Tôi vẫn thường được H.Thơ rủ đi đến những nơi có những sự kiện cô quan tâm tìm hiểu, hoặc để tham gia, hoặc để thực
hiện phóng sự cộng đồng. Mỗi nơi có một khung cảnh riêng biệt, phản chiếu một mảng sinh hoạt của một số đồng hương
chúng ta tìm tới với nhau vì nhu cầu chung và sự đồng cảm.
Một thứ sáu cuối Tháng Chín, thời tiết bắt đầu mát lạnh vào buổi tối, tôi theo HT và hai người bạn chung tới trung tâm của
nhóm Trường Sinh Học tham dự buổi thiền tập của nhóm. Ðược biết, ban ngày trung tâm hoạt động chữa trị bệnh nhân nhiều
trường hợp nan y, được bác sĩ báo tin không còn hy vọng. Tối Thứ Sáu hàng tuần, cả nhóm có buổi tọa thiền nửa tiếng đồng
hồ. Tôi nghĩ vị chưởng môn đề nghị thời khóa biểu này có lẽ với dụng ý để các môn sinh lắng đọng tâm hồn sau 7 ngày làm
việc bận rộn, nói theo kiểu văn hoa của người Mỹ, là cùng chậm bước, dừng lại, để thưởng thức hương thơm những đóa
hồng. Với tư thế lắng đọng ấy, khi về nhà, các anh chị sẽ có cơ may triển khai thành thời gian nhìn lại những ngày qua, nhìn lại
mình và nhìn sâu trong nội tâm mình, biết rõ mình hơn để thích nghi tốt hơn, tránh bớt hệ lụy.
Sau giờ thiền tọa là bữa ăn tối dọn thành khẩu phần cá nhân trên cái khay nhỏ, hình như gồm một chén xôi khoai mì và một
chén chè. Sau bữa ăn là phần trao đổi giữa một vài môn sinh đã có khả năng chữa bệnh với cử tọa và cuối cùng là phần nói
chuyện của vị chưởng môn, thầy T. D. Thành.
Tôi ra về, không mang theo một ấn tượng rõ nét nào rồi quên đi trong dòng sống bận rộn ở nơi này. Tháng Mười, HT nhắc tôi
buổi tưởng niệm sinh nhật lần thứ 169 vị Sư Tổ khai sáng Trường Sinh Học, Ngài Dasira Narada, sẽ được tổ chức chiều ngày
25 Tháng Mười tại nhà hàng Seafood Paracel, lúc 6 giờ.
Ðúng hẹn, tôi đến địa điểm nói trên và được hướng dẫn vào bàn tiệc dành cho giới truyền thông. Các anh chị phóng viên
truyền hình, truyền thanh, báo chí, đến làm phỏng vấn các yếu nhân xong là chạy, có lẽ do lịch làm việc đầy ắp của họ vào
chiều Chủ Nhật. Rốt cuộc, bàn chỉ còn tôi và một ông khách mời tôi không được quen biết trước. Khi chương trình bắt đầu,
thầy chưởng môn đến ngồi bên cạnh tôi, với mỹ ý nếu tôi có câu hỏi nào cần giải thích (tôi đoán thế).
Cũng giống như mọi buổi lễ của nhiều hội đoàn hay tổ chức khác, chương trình gồm phần nghi thức thường lệ, lời phát biểu
của các nhân vật quan trọng, phần ẩm thực và sau cùng, phần văn nghệ giúp vui. Tôi chú ý nghe khi thầy chưởng môn nói
chuyện, nội dung nhằm giới thiệu thân thế và cuộc đời hành đạo của Sư Tổ Dasira Narada, con đường Ngài tu học và đi tìm
chân lý trước khi khai sáng pháp môn Trường Sinh Ðạo để lại cho hậu thế. Thầy cũng nói về cơ duyên đưa bước chân của
thầy đến với pháp môn qua các giai đoạn thực hành, chứng quả và truyền bá.
Cuộc nói chuyện với thời lượng vừa phải, trình bày khúc chiết, giản dị, về một nội dung sâu rộng song cố gắng tóm gọn, điều
chỉnh cho vừa tầm thính chúng tham dự, cho thấy người nói có sự tự chế để không quá đà.
Mấy tuần lễ sau gặp lại HT, cô để một bàn tay lên vai tôi và hỏi tôi có cảm giác gì không? Tôi trả lời: “Thấy bàn tay HT rất ấm
và vai chị dễ chịu.” Sực nhớ lại đã nghe nói về cách chữa bệnh của Trường Sinh Học là thu hút năng lượng trong thiên nhiên
để chuyển cho bệnh nhân, giúp họ tự lấy lại sự quân bình sinh hóa và tự phục hồi thể lực, tôi tò mò muốn tìm hiểu thêm nên
nhờ HT xin giùm cái hẹn với Chưởng Môn TD Thành.
