS Lassen để dự đoán chính sách Biển Đông mà Hoa Kỳ sẽ mang ra áp dụng với Trung Quốc trong vai trò của một cường quốc quân sự trên biển lẫn trên lĩnh vực ngoại giao.

Chiến lược đưa tàu vào tuần tra là bước đầu tham gia sâu hơn nhằm đối trọng với những hoạt động mà Trung Quốc ngày ngày ăn mòn Biển Đông với các sách lược mà mục tiêu là chiếm trọn vùng biển giàu năng lượng và con đường hàng hải huyết mạch cho cả thế giới.

Hoa Kỳ thấy rõ phương án tằm ăn dâu của Trung Quốc và sau chuyến đi của Tập Cận Bình sang Washington không đạt được một kết quả nào về Biển Đông, cuối cùng thì quyết định đầy khó khăn cũng được mang ra thực hành và từ bước đầu khó khăn ấy khi USS Lassen chạm vào vùng 12 hải lý cũng là lúc mọi sự đã được an bày và tùy vào thái độ cũng như phản ứng của Trung Quốc.

Trước đây vài ngày khi tin tức về tuần tra của Hoa Kỳ được loan tải, phản ứng không chính thức của Việt Nam được một đại biểu quốc hội là ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm ủy ban An ninh Quốc phòng phát biểu:

"Việt Nam mới là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại hai quần đảo này. Do đó, khi ra vào khu vực 12 hải lý ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, phía Mỹ phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”.

Câu phát biểu này hàm ý là Mỹ phải xin phép Việt Nam khi mang tàu hải quân tuần tra trong khu vực.

Trả lời câu hỏi này chúng tôi mượn lời TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ trong một bài do chúng tôi phỏng vấn ông cho biết:

"Tôi chưa nói đơn thuần tới chuyện công ước thôi thì nó có vùng an toàn chung quanh đó, các tài sản đó các công trình nhân tạo đó. Ngoài vùng đó là vùng biển quốc tế không có liên quan gì đến vấn đề lãnh thổ trong quần đảo Trường Sa thì họ có quyền đi lại trong tự do hàng hải trong vùng biền quốc tế, vùng biển không thuộc về cái quyền, cái lợi ích của bất kỳ quốc gia nào thì họ không cần thông báo cho bất cứ ai."

Nhìn ở góc độ của một chuyên gia về vấn đề Biển Đông G.S Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu quân sự, kiêm giám đốc diễn đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng của Úc nhận xét về việc khu trục hạm USS Lassen tuần tra tại khu vực 12 hải lý như sau:

"Hoa Kỳ đã phản ứng hơi chậm trễ một chút khi Trung Quốc đơn phương xây dựng đảo nhân tạo trong vùng an toàn 500 mét thuộc khu vực đặc quyền kinh tế mà Philippines tuyên bố chủ quyền, mặc dù Mỹ đã có những thông tin về việc Trung Quốc xây dựng bồi đắp chúng qua hình ảnh từ vệ tinh vào năm ngoái.

Tàu USS Lassen là khu trục hạm được trang bị hỏa tiễn định vị mà Trung Quốc không có chiến hạm nào tương đương và Hải quân Trung Quốc không có khả năng trực diện đối đầu với nó.

Tôi nghi ngờ rằng tàu tuần duyên Trung Quốc sẽ có mặt nhưng không làm được gì, tuy nhiên nếu tàu chiến Hoa Kỳ cứ chạy tuần tra lòng vòng trên biển Nam Trung Hoa sẽ không dừng được việc Trung Quốc bồi lấn trên các đảo ngầm khác nữa.

Nếu Hoa Kỳ quyết định chống lại việc này mà không buộc được Trung Quốc bằng biện pháp mạnh thì tôi không thấy sẽ có kết quả nào. Hoa Kỳ phải ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc nếu không thì tình hình vẫn giữ nguyên trạng như hiện nay mà thôi."

Điều mà G.S Carl Thayer nhận xét đặt ra cho Hoa Kỳ một trách nhiệm nặng nề hơn nếu muốn chặn trước sự lấn chiếm của Trung Quốc trên vùng biển mà Hoa Kỳ cảm thấy có trách nhiệm giữ nó cho an ninh hàng hải cũng như bầu trời.

