Cảnh sát Trung Quốc được cho là vẫn có quá nhiều quyền hạn trong hệ thống tư pháp, và kết quả là có rất ít thủ phạm của những vụ tra tấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. (Ảnh tư liệu.)
Hội Ân Xá Quốc Tế hôm thứ Năm cho biết cảnh sát Trung Quốc vẫn thường xuyên sử dụng biện pháp tra trấn để ép buộc các nghi can hình sự nhận tội, bất chấp những cải cách pháp luật và tư pháp hình sự mà Bắc Kinh thực hiện trong thời gian gần đây.
Bản phúc trình của tổ chức nhân quyền quốc tế này được dựa một phần vào những cuộc phỏng vấn với mấy mươi luật sư nhân quyền và được công bố trong lúc Liên Hiệp Quốc chuẩn bị thực hiện cuộc duyệt xét thường kỳ về vấn đề tra tấn ở Trung Quốc.
Ông Patrick Poon, một nhà nghiên cứu Trung Quốc của Hội Ân Xá Quốc Tế, nói: "Đối với cảnh sát, lấy được lời nhận tội vẫn là cách dễ nhất để bảo đảm là bị cáo bị kết án."
Theo Hội Ân Xá Quốc Tế, những cách tra tấn ở Trung Quốc bao gồm đánh đập, không cho ngủ, đặt nạn nhân trong tư thế gây đau đớn trong thời gian dài, và không cho ăn, uống, hay chữa bệnh.
Từ năm 2010, Trung Quốc đã ban hành nhiều qui định hướng dẫn mà họ nói là đã làm giảm được nạn tra tấn, bao gồm những luật lệ cấm chỉ hành vi tra tấn.
Hội Ân Xá Quốc Tế nói những biện pháp đó không hữu hiệu, một phần là vì các toà án có nhiệm vụ trừng phạt những hành vi như vậy bị kiểm soát bởi Đảng Cộng Sản đương quyền.
Bản phúc trình cho biết: "Cảnh sát Trung Quốc vẫn có quá nhiều quyền hạn trong hệ thống tư pháp, và kết quả là có rất ít thủ phạm của những vụ tra tấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật."
Bắc Kinh chưa bình luận về bản phúc trình này. Trung Quốc lâu nay vẫn thường đả kích những kết luận của các tổ chức nhân quyền quốc tế là có thiên kiến, không chính xác và thiếu thoả đáng.
Tuần tới, hồ sơ Trung Quốc sẽ được duyệt xét bởi Công ước Liên Hiệp Quốc Chống Tra tấn, một uỷ ban gồm các chuyên gia quốc tế có nhiệm vụ xác định các nước ký kết công ước có chu toàn nghĩa vụ hay không.
Theo VOA