Dân biểu quan tâm tới tình hình nhân quyền Việt Nam, ông Chris Smith, sẽ chủ trì buổi điều trần.Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ sẽ lắng nghe ý kiến của các nhà hoạt động vì nhân quyền Việt Nam trước cuộc đối thoại về nhân quyền Việt - Mỹ.
Cuộc điều trần này sẽ do Tiểu ban đặc trách các tổ chức quốc tế, Nhân quyền, Y tế Toàn cầu và châu Phi, tiến hành vào ngày 11/4 tới đây.
Dân biểu quan tâm tới tình hình nhân quyền Việt Nam, ông Chris Smith, sẽ chủ trì buổi điều trần.
Ông Smith cho biết rằng cuộc điều trần sẽ xem xét tới tình trạng vi phạm nhân quyền, nhất là trong lĩnh vực tự do tôn giáo, quyền của người thiểu số cũng như nạn buôn người.
Ông Smith nói rằng buổi điều trần ‘sẽ nêu ra các bằng chứng thuyết phục mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần nêu lên tại cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ, dự kiến sẽ diễn ra một ngày sau đó’.
Được biết, Tiểu ban thực hiện buổi điều trần cũng sẽ bàn tới thông báo ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 của Việt Nam.
Ông Võ Văn Ái, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, có trụ sở ở Paris, là một trong những người tham gia buổi điều trần.
Ông cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông được mời thuyết trình về vấn đề đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thống nhất.
Ông Ái nói: "Đại quan, chúng tôi sẽ nói đến vấn đề đàn áp các tôn giáo ở Việt Nam, và đi vào đề tài Phật giáo. Thì tất cả những sự kiện gì mà nhà nước đã đàn áp các tôn giáo, Giáo hội Phật giáo, thì chúng tôi sẽ đưa ra chi tiết những cuộc đàn áp đó để cho thấy rằng cái sự vi phạm nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo cũng hết sức trầm trọng tại Việt Nam."
Ngoài ông Ái, các nhân chứng còn có cựu dân biểu gốc Việt đầu tiên tại Hạ viện Cao Quang Ánh, đại diện các tổ chức nhân quyền cùng một số nạn nhân buôn người và nạn nhân bị đàn áp tôn giáo.
Về việc chính quyền Hà Nội tuyên bố các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện hoạt động ở Việt Nam, ông Ái nói rằng điều đó chỉ áp dụng đối với các tổ chức tôn giáo của nhà nước.
Ông Ái cho biết: “Cái đó thì rất đúng, nhưng chỉ đúng với các tổ chức tôn giáo do nhà nước lập ra để làm công cụ chính trị cho đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam cộng sản mà thôi. Ví dụ như phật giáo thì cũng có cái gọi là giáo hội phật giáo mà quần chúng trong nước hay thường gọi là giáo hội quốc doanh hay giáo hội nhà nước. Những cái giáo hội đó được lập nên để làm chính trị chứ không phải để mà phát huy tinh thần tôn giáo đặc thù”.
Một số nhà lập pháp có ảnh hưởng trong quốc hội Mỹ thời gian qua thúc ép chính quyền của Tổng thống Obama mạnh tay hơn trước việc Hà Nội đàn áp tiếng nói bất đồng và quyền tự do tôn giáo.
Cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ thường niên, vốn được dự trù diễn ra vào cuối năm 2012, đã bị đình hoãn sau khi có dấu hiệu cho thấy Hà Nội gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến, nhất là các blogger.
Tin tức từ các hãng thông tấn cho biết rằng cuộc đối thoại này dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng tư.
Cũng giống như Washington, Việt Nam muốn tăng cường quan hệ thương mại và quốc phòng với nước cựu thù, nhưng Mỹ nói Hà Nội trước hết cần phải cải thiện nhân quyền.
Source: VOA