Trang bìa tuần báo le Courrier International số 1314. Charlie Hebdo
Nhân dịp kỉ niệm một năm vụ thảm sát Charlie Hebdo, tuần báo le Courrier International số 1314 (từ 07 – 13/01/2016) dành
phần lớn số báo cho chủ đề tự do ngôn luận. Tựa trang nhất : « Cuộc chiến tiếp tục », trên nền đỏ máu, với hình ảnh một con
chim (có thể là chim hòa bình, nhưng với « vẻ mặt » không hề hòa bình), mỏ ngậm chiếc bảng ghi dòng chữ « Tôi là Charlie
», dưới chân chim là cành ô liu tan vỡ.
Tự do ngôn luận nói chung là điều dễ hiểu, nhưng tự do châm biếm, tự do đụng đến những gì liên quan đến đức tin của
những người có tôn giáo không phải là điều dễ được chia sẻ với những người không sống trong một xã hội có truyền thống
dân chủ lâu đời. Để giúp cho độc giả dễ hình dung, tuần báo quốc tế Pháp giới thiệu một bức tranh của họa sĩ Québec. Hai
người ngắm tranh. Chiếc khung tranh quá bé, lọt thỏm trong khối màu sắc hình ảnh, cứ như tràn trề về khắp mọi hướng. Một
khách xem nhận xét : « Không dễ gì đóng khung quyền tự do biểu đạt ! ».
Tuần báo quốc tế Pháp ghi nhận : « một năm sau cuộc tấn công nhắm vào các họa sĩ Charlie Hebdo, hiếm có giọng nói nào
còn cất lên để bảo vệ quyền tự do châm biếm, quyền được thể hiện theo nghĩa bóng. Đây là một tình trạng hết sức tương
phản với thực trạng tự do ngôn luận đang bị đẩy lùi trên khắp thế giới, bị trấn áp bởi luật lệ, bạo lực và kể cả với các tiến bộ
công nghệ ».
Le Courrier International dẫn lại nghiên cứu của viện Mỹ Pew Research tại 38 quốc gia. Nếu như tại Hoa Kỳ, Achentina, Nam
Phi, Úc hay Ba Lan, đa số công dân đều ủng hộ quyền tự do ngôn luận, báo chí tự do, thì tại Trung Cận Đông, Châu Phi, rất
nhiều người muốn quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt nói chung phải được giới hạn, nhất là những gì liên quan đến tôn
giáo.
Tuần báo quốc tế Pháp tiếp tục đưa độc giả đến với những điểm nóng thời sự quốc tế qua các tranh biếm họa. Hình ảnh hai
giáo sĩ, một với khăn trùm dài có dây quấn (biểu tượng riêng của hệ phái Sunni) và một với khăn quấn (biểu tượng riêng của
hệ phái Shia) đang đọ sức với hai vũ khí hình trăng lưỡi liềm (biểu tượng chung của đạo Hồi), cùng với bài « Ả Rập Xê Út và
Iran. Xung đột leo thang giữa hai hệ phái Sunni và Shia », được rút từ tờ báo nổi tiếng của Liban « L’Orient-Le-Jour ».
Ấn tượng hơn là bức tranh minh họa cho bài về Ba Lan : « Đừng sợ, hãy kháng cự lại ». Bên trái bức tranh là hình một người
đứng và phóng uế lên quốc kỳ Ba Lan, một tay chống gươm, một tay cầm chiếc đầu lâu, với hai mắt bị bịt kín. Bên phải là bức
tượng thần Công lý, vẫn giương cao kiếm và cân, nhưng đầu không còn. Nhật báo nổi tiếng – biểu tượng cho nền dân chủ Ba
Lan – « Gazeta Wyborcza » kêu gọi dân chúng tổ chức « một cuộc cách mạng Maidan », theo gương dân Ukraina, ngay tại
thủ đô Varsava, tiếp theo việc tân chính quyền Ba Lan ban hành một loạt các điều luật bóp nghẹt tự do, đặc biệt là tự do báo
chí.
Đe dọa lớn nhất là các xã hội dân chủ xuôi tay
Một bức vẽ khác đầy ấn tượng khác cho chủ đề tự do biểu đạt của tuần báo Pháp là hình một văn nhân với đôi cánh giấy, kết
từ rất nhiều trang báo, mặt hướng lên trời, tay đang vươn lên, nhưng thân hình không thể cất lên được, bởi đôi cánh tự do
ngôn luận đã bị xiềng. Bức biếm họa làm nền cho hồ sơ chính của tuần báo : « Tự do ngôn luận. Trận chiến tiếp tục ».