Lúc tôi đến trung tâm, thầy đang chữa cho một bệnh nhân từ Seattle về đây trong tình trạng gọi là còn nước còn tát vì chứng
ung thư não của cô đã tới giai đoạn cuối, y khoa đã bó tay. Sau sáu tháng điều trị theo pháp môn Trường Sinh Học, nay cô
đang dần ổn định và bệnh của cô tạm lùi bước. Nhìn khuôn mặt cô còn xanh xao, phảng phất nét hao gầy và thấp thoáng âu lo,
biết cô chưa khỏe hẳn nhưng dáng đi đã nhanh nhẹn so với một người mắc bệnh nan y.
Tôi mở đầu câu chuyện:
-Thưa thầy, xong một ca chữa trị như vừa rồi, lẽ ra nội lực phải ít nhiều hao hụt nhưng thấy dung quang và thần thái của thầy
vẫn an nhiên, không thay đổi?
Thầy trả lời, giọng nói ấm và nhẹ:
-Nếu chữa trị mà gây hao tốn nội lực nhiều thì chắc không thầy nào dám chữa hoặc là chữa cuội thôi. Chúng tôi học cách thu
năng lượng từ vũ trụ, tồn trữ trong bản thể và dùng nguồn năng lượng này tiếp sức cho bệnh nhân.
Ngưng một lúc, thầy nói thêm:
-Ngài Dasira Narada mất 19 năm ẩn mình trong hang động mới tìm ra nguyên lý Trường Sinh Ðạo không phải chỉ để chữa
bệnh vì nếu chỉ chữa bệnh thôi, không cần phải học nhiều thời gian và càng không cần tự cô lập mình lâu đến thế. Một bác sĩ
y khoa chuyên môn, chỉ cần 10 năm tới trường. Sư tổ của chúng tôi ôm ấp và theo đuổi mục tiêu cao hơn trong việc chữa trị,
làm sao để mọi người tự tìm được cho mình con đường giúp đưa tới thân tâm an thái, là điều kiện căn bản để xây dựng cuộc
sống tốt đẹp, lành mạnh từ trong ra ngoài, ngăn ngừa bệnh tật. Hành trình đơn độc trong rừng sâu, núi thẳm suốt 19 năm cho
đến khi Ngài bước ra hành đạo cứu đời cách nay gần 2 thế kỷ, hoàn toàn không lệ thuộc vào kỹ năng của cả hai ngành đông
và tây y còn thô sơ thời đó, chính là minh chứng hùng hồn con người tự mình có thể là thầy thuốc của chính mình với hệ miễn
nhiễm hoạt động đúng chức năng của nó, không bị (con người) bỏ quên hay lạm dụng. Cho nên cần nói rõ, chúng tôi không
chữa bệnh mà bệnh nhân đến với chúng tôi để được tiếp năng lượng giúp họ tự hoàn thiện sức đề kháng bị tổn thương hay
suy yếu bởi cuộc sống trước đây của họ. Trường hợp bệnh nhân vừa rồi chị gặp và nhiều bệnh nhân khác, khi họ hoàn toàn
tuyệt vọng, không còn trông đợi vào ai, vào cái gì nữa thì họ dễ tập trung vào chính họ và đây là lúc khả năng chữa trị bẩm
sinh của mỗi người khai triển tác dụng của nó. Dư luận bên ngoài gọi hiện tượng này là phép lạ, thật ra chẳng có phép lạ nào
hoặc nếu có thì đó là cái tâm giác ngộ bên trong con người thôi.
-Ý thầy muốn nói con người chọn một cách sống nào đó là chọn luôn cho mình những hệ lụy buồn vui từ đấy mà ra và hãy
phòng bệnh để không phải chữa bệnh? Như vậy, thưa thầy, trẻ con chưa có khả năng chọn cho chúng một cách sống mà
mắc bệnh nan y thì chúng ta phải giải thích thế nào?
-Khoa học chứng minh mầm bệnh di truyền qua nhiều đời, phát tác sớm muộn đều do những tác nhân cấu kết vào một lúc nào
đó.
-Thưa thầy, trong các bài nói chuyện, thầy có dẫn giải cho thính chúng được nghe rõ những điều chúng tôi vừa được nghe
không? Tôi thấy nhiều người đến dự tiệc hôm trước có thái độ tôn vinh thầy theo cách dành cho một bậc siêu phàm?
