Giải “Mâm xôi vàng” (Golden Raspberry Awards hay Razzies) là một giải thưởng Điện ảnh do John Wilson lập ra năm 1980 với mục đích làm giải thưởng Điện ảnh ngược với giải Oscar, theo đó giải “Mâm xôi vàng” sẽ được trao cho những tác phẩm điện ảnh, các vai diễn và các hạng mục khác liên quan đến điện ảnh được coi là dở nhất trong năm của Điện ảnh Hoa Kỳ. Trong tiếng Anh, “Raspberry” còn là từ thân mật để chỉ tiếng tặc lưỡi hay bĩu môi (như âm thanh khi trung tiện), tỏ ý chế nhạo hoặc khinh miệt.” (Theo Wikipedia).
Nền điện ảnh Việt Nam không thể so sánh với điện ảnh Hoa Kỳ. Không có giải Oscar, không có giải “Mâm xôi vàng” nhưng có những sự thật khốc liệt với những phận người vô cùng đặc biệt mà nếu được dựng thành phim, người Mỹ có lẽ rất sửng sốt.
Đặt giả thiết có một bộ phim mang tên: “Ngài X, Đoàn Văn Vươn và những người bạn”. Trong phim này, nhân vật trung tâm là ngài X - chủ một “Tập đoàn quyền lực” đang có tham vọng chen chân vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và kiếm điểm trong cuộc đối thoại Nhân quyền sắp tới với “tên đế quốc sừng sỏ” Hoa Kỳ nhằm có được những quyền lợi mà ngài muốn. Nhân vật chính của phim là ông Đoàn Văn Vươn và những vai phụ là những người yêu công lý, trong đó có cả tôi, tác giả bài viết này, gọi chung là những người bạn của Đoàn Văn Vươn. Chúng ta hãy xem những ngày vừa qua, ngài X và “tập đoàn quyền lực” đã diễn bài Nhân quyền trong cuốn phim “Ngài X, Đoàn Văn Vươn và những người bạn” như thế nào để xét tặng cho ngài giải Oscar hay giải Mâm xôi vàng nhé?
Đoàn Văn Vươn là một kỹ sư nông nghiệp. Từ nhiều năm trước, ông đã thực hiện việc quai đê lấn biển để nuôi trồng thủy sản. “Ông khởi nghiệp bằng việc bán tài sản, vay mượn bạn bè, người thân và ngân hàng, chịu nhiều thiệt hại mất mát trong quá trình lấn biển. Đau đớn nhất là cái chết của con gái đầu tám tuổi bị rơi xuống cống chết đuối trong một lần theo bố mẹ ra đầm”. (Theo Chất lượng Việt Nam/Bách khoa toàn thư mở).
Tất cả những thành quả mồ hôi, xương máu của ông trong một khoảnh khắc đã trở thành tan hoang, mây khói. Vợ chồng ông Đoàn Văn Vươn và các anh em khác của ông đã trở thành nạn nhân của một chính sách sai lầm, một âm mưu ăn cướp có hệ thống và kết quả là gia đình ông bị dồn đến bước đường cùng, bị cướp tài sản và bị đi tù với một thứ tội danh thật rùng rợn: Giết người - dù không có một ai bị chết.
Khi sự việc Đoàn Văn Vươn bùng nổ, ngài X đã ra một thông báo “Kết luận về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng” và ngài khẳng định: “UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã có những sai phạm trong giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn…”. Chi tiết hài hước và có thể coi như đắt giá nhất là Tòa án Hải Phòng đã chống lại kết luận trước đó của ngài X để rồi nạn nhân, người bị hại phải nhận hình phạt 5 năm tù giam.
Ba người anh em khác của ông Vươn lần lượt nhận các mức án tù về tội danh “Giết người”, cụ thể:
Ông Đoàn Văn Quý: 5 năm tù giam
Ông Đoàn Văn Sịnh: 3 năm 6 tháng tù giam
Ông Đoàn Văn Vệ: 2 năm tù giam.
Bà Phạm Thị Báu:18 tháng tù treo, thử thách 36 tháng.