Can thiệp vào vùng biển này là cách duy nhất có thể ngăn bước tiến của Trung Quốc muốn lấn sâu hơn và từng bước thực hiện tuyên bố của họ về đường chín đoạn.

Sự can thiệp của Hoa Kỳ hơn lúc nào hết cho Bắc Kinh thấy chiến lược của Mỹ là không hề chùn bước hay bỏ rơi đồng minh của họ trong đó có Philippines, là quốc gia luôn mạnh mẽ chống lại sự xâm lấn các đảo đá chìm mà Trung Quốc đang làm.

Từ Việt Nam, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, chuẩn đề đốc hải quân, PGS-TS giám đốc Học viện Hải Quân Nhân dân VN cho biết nhận xét của ông:

"Khi Trung Quốc hung hăng biến 7 bãi đá ngầm thành ra đảo nhân tạo lớn và sau khi bị thế giới phản đối thì họ tuyên bố là không quân sự hóa, vậy thì việc Mỹ duy trì việc cho tàu tuần tra để quan sát tình hình thì tôi nghĩ rằng cũng là chuyện bình thường. Chính nhờ sự hoạt động của Mỹ như vậy mới ngăn chặn bớt sự hung hăng của Trung Quốc đi, đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai nó sẽ tạo cho các nước Đông nam á thấy rằng Mỹ có trách nhiệm với thế giới và khu vực và họ thấy rằng Mỹ không bỏ Đông Nam Á và Châu Á Thái bình dương và đường lối của họ cũng sẽ ổn định lại.

Nếu Mỹ không tham gia vào hoạt động tuần tra hoặc giải quyết những sự việc trên biển Đông sẽ gây cho Trung Quốc ngộ nhận Mỹ là nước yếu thế không dám làm và họ sẽ hung hăng hơn".

Các nước trong khu vực vẫn chờ đợi phản ứng của Trung Quốc. Mạnh mẽ hay kềm chế sẽ cho thấy mối tương quan quân sự và những chằng chịt khác trong đó vấn đề cốt lõi là kinh tế có làm chùn bước Trung Quốc hay không?

Trong khi hầu như toàn bộ các nước trong khu vực có đường biên giới hàng hải tại Biển Nam Trung Hoa đều nhận thức sự lấn lướt, bá quyền và dùng sức mạnh quân sự để trấn áp luật biển của Trung Quốc đã vượt quá giới hạn chịu đựng của họ, thì việc Hoa Kỳ đem chiến hạm vào tuần tra không những làm tăng thêm sự vững tin mà chính sách đối phó của những nước trong khu vực còn có thêm cơ sở để không còn bị lệ thuộc quá sâu vào Trung Quốc như trước đây.
Theo RFA
xuong  
#7 Đã gửi : 28/10/2015 lúc 08:38:31(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Người Việt hải ngoại nói gì về việc tàu Mỹ vào khu vực đảo nhân tạo TQ?

UserPostedImage
Khu trục hạm USS Lassen của hải quân Mỹ, ảnh minh họa chụp trước đây.

Khu trục hạm USS Lassen của hải quân Mỹ, có trang bị tên lửa dẫn đường, đã tiến vào khu vực 12 hải lý quanh hai bãi đá Subi và Vành Khăn là nơi Trung Quốc cho bồi đắp thành các đảo nhân tạo trong thời gian qua.

Trong khi Việt Nam chưa chính thức bày tỏ quan điểm, người Việt hải ngoại nói gì về động thái mới nhất này của Hoa Kỳ trên biển Đông?

Theo một viên chức quốc phòng Mỹ, cuộc tuần tra của khu trục hạm USS Lassen vào khu vực 12 hải lý quanh các bãi nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trong thời gian qua, đã kéo dài vài tiếng đồng hồ và là cuộc tuần tra đầu tiên trong hoạt động mang tên Tự Do Trên Biển.

Đối với giới quan sát nước ngoài, dù được gọi là hoạt động thúc đẩy tự do đi lại trên biển nhưng động thái của USS Lassen được coi như một sự thách thức Trung Quốc thường đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình đến 90% diện tích biển Đông.

