Liệu Nga, một trong 15 quốc gia tách ra sau khi Liên Xô tan rã hồi 1991, có vẫn là một cường quốc thực sự trên thế giới trong năm 2015 hay không, hiện vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ.
Nước này vẫn là quốc gia có diện tích lớn nhất trên thế giới và là nhà sản xuất dầu lửa lớn nhất.
Nga vẫn giữ được vị trí là một trong năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Kho vũ khí hạt nhân của Nga (trong thời Chiến tranh Lạnh là một trong năm nước có vũ khí hạt nhân, nay là một trong chín quốc gia) đã được hiện đại hóa liên tục.
Ngân sách quốc phòng được tăng thêm đều đặn khiến Nga tiến gần hơn tới mục đích lên cao trở lại trong vị trí thống trị ở các cuộc chiến địa phương và khu vực.
Thế nhưng nền tảng kinh tế cho các năng lực này lại đang đều đều đi xuống.
Kinh tế Nga hiện đứng hàng thứ 10 trên thế giới.
Tình trạng tham nhũng gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế.
Nga vẫn đang phải chịu gánh nặng hạ tầng cơ sở vốn có từ thời Xô-viết, trong lúc khả năng đáp ứng nhu cầu giáo dục, y tế cho dân chúng lại đang đi xuống nhanh chóng.
Tuy nhiên, bất kể ai đó nghĩ ra sao thì trên toàn cầu vẫn có hai vấn đề liên quan đến Nga không ai chối cãi được:
■Nga coi mình là một đại cường - đó là chuyện không ai ở Nga phải thắc mắc, nghi ngờ gì.
■Trung Quốc lâu nay đã phủ bóng lấn át Nga trong vị trí cường quốc thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.
Tuy tỏ ra chuyển hướng việc tái cân bằng các ưu tiên của mình sang hướng châu Á sau khi sứt mẻ với Ukraine, Nga vẫn coi mình là đối trọng với Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Thị trường 'độc' Á-ÂuCác nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) (triệu đô la Mỹ, 2014):Hoa Kỳ: 17.419.000Trung Quốc: 10.360.105Nhật Bản: 4.601.461Đức: 3.852.556Anh: 2.941.886Pháp: 2.829.192Brazil: 2.346.118Italy: 2.144.338Ấn Độ: 2.066.902Liên bang Nga: 1.860.598
Bất kể đó là những thứ hạng mang tính phỏng đoán hay được đo đếm thực sự, Nga đã tạo ra được một thị trường độc đáo cho riêng mình: một cực Á-Âu khác biệt trong chính trị thế giới, không theo Âu cũng chẳng theo Á, mà tìm cách tạo ảnh hưởng không chỉ tới mà còn vượt quá những nơi đó.
Tất nhiên là hiện Nga không có tham vọng trở thành một phần trong các tổ chức đình đám nhất do phương Tây dẫn đầu, như Liên hiệp Âu châu chẳng hạn.
Thực sự là Nga đã phấn đấu để có được giải pháp thay thế của riêng mình trong nhiều năm, và mới nhất là việc thành lập Liên minh Âu Á nhằm tạo đối trọng với phương Tây nhưng không mang những gánh nặng về chuẩn mực và giá trị như phương Tây.
Dù Nga có sẽ tồn tại dài lâu hơn so với những quốc gia cùng sinh ra liên minh này, thì việc nền kinh tế Nga đang xuống dốc, và việc các nước khác tỏ ra ngần ngại trong việc trở nên quá gần gũi với Nga vẫn là điều dễ nhận thấy.
Nga là kẻ thù ồn ào nhất thế giới của các nỗ lực cổ súy dân chủ.
Nhưng viện trợ nước ngoài của Nga lại ở mức tối thiểu (nhất là khi trao cho các nước không thuộc khối Liên bang Xô-viết trước kia - nơi mà viện trợ thường được coi như con dao hai lưỡi), và đóng góp của Moscow cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã trở nên rất èo uột kể từ hồi thập niên 1990 tới nay.
Cho tới khi có các chiến dịch gần đây tại Syria, Nga đã luôn nói về mình như một đại cường nhưng luôn hành xử như một thế lực trong khu vực.
Thách thức lớn nhất cho Nga là làm sao giữ được tầm quan trọng toàn cầu trong lúc các chỉ dấu mới nhất về vị thế này đang đi xuống.
Số các đồng minh của Nga cũng đang ngày càng trở nên hiếm hoi hơn và đa số các đồng minh Nga đang có đều là các nhà độc tài.
Với một số người, địa vị cao của Nga trong quá khứ đồng nghĩa với việc Nga sẽ luôn là một thế lực chủ chốt trên trường quốc tế.
Những người khác thì e sợ là Nga có thể chấp nhận liều lĩnh ở nước ngoài để che đậy những yếm thế của mình.
Mà thực sự là với nhiều người thì rõ ràng là Nga đã đang làm như thế rồi.
James Nixey là giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House.
Theo BBC