Thủ tướng Hun Sen và vợ trong đợt vận động cho đảng Nhân Dân Cam Bốt tại Phnom Penh ngày 27/06/2013. Reuters
Vào lúc các nước độc tài coi internet và mạng xã hội là một mối đe dọa tiềm tàng, thì đối với thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, đây lại là một công cụ để củng cố quyền lực. Mục tiêu chính của lãnh đạo đảng Nhân Dân Cam Bốt là giành lại thành phần cử tri trẻ có khuynh hướng ủng hộ đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc của ông Sam Rainsy.
Để giữ được chiếc ghế thủ tướng cho tới năm 74 tuổi, ông Hun Sen khai thác tối đa các mạng xã hội. Trang mạng của lãnh đạo Cam Bốt mới chỉ được khai trương vào tháng 9/2015 đã được gần 2 triệu người « theo ». Phát ngôn viên của đảng Nhân dân Cam Bốt ghi nhận : công nghệ số là « công cụ thiết yếu » để gần gũi với dân, đặc biệt là thanh niên.
Trên trạng mạng cá nhân của thủ tướng Cam Bốt, người ta trông thấy hình ảnh của ông Hun Sen với nét mặt hiền hòa, bao dung, giảng giải rằng việc sửa đổi luật giao thông là điều cần thiết. Thủ tướng Cam Bốt đã huy động cả một đội ngũ các cố vấn trẻ để theo dõi những tranh luận trên mạng, để trả lời gần như trực tuyến với những « follower ».
Trong một thông điệp vừa gửi lên mạng Facebook gần đây, lãnh đạo Cam Bốt giải thích : Ông luôn mang theo người một túi xách tay, vì trong đó có 5 cái điện thoại thông minh để « theo dõi, nghe và nhận thông tin từng giờ, từng phút » từ các cộng tác viên của mình.
Ông Hun Sen muốn đưa ra hình ảnh của một nhà lãnh đạo biết lắng nghe dân tình. Theo lời một sinh viên mà AFP gặp được, chiến lược này đang « làm thay đổi hình ảnh của Hun Sen » đối với giới trẻ.
Liên tục cầm quyền tại Cam Bốt từ năm 1985, Thủ tướng Hun Sen, 63 tuổi, báo trước là sẽ tiếp tục lãnh đạo Xứ Chùa Tháp cho tới năm 74 tuổi. Trước mắt chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Hun Sen muốn chia sẻ quyền lực. Lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy đã phải sống lưu vong để thoát khỏi cảnh tù đày.
Ông Sam Rainsy và đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc từ lâu nay đã hiện diện trên các trang mạng xã hội và trang Facebook của đảng này, được hơn 2 triệu người tham gia. Trong khi đó trang cá nhân của Thủ tướng Hun Sen mới chỉ sau có hơn 4 tháng hoạt động đã thu hút được 1,9 triệu người.
Có điều, như ghi nhận của AFP : Mở trang mạng xã hội, đưa ra một hình ảnh trẻ trung của một nhà lãnh đạo biết lắng nghe những nguyện vọng của người dân không cấm cản ông Hun Sen tăng cường các biện pháp kiểm duyệt internet và những gì được trao đổi qua các trang mạng xã hội.
Gần đây một người dự báo Hun Sen về cái chết sắp tới của thủ tướng Cam Bốt đã bị bắt giam. Một người khác kêu gọi tiến hành một cuộc « cách mạng » trên Xứ Chùa Tháp cũng đã được « hỏi thăm ». Một thượng nghị sĩ của đảng đối lập bị bắt giam vì đã đăng trên trang mạng Facebook một tấm bản đồ không đúng với đường lối của nhà cầm quyền Phnom Penh.
Tóm lại, theo như nhận định của ông Sebastian Trangio, tác giả cuốn sách về Hun Sen – Hun Sen’s Cambodia (Đất nước Cam Bốt của Hun Sen) : Cuộc chiến giữa lãnh đạo Phonm Penh với đảng đối lập của ông Sam Rainsy đang chuyển tới mặt trận Internet. Chuyên gia Học viện Quốc phòng Úc, Carl Thayer cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng, thủ tướng Hun Sen khai thác các phương tiện tin học và mạng xã hội để chuẩn bị cho cuộc bầu cử 2018. Chính quyền Phnom Penh không muốn lập lại sai lầm của năm 2013. Khi đó, đảng Cứu Nguy Dân Tộc của Sam Rainsy đã chinh phục được thành phần cử tri trẻ tuổi.
Cam Bốt là một quốc gia với 15 triệu dân, và hai phần ba trong số đó chưa đầy 30 tuổi.
Theo RFI