Lần cuối cùng Miến Điện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được cho là tự do vào năm 1990, tôi lúc ấy chỉ là đứa bé mới đi chập chững. Nhưng, giống như những người khác cùng thế hệ, tôi lớn lên với tác động của những gì đã xảy ra sau đấy: các cuộc biểu tình bị đàn áp dữ dội; chính quyền quân sự hoàn toàn chẳng đếm xỉa đến kết quả bầu cử ấy.
Suốt cuộc đời mình tôi đã nghe kể đi kể lại những chuyện này. Chúng tồn tại trong ký ức tôi như những oan hồn trong ngôi nhà ma. Vì vậy chẳng lạ gì khi tôi không thể nào ngủ ngon giấc vào đêm trước Ngày Bầu cử. Tôi thức khuya để xem các video hướng dẫn cách đóng dấu lên lá phiếu cho đúng.
Vào khoảng sáu giờ sáng, tôi thức dậy và nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi thấy người ta đã đứng xếp những hàng dài rồi trước một trong những phòng phiếu gần đấy. Là nhà làm phim, cho nên tôi chụp lấy máy quay và bắt đầu quay qua cửa sổ. Chắc phải độ 200 người nhưng trông rất ôn hòa. Người thì trò chuyện vui vẻ với bạn bè. Kẻ thì chỉ đứng yên mỉm cười lặng lẽ. Tôi tin đôi khi lịch sử diễn ra êm thắm.
Dòng người di chuyển chậm chạp tại nơi tôi bỏ phiếu ở San Chaung. Tôi bị kẹp giữa vài người trẻ hơn mình và một gia đình. Chúng tôi không trò chuyện. Chúng tôi liếc nhìn nhau với cùng nét mặt: “Thật không ngờ có ngày hôm nay.” Người tôi nổi da gà. Hai bà cụ chắc ngoài tám mươi chống gậy bước đi cẩn thận ra khỏi quầy bỏ phiếu. Tôi lặng người xúc động. Điện thoại tôi không có emoji để thể hiện bao vui buồn lẫn lộn này trong lòng.
Ngay khi mực trên ngón tay út tôi vừa khô, tôi liền đi đến Tha Na Pin, một thành phố ở Bago, để ủng hộ cha tôi đang tranh cử ở đấy với tư cách ứng cử viên NLD. Ngày Bầu cử quả thật là ngày trọng đại vì không có kẹt xe trên đường phố Yangon. Chuyến đi nhanh hơn thường lệ. Phần vì tôi hoàn toàn chăm chú vào những cập nhật trên Facebook của bạn bè trên khắp cả nước để chia sẻ kinh nghiệm đi bầu của họ. Và phần vì người tài xế cũng vội vàng. “Không ai được đi tiểu nhé! Tôi sẽ chạy thật nhanh! Tôi vẫn chưa đi bầu!”
Tôi đến mười hai phòng phiếu ở Tha Nat Pin và những làng gần đấy dọc theo sông. Cảnh tượng giống như ở Yangon. Những hàng dài những cử tri rất trật tự và kiên nhẫn. Các thầy giáo hăng hái phụ trách toàn bộ quá trình bầu cử. Những cử tri hãnh diện khoe những ngón tay út mới dính mực của họ trước ống kính của tôi. Trích lời của nhà thơ huyền thoại Ice Cube: “Tôi không thể nào tin được, hôm nay là ngày tốt.”
Xế chiều, chúng tôi ghé thăm bà tôi. Bà đã 87 tuổi và rất yếu. Bà đứng không vững. Bà nói năng khó khăn. Tay bà lạnh lẽo. Lúc tôi chào bà, bà nhìn tôi chòng chọc không biểu lộ cảm xúc gì. Lần trước tôi đến thăm bà chỉ cách đây vài năm thôi. Lúc ấy bà còn khỏe. Và bà đã vui mừng khi thấy tôi. Bây giờ bà không còn nhận ra tôi nữa. Nhưng bà đã bỏ phiếu.
Nói rằng tôi đã chờ suốt đời để được bỏ phiếu là nói láo. Tôi đã không bao giờ chờ đợi. Thực sự tôi đã không bao giờ nghĩ tôi sẽ có cơ hội đi bầu. Điều này xảy ra khi ta lớn lên dưới chế độ áp bức. Ta mất hy vọng.
Ngày 8 tháng Mười Một là ngày mà hy vọng của nhiều người Miến Điện thành hiện thực. Giờ đây, chúng tôi nhìn về phía trước để xây dựng tương lai mới. Thật không dễ dàng gì. Chúng tôi phải đối phó với rất nhiều thử thách nhưng chúng tôi phấn khởi. Chúng tôi tin chuyện gì chúng tôi cũng có thể làm được. Chúng tôi đã bỏ phiếu và chúng tôi cảm thấy hân hoan sung sướng.
Lamin Oo
Trần Quốc Việt dịch
___________
* Lamin Oo là nhà làm phim người Miến Điện từng đoạt giải thưởng.
Nguồn: Từ trang mạng Coconuts Yangon ngày 9/11/2015. Tựa đề của người dịch. Tựa đề tiếng Anh “‘Quote words legendary poet Ice Cube: I can’t believe, today was a good day’”
http://yangon.coconuts.c...lieve-today-was-good-day