Tôi dọn nhà, dư một cái tủ lạnh còn tốt. Một người quen ngỏ ý muốn lấy dùng nên nhờ một người mover chuyên nghiệp tới lấy giùm. Buổi chiều vào thu bầu trời lãng đãng mây xám, chiếc xe vận tải to đùng de vào drive way nhà tôi rồi đậu hẳn lại, máy vẫn nổ. Tôi đoán là người và xe mà tôi đang chờ nên sốt sắng hỏi: “Anh đến chở tủ lạnh, phải không?” Người đàn ông tầm thước, vóc vạc đậm đà, đội cái nón lưỡi trai che hết tóc khiến rất khó đoán tuổi, bước xuống xe và trả lời ngắn gọn bằng cái gật đầu.
Trái với ý nghĩ của tôi, ông không vội vàng hỏi chỗ để cái tủ lạnh mà lúi húi thả cái bửng phía sau xe xuống. Ðây là thao tác bình thường của người mover để chiếc xe sẵn sàng đón nhận đồ đạc chuyển lên. Tôi sẽ không ngạc nhiên lâu nếu không thấy ông cứ lúi húi mãi ở chỗ đó. Nhìn kỹ, tôi thấy ông đang điều chỉnh hai cái kềm vặn bù loong cỡ vừa, dùng như cái khóa để giữ yên một bộ phận nào đó trên tấm bửng. Khi vừa ý rồi, ông bấm nút cho tấm bửng hạ sát xuống nền xi măng. Xong xuôi, ông mới hỏi tới tủ lạnh. Tôi buột miệng khen ông có tài vá víu chỗ khuyết điểm của chiếc xe. Ông chỉ cười yên lặng đáp lại rồi đẩy cái dolly vào gara. Thấy ông làm việc nhanh nhẹn, gọn ghẽ, tôi lại buột miệng khen ông lần nữa và nói sẽ nhờ ông nếu có lúc nào cần di chuyển đồ đạc. Khi ông đẩy cái tủ lạnh lên tấm bửng và bấm nút để tấm bửng đưa cái tủ lên ngang lòng xe, tôi hơi có chút tò mò, muốn đợi xem tấm bửng được “chữa chạy” một cách thủ công nghiệp như đã thấy, liệu có vận hành đúng mức không? Công việc êm xuôi, trót lọt, an toàn, khiến tôi thở phào.
Câu chuyện lúc chia tay cho tôi biết trước khi định cư ở Mỹ, ông tốt nghiệp Ðại Học Bách Khoa Phú Thọ, ngành kỹ sư cơ khí (hèn gì ông sử dụng mấy cái kềm vặn bù loong - clé à mollette - dễ dàng và hiệu quả như cô thiếu nữ kẹp hai cái kẹp lên tóc.) Ông nói: “Ðến đây hơi chậm, kiến thức bên nhà chẳng dùng được vào việc gì, mọi thứ up side down hết, bạn bè mỗi người bày biểu một cách, tôi hoang mang nhưng nhận thức rõ phải tự mình tìm một hướng đi phù hợp với hoàn cảnh riêng. Tôi vào Santa Ana College, ghi danh lớp counselling, định làm công việc hướng dẫn sinh viên chọn ngành học nhưng thấy con đường dài quá mà trách nhiệm với gia đình thì nặng nên học vừa đủ để tự hướng dẫn mình và hai đứa con thôi rồi nhào ra đi tìm việc làm. Chợ búa, môi giới nhà cửa, thứ nào cũng đa đoan nên cuối cùng tôi chọn dịch vụ dọn nhà, có lẽ thích hợp hơn cả vì xã hội Mỹ nhiều nhu cầu thay đổi và công việc này không cần vốn lớn để khởi đầu. Mua cái xe làm phương tiện, có thể cũng bị lỗ, mất tiền, nhưng mất chậm và mình thì có việc làm, ít nhất có đồng tiền vô ra lo được cho hai đứa con ăn học. Cảm ơn Trời, hai cháu nay đang học Nha khoa, sắp ra trường.