Đồng tình
Vào khi Bộ Ngoại Giáo Trung Quốc lên tiếng nói rằng hoạt động của chiến hạm USS Lassen là bất hợp pháp, rằng Bắc Kinh sẽ theo dõi hoạt động của chiến hạm Hoa Kỳ cũng như sẽ đáp trả bất cứ hành động khiêu khích của bất cứ quốc gia nào, người Việt hải ngoại lại coi nhẹ lời đe dọa này mà và bày tỏ sự đồng tình với Washington:

Từ Moscow, nhà báo Nguyễn Minh Cần:

“Hành động vừa qua của Hoa Kỳ là bước tiến mạnh mẽ để cảnh báo Trung Quốc đừng làm càn trên Biển Đông. Mặc dù Hoa Kỳ giữ thái độ rất trung lập trên Biển Đông, tức là họ không hoan nghênh Việt Nam, Philippines hay Trung Quốc làm chuyện đó, nhưng hành động đối với Trng Quốc như thế này là một thái độ rất mạnh mẽ. Tôi cho rằng thái độ đó cũng trợ giúp cho Việt Nam mình và cái đó mình rất đáng hoan nghênh.

Tất nhiên chúng ta cũng không mong muốn có chiến tranh trên Biển Đông, nhưng mà trước thái độ điên cuồng trắng trợn của Trung Quốc thì hành động cảnh báo của Hoa Kỳ như vậy rất quan trọng, để cho bà con mình trong nước phấn khởi, tiếp tục đấu tranh dù rằng chính quyền bạc nhược không dám làm mạnh trong vấn đè này. Đây là cơ hội cơ hội cho đồng bào mình lên tiếng thật mạnh mẽ.”

Lý do mà Hoa Kỳ viện dẫn cho việc tàu chiến của mình đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các bãi đá là Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển không công nhận các bãi đá, như Subi và Vành Khăn, không có người ở và thường là bãi chìm khi thủy triều lên, là cơ sở để khẳng định chủ quyền của một quốc gia. Từ New York, Hoa Kỳ, tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên gia về thống kê kinh tế của Liên Hiệp Quốc, cũng là người chuyên nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng Mỹ hành động đúng lúc:

“Luật Biển nói rằng xây một hòn đảo hoặc một khu nhân tạo trên biển khơi, tôi nói biển khơi là khu biển không thuộc về ai thì không có chủ quyền, không có lãnh hải. Vì vậy Mỹ có quyền đi qua và đây là quyền mà Mỹ muốn xác định và họ nói vẫn tiếp tục làm.

Tôi nghĩ việc làm của Mỹ như vậy là đúng thời điểm chứ nếu để Trung Quốc mạnh hơn , có khả năng hơn phản ứng lại vân vân... thì sẽ gây khó khăn hơn mà có thể đưa đến chiến tranh. Còn trong trường hợp bây giờ về kinh tế và nhiều mặt khác Trung Quốc cũng phải đưa vào Mỹ cho nên chỉ dọa già chứ không dám có phản ứng bằng bạo lực.”

Cảm ơn chính phủ Mỹ
Từ Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng, tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, phát biểu với tư cách người Việt Nam ông muốn ngỏ lời cảm ơn chính phủ Mỹ đã phủ nhận một cách quyết liệt hành động bành trướng và gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông:
“Với tư cách một người Việt Nam tôi cho rằng sự kiện này là một sự kiện đáng mừng. Còn đối với tư cách một người bình thường và tôn trọng pháp lý, tôi phải nói rằng việc Trung Quốc phản đối Hoa Kỳ xâm phạm chủ quyền của họ hoàn toàn không có cơ sở. Ngay sự hiện diện của Trung Quốc ở Hoàng Sa Trường Sa đã vi phạm luật pháp quốc tế, đòi chủ quyền vùng 12 hải lý chung quanh lại càng vô lý. Trung Quốc đánh cuộc trên sự sợ hãi, trên sự lo ngại của thế giới để lấn tới. Nhưng mà Trung Quốc còn có rất nhiều vấn đề nội bộ, môi trường, kinh tế...Tôi cho rằng vấn đề Trung Quốc trên Biển Đông chỉ là ván bài tháu cáý, hoa Kỳ cũng biết đó chỉ là sự tháu cáy. Tôi có thể đánh cuộc với bất cứ ai rằng sẽ không có chiến tranh trên Biển Đông.”

Mỹ không hề phạm luật khi mang tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc tùy tiện xây đắp, còn xung đột thì chắc chắn không thể xảy ra . Đó cũng là quan điểm của nhà văn Nam Giao , nguyên giáo sư đại học Laval ơ Quebec, Canada:

“Cả hai bên, Mỹ và Trung Quốc, đều biết rằng phải nhân nhượng với nhau để tránh những xung đột lớn hơn mà tác động có thể rất khủng khiếp. Người Việt Nam vỗ tay hoan nghênh cách hành xử của Mỹ thì cũng hết sức chính xác thôi bởi vì chuyện Trung Quốc nói vùng lưỡi bò thuộc quyền Trung Quốc nó hoàn toàn đi ngược lại với Công Ước Quốc Tế về Luật Biển.”

Nhà báo Nguyễn Văn Huy, cư ngụ tại Pháp, thường xuyên có những bài bình luận về tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam với Trung Quốc, cho rằng chỉ có hoa Kỳ mới đủ khả năng tạp áp lực đồng thời cảnh cáo Trung Quốc không thể dùng sức mạnh quân sự để áp đặt uy quyền và khống chế các nước đang có tranh chấp trong vùng Đông Nam Á:

“Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào là để cảnh cáo Trung Quốc không thể dùng tính cách bá quyền để áp đặt uy quyền trên khu vực tự do đi lại trên biển Đông chiếm 1/3 lưu lượng hàng hải quốc tế trong đó quyền lợi của Mỹ rất cao.

Với những điều kiện hiện nay tôi thấy sẽ có sự giàn xếp bởi vì Bắc Kinh với Washington đang có những cuộc trao đổi cấp cao về vấn đề đi lại của máy bay và tàu chiến. Hai bên sẽ có sự giàn xếp ngấm ngầm nào đó để tránh va chạm trực tiếp.”
UserPostedImage
Đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014.

Về phản ứng của Việt Nam, vẫn lời nhà báo Nguyễn Văn Huy, có 2 điểm cần lưu ý là phản ứng của dân và phản ứng của nhà cầm quyền:

“Phản ứng của dân chúng chúng thì “Võ quyết dày có móng tay nhọn”, sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện đang gặp đối thủ xứng đáng. Còn phản ứng của chính phủ tôi thấy rất tế nhị , sự tuyên bố của Việt Nam phải rất dè đạt vì nói thẳng tuy có một lực lượng hải quân đang phát triển nhưng chưa phải là đối thủ của Trung Quốc, thành ra vấn đề rất tế nhị.Khi tàu chiến của Hoa Kỳ tiến vào khu vực này thì thực sự cũng là tiến vào khu vực Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng phía Việt Nam không phát biểu hì hết. Theo bình thường của một người im lặng tức là đồng ý. Tôi nghĩ Việt Nam cũng ủng hộ sự hiện diển của tàu chiến Mỹ trên Biển Đông. Tàu chiến Mỹ tiến vào vùng này là một hy vọng mà Việt Nam tin sẽ làm cho Trung Quốc nhường bước trong vấn đề củng cố những căn cứ đã chiếm đóng của Việt Nam trên vùng Trường Sa.”

Từ tháng Chín Mỹ từng tuyên bố là hải quân và không quân Hoa Kỳ sẽ đi đến bất cứ đâu mà luật lệ quốc tế cho phép. Sau khi thực hiện cuộc tuần tra hôm qua, 27 tháng Mười, một quan chức Bộ quốc phòng Mỹ nói Washington không chỉ nhắm vào Bắc Kinh mà còn hướng đến việc tuần tra quanh các bãi đá và cơ sở nhân tạo do Việt Nam và Philippines bồi đắp trong quần đảo Trường Sa nữa.

Ít nhiều có quan điểm khác biệt với những ý kiến rên là cựu trung tá hải quân Trần Văn Sơn ở California, còn được biết đến dưới tên bình luận gia Trần Bình Nam:

“Hải quân Hoa Kỳ hay chính phủ Hoa Kỳ quyết định làm chuyện này là cũng để thử coi phản ứng Trung Quốc như thế nào. Lần này tôi nghĩ sẽ có phản ứng rộng rãi hơn qua đường ngoại giao chẳng hạn.

Còn về lâu về dài, như mình thấy tàu chạy qua rồi cũng chạy qua thôi, sau khi phản đối xong thì tàu phải trở về căn cứ. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sẽ ngưng kế hoạch đắp bồi thêm các đảo, lần này qua hành động của Hoa Kỳ tôi tin Trung Quốc sẽ có thái độ rất bình thường là sẽ xây cất một cách qui mô hơn và đương nhiên Hoa Kỳ cũng sẽ có thái độ phả đối, gởi thêm vài chiến mạm chạy gần các đảo đó hơn, hay là cho máy bay bay trên không phận ....Mọi việc cũng lập đi lập lại như vậy thôi và cuối cùng mình thấy rằng Trung Quốc cứ lợi dụng những việc đó mà tiếp tục xây cất.

Tôi có cảm tưởng Hoa Kỳ làm cái việc phải làm thôi, không làm thì uy tín giảm, nhưng làm thì Hoa Kỳ ở trong tình trạng Trung Quốc thắng mà Hoa Kỳ thua. Tôi nghĩ viễn ảnh tương lai có lẽ là như vậy.”

Đó là suy nghĩ và nhận định của người Việt hải ngoại trước chuyện khu trục hạm Hoa Kỳ tiền sâu vào vùng biển 12 hải lý quanh các đạo nhân tạo của Trung Quốc.

Mọi ý kiến đều được tôn trọng và đưa lên cho rộng đường dư luận song không nhất thiết phản ảnh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.
Theo RFA
song  
#8 Đã gửi : 29/10/2015 lúc 08:46:45(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,791

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Trường Sa Hải Lý

UserPostedImage
Các cường quốc thường hay lấn lướt nhược tiểu và thường hay thương thảo để chia chác quyền lợi trên đầu nhược tiểu.


Khi soạn luật biển UNCLOS các cường quốc biển mà trong đó có Hoa Kỳ muốn vùng nước chủ quyền thật nhỏ, vùng biển quốc tế thật to để tàu thuyền của họ dễ tung tăng không bị ràng buộc. Đã vậy mà HK cũng không phê chuẩn, nhưng lại tôn trọng UNCLOS trong thực tế. Ngược lại, Trung Quốc phê chuẩn nhưng không tôn trọng.


Nạn nhân rõ ràng nhất trong trò chơi quyền lực này là Việt Nam và Phi. TQ chiếm Hoàng Sa năm 1974, HK lúc đó đang đứng cạnh nhưng không can thiệp vì đã làm bạn với TQ để chống Liên Sô, nên có quyền lợi chiến lược lớn hơn. Tháng Hai 1979 TQ đánh VN thì ngày 29/1/1979 Đặng Tiểu Bình viếng thăm HK, thông báo TT Carter là ông sẽ đánh VN và nhờ HK giúp thông tin tình báo qua vệ tinh quan sát biên giới Nga-Hoa xem Liên Sô có động binh hay không. Năm 1988 TQ mượn cớ giúp Liên Hiệp Quốc lập trạm thăm dò khí tượng ở Trường Sa để bắn giết 64 binh sĩ VN, chiếm Gạc Ma và các đảo mà VN sở hữu, HK và các cường quốc tây phương làm lơ để mặc.


Năm 1995 TQ chiếm Vành Khăn, Phi viện dẫn hiệp ước liên minh quân sự với HK để cầu cứu TT Clinton, nhưng HK nói hiệp ước không có bao gồm Vành Khăn. Năm 2012 TQ chiếm Scarborough và HK cũng làm lơ. Hiện giờ TQ đang bao vây Cỏ Mây không cho tiếp tế để Phi bỏ đảo và HK cũng đang làm lơ.
UserPostedImage

Trong khi đó thì HK, đứng trước đòi hỏi mạnh mẽ của Nhật sau khi Nhật nghi ngờ TT Obama đâm sau lưng mình khi đi bách bộ nói chuyện riêng với ông Tập Cận Bình ở Palm Springs ngày 7/6/2013, nên cuối cùng đã chính thức lên tiếng xác nhận là Senkaku có trong liên minh quân sự Mỹ-Nhật. HK có sự khác biệt đối xử vì Nhật là cường quốc, có sức mạnh nội lực và có vai trò an ninh chiến lược ở vùng Đông Bắc Á.


Tàu Lassen đi vào Trường Sa ngày 27/10/2015 mà theo các viên chức quốc phòng HK, có lộ trình 72 hải lý đi từ phía bắc đến phía tây nam, qua vùng chủ quyền 12 (CQ12) của các đảo mà Phi và Việt Nam có chủ quyền, và vào vùng 12 hải lý của đảo Subi, nhưng không vào vùng 12 của Vành Khăn (Reuters 27/10).


Mục đích chính yếu là để khẳng định quyền tự do hàng hải theo UNCLOS và không dính líu gì cả đến vấn đề chủ quyền, có nghĩa là các đảo ấy, hay cả quần đảo là của ai thì HK cũng chấp nhận thôi!


Vấn đề thực sự là lưu thông hàng hải theo UNCLOS mà HK và TQ thông dịch luật này khác nhau.


Lưu thông vô hại (innocent passage) hay chỉ cần đường đi ngang chứ không có ý đồ gì khác thì được đi vào vùng CQ12. TQ đã sử dụng quyền này tháng 8/2015 vừa qua ở eo biển Alaska khi đi qua vùng quần đảo Aleutian. Tàu Lassen đi vào Subi thì cũng không khác gì mấy, nhưng để tránh va chạm hai bên đã chuẩn bị cho nhau cả tháng trước đó.


Vùng nước chủ quyền 12 hải lý chung quanh chỉ áp dụng cho đá/đảo nổi khi triều dâng và thiên nhiên chứ không do nhân tạo. Subi và Vành khăn không hội đủ điều kiện này vì nửa nổi nửa chìm nên chỉ có vùng nuớc chủ quyền 500 mét. TQ muốn nó là 12 hải lý nhưng mập mờ. Vì không có UNCLOS để bảo vệ Subi nên TQ nhường nhịn HK, nhưng với các nước khác thì không, kể cả Nhật, như TQ đã từng tuyên bố.


Vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý thì HK cho rằng nước chủ chỉ có chủ quyền trên tài nguyên (cá, khoáng sản) và nước chủ không được ngăn cản trên các lãnh vực khác như do thám, tập trận, vẽ bản đồ, nên tàu/máy bay đi vào không cần phải xin phép mà chỉ cần thông báo. Ngược lại, TQ thông dịch là hoạt động của các nước khác phải xin phép và đã rất khó chịu khi HK cho máy bay và tàu vào thám thính gần Hải Nam, nơi TQ đặt căn cứ tàu ngầm.


Theo Diplomat 27/10, kể từ chuyến thăm HK của ông Tập vào cuối tháng 9/2015, các viên chức giấu tên của HK cho biết là đã liên tục và đều đặn thông tin việc tàu HK sẽ vào vùng 12 ở Trường Sa. Sự loan báo của giới truyền thông có vai trò đếm xuống (countdown) đi từ vài tuần đến vài ngày rồi đến 24 giờ. Đó là một sự cố ý, thiết kế để cung cấp cho TQ đầy đủ sự báo trước - và đầy đủ thời gian để TQ hình thành các phản ứng chính thức (hơn là để trong tay các viên chức quân sự ở thực địa phản ứng).


Việc 5 tàu chiến TQ đi vào vùng CQ12 ở Alaska mà HK không phản ứng gì cả, nhất là khi đó TT Obama có mặt ở Alaska, làm cho người ta có cảm giác đây là một vở kịch được cẩn thận dàn dựng, có tính cách sòng phẳng 'quid pro quo' bánh ít đi bánh quy lại. Cho nên dù TQ có vẻ không chấp nhận Điều 17 của UNCLOS về 'quyền đi qua vô hại', TQ cũng đáp lễ lại HK khi tàu Lassen đi vào vùng 12 của đá Subi, bằng cách chỉ phản ứng chiếu lệ cho có, bỏ qua các tranh cãi là Subi có vùng CQ12 hay không. Theo báo Economist 27/10, các tranh chấp từ trước đến nay giữa HK và TQ không nhằm vào vùng CQ12 mà là vùng EEZ.


Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói rằng “Đây không phải là cuộc tuần tiễu cuối cùng" và có khả năng trở nên thường xuyên hơn trong tương lai (VOA 28/10). Tuy nhiên nó không có giá trị gì nhiều cho các nước khác như Việt Nam vì:


Đây là vấn đề thông thương hàng hải chứ không phải là vấn đề chủ quyền, và là việc diễn dịch UNCLOS như thế nào để các bên đều đồng ý là đảo nào có vùng CQ12, đảo nào có EEZ và những giới hạn nào ở vùng EEZ.


TQ có một chính sách kỳ thị đối xử, dù việc đi phù hợp với UNCLOS nhưng chỉ HK mới được lưu thông bên trong quần đảo Trường Sa, còn các nước khác thì không, kể cả Nhật Bản. Hơn nữa, TQ cố tình mù mờ trong việc áp dụng UNCLOS để có thể giải thích theo ý riêng của kẻ mạnh và dùng UNCLOS làm bình phong. Thực tế là TQ áp dụng luật sức mạnh.


Nếu chỉ HK đi vào vùng và các nước khác không vào để tạo thành những tuyến qua lại thông thường thì HK chỉ cuỡi ngựa xem hoa, chủ vườn vẫn là TQ. TQ đã lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông (ADIZ), HK không công nhận, cho B-52 bay qua nhưng chỉ một lần, còn các hãng hàng không dân sự HK được chính quyền HK khuyên là nên tuân thủ các quy định của TQ. Máy bay Lào hôm 25/7/2015 bị TQ đuổi trở lại Nam Hàn. HK đã đánh trống bỏ dùi và thực tế là ADIZ có hiệu lực.


HK không vào vùng 12 từ năm 2012 tức là đã 3 năm, đủ dài để TQ làm mưa làm gió trong vùng. Việc HK hứa hẹn trở lại, dù nói là thường xuyên cũng không ai biết là bao giờ, trong khi TQ có khả năng xây mỗi năm một thành phố lớn cỡ Los Angeles thì việc xây thêm các đảo nhân tạo ở Trường Sa là chuyện nhỏ.


HK chỉ muốn check/ngó chừng TQ đừng dùng sức mạnh quá đáng hay vũ lực khi trừng lên thành siêu cường, không có ý ngăn chận TQ trở thành siêu cường, cho nên khi chưa có yếu tố vũ lực thì HK có lý cớ để ngó lơ, mà hệ quả là các nước nhỏ trong vùng bị thiệt hại qua chính sách 'lát cá' của TQ.


HK chỉ cho cần câu để những nước nhỏ như VN, Phi, Mã tự bắt cá chứ HK không cho cá. VN và các nước phải tự bảo vệ chủ quyền của nước mình. HK có thể giúp tàu, các khí cụ bảo vệ biển đảo, hay kỹ thuật chế tạo vũ khí chứ HK không can thiệp quân sự thế cho những nước này.


Để kết luận, có thể nói rằng sự kiện Lassen 27/10 tuy cần thiết nhưng chỉ là bước đầu muộn màng mà NS John McCain nói lẽ ra phải được thực hiện từ lâu và HK nên tiến hành những hoạt động tuần tiễu thường xuyên trên không, trên biển trong những tuần lễ và những tháng tới (VOA 28/10). Nó giúp kềm chế TQ trong vấn đề lập vùng kiểm soát quá lớn ở Trường Sa, vi phạm UNCLOS. Nó không cuốn lại (rollback) những gì TQ đã làm. Nó cũng không có khả năng làm TQ dừng xây dựng ở những nơi họ đã bồi đắp. Nó cũng không có khả năng ngăn chận TQ chiếm thêm trong số khoảng 209 rạn san hô chưa ai chiếm đóng và xây dựng chúng thành đảo nhân tạo.


Trong vấn đề chủ quyền, Việt Nam vẫn còn bơ vơ và càng ngày càng yếu đi khả năng bảo vệ Trường Sa, do bởi đảng CSVN không có khả năng xây dựng nội lực dân tộc.
28/10/2015
Lê Minh Nguyên
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.295 giây.