Mùa trắc trở lại về. Thời tiết trở lạnh. Mưa thưa trên hàng cây vàng úa đứng bên đường buồn bã. Chiếc lá xa cành dán trên kính xe vụt bay theo gió mưa như báo hiệu mùa lễ Tạ ơn và Giáng sinh đã về. Không gian chơi vơi làm lòng tôi chùng xuống với những đoạn đời đã đi qua: tuổi thơ và chiến tranh, hòa bình miễn cưỡng, những cuộc vượt thoát không thành, tấm chăn đắp tả tơi của người tù trước cho lại trong trại nhốt tù vượt biên; Nhớ cả miếng cơm cháy do người giấu mặt đặt dưới gối nằm, làm tôi thao thức tới sáng, trằn trọc vì đói nhưng cứ phải giả như không biết, vì làm sao biết được ai là người ban phát tình người cùng khổ trong tù ngục, hay một cái bẫy của cán bộ quản giáo! Rồi những năm trở lại trường mà nỗi nhớ giảng đường đã mờ nhạt để chỉ nhớ cuộc sống với bạn bè ở những nơi ở trọ; Dòng nhớ mênh mang theo mưa bay, gió bay… về lại căn nhà đầu tiên với những hôm mưa ngày nắng, thu đi đông đến… người bạn đời đi dạy về, không kịp thay cái áo dài mà cột hai vạt áo sang bên hông để nấu vội bữa cơm chiều, thương hạnh phúc nhỏ nhoi trong giấc mơ lớn là mãi mãi đó – đã đi về đâu, để miếng ăn chốn ở nơi xứ người trầy trật mãi không xong. Nhìn lại tuổi đời lúc ra đi đã ngang ngửa năm tháng chưa về. Nhớ những mùa lễ cuối năm khi mới đặt chân tới Mỹ, lòng buồn vô hạn bởi nhớ nhà, nhớ từ lọn gió chướng ngoài phía biển thổi về, nhớ giậu cúc nhà bên hanh hao bởi cô hàng xóm bên ấy chỉ để lại nhà xác pháo vu quy với bao kỷ niệm. Nhớ mẹ ngồi lau lá, gói bánh cuối năm; Nhớ, “em đến thăm anh đêm ba mươi” mới hôm nào mà nay đã đầy nhà kính lão của bà cụ thân sinh ra hai đứa con tôi… Những nỗi nhớ mù sương như thời tiết bên ngoài quán cà phê Starbuck sáng nay. Một năm nữa lại đi qua với đầy ắp những việc chưa làm cũ lại thêm những việc chưa làm mới.
Gió lạnh, mưa giăng ngập lối về. Dù chưa tới phiên nơi này chịu đựng những trận bão tuyết hay tornado làm tả tơi không gian mùa đông vốn đã u hoài. Chỉ gió lạnh, mưa giăng ngập lối về, như đường về quê xa lắc lê thê…; Nhớ mùa đi nặng hành trang ảo vọng. Sáng nay nhìn lại đường về gió táp mưa sa. Chợt thấy người giao báo không quen lầm lũi trong mưa gió, lòng nhớ đến Giang Hữu Tuyên với bao cảm khái. Không chỉ là nỗi lòng vong quốc của một tài năng, người nhiệt huyết, nặng tình với non sông. Giai thoại về người lưu vong ấy còn được nghe kể về tấm lòng với bằng hữu của ông; với thơ và báo nên bài thơ “Trời mưa đi phát báo” của ông như điềm gở cho những ai ở hải ngoại mà còn làm thơ, viết báo:
“mười mấy năm làm tên phát báo
lòng buồn theo thành quách xa xưa…
mưa lót ngót đời loi ngoi mãi
sáng chưa đi chiều lại mưa về
mưa ngã năm từ năm bảy ngã
ngã nào cũng mưa và mưa thôi…”
Một sáng mưa gió. Ngã nào cũng mưa và mưa thôi… người giao báo không quen khuất trong nghèo khó; người viết ngồi sắp lại những mành vụn ngày tháng trong mưa mùa cuối năm…
“Bạn bè rồi xa, người tình rồi quên.
