logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 18/01/2016 lúc 11:10:37(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
UserPostedImage
Buổi tưởng niệm 74 tử sĩ VNCH sáng 19/1 tại Hà Nội. Ảnh Facebook Hà Vân

Một vài năm trở lại đây, báo chí “lề đảng” đã bắt đầu nói về trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Hôm 17/1/2016, nhà cầm quyền đã cho khởi công xây dựng một khu tưởng niệm mang tên “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhằm vinh danh những quân nhân VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo này 42 năm về trước.


Nhìn những biểu hiện “bề nổi” như thế, hẳn không ít người có thể nghĩ rằng nhà nước này đã thực sự biết công nhận, biết tri ân những đóng góp, hy sinh xương máu của những người con hy sinh vì Tổ Quốc, bất kể từng thuộc chiến tuyến nào. Và rằng người cộng sản thực sự muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc.


Nhưng trên thực tế, bất cứ công dân Việt Nam nào lên tiếng động chạm đến Trung cộng, bày tỏ sự xót xa cho một phần đất mẹ bị chia lìa đều đã, và sẽ còn bị nhốt tù, bị đánh đập, bị đàn áp và trù dập.


Khi người dân tự tổ chức các buổi tưởng niệm để tri ân những anh hùng đã hy sinh vì Tổ Quốc đều gặp phải sự cấm đoán, đánh đập, thậm chí ngăn cản bằng mọi cách từ phía nhà cầm quyền. Không chỉ ngăn cản buổi tưởng niệm 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa mà ngay cả những buổi tưởng niệm các liệt sĩ Việt Nam cộng sản cũng gặp sự đối xử tương tự. Tức là cứ dính đến “chống Tầu xâm lược” đều phải bị ngăn cản và đàn áp thẳng tay.


Từ ngày 15 đến ngày 19/1/2015, tại một số nơi người dân đã tự tổ chức các cuộc tưởng niệm 74 anh hùng Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân trên vùng biển Hoàng Sa 42 năm về trước. Blog Phạm Thanh Nghiên xin được nhường lời cho những người trong cuộc. Họ là một số trong những người đã tổ chức, tham gia ba cuộc tưởng niệm ở ba địa điểm khác nhau từ Vũng Tầu, Lăng Cô đến Hà Nội. Họ sẽ kể với chúng ta về những gì họ đã trải qua và đối mặt. Để thấy được rằng những tượng đài, những lời lẽ trau chuốt trên báo lề đảng có thực sự mang ý nghĩa tri ân, có thực tâm muốn hàn gắn quá khứ để hướng tới những điều tốt đẹp?


Buổi tưởng niệm tại Vũng Tầu qua lời kể của các Blogger Nguyễn Trí Dũng, Đỗ Đức Hợp, và Tran Nguyen.


“Từ tờ mờ sáng (4h) ngày 17 tháng 1 năm 2015 chúng tôi đã có mặt và cùng nhau khởi hành về phía thành phố Vũng Tàu. Theo sau đoàn là các xe máy của những kẻ lạ mặt đuổi bám. Những kẻ đó dừng lại ở đường cao tốc.



Tưởng niệm 74 anh hùng tử sĩ Hoàng Sa tại Vũng Tàu.(Nguồn: CLBNBTD)


Lúc 5 giờ 40