Bà Nguyễn Thị Thương: 15 tháng tù treo, thử thách 30 tháng.
Trong khi đó, Lê Văn Hiền, Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan, những quan chức cộng sản, thủ phạm chính gây ra bi kịch Đoàn Văn Vươn chỉ bị tuyên 15 đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Quan chức duy nhất không được hưởng án treo như đồng sự là ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên phó chủ tịch huyện Tiên Lãng, người từng phản đối việc cưỡng chế đất của gia đình Đoàn Văn Vươn, bị kết án 30 tháng tù giam. Nếu tinh ý, có thể thấy trang phục của các bị cáo cũng có sự khác biệt. Anh em họ Đoàn khi ra tòa phải mặc đồng phục của Trại tạm giam còn các quan chức được mặc comple, quần âu áo sơ mi “đóng thùng” rất lịch sự.
Hành động của Tòa án HP chẳng khác nào đưa ngài X - sếp lớn của họ - rơi vào thế “việt vị” nếu phân tích theo ngôn từ của Luật bóng đá. Miêu tả đúng bản chất sự việc thì đây là sự vận hành của một bộ máy yếu kém và giả dối. Nhận xét theo góc nhìn điện ảnh thì ngài X và cả bộ sậu của ngài đã không chuẩn bị kỹ từ khâu kịch bản. Kết quả là các vai diễn đã trở nên lố bịch, diễn viên đi lại lộn xộn, va mặt vào nhau trước ống kính máy quay. Mặc dù được thông báo đây là một “phiên tòa công khai”, nhưng ngay từ nhiều ngày trước đó, chiếc mặt nạ Nhân quyền đã bị đế giầy của công an dẫm nát. Bạn bè, người thân của ông Đoàn Văn Vươn, những người quan tâm muốn kéo đến tòa án Hải Phòng để theo dõi phiên xử đều bị lực lượng an ninh ngăn cản. Trước phiên xử Đoàn Văn Vươn gần một tuần, nhà riêng của tôi cũng bị công an bao vây canh gác. Trong vòng bốn ngày, tôi bị chính quyền địa phương triệu tập hai lần (ngày 28.3 và 1.4.2013). Chưa kể giữa đêm khuya họ đập của đòi vào nhà “kiểm tra hộ khẩu”.
Ngay từ sáng sớm ngày 2 tháng 4, Hải Phòng chìm trong một bầu không khí sặc mùi khủng bố. Mộ số xe khách chở bà con dân oan đến phiên tòa để ủng hộ ông Đoàn Văn Vươn đã bị chặn ngay tại cửa ngõ vào thành phố. Nhiều người bị xua đuổi, thậm chí bị đàn áp, đánh đập, bắt giữ hàng giờ đồng hồ khi tìm cách tiến đến khu vực Tòa án. Trong số những người bị bắt giữ có bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Trương Dũng, ông Nguyễn Chí Đức, một số bạn trẻ khác. Nghiêm trọng nhất, ông Trương Dũng đã bị những kẻ “bảo vệ phiên tòa” đánh đập dã man đến nỗi phải nhập viện. Trong lúc ông Trương Dũng nhập viện, rất nhiều công an (cả sắc phục lẫn thường phục), dân phòng canh gác bên ngoài, gây khó khăn cho việc chữa trị cũng như việc thăm hỏi ông Dũng. Theo thông tin được lan truyền trên mạng xã hội, trưa hôm sau ông Dũng đã bị… quẳng ra bến xe buộc phải trở về Hà Nội trong tình trạng vô cùng đau đớn và hoàn toàn bị cô lập bởi điện thoại của ông đã bị tước mất.
