Ủy ban Bảo vệ Ký giả quốc tế CPJ kêu gọi Nghị viện Châu Âu thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam lùi bước trong chính sách nghiêm ngặt chống lại truyền thông được siết chặt từ năm 2009 tới nay.
Tình hình nhân quyền đang xuống cấp của Việt Nam sẽ được mang ra thảo luận trước một cuộc họp khoáng đại của Nghị viện Châu Âu vào ngày 18/4 tới đây. Đứng đầu nghị trình là vấn đề tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả quốc tế nói các chính sách nhân quyền của chính phủ Hà Nội chưa bị các nước trong Liên hiệp Châu Âu phê phán và chú tâm đúng mức nhờ thành quả kinh tế của Việt Nam và sự cảm thông của quốc tế đối với công cuộc đấu tranh dành độc lập kéo dài của Việt Nam.
Viện dẫn phúc trình đặc biệt của CPJ về tình hình nhân quyền Việt Nam công bố hồi tháng 9 năm ngoái, tổ chức cổ xúy nhân quyền có trụ sở tại Mỹ nhấn mạnh dù mở cửa kinh tế, Hà Nội vẫn tiếp tục vi phạm và đàn áp nhân quyền mà đặc biệt là quyền tự do báo chí.
Ông Bob Dietz, Phối Hợp Viên Chương Trình Châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ Ký giả Quốc tế, phát biểu với VOA Việt ngữ:
“Châu Âu đang xem xét và cân nhắc các chính sách tương tác với Việt Nam trong những năm sắp tới. Họ cần phải xét đến thực trạng nhân quyền đang diễn ra tại Việt Nam và vai trò tác động của họ với Hà Nội giúp cải thiện tình hình. Theo tôi, ngay thời điểm này, các nước Châu Âu phải tính tới các biện pháp có thể áp lực Hà Nội tiến bộ trong cách đối xử với các ký giả tự do và các công dân bày tỏ quan điểm trái với nhà nước.”
Về những đề nghị cụ thể của CPJ yêu cầu Liên hiệp Châu Âu can thiệp nhân quyền cho Việt Nam, ông Dietz nhấn mạnh:
“Cách tốt nhất là phải nêu các vấn đề nhân quyền này trong các cuộc thảo luận hay tiếp xúc với giới lãnh đạo của chính phủ Hà Nội. Các vấn đề này phải được nêu ra thường xuyên, một cách xây dựng và mạnh mẽ nhằm buộc Việt Nam phải bỏ các chính sách chống lại truyền thông tự do không phù hợp với một quốc gia kinh tế hiện đại. Tôi hy vọng Nghị viện Châu Âu nói riêng và Liên hiệp Châu Âu nói chung sẽ tiếp tục nêu vấn đề nhân quyền với Việt Nam kịch liệt, không dễ dãi để cho họ tìm cách luồn lách. Hiện có rất nhiều nạn nhân bị giam cầm tại Việt Nam vì họ thực thi nhân quyền căn bản. Nghị viện Châu Âu có thể áp lực Hà Nội phóng thích những người này và mở các cuộc đối thoại với các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế như CPJ chẳng hạn.”
Cùng với Trung Quốc, Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa đã đầu tư rất nhiều để phát triển mạng lưới truyền thông kỹ thuật số. Tuy nhiên, Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách các nước tồi tệ nhất đối với giới blogger, theo xếp hạng của CPJ năm 2009.
CPJ nhận xét có một điều lâu nay không thấy Việt Nam tiến bộ là việc dung chấp các tiếng nói đối lập với quan điểm nhà nước. Theo CPJ, cuộc chiến của Việt Nam trong thế kỷ 20 là một cuộc nội chiến như một cuộc chiến dành độc lập. Vẫn theo CPJ, dù nền độc lập của Việt Nam đã được ổn định nhưng cuộc chiến nội bộ bên trong Việt Nam vẫn tiếp diễn vì sự đàn áp của nhà cầm quyền đối với các tiếng nói bất đồng chính kiến.
Vấn đề nhân quyền Việt Nam được đưa ra thảo luận tại Nghị viện Châu Âu 3 ngày sau các cuộc tham vấn chính trị giữa Việt Nam và Liên hiệp Châu Âu.
Cuộc tham vấn cấp thứ trưởng lần thứ nhì theo thỏa thuận Việt Nam-EU giữa Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Giám đốc điều hành Cơ quan Đối ngoại Châu Âu (EEAS), David O’Sullivan, đã diễn ra tại Brussels (Bỉ) hôm 15/4.
EU cho biết dịp này đôi bên điểm qua những tiến bộ trong việc thắt chặt mối quan hệ song phương trong năm qua mà trong số các lĩnh vực đáng chú ý có vấn đề nhân quyền.
Trong các buổi tiếp xúc với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến công du đầu tiên của ông Trọng sang Châu Âu hồi đầu năm nay, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Ủy ban Châu Âu đã lên tiếng về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam và nêu lên trường hợp các blogger gần đây bị tuyên các bản án tù nặng nề chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy từng kêu gọi Hà Nội chứng tỏ quyết tâm cải cách về quản trị, pháp quyền, và nhân quyền.
Source: VOA