logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 06/01/2016 lúc 11:50:44(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Ông thầy tử vi Lê Thành Quang có câu nói đắc ý mượn ở ca từ bản nhạc cùng tên của Trịnh Công Sơn nhìn những mùa Thu đi khi thầy muốn mô tả những năm tháng ảm đạm... tay trơn buồn ôm nuối tiếc... của một khách hàng nào đó tới nhờ thầy xem thời vận.

Tôi chắc thầy sẽ đổi ý nếu buổi trưa hôm Thứ Bẩy vừa qua, thầy cũng có mặt cùng với tôi trên ghế hành khách của chiếc Honda Civic nhỏ xíu, quẹo từ đường Fairview vào đường số 9, thị xã Santa Ana. Con đường bình thường vắng vẻ quãng nửa ngày, lòng đường trắng xóa yên lặng trải mình giữa hai hàng cây cao không có gì đặc sắc, trưa hôm ấy bất chợt hiện ra trong mắt tôi cả một dòng sông lồng lộng, vàng rực, óng ánh. Những cơn gió từ sáng sớm nhặt hết lá trên cành cao thả xuống kín hai bờ lề và mặt đường mà những vòng bánh lăn hối hả của xe cộ qua lại hẳn đã quạt chúng rạt sang hai bên, để lại một lối mòn ở giữa, đẹp tinh khôi như cánh rừng Thu trong thơ Huy Cận Nai cao lẩn gót trong mù, xuống rừng nẻo thuộc nhìn Thu mới về.

Tôi đã đến Virginia lúc 5 giờ sáng một ngày chớm Thu, được bạn đón về thành phố Annandale, qua những con đường gió gom lá úa vun thành những nấm mộ nâu buồn bã. Mùa Thu Đông Bắc Hoa Kỳ, với tôi hôm ấy, không đẹp bằng những mùa Thu tôi đã có duyên gặp gỡ ở tiểu bang Washington, với không gian những công viên sáng choang như mạ vàng sau cơn mưa; ở New England lộng lẫy đến hoang đường với những tán lá màu sắc rực rỡ, bén như dao cắt ngọt lên những sợi thần kinh cảm xúc; ở Vermont với mây thấp bên ngoài cửa sổ, lá cây chen nhau đổi mầu xanh, đỏ, tía, vàng, nâu, rừng rực lửa dưới bầu trời mùa Thu nắng trong như thủy tinh. Nếu nơi nào ngoài Việt Nam có mùa Thu sầu muộn, khiến anh nghe sầu lên trên ấy thì có lẽ đó là mùa Thu Quebec. Không gian xám, xác lá vàng rơi rụng đầy mặt đất và nhanh chóng nhầu nát dưới mưa. Vắng lặng. Buồn tẻ. Quạnh hiu. Làm nhớ Les Feuilles Mortes của Jacques Prevert... Những chiếc lá chết gom thành đống, nhiều như kỷ niệm và tiếc thương để gió cuốn đi trong đêm tối lạnh căm của lãng quên. Và cuộc đời lặng lẽ cách chia những lứa đôi yêu nhau. Và biển xóa sạch những dấu chân biệt ly của người tình đã rời xa. Có lẽ kỷ niệm khô héo và tiếc thương theo gió bay đi của cuộc tình không trọn vẹn trong thơ Jacques Prevert không làm rung động con tim người nhạc sĩ họ Phạm, sống để ngợi ca tình yêu, nên ông chọn phổ thơ của Guillaume Apollinaire... Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi. Mùa Thu đã chết, em nhớ cho mùa Thu đã chết, đã chết rồi, em nhớ cho. Em nhớ cho đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa trên cõi đời này. Ôi, ngát hương thời gian mùi thạch thảo, em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em, vẫn chờ em... Phạm Duy da diết hơn, mặn nồng hơn Apollinaire, cho dù anh vẫn biết, cho dù anh xin em đừng quên, chúng ta đã vĩnh viễn mất nhau rồi nhưng tình ơi, anh vẫn chờ em. Hơn thế nữa, Phạm Duy càng tài hoa hơn trong lựa chọn và sử dụng điệp ngữ, cả tiếng Việt cũng tình tự, sâu sắc, thấm đẫm cảm xúc hơn hẳn những “souviens-t'en, Et souviens-toi,” dù van vỉ, dù khẩn thiết cách nào cũng không ray rứt và nung nấu thương đau bằng em nhớ cho, em nhớ cho, em nhớ cho... Của uất nghẹn. Của làn hơi mỏng dần trong tuyệt vọng.