Việc bắt bớ và phong tỏa không chỉ diễn ra quanh khu vực Tòa án. Hàng chục công an (đa số mặc thường phục) được trang bị cả xe cảnh sát, máy bộ đàm cầm tay đổ bộ tới khu vực nhà tôi nhằm ngăn cản những người bạn từ phiên tòa ghé thăm tôi vốn đang bị tù tại gia. Một số phương tiện giao thông như ôtô, xe taxi đều không được phép đi vào khu vực này. Sáng ngày mùng 2 tháng 4, hai anh Ngô Nhật Đăng và Nguyễn Lân Thắng bị bắt ngay đầu ngõ. Chiều cùng ngày, hai người khác là ông Đỗ Viết Kết và anh Nguyễn Việt Hưng cũng bị bắt ngay tại cổng. Cả bốn người đều không thể vào nhà và bị bắt với cùng một lý do dám “đến thăm người từng bị đi tù và đang bị quản chế”. Họ chỉ được thả khi đã chịu thẩm vấn hàng giờ đồng hồ tại trụ sở công an phường Đông Hải 1, quận Hải An.
Nạn nhân tiếp theo là Nguyễn Hoàng Vi, một blogger rất nổi tiếng. Cô là một trong bẩy phụ nữ được Tổ chức IFEX vinh danh vì đã có những “nỗ lực tranh đấu cho Quyền tự do phát biểu” và là người đứng đầu trong bản Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do. Có khoảng hai chục công an chờ sẵn ngoài cổng và bắt Hoàng Vi đi trong khi một toán khác dùng vũ lực đẩy tôi vào nhà. Một người trong số đó đã đe dọa hành hung tôi đồng thời hắn buông những lời chửi rủa rất tục tĩu, giơ tay cướp máy chụp hình nhưng không thành. Trong quá trình chịu thẩm vấn tại đồn công an, Hoàng Vi đã bị “tịch thu” thánh giá, thu máy điện thoại và một số đồ dùng khác.
Như vậy chỉ trong vòng hai ngày, đã có năm người bị bắt chỉ vì tới thăm tôi. Khi tôi gõ những con chữ này thì vừa hay tin anh Nguyễn Chí Đức, (người từng bị bắt giữ hôm mùng 2 tháng 4) bị đánh trọng thương phải nhập viện. Trên các mạng xã hội, nhiều người không ngần ngại khẳng định thủ phạm gây ra vụ việc là mật vụ cộng sản. Chí Đức là một người khá nổi tiếng không chỉ vì lá đơn xin ra khỏi đảng. Hình ảnh anh hứng trọn một cú đạp vào mặt khi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược hồi năm 2011 được loan tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Người công an tên Minh vì "thành tích" này cũng trở nên nổi tiếng.
Đã hai tuần liên tiếp tôi không thể ra khỏi nhà, cũng không ai được tới thăm. Một người hàng xóm mua đồ ăn sáng cho tôi đã bị công an chặn lại với câu hỏi đầy đe dọa: “có muốn ra phường ngồi không?”. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi ở một mình trong tình trạng hoàn toàn bị cô lập, khủng bố nhiều ngày?
Câu chuyện về một gia đình có tới ba cha con là những nhà hoạt động nhân quyền trở thành nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền trầm trọng: Gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn. Con gái út của ông, cô Huỳnh Khánh Vy mới sinh nở liên tục bị đe dọa, gây khó khăn trong cuộc sống và trong công việc chỉ vì là “con gái của một nhà bất đồng chính kiến”. Con trai ông, anh Huỳnh Trọng Hiếu bị cấm xuất cảnh ngoài lý do trên còn vì những bài viết thể hiện quan điểm trái với đảng cộng sản. Sự việc trở nên tồi tệ khi nửa đêm ngày 3 tháng 4, những kẻ lạ mặt đã ném chất bẩn vào nhà ông. Trong bài viết tường trình lại sự việc trên, Huỳnh Thục Vy, con gái cả của nhà văn đồng thời là một nhân vật tranh đấu rất nổi tiếng đã khẳng định đây là “trò bẩn của an ninh cộng sản”.
Không biết ngài X và “Tập đoàn quyền lực” của ngài có giành được ưu thế trong cuộc Đối thoại Nhân quyền sắp tới với Hoa Kỳ và thực hiện được ước mơ trở thành thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hay không? Nhưng xem ra, vai diễn Nhân quyền của ngài đã quá vụng về, chỉ xứng với giải Mâm Xôi Vàng mà thôi. Thành thật chia buồn cùng ngài X!
Tác giả: Phạm Thanh Nghiên