Tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc đã bước sang một bước ngoặt mới : ngày 29/10/2015, Tòa án Trọng tài Quốc tế tuyên bố có đủ thẩm quyền giải quyết. Sự kiện này là một đòn mới cho Bắc Kinh trên mặt trận pháp lý, dù Trung Quốc tẩy chay phiên tòa.
Trong tuyên bố đưa ra vào cuối ngày 29/10/2015, Tòa án Trọng tài Thường trực (CPA) có trụ sở tại La Haye- Hà Lan cho biết có đủ thẩm quyền giải quyết vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện với lý lẽ « tranh chấp giữa các bên liên quan trên thực tế là về chủ quyền lãnh thổ », nên CPA không có thẩm quyền. Tòa án Trọng tài Thường trực đã bác bỏ lập luận trên, khẳng định bất đồng liên quan đến « việc diễn dịch hay áp dụng » Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) được cả hai nước phê chuẩn.
Tòa án La Haye tuyên bố có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 nội dung do Philippines đệ trình. Trong đó có một số luận điểm bác bỏ việc Bắc Kinh coi một số thực thể là « đảo ». Chẳng hạn như Đá Gaven (Gaven Reefs), Đá Ken Nan (McKennan Reef), Đá Gạc Ma (Johnson Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef) và Chữ Thập (Fiery Cross Reef), bãi cạn Scarborough không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ngăn chận ngư dân Philippines đánh bắt, cho tàu kiểm ngư hoạt động một cách nguy hiểm gây nguy cơ va chạm, vi phạm các quy định bảo tồn môi trường biển.
Thẩm quyền đối với các vấn đề khác, trong đó có cáo buộc về những hành động « mưu toan chiếm hữu bất hợp pháp » sẽ được xem xét khi đi vào chiều sâu của vụ kiện. Tòa án Trọng tài Thường trực sẽ tổ chức phiên họp kín để xem xét đơn trình bày của Philippines, và phán quyết sẽ không được đưa ra trước năm 2016.
Lâu nay Trung Quốc vẫn khẳng định sẽ không tuân thủ quyết định của CPA, nhưng Philippines hy vọng một phán quyết có lợi cho Manila sẽ khiến Bắc Kinh phải nhượng bộ.
Được thành lập năm 1899, Tòa án Trọng tài Thường trực là một tổ chức liên chính phủ có chức năng giải quyết tranh chấp giữa các Nhà nước. Hai ngôn ngữ chính được sử dụng là Anh và Pháp, nhưng các bên liên quan có thể thỏa thuận thêm ngôn ngữ khác.
Theo RFI