Ngưng một chút, ông nói tiếp: “Nhiều người nói không có Anh văn, không làm gì được. Tôi tự nhủ vậy mấy người Mỹ vô gia cư đứng đầu đường cầm tấm bảng xin tiền, Anh văn giỏi biết mấy, sao họ vẫn không đi làm? Cho nên Anh văn chỉ là một điều kiện, không phải tất cả và không đóng hết mọi cánh cửa với mình. Tôi bình tĩnh trước cuộc sống mới, dồn tâm lực giúp và khuyến khích các cháu học hành, bản thân thì đón nhận mọi cơ hội lớn nhỏ tới trong tầm tay nhưng không ngừng dò dẫm thử thách cơ hội mới. Tôi an lòng với cách đánh giá không nệ bằng cấp khoa bảng, chỉ cần nhiệt tình và chuyên môn nên làm gì cũng không ngại. Tuy nhiên, đó là chuyện hội nhập thực tiễn của một người không có may mắn được chuẩn bị cho cuộc sống mình tình cờ bước vô nhưng với thế hệ con cái mình thì tôi luôn nói với hai cháu: “Các con sống ở Mỹ, có điều kiện tốt, nên ráng học kẻo uổng phí.” Các cháu hỏi lại: “Ba nói rõ hơn được không? Ðiều kiện tốt là sao, trừu tượng quá đối với tụi con.” Tôi kiên nhẫn cắt nghĩa cho chúng: “Ba lớn lên khi đất nước chìm đắm trong khó khăn, ban ngày vừa học vừa phụ gia đình việc này việc kia, ban đêm cần bù đắp thì nhà không có ngọn đèn điện để học. Ba phải ôm tập vở ra ngồi dưới cột đèn đường mà cũng đâu có sáng đủ, lại tít trên cao, phải nghiêng ngó mới thấy được chữ. Ấy là khi đó ba còn trẻ, có sức khỏe. Các con ở đây, từ trường lớp tới học cụ, cái gì cũng tân tiến, cũng dồi dào, chỉ cần các con lập chí là thành công. Chưa hết, nhà trường còn cho các con lựa chọn nhiều môn học, môn để làm sinh kế, kiếm tiền; môn để thỏa mơ ước riêng. Các con không bị ép buộc mặt nào cả, ba gọi những thuận lợi đó là điều kiện để các con có một căn bản giáo dục toàn thiện, có đúng không?”
Tôi ngây người nghe ông nói, nhận ra rằng cái vốn bách khoa ông mang theo không hoàn toàn vô dụng. Nếu nó không giúp ông nhận được một công việc văn phòng nhẹ nhàng (nhưng bó buộc) nó đã cho ông khả năng nhận định, phân tích, lý giải mọi việc, dẫn ông tới những lựa chọn giúp ông có sự hài lòng trong cuộc sống mà nếu thiếu những khả năng nói trên, có lẽ ông đã trôi nổi theo cuộc đổi đời kinh khủng trên chặng đường di tản, nói chi tới vai trò làm người hoa tiêu lèo lái con thuyền gia đình tới bến bờ an vui như hiện nay.
Nói về người bạn đời của mình, ông cười hồn nhiên: “Bà xã tôi không hiểu sao, tiến bộ nhanh lắm. Bà làm công việc nào cũng thành công dễ dàng, từ bưu điện qua medical billing, v.v... trước khi ổn định với công việc hiện nay ở trường Santa Ana College.” Trong cách nói khen tặng người bạn đời một cách khách quan, vui vẻ của ông, thoáng chút tự tin, biết rằng thái độ ứng xử trầm tĩnh, khôn ngoan và sáng suốt của chính ông đã là một yếu tố vững chãi làm bệ phóng cho bà cất cánh trong cuộc sống mới.
Tôi cảm ơn duyên may có dịp gặp gỡ ông T. để được nghe ông kể câu chuyện thật lý thú vừa rồi. Những chương trình giúp người di dân tới Hoa Kỳ hội nhập tốt đẹp vào xã hội họ chọn định cư nên mời những nhân vật có nhãn quan tích cực như ông T. để con đường họ đi bớt gập ghềnh, ngay cả thoang thoảng thơm hương hoa hồng trong giấc ngủ giữa những ca làm để chu toàn nợ cơm áo.
Riêng tôi, cảm ơn ông đã cho tôi thêm một minh chứng điều tôi thường nghĩ và thường tiếc vì con người tuy sống gần gũi, hàng ngày chạm mặt nhau, thở chung một bầu không khí nhưng dường như chúng ta chỉ đi bên cạnh nhau trong sự lãnh đạm không một chút quan tâm (có khi tệ hơn với ngộ nhận chủ quan) cho đến khi một biến cố dữ xảy ra, “unveiled” những bức tượng người và cho chúng một linh hồn để chợt biết xót thương.
Bùi Bích Hà