Ủng hộ viên đảng đối lập Liên đoàn quốc gia vì dân chủ tại Rangun ngày 05/11/2015.Reuters
Ngày Chủ nhật 08/11/2015, cử tri Miến Điện sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên từ 25 năm nay, hôm nay chúng ta hãy cùng điểm qua những nét chính của cuộc bầu cử tại một quốc gia đang trên đường chuyển từ độc tài quân sự sang dân chủ.
Cuộc bầu cử ngày Chủ nhật tới có thể nói là biểu hiệu rõ rệt nhất cho thành công của tiến trình chuyển tiếp dân chủ khởi đầu từ cách đây 4 năm, với việc chế độ quân phiệt tự giải thể sau khi đã cai trị Miến Điện với bàn tay sắt trong suốt 50 năm.
Nhưng nhà đối lập Aung San Suu Kyi vẫn thường xuyên chỉ trích những hạn chế của các cải tổ do chính phủ mới tiến hành từ năm 2011. Mang tiếng là « dân sự », nhưng chính phủ này chủ yếu bao gồm các cựu tướng lãnh. Họ vẫn tìm cách bảo vệ các quyền lợi của họ, lấy cớ là phải bảo đảm cho tiến trình dân chủ diễn ra êm thắm.
Về mặt chính trị, đúng là quân đội Miến Điện vẫn có thế lực rất mạnh, bởi vì cho tới nay, một phần tư số ghế của Quốc hội vẫn được dành cho các quân nhân. Họ được tổng tư lệnh quân đội chỉ định, chứ không cần phải được dân bầu lên.
Như vậy, trong cuộc bầu cử ngày Chủ nhật tới, sẽ có những lực lượng chính trị nào tranh ba phần tư số ghế còn lại của Nghị viện mới ?
Đối lập dân chủ đấu với cựu tướng lãnh Về mặt chính thức, có đến hơn 90 chính đảng ra tranh cử lần này, trong số đó có hai đảng chủ yếu đó là Liên đoàn quốc gia vì dân chủ ( LND ) của nhà đối lập Aung San Suu Kyi và Đảng vì đoàn kết và phát triển Liên bang ( USDP ), đảng cầm quyền của các cựu tướng lãnh.
Vốn đã từng giành thắng lợi áp đảo vào năm 1990 nhưng kết quả bỏ phiếu không được chính quyền quân sự công nhận, Liên đoàn quốc gia vì dân chủ lần này cũng được dự báo là sẽ thắng cử. Bản thân bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tại một đơn vị bầu cử ở nông thôn và mỗi lần ba đi vận động tranh cử, dân chúng đều ủng hộ nồng nhiệt.
Về phía đảng đương quyền USDP thì được sự ủng hộ các nhà sư cực đoan có tư tưởng bài Hồi giáo. Nhưng cuộc tranh đua giữa hai đảng nói trên trở nên phức tạp do có sự tham gia của những đảng đại diện cho các sắc tộc thiểu số, nhất là tại các vùng biên giới. Những đảng này được dự báo là sẽ giành được những ghế dân biểu trong Quốc hội mới và như vậy là sẽ đóng vai trò đáng kể trong mọi liên minh cầm quyền sau này.
Tổng cộng sẽ có hơn 6000 ứng cử viên tranh nhau 323 ghế ở Hạ viện và 168 ghế ở Thượng viện, cũng như 652 ghế ở các hội đồng địa phương. Để có thể chiếm đa số ở cả hai viện, Liên đoàn quốc gia vì dân chủ phải thu được ít nhất 330 ghế, tức là 67% số ghế, trong khi đảng USDP chỉ cần 33% số ghế, vì họ đã sự ủng hộ của các nghị sĩ quân nhân.
Ba nhân vật sẽ quyết định tương lai Miến Điện Tương lai của Miến Điện sẽ như thế nào sau cuộc bầu cử ngày Chủ nhật tới là tùy thuộc phần lớn vào ba nhân vật chủ chốt, mà trước hết là nhà đối lập Aung San Suu Kyi, con gái của vị anh hùng dân tộc Aung San. Sau khi đã bị quản thúc tại gia tổng cộng 15 năm nay, nhà đối lập nổi tiếng của Miến Điện, năm nay đã 70 tuổi, vẫn là hiện thân cho khát vọng dân chủ của đại bộ phận người dân Miến Điện.