Ôi tháng năm, những dấu chân rồi cũng bụi mờ…”
Từng mảnh vụn ghép lại một đời người không nơi đến cũng chẳng nơi về; đời dài theo những cuộc vượt thoát liên tu bất tận, người ta thoát ra được hoàn cảnh này thì hoàn cảnh khác cũng sớm bủa vây, và hoàn cảnh nào chả đến bất chợt, rồi lặng lẽ ra đi. Nhưng con người lại mang ơn những hoàn cảnh mà mình đã trải qua, dẫu huy hoàng hay điêu tàn, hạnh phúc hay khổ đau. Hoàn cảnh như thời gian, sự bất tận; thời gian không lặp lại bao giờ, nên hoàn cảnh nào rồi cũng sẽ qua đi; còn chăng lòng biết ơn đời, ơn người đã đến… đời không đòi lại gì; người sẽ về bên kia núi. Tạ ơn đời, tạ ơn người đã nhã tâm vác gánh cho ta những nghịch cảnh để mưa gió mù trời thì còn hạnh phúc nào hơn người được ngồi nhìn gió mưa mà không phải đi vào mưa gió, hay vốn dĩ dòng đời đã mưa gió từ khi nhập cuộc mông lung cho tới lúc thấy được mặt trời thì đã ở một nơi không có quá khứ, hiện tại, cả tương lai…
Người bán củi thật thà. Anh đúng là một nông dân chất phác, hiền lành ở xứ cao bồi. Ai nghĩ về cao bồi Texas là những người lực lưỡng, suốt ngày chỉ cỡi ngựa, bắn súng; đêm về đánh bài, uống rượu ở những quán bar… cũng đúng đó! Nhưng từ “cao bồi” lại bao gồm cả những người chỉ biết chăn bò, chứ không biết chọc trời khuấy nước như cao bồi trong phim cao bồi mà cuốn phim mới về cao bồi rất hay là “the good, the bad, the ugly…” Và, cao bồi cũng gồm luôn anh bán củi trước mắt tôi. Chiều muộn lắm rồi, tôi từ nhà người bạn trở về. Đến đúng ngõ rẽ vào nhà thì thấy chiếc xe Ford truck F350 bự sự, chất đầy củi, đậu ở ven đường, lặng lẽ trong mưa bay…
Mùa này, tôi với người bạn địa phương thường hay đốt lửa sau nhà. Trời về đêm chừng năm mươi độ F, đốt lò lửa, nướng tôm thẻ rẻ hơn rau muống mà chợ Kroger liên tục on sale. Nhấm nháp ly rượu đỏ bên ánh lửa bập bùng, ngồi kể nhau nghe chuyện hồi nhỏ ở quê nhà, chuyện vượt biên, chuyện sống bên đảo, chuyện tới Mỹ, chuyện đi học đi làm; tới chuyện con cái mới đó đã lớn… nghĩa là mình già rồi. Tóm lại là đàn ông cũng nhiều chuyện bên ánh lửa bập bùng; nhiều chuyện đến nỗi mới vào mùa lạnh mà chúng tôi đã đốt hết những cành cây, gốc mục gom góp trong cả năm, cưa củi để dành đốt chơi khi trời trở lạnh.
Tôi phải trở lại xe củi để mua củi, chắc chắn là rẻ hơn mua củi ngoài chợ. Chúng tôi từng đi mua bia chung, bạn tôi có chỉ cho tôi thấy một khúc củi tròn ở chợ Wal-Mart có đường kính chừng 10 inchs, cao 1 feet, vậy mà họ bán với giá $9.95. Trời ơi! Mười đồng bạc một khúc củi bi, lại còn thuế nữa chứ, đem về còn phải chẻ ra mới được bốn thanh củi. Chúng tôi cũng thấy ở chợ Lowe’s, bốn thanh củi quấn ny-lon, thuộc loại gỗ tạp, chứ không chắc nịch như củi ở Wal-Mart, nhưng giá bán cũng không rẻ là $4.95; nếu tính thuế nữa thì chạy ra khoảng $6, tính ra một thanh củi tạp ở Mỹ cũng đã $1.50.
Tôi phải đánh thức anh bán củi đang ngủ trong xe, một cao bồi thứ thiệt với vóc dáng to lớn, tóc hung hung màu nắng, râu quai nón xồm xoàm… Anh nói, “Xin lỗi. Chờ tôi một chút”. Chỉ đúng một phút, anh đã xong bộ một cao bồi. Đầu đội nón rộng vành, áo ca rô, quần jeans, dây nịt da to bản, chân đi ủng da cao tới đầu gối, chỉ thiếu hai cái thúc ngựa sau gót, có lẽ vì anh cỡi xe truck nên không cần. À! Còn một cái cao bồi không thể thiếu mà anh lại không có là cây súng lục đeo xệ xệ bên hông…
Tôi không hiểu từ “stages” anh dùng. Nhưng “English by hand” thì tôi nói tiếng Anh mỏi tay cũng chưa hết chuyện. Đại khái là một xe củi đầy ắp, anh ta mở bửng xe xuống, chất bốn khối củi vuông vứt, nhìn đẹp. Anh ta nói, “củi bán, $20 một stages”. Tôi đếm được 20 thanh củi cho mỗi stages theo anh chỉ. Tôi tính nhanh ra là $1 một thanh củi, lại miễn thuế! Mua được. Nhưng tôi là người Việt, không trả giá sẽ mất gốc. Tôi trả anh ta $30 cho 2 stages – vì tôi nhắm xe mình cũng chỉ chở được cỡ ấy là hết cốp sau. Anh ta còn lưỡng lự, chưa trả lời, thì trời trút xuống cơn mưa nặng hạt. Tôi chui vô xe tôi; anh vô xe anh. Nhưng cơn mưa như thầy bà lên đồng – mất lý trí. Tôi định lái về nhà chứ thời tiết này, mua mớ củi ướt sũng nước mưa về để làm gì? Rồi lòng từ bi bất ngờ nghe sấm sét mà thức giấc. Tôi nghĩ, cả xe củi còn đầy ụ, chắc anh ta chưa bán được stages nào. Trong khi cái xe truck của anh ta thì nó uống xăng như uống nước. Thôi, mình kiên nhẫn cũng là chia chung cái nghèo không phân biệt màu da, tiếng nói. Tôi còn quyết định trả cho anh ta $40 vì tôi mua 2 stages. Không thèm trả giá nữa!
Nhưng trời cứ mưa, tôi moi trong đống giày dép, báo, và áo lạnh ở băng sau xe tôi. Tôi hy vọng là trí nhớ mình chưa đến nỗi. Tôi nhớ hôm tuần trước, sẵn có việc đi ngang tiệm rượu nên ghé mua hai chai Johnnie Walker nắp đen. Có ghé anh bạn thích đốt lửa, hai thằng đốt hết một chai thôi chứ không lẽ hai chai. Và phần phước cho anh bán củi là tôi tìm được chai Johnnie. Tôi đưa ra cửa xe cho anh ta thấy, và ngoắc ngoắc ngón trỏ, gọi anh ta qua xe tôi. Anh bán củi cười tươi hơn hoa hậu Mỹ. Nhưng anh còn lục đục một hồi mới chịu qua, thì ra là anh ta cũng lục đồ chơi trong xe. Anh đem qua xe tôi một khúc xúc xích lớn, gói khô bò hun khói, mấy điếu xì gà…
Thế là mặc thiên kệ địa, mặc người qua đường trong thế thái dửng dưng. Một chiều mưa tầm tã, mưa lả chả, mưa không thể tả, rồi mưa rỉ rả… kéo màn đêm về. Trong màn đêm âm u, gió Texas cao bồi u linh lạnh lẽo, tôi rọi đèn pin cho thằng Johnny chất đầy ắp củi vào kín hết cốp sau xe tôi – vì tôi với nó đã là bạn thì không nói chuyện mua bán nữa.
Nhưng sáng hôm sau, bốc từng thanh củi tình nghĩa trong xe ra, tôi chẳng thể nào không nghĩ ngợi về một người Mỹ, một cao bồi bản chất. Tôi nhớ anh ta đã nói, “Tôi biết ông nói đúng, tôi chở xe củi này ra trước chợ, hay khu thương mại… thì sẽ bán được vì tôi bán rẻ. Nhưng làm như vậy là thiếu công bằng với những người buôn bán có bảng hiệu, có đóng thuế…”
Vừa bưng củi vô sân sau nhà, nhưng tôi như đã hiểu ra nguyên nhân làm cho nước Mỹ giàu mạnh là từ người nông dân ở xứ chăn bò cũng biết tự trọng, biết phải trái. Trong khi những nước chỉ có một cha già dân tộc, hay vị lãnh tụ thiên tài thì dân thiếu ăn, chết đói là vậy! Nghĩ tới những đỉnh cao trí tuệ đang lãnh đạo quê nhà, Việt nam không mất nước mới là lạ!
Ước gì bạn tôi bán được hết xe củi hôm nay vì sau cơn mưa thì trời hết cận thị.
Phan