Cụ Nguyễn Du viết: “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ?” Con người đã phóng chiếu tâm tư mình lên ngoại cảnh hay ngoại cảnh đã nhuộm màu tâm tư ấy? Bầu trời xám ngắt, gió heo may hiu hắt trên đầu những hàng cây thưa lá, mưa tí tách nhỏ giọt ngoài hiên, tất cả những gam màu lem luốc và những thanh âm chập chờn, rả rích của mùa Thu dễ gợi niềm nhung nhớ cho những tâm hồn nhậy cảm. Ai không từng trải qua một cuộc tình chia xa? Ai không từng bỏ lại đằng sau những tháng ngày hoa mộng, đôi khi cả quê hương gắn bó không rời? Ai không từng hoài vọng một điều gì thật gần mà vẫn mãi ngoài tầm tay? Đất trời mang mang mùa Thu dễ cho chúng ta niềm cảm khái.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, không biết mùa Thu là gì ngoài hương hoa bưởi nồng nàn những đêm Tháng Bảy nước nhảy lên bờ. Chập tối đi ngủ, vườn tược, sân nhà còn khô ráo. Nửa đêm, tiếng mưa rơi phơi phới, rào rạt trên những tàu chuối quanh nhà, êm đềm như tiếng võng dịu dàng đưa và sáng ra, thức dậy đã thấy bốn bề nước dâng trắng xóa. Gió bấc từ mạn Bao Vinh thổi rét mướt qua cánh đồng trống và mùa đông tới vội vàng không báo trước với những sáng, chiều học trò đi/về học mình mẩy ướt đầm. Những con đường và phố xá thân quen giờ chỉ còn những con ve sầu lướt thướt trong những cái tơi lá sũng mưa thay cho tóc thề, áo lụa nên thơ.

Tôi chỉ bắt gặp mùa Thu, mùa đẹp nhất trong năm, qua thi ca và âm nhạc. Sau Tháng Tư 1975, mùa Thu Hà Nội trở thành một ám ảnh quyến rũ. Nào Trần Quang Lộc với “Có phải em là mùa Thu Hà Nội, trời sang Thu anh lót lá em nằm. Có phải em là mùa Thu Hà Nội, nghìn năm sau anh níu bóng quay về... ” Nào Trịnh Công Sơn với “Mùa hoa sữa về thơm từng con phố, mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ. Hồ Tây, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi... ” Thế nên, khi cậu cháu gọi tôi bằng cô, viết thư, ân cần căn dặn “Năm nay cô về tảo mộ ông, cố về vào Tháng Mười cô nhé để thưởng thức mùa Thu Hà Nội,” tôi thấy mình Thu xếp đáp lời mời của cậu.