Sau khi du học ở nước ngoài, tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng Oxford của Anh Quốc, bà Aung San Suu Kyi thật ra không hề có ý định làm chính trị. Nhưng lịch sử đã quyết định thay cho bà. Khi trở về nước để nuôi mẹ bệnh, bà đã bị lôi cuốn vào phong trào nổi dậy của sinh viên Miến Điện thời ấy, rồi từ đó ở lại luôn để dấn thân vào con đường đấu tranh dân chủ. Trải qua nhiều phong ba bão táp, nhà đối lập từng đoạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi cuối cùng đã đắc cử một cách vẻ vang vào nghị viện Miến Điện sau cuộc bầu cử Quốc hội một phần vào năm 2012. Chính sự kiện này đã thật sự mở rộng đường cho tiến trình dân chủ hóa đất nước này.
Nhưng có thể nói là tiến trình dân chủ hóa đã không thể diễn ra nếu không có đương kim tổng thống Thein Sein, 70 tuổi. Nguyên là một tướng lãnh, ông Thein Sein đã bỏ bộ quân phục để mặc chiếc áo dân sự, sau khi đã từng là thủ tướng của chính quyền quân sự.
Từ năm 2011 đến nay, với cương vị tổng thống của một chính phủ dân sự, ông Thein Sein đã thực hiện nhiều cải cách theo hướng dân chủ hóa, nhưng vị cựu tướng lãnh này vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với quân đội. Chính ông đã tham gia thành lập Đảng vì đoàn kết và phát triển Liên bang USDP
Ông Thein Sein không tranh ghế Quốc hội lần này nhưng ông không loại trừ khả năng tranh ghế tổng thống vào đầu năm 2016 để tiếp tục nắm giữ vị trí nguyên thủ quốc gia.
Bên cạnh hai nhân vật nói trên, có một người mà ít ai nói tới, nhưng thật ra cũng có vai trò rất trọng yếu, đó là tướng Min Aung Hlaing, tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện, thường được mô tả như là người có thế lực nhất ở nước này. Quân đội Miến Điện hiện có đến hơn 500 ngàn quân, tại một đất nước chỉ khoảng hơn 50 triệu dân. Ngoài trọng lượng chính trị, quân đội Miến Điện hiện nay còn kiểm soát một số vùng nơi mà tình trạng khẩn cấp được ban hành do xung đột giữ các lực lượng phiến quân và quân đội chính phủ vẫn tiếp diễn. Chưa kể là quân đội này còn sở hữu nhiều công ty.
Nhưng giờ đây cả ba nhân vật nói trên đều phải tính đến một « nhân vật » khác, đó là nhà sư, hay nói đúng hơn là các nhà sư theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trên nguyên tắc, 500 ngàn nhà sư ở Miến Điện không được quyền đi bỏ phiếu, nhưng họ đã từng đi đầu trong phong trào phản kháng, nhất là vào năm 2007.
Từ khi Miến Điện mở cửa chính trị, một số nhà sư tiếp tục đóng một vai trò chính trị đáng kể, như trường hợp của phong trào MaBaTha, đứng đầu là nhà sư Wirathu, với chính sách bài Hồi giáo rất cực đoan. Phong trào này tuyên bố ủng hộ đảng cầm quyền USDP. Riêng nhà sư Wirathu vận động chống bà Aung San Suu Kyi, cáo buộc nhà đối lập là có lập trường thân cộng đồng Hồi giáo.
Tổ chức bầu cử rất phức tạpLần đầu tiên, các quan sát viên quốc tế được phép đến Miến Điện để giám sát cuộc bỏ phiếu. Đây là một điểm thuận lợi cho cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên từ 25 năm qua tại Miến Điện. Thế nhưng, trong một quốc gia mà bộ máy hành chính đã trở nên rệu rã, tổ chức bầu cử tự do là cực kỳ phức tạp, đặc biệt là trong việc thiết lập các danh sách cử tri.
Mặt khác, do tình hình chiến sự, cuộc bỏ phiếu đã bị hũy tại một số vùng, cụ thể là tại hàng trăm ngôi làng thuộc các bang Kachin, Shan và Karen. Ngoài ra, tại bang Rakhine ở miền Tây Miến Điện, hàng trăm ngàn người Rohingya, sắc tộc thiểu số Hồi giáo, bị cấm tham gia bỏ phiếu, do gần đây giấy căn cước của họ đã bị hũy, dưới áp lực của các nhà sư dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Hàng trăm ngàn người « lao động xuất khẩu » Miến Điện ở khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Á, đã được đi bỏ phiếu sớm, thế nhưng cuộc bầu cử cũng đã gặp rất nhiều vấn đề
Theo RFI