Nữ Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tại Hạ Viện. REUTERS/Przemek Wierzchowski/Agencja Gazeta
Đêm qua, rạng sáng nay, 24/12/2015, Thượng viện Ba Lan do đảng bảo thủ mới đắc cử kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua dự luật gây tranh cãi liên quan đến Tòa Bảo Hiến. Đối lập Ba Lan, cũng như Ủy ban Châu Âu lo ngại việc sửa đổi luật xâm phạm nghiêm trọng đến tính độc lập của tư pháp, một trong các trụ cột của nền dân chủ pháp quyền.
Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans đã gửi thư đến chính quyền Ba Lan yêu cầu ngưng việc thông qua dự luật, hoặc ít nhất cũng trì hoãn việc áp dụng cho đến khi « tất cả các nghi vấn về ảnh hưởng (của luật mới) đến tính độc lập và hoạt động của Tòa Bảo hiến được xem xét đầy đủ và đánh giá chính xác ». Phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền cũng bày tỏ « quan ngại » về vấn đề này.
Luật cải cách Tòa Bảo Hiến của chính quyền Ba Lan dự kiến Quốc hội sẽ bầu chọn thêm 5 thẩm phán cho Tòa Bảo Hiến. Dự luật quy định bất cứ quyết định nào cũng phải được hai phần ba trong tổng số 15 thành viên chấp nhận mới được thông qua. Theo đối lập Ba Lan, với dự luật cải cách này, chính quyền của đảng bảo thủ Pháp luật và Công lý PiS muốn khống chế hoàn toàn nền tư pháp.
Tòa Bảo Hiến Ba Lan đã gửi một công văn đến Quốc hội nước này hồi tuần trước, khẳng định sẽ chống lại đề nghị sửa đổi nói trên, với lý do « cản trở Tòa thực thi nhiệm vụ ». Dự luật cải cách Tòa Bảo Hiến cũng bị Tòa án Tối cao Ba Lan lên án dữ dội. Ngày 19/12, gần 20.000 người Ba Lan đã xuống đường tại Vacxava để phản đối mưu đồ thủ tiêu nền dân chủ của đảng cầm quyền.
Ngày 23/12/2015, ông Lech Walesa, cựu Tổng thống Ba Lan, nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết lịch sử, cảnh báo : « Chính phủ hiện hành tại Ba Lan đang tiến hành một cuộc chiến chống lại đất nước, chống lại các thành quả của xã hội Ba Lan, tự do và dân chủ của Ba Lan, chưa kể đến việc họ khiến Ba Lan bị cả thế giới khinh thường ». Cựu lãnh đạo Lech Walesa kêu gọi trưng cầu dân ý về việc tổ chức lại bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn, hai tháng sau chiến thắng của đảng bảo thủ.
Ngày 24/12/2015, Ngoại trưởng Ba Lan gửi công văn chính thức đến Ủy ban Châu Âu vì dân chủ thông qua luật pháp (La Commission européenne pour la démocratie par le droit), còn gọi là « Ủy ban Venise », để yêu cầu Ủy ban này xem xét tính hợp pháp của luật. Ủy ban Venise là một cơ quan tư vấn của Hội đồng Châu Âu, chuyên về luật hiến pháp, về quy chế vận hành của các định chế dân chủ và các quyền căn bản.
Theo RFI