Chúng tôi bốn người ngồi ở nhà Thủy Tạ trên bờ Hồ Tây. Buổi trưa mùa Thu Hà Nội nóng hầm hập, mồ hôi rịn ra dưới chân tóc và bầu trời trên đầu phẳng lì một màu xám đục. Tôi hơi ngạc nhiên song chưa tiện hỏi thì cậu cháu đã mở lời: “Cô thấy mùa Thu ở đây đẹp không?” Tôi thành thực trả lời: “Cô đã sống bên Mỹ hơn hai chục năm, đi vài nơi và thấy mùa Thu nước Mỹ đẹp kinh hoàng nên cô chờ đợi để có dịp so sánh với quê hương mà chưa thấy gì?” Cậu cháu thất vọng thấy rõ. Cậu nhướng cao đôi lông mày sắc nét như vẽ: “Thế cô không thấy màu trời xám và nắng dịu dàng ư?” Tôi chợt hiểu và nghe lòng nhói đau, biết mình có lỗi với phần đất này của tổ tiên vì đã là khách lạ trước khi cất bước ra đi; có lỗi với tấm chân tình của cậu cháu thể hiện đúng tinh thần Quốc Văn giáo khoa thư gần một thế kỷ trước: không nơi nào khác trên địa cầu đẹp bằng quê hương!

Hôm sau, tôi hỏi để vớt vát: “Cháu ơi, con đường nào thơm mùi hoa sữa?” Cậu trả lời: “Hoa sữa rụng hết rồi cô ạ! Các ông nhạc sĩ viết thế thôi chứ mùi hoa sữa hắc lắm, cô phải đứng cách xa trên đầu gió để nó thoang thoảng thì mới dễ chịu.” Có lẽ nghe tôi hỏi hoa sữa nên hôm sau nữa, cậu mang biếu tôi một ít cốm tươi mua tận làng Vòng, gói trong cái lá sen heo héo kèm với mấy quả chuối tiêu vỏ trứng cuốc. Chao ôi, đấy là vẻ đẹp hiếm hoi, là hương vị thanh tao của mùa Thu quê nhà. Nếu tôi vẫn sống ở Hà Nội, chịu đựng mùa hè nắng cháy da, rát mặt với cái nóng nung người nóng nóng ghê, mồ hôi đọng thành vũng chỗ ngồi và chỗ nằm dưới vầng mặt trời đổ lửa xuống mái nhà và phố phường, chắc tôi phải mừng rỡ đón mùa Thu trở lại, đẹp mê hồn với vòm trời đầy mây xám, nắng nhạt như màu trà pha loãng, tôn vinh thời tiết ấy, không gian ấy và hạnh phúc khôn cùng.

Mấy ngày ngắn ngủi trôi nhanh, đêm cuối rời xa Hà Nội trên chiếc xe taxi ra phi trường qua những con phố hẹp, lúc nhà nhà đang say ngủ trong sự vắng lặng tuyệt đối, tôi bất ngờ bắt gặp một bộ mặt khác của Hà Nội, sung sức, man dại, khi gió mùa đông bắc như đàn ngựa hoang tràn vào thành phố, thổi rạt luồng hơi nóng ban ngày đọng trên những vỉa hè lót gạch mấp mô, những vì tường liêu xiêu, cũ kỹ, những mái ngói rêu phong ẩm mốc, tung nó vào không gian bàng hoàng đổi thay giữa đêm đen.

Sáng mai, người dân Hà Nội sẽ mặc áo ấm lúc thức giấc. Không biết có ai ngoài ông cháu quốc-văn-giáo-khoa-thư của tôi, để mắt nhìn ra thiên nhiên, để lòng nhớ thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (?) Sương Thu lạnh, khói Thu xây thành? Hay mọi người giờ đây, tất bật vì áo cơm, đã quen với mọi đổi thay đến rồi đi, như thời tiết nắng mưa, như năm qua tháng lại, chỉ mong mỗi ngày được chọn một niềm vui có thể quy chiếu thành con số...

Và tôi, sáng nay ra hộp thư, thấy thảm cỏ nhà hàng xóm lún phún màu xanh phủ đầy những đốm lá vàng mơ, những đốm lá nâu con gái, đẹp quá, mượt mà quá, làm nhớ Trần Quang Lộc với Trời sang Thu, anh lót lá em nằm.


Bùi Bích Hà
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.054 giây.