Linda Lê và một nữ tác giả khác trong phần phỏng vấn trên đài phát thanh.
Bà Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt, đến năm 1969 thì cả nhà vào Sài Gòn. Họ di cư sang Pháp năm 1977 và từ năm 18 tuổi thì bà lên thủ đô Paris học đại học danh tiếng Sorbonne. Vì được theo học trường Pháp từ thuở nhỏ cho đến hết bậc trung học nên Linda Lê nắm vững tiếng Pháp khi bà ghi tên lớp dự bị văn chương tại trung học Henri IV trước khi vào đại học. Cha của bà là một viên kỹ sư gốc người miền Bắc và mẹ thuộc gia đình giàu có mang quốc tịch Pháp từ lâu tại Việt Nam. Trường trung học Henri IV là một trường trung học nổi tiếng trong 3 trường bậc nhất ở thủ đô (cùng với Louis le Grand, Saint Louis) tạo thành tam giác núi Sainte-Geneviève. Trường này cũng chia làm 2 loại đệ nhất (collège) và đệ nhị cấp (lycée) nhưng kèm thêm nhiều lớp học dự bị thi vào đại học sư phạm dành cho sinh viên. Bà Linda Lê đã được đào tạo trong một môi trường tốt đẹp nên về sau khi bà trở thành văn sĩ thì điều này là hợp lý với tài năng riêng biệt kèm theo. Bà đã viết nhiều quyển sách và lãnh một số giải thưởng văn chương như Có Khiếu (Vocation, 1990), Truyện ngắn phục sinh (Renaissance de la nouvelle, 1993), Fénéon (1997), Wepler (2010), Renaudot cho sách bỏ túi năm 2010
Bà có một lối sống kín đáo và tránh xa những phương tiện truyền thông hiếu kỳ, như loài gấu đào hang ở riêng vậy. Ngoài nghề nghiệp viết văn, bà còn là nhà phê bình và giới thiệu tài năng văn chương cho tờ Văn Học (Magazine Littéraire). Đây là một nguyệt san ra hàng tháng kể từ năm 1966 dành cho các quyển sách và những tác giả viết văn. Năm 2006 bà viết lời tựa và giới thiệu gần như toàn thể bộ sách của nhà văn viết truyện bằng tiếng Pháp gốc người Roumanie tên là Panạt Istrati. Ông này là một nhà văn nghèo nhưng tinh thần nhân đạo và yêu thương quả đất vượt xa cả khối dân trí thức hay giàu có mang chung đặc tính ích kỷ, theo các nhà phê bình văn học viết về ông. Theo tôi nghĩ, bà Linda Lê đã chọn ông để viết lời giới thiệu cho nhà xuất bản sách mang tên Phébus vì bà có sự đồng cảm tốt đẹp với triết lý nhân sinh do ông trình bày trong các quyển sách. Ông này sinh vào cuối thế kỷ thứ 19 (1884) và mất vào thế kỷ 20 (1935).
Trở lại với cá nhân nhà văn nữ gốc Việt năm nay 52 tuổi. Bà được xem là một nhà văn thuộc vùng đất xưa nói tiếng Pháp (Francophone, thuộc địa Pháp là VN) thành công trong nghề mưu sinh viết tiểu thuyết một cách trầm lặng. Phong cách có phần hơi cổ điển như là thừa kế từ thế kỷ thứ 17 do tính chất phân tích mạnh mẽ và khoảng cách ít diễn tả giữa tác giả viết văn và người đọc. Có nhà phê bình còn cho rằng sách của Linda Lê là một thứ văn chương khổng lồ ca tụng phát ra từ người quá cố mà mỗi phần riêng biệt là phản ảnh của phần khác với một sự sáng suốt càng lúc càng sắc bén và trở nên ôn hòa hơn nữa.
Đối với người Pháp, bà vẫn được xem là ít được biết tới dù có khá nhiều giải thưởng. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài France Culture, bà Linda Lê cho biết từ nhỏ bà rất thích xem báo và học tiếng Pháp lúc lên 4 tuổi! Thật đặc biệt quá sớm cho một đứa bé gái, nhưng bà rất yêu những cuốn từ điển Pháp và học thuộc lòng nhiều câu, nhiều chữ trong đó. Ngày xưa, khi còn bé chúng tôi cũng mê thích đọc sách tiếng Việt, còn Linda Lê thì như là số kiếp đã định sẵn bà lại say mê tiếng người lạ, xứ đã đô hộ chúng ta. Tại sao không? Niềm say mê này đã thành sự thật khi bà và mẹ cùng nhiều chị em đi Pháp để ông bố ở lại vì ông đã chọn lựa sự phân ly. Bà diễn tả nỗi niềm xúc cảm tột bậc khi biết mình sẽ đặt chân lên đất nước mình đã mơ đến từ thuở nhỏ.
