Trang mạng của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF). RSF
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) ngày 29/12/2015 cho biết trên toàn thế giới có 110 nhà báo bị chết trong năm 2015. Con số này cao gần gấp đôi so với năm 2014 với 66 nhà báo bị sát hại. Tổ chức RSF yêu cầu « cần nhanh chóng bổ nhiệm một đại diện đặc biệt tại Liên Hiệp Quốc để bảo vệ các nhà báo ».
Theo bản tổng kết hàng năm của RSF, được AFP trích dẫn, 67 nhà báo bị thiệt mạng trên toàn thế giới vào năm 2015 vì nghề nghiệp. Ngoài ra, còn có 27 « nhà báo-công dân » (blogeur) và 7 cộng tác viên truyền thông cũng bị sát hại.
Irak và Syria là hai nước đứng đầu danh sách các quốc gia xảy ra nhiều vụ sát hại, Pháp đứng thứ ba, tiếp theo là Yemen, Nam Sudan, Ấn Độ, Mêhicô và Philippines. Cụ thể, trong năm 2015, 9 nhà báo lần lượt bị thiệt mạng tại Irak và Syria, 8 người ở Pháp trên tổng số 12 nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ngày 07/01/2015.
Đứng đầu danh sách « Những vụ gây chấn động thế giới » của RSF là vụ tấn công tòa soạn tuần báo trào phúng Pháp, tiếp theo là vụ hành quyết nhà báo người Nhật Bản Kenji Goto do tổ chức Nhà nước Hồi giáo dàn dựng. RSF nhấn mạnh, nếu như năm 2014, hai phần ba phóng viên bị chết tại các khu vực có xung đột, thì năm 2015 hoàn toàn ngược lại, hai phần ba trên tổng số 110 nhà báo bị chết lại xảy ra tại các nước hòa bình.
Ngoài ra, hoàn cảnh dẫn tới cái chết của 43 nhà báo trong năm 2015 vẫn chưa được làm sáng tỏ, do một số chính phủ cố tình không tiến hành các cuộc điều tra chính thức. Bên cạnh đó, vẫn còn 54 nhà báo bị bắt giữ làm con tin trên toàn thế giới cho tới cuối năm 2015.
Tính từ năm 2005, trên toàn thế giới có ít nhất có 787 nhà báo bị thiệt mạng khi hành nghề.
Theo RFI