Bà Victoria Kwa Kwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Ngân Hàng Thế Giới vừa thực hiện một hành động chưa từng có: yêu cầu Chính phủ Việt Nam sớm ban hành Luật lập hội.
Yêu cầu trên do bà Victoria Kwa Kwa - Giám Đốc Quốc Gia Ngân Hàng Thế Giới Tại Việt Nam - phát ra tại Diễn đàn Đối tác Phát triển tổ chức ngày 5/12/2015 ở Hà Nội về kế hoạch 5 năm tới của Chính phủ Việt Nam.
Yêu cầu trên lại xếp hàng đầu trong bản khuyến nghị 7 điểm của Ngân hàng thế giới đối với Chính phủ Việt Nam.
“Cần thiết phải soạn thảo và thực hiện một bộ luật có hiệu lực mạnh về hội và hiệp hội. Chính điều đó sẽ giúp thực hiện chương trình nghị sự của Chính phủ” - bà Kwa Kwa “gợi ý”.
Thậm chí Thời báo Kinh tế Việt Nam - một tờ báo thường biểu lộ khuynh hướng “thân chính phủ” - cũng rút tít rất đồng cảm với khuyến nghị của Ngân hàng thế giới ‘Luật về Hội sẽ thổi luồng sinh khí mới vào xã hội’, nhưng lại bỏ ngỏ “Việt Nam sẽ có một Luật Về hội như thế nào, hiện vẫn là câu chuyện ở thì tương lai”.
Hầu như cùng thời điểm với Diễn đàn Đối tác Phát triển, Ngân hàng thế giới cũng đưa ra một quyết định đột ngột: dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam.
Ngân hàng thế giới lại là một trong những chủ nợ lớn nhất của Chính phủ Việt Nam: chiếm gần 30% nợ vay song phương.
Những ngày cuối năm 2015, trong bầu không khí “chào mừng đại hội đảng 12” cùng cơn chấn động “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng”, quyết định “dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới thực sự là một tin xấu xảy đến với giới lãnh đạo Hà Nội.
Có thể hiểu là vào lúc này, Ngân hàng thế giới đã quyết định nhảy vào cuộc chiến dân chủ nhân quyền cho người dân Việt Nam.
Đã quá đủ cho vài chục năm vay nợ nước ngoài, tham nhũng và chi xài vô tội vạ của chính phủ cùng chính quyền các địa phương Việt Nam, để lại núi nợ công lên đến ít nhất 98% GDP.
Thời điểm đáo hạn các khoản nợ đang đến gần, rất gần. Bây giờ không phải là lúc mơ mộng về những cái ghế sau đại hội đảng 12, mà nhiệm vụ khủng khiếp nhất của Chính phủ Việt Nam là trả nợ và dù muốn hay không, bắt buộc phải cải cách thể chế.
Cũng không còn cơ hội cho giới quan chức tham lam và trì độn chỉ muốn áp chế các quyền tự do cơ bản của người dân bằng cách trì hoãn các luật biểu tình và luật lập hội.
Còn muốn được giãn nợ hoặc xóa nợ như Myanmar và Cuba, chính quyền Việt Nam chỉ còn cách phải tự thân thay đổi, thậm chí thay đổi về bản chất.
SBTN