Khi được hỏi vì sao bà lại viết văn thì Linda cho rằng đó là sự mạo hiểm, một thôi thúc cần phải làm do tấm lòng yêu thích chữ nghĩa từ thời còn thơ ấu. Sách của bà viết thường thấm đậm một màu đen ảm đạm nhưng khuynh hướng này cũng đang dần dần thay đổi để đi qua một vùng sáng sủa hơn, vui vẻ hơn. Linda Lê biết rằng màu sắc buồn bã này có thể đến từ bối cảnh chiến tranh kinh hoàng tại Việt Nam, từ sự bỏ nước ra đi sau 2 năm sống trong chế độ cộng sản thất đức. Bà còn nhớ rõ những cái đuôi người dài ngoằn xếp hàng để mua thức ăn bị hạn chế ngay sau năm 1975 khi cộng sản đã chiếm được miền Nam.
Đặc biệt, bà đã xóa bỏ 3 quyển sách trong số các quyển sách bà đã viết và được in ra. Theo bà, những quyển sách đó thiếu phần hay ho, thiếu cái gu mạo hiểm và thử thách. Khi được hỏi về ý định quyết tâm không bao giờ có con qua một cuốn sách viết với chủ đề đó, bà cho biết vì sự vắng mặt của người cha trong đời bà đã in dấu ấn quá mạnh vào tâm trí làm bà đau khổ nên bà đã nhất quyết chọn giải pháp này dù cho ông chồng có muốn đi nữa cũng không được. Bà không hề hối tiếc quyết định này, mà còn tiết lộ với nữ ký giả truyền thanh rằng bà có một đứa con trai «ảo» qua văn chương chữ nghĩa khi bà vẫn trò chuyện hàng ngày với nó! Một yếu tố tâm lý thật lạ lùng, có thể để bù lại sự thiếu vắng một đứa trẻ có hình hài xương thịt thật sự ngoài đời.
Trong một cuộc giới thiệu khác cũng qua đài phát thanh, bà đọc một phần trích trong quyển sách mang tên “Les oeuvres vives” (Những câu chuyện sống động). Tỉnh Le Havre, vùng đất ven biển Manche, là một trong những thành phố ít ô nhiễm nhất nước Pháp với khoảng 150.000 người dân, đã là nơi sinh sống đầu tiên của Linda Lê nên nó xuất hiện nhiều trong sách viết của bà. Tuy nhiên, nét buồn cố hữu ảm đạm của tác giả vẫn hiện rõ lên khi tôi nghe những đoạn văn bà đọc. Ôi, nỗi buồn xa xứ. Nỗi buồn của những người khách lạ sống đời di tản nơi xứ người, dù bà có yêu thích văn chương Pháp đến mấy đi nữa! Những vũng tối u ám hiện lên khi trời nhá nhem nơi thành phố biển lạnh lùng và hầu như vô nghĩa đối với bà, những con đường nhạt nhẽo với mấy hàng cây đứng lãnh đạm, bầu không khí lắng đọng bình yên lắm nhưng cứ toát ra vẻ gì như ít thân thiện với bà. Là người Việt sống trên đất Pháp, tôi vô cùng thông cảm với đoạn văn đọc bởi Linda Lê. Đã vậy, thị trấn biển xanh cát trắng mùa hè nước cũng vẫn lạnh không cho phép ta nhảy xuống vẫy vùng như ở Cấp (Vũng Tàu). Nó lại bị đe dọa liên miên bởi lũ lụt, bão bùng, nhất là với tai nạn toàn cầu bị sưởi ấm quá độ thì tỉnh Le Havre sẽ lãnh đủ thêm nhiều sự hư hao tài sản đáng kể.
Sách của Linda Lê được dịch ra tiếng Anh, tiếng Hòa Lan và tiếng Tây Ban Nha. Ba cuốn sách đã bị chính bà xóa đi trong toàn bộ văn chương nhà nghề là Un si tendre vampire, “ Một con ma cà rồng thật hiền dịu “, ra mắt năm 1986, cuốn thứ 2 là Fuir, “Trốn chạy”, năm 1987, và cuốn thứ ba là Solo, “Cô đơn”, 1988. Phần văn bản còn lại lên đến 20 cuốn sách, thật là một nhà văn nữ sản xuất rất phong phú! Gần như bà ra mắt 1 cuốn sách hàng năm. Giống như nhiều nơi trên thế giới, các nhà văn sinh sống bằng cách gián tiếp sản xuất sách do chính tay mình viết đếm đầu ngón tay. Chỉ có những người trội bật thường được giải thưởng văn chương nội địa, rồi sách dần dần có tiếng và được dịch ra bán chạy trên thế giới mới có thể sinh sống với nghề này. Linda Lê là một trong những trường hợp đặc biệt với ghi chép trong tiểu sử nghề nghiệp của bà là “văn sĩ” chính hiệu Pháp quốc.
Nguyễn Thị Ngọc Diễm