« Các đe dọa mạnh nhất đối với tự do ngôn luận đến từ chính thế giới văn minh của chúng ta » là nhận định của tờ Spiked,
một trong những tờ báo hiếm hoi của nước Anh còn lên tiếng bảo vệ quyền tự do châm biếm, sau khi dư luận chỉ trích đồng
loạt bức biếm họa về cậu bé Aylan bất hạnh, chết đuối trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Số phận của người tị nạn nhỏ tuổi gây chấn
động công luận Châu Âu. Minh họa cho bài báo « Tôi vẫn luôn là Charlie » của Spiked là hình ảnh một người đơn độc cầm
tấm bảng « Tôi là Charlie » đi ngược lại với đám đông đầu cúi gập, trong tư thế thất bại, dưới chân ngổn ngang « Tôi là
Charlie » - các tấm bảng đã qua sử dụng.
Tờ Spiked vạch trần thực trạng : « dưới vẻ ngoài của một Châu Âu thống nhất đằng sau tấm biển ‘‘Tôi là Charlie’’, để bảo vệ
tự do ngôn luận chống lại những kẻ man rợ đang ngấp nghé đây đó, (…) là các xã hội Châu Âu nơi mà quyền tự do ngôn luận
ngày càng trở nên mất giá, và nơi mà chúng ta dành quá nhiều thời gian để giới hạn chính cái quyền tự do quý giá nhất của
chúng ta, hơn là bảo vệ và mở rộng nó ».
Vẫn theo tờ báo Anh, « những tranh luận mới đây xung quanh vụ Charlie Hebdo cho thấy chúng ta vẫn đang trong cái thời mà
người ta sống theo nguyên tắc phản lại Voltaire », phản lại tư tưởng tự do của nhà triết học Pháp, sẵn sàng bảo vệ đến cùng
cơ hội cho người có quan điểm khác mình được trình bày trước công luận. Quan điểm phổ biến hiện nay được tờ báo Anh
ghi nhận là « Tôi biết tôi ghét điều anh nói, và tôi sẽ bảo vệ đến cùng quyền của tôi được ngăn cản không cho anh nói ».
Trong tình trạng ấy, tờ báo Anh nhấn mạnh không có cách nào khác là « phải khẳng định mạnh mẽ quyền tự do suy nghĩ, tự
do bảo vệ quyền tự do của những tờ báo như Charlie, cho dù có đụng chạm đến người Hồi giáo hay Công giáo, người phân
biệt chủng tộc hay những người bảo vệ dân tị nạn. Tôi là Charlie không chỉ trong tháng Giêng, tôi mãi mãi là Charlie ».
Tuần báo L’Express giới thiệu một tiểu luận được đánh giá là « xuất sắc » của nhà chính trị học Anastasia Colosimo (Les
Buchers de la liberté), trở lại với những ngày đầu tiên tiếp theo vụ thảm sát Charlie năm ngoái, khi nhiều tờ báo, như tạp chí
Etudes (của các tu sĩ dòng Tên), đăng lại nhiều bức biếm họa của Charlie về Công giáo, với nhận định « Hài hước về đức tin
là một phương thuốc chống lại sự cuồng tín, và một lối nghĩ theo đuôi, giáo điều ». Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau Etudes phải rút
bài ủng hộ Charlie, sau một phản ứng của Giáo hoàng Phanxicô. Nhà chính trị học Anastasia Colosimo ghi nhận sự quay
ngoắt như vậy là một hiện tượng rất phổ biến.