-(Cười) Chị thấy chúng tôi treo di ảnh Sư Tổ Dasira Narada trong phòng hội này để nhắc nhở mọi người đi theo dấu chân của
Ngài, học tập và cố gắng áp dụng minh triết của Ngài trong cuộc sống, loại bỏ tạp niệm để thanh tẩy thân tâm hầu đạt tới sự
an lạc. Tôi chỉ là một môn đệ noi gương Ngài và muốn có thật nhiều người noi gương Ngài để bớt trầm luân. Nếu có sự khác
biệt nào với bà con, cô bác lui tới đây thì chỉ là tôi đi trước họ vài bước trên con đường giác ngộ.
Câu trả lời giản dị của thầy khiến tôi hình dung lại những hình ảnh trùng hợp tôi ghi nhận về thầy trong bữa tiệc ở nhà hàng
Seafood Paracel. Quả thật hôm đó, ngồi cùng bàn với tôi, chuyện trò, trao đổi, nhưng xem ra thầy không bận tâm về sự hiện
diện của tôi. Thầy cư xử tự nhiên, bình thường, như bất cứ một “chúng sinh” nào, trân trọng bản thân và người xung quanh
như nhau, trong một nhân duyên biết mình ở trong nhưng đồng thời cũng ở ngoài. Thức ăn đưa ra, thầy lấy cho mình miếng
ngon (như chính tôi đã chọn bằng mắt cho chính tôi) nhưng ăn uống điềm đạm.
Thầy ăn nhiều (so với tôi) và ăn đủ các món, săn sóc bản thân đúng mức nhưng nhẹ nhàng, thanh thản, không chút vồ vập.
Theo thiển ý tôi, bậc chân tu (hay người có tâm tu) sống như thở, không màu mè, yêu và trọn hưởng cuộc sống mà lòng nhẹ
như mây, không tham úy, giữ hay buông đều giống nhau, như cơn gió thoảng.
Trở lại cuộc nói chuyện, tôi hỏi:
-Trong số các môn đệ theo thầy, ước chừng có bao nhiêu phần trăm có khả năng sẽ tiếp nối con đường của thầy?
-(Ngậm ngùi. Thoáng ưu tư trong mắt) Chừng 3%. Con đường tu học, tu thân, xả kỷ khó lắm, không đơn giản. Thật ra, mục
tiêu tôi nhắm tới xa hơn việc chữa bệnh nhưng nó trừu tượng so với kết quả thấy ngay của việc chữa bệnh nên với tâm lý phổ
cập của quần chúng muốn cái gì cụ thể, tôi đành phải mở cái cánh cửa dễ mở và dễ đi qua nhất trong khi chắc chị cũng biết,
chữa bệnh chỉ là cái ngọn, phòng bệnh mới là cái gốc.
-Nghĩa là...
-Cái gốc là cái Tâm, chắc chị cũng biết rồi. Thượng Ðế sinh ra con người, cho nó có đủ phương tiện để tự tồn nhưng chúng
ta dùng (hay dùng quá mức) những phương tiện ấy vào các việc khác hơn là tự tồn nên tự hại đến thân. Tất cả vấn đề nằm ở
chỗ ý thức về những sự quá đà ấy để lập lại thế cân bằng của thân tâm thì có thể phục hồi sức lực. Với các bệnh nhân đến
với trung tâm, trong tình cảnh ít nhiều thấm ngấm lẽ vô thường, kết quả việc chạy chữa tùy thuộc cái tâm buông xả của mỗi vị.
Nói là do số phận cũng không sai vì tục ngữ ta có câu “Người làm sao, của chiêm bao làm vậy,” tương tự như câu của người
Mỹ “Man's character is his fate.” (Cười) Không có sự bí ẩn nào, cũng không có phép lạ.
Ngưng vài giây, thầy nói tiếp:
-Tôi thường nói với các bệnh nhân: “Chữa cho quý vị nhưng ngay cả tôi rồi cũng trong vòng sinh tử, sự chết không trừ ai. Thế
nhưng sống thêm một quãng đời để thưởng thức được ý vị của một kiếp mới sau cơn bệnh ngặt nghèo, để làm đẹp thêm ít
nhiều cho đời thì đấy chẳng là ý nghĩa cao quý nhất của việc chữa bệnh hay sao?”
Tôi ra về giữa những dòng xe xuôi ngược trên đại lộ Beach vẫn còn bận rộn lúc gần nửa đêm, lại nhớ hai câu thơ của thi sĩ Tô
Thùy Yên (?)
Sống ở trên đời thật khó quá
Mà ta sống được, có kỳ không?
Sống được, đã đành là khó. Sống thế nào, lại càng khó hơn.
Bùi Bích Hà