Phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ bỏ cấm vận Cuba ngày 27/10/2015.
REUTERS/Lucas Jackson
Với 191 phiếu thuận, chỉ có 2 phiếu chống của Mỹ và Israel, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 27/10/2015, đã gần như nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu bãi bỏ cấm vận đối với Cuba. Cuộc bỏ phiếu diễn ra khoảng 3 tháng sau khi Washington và La Habana tái lập bang giao.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc được đánh giá là một thắng lợi ngoại giao của La Habana, vốn muốn Hoa Kỳ giải tỏa ngay lập tức cấm vận đã đè nặng trên Cuba từ năm 1960 đến nay. Vào năm ngoái, ngoài Mỹ và Israel bỏ phiếu chống, còn có thêm ba đảo quốc nhỏ là thành viên Liên Hiệp Quốc không bỏ phiếu : Quần đảo Marshall, Micronesia, và Palau ở Thái Bình Dương.
Nghị quyết vừa thông qua hoan nghênh việc tái lập bang giao Mỹ-Cuba và « ý muốn được nêu lên » của Tổng thống Obama là chấm dứt cấm vận mà việc gỡ bỏ hoàn toàn nằm trong tay Quốc hội Mỹ với đa số trong tay đảng Cộng hòa vốn cương quyết duy trì cấm vận.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã bày tỏ hy vọng là Quốc Hội Mỹ « thay đổi một chính sách vô ích, tàn nhẫn và bất công, dính chặt với quá khứ ». Theo ông Rodriguez, việc bãi bỏ cấm vận sẽ là « yếu tố then chốt tạo ý nghĩa cho những tiến bộ đạt được trong mấy tháng qua trong quan hệ giữa hai nước ».
Về phía Mỹ, nhà ngoại giao Ron Godard giải thích là Hoa Kỳ bỏ phiếu chống là vì văn bản đã không phản ánh đúng « các giai đoạn có ý nghĩa đã qua và tinh thần dấn thân mà ông Obama đã bảo vệ ». Theo nhân vật, còn phải mất nhiều năm kiên trì và nỗ lực của hai bên để đạt được sự bình thường hóa bang giao một cách trọn vẹn.
Từ năm 1992 đến nay, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm nào cũng đều đưa ra bỏ phiếu một nghị quyết không có tính chất ràng buộc, tố cáo cấm vận của Mỹ đối với Cuba.
Theo RFI