Phân biệt rõ tự do châm biếm và ý thức tránh điều « bất nhã »
Quan điểm phản đối quyền tự do châm biếm vô hạn được khá nhiều người ủng hộ. Đâu là lý do ? Le Courrier International
dẫn ra các nhận định của nhà triết học Rumani Andrei Plesu, một nhà tranh đấu chống lại chế độ độc tài cộng sản trước đây,
một trong những người có quan điểm như vậy. Nhà trí thức nổi tiếng này từng là Bộ trưởng Văn hóa, Ngoại trưởng của chính
quyền Rumani. Không thể bào chữa cho những kẻ dùng bạo lực giết hại nhà báo, nhưng mặt khác nhà triết học cũng cho
rằng, quyền tự do ngôn luận, cũng cần phải được giới hạn theo luật pháp, đặc biệt để chống lại việc « sùng bái một cách mù
quáng quyền tự do ngôn luận, lạm dụng nó, cụ thể là sử dụng quyền này vì những mục tiêu đen tối, những khiêu khích mang
tính hủy diệt … », những hành động thái quá như vậy sẽ « hủy hoại chính cái quyền đã được chinh phục một cách hết sức
khó khăn, với những hy sinh rất lớn ».
Nhà văn Ý Umberto Rico không đồng tình với quan điểm trên, ông chỉ ra một sự khác nhau rất tinh tế giữa việc chọn không
châm biếm làm xúc phạm đến đức tin của người khác « vì lý do đạo lý », và việc không làm như vậy do « sợ bị trả đũa ». Ông
khẳng định trong vụ Charlie Hebdo – với rất nhiều quan điểm khác nhau - cần phải tách bạch rõ hai phương diện.
Khi khẳng định « Tôi là Charlie », « ông chỉ đơn giản bảo vệ quyền tự do biểu đạt, cho dù sự biểu đạt này có thể được đánh
giá là ‘‘bất nhã’’ (impoli) (Umberto Rico xin lỗi độc giả nếu từ này không đạt), nhưng mặt khác, nếu đặt mình ở cương vị của
báo Charlie, ông sẽ không đi đến chỗ chế giễu cách cảm nhận của người theo đạo Hồi, đạo Thiên chúa (hay đạo Phật) ».
Umberto Rico cũng nhấn mạnh đến « một truyền thống hết sức mạnh mẽ của xã hội Phương Tây », khi người ta sẵn sàng
chấp nhận những biếm họa kinh khủng về người Do Thái chẳng hạn, để bảo vệ quyền tự do biểu đạt, nhưng không thể chấp
nhận việc người Do Thái bị tấn công.
« Biếm họa giả » khiến tranh trào phúng bị căm ghét
Quyền tự do châm biếm là vấn đề hết sức phức tạp, không thể chỉ gói lại trong ba quan điểm lớn nói trên. Trong khi nước
Nga không biết đến truyền thống biếm họa chính trị, dư luận Nga không hiểu được các bức tranh biếm họa của Charlie về
người tị nạn Syria, theo nhận xét của tờ báo tự do Nga Gazeta.ru, thì nhà báo Ấn Độ Siddhartha Deb đặc biệt lưu ý đến một
tình trạng nguy hiểm mà ông gọi là « Biếm họa giả ».
Bài viết được đăng tải báo The New York Times đưa ra một nhận xét rất đáng suy nghĩ : « Nền trào phúng đương đại đang
được nuôi dưỡng bởi sự vắng mặt của các giá trị chung, bị quá trình toàn cầu hóa phá hủy. Trào phúng do vậy trở thành một
hoạt động thô thiển, bởi nó chỉ là phương tiện chuyển đạt các định kiến và ngộ nhận ». Nhà văn Ấn Độ cảnh báo : « nếu thiếu
những mã văn hóa chung », « việc đẩy ngày càng xa hơn các ranh giới của quyền tự do ngôn luận bằng mọi giá, nếu không
có mục tiêu nào khác đi cùng – không có sự đồng cảm và thấu hiểu về cái đa dạng văn hóa của thế giới mà chúng ta đang
sống - trào phúng sẽ trở thành đối tượng của sự phẫn nộ ».
Theo nhà văn Ấn Độ, những mã văn hóa chung là điều khiến một cộng đồng có thể chia sẻ được với nhau về những châm
biếm, trào phúng, nhiều khi rất độc địa, nhưng nếu hiểu sâu xa lại đầy tính nhân văn. Ông dẫn ra tiểu luận châm biếm của
Jonathan Swift, năm 1729, về thảm trạng của những em bé Công giáo sống trong nghèo đói tột cùng tại nước Ailen (thuộc
Anh) thời đó, có thể dễ dàng trở thành « món ăn » cho giới giàu có. Tiểu luận được đánh giá là một bản án dữ dội nhắm vào
giới cầm quyền. Tuy nhiên, châm biếm như vậy không phải ai cũng hiểu được.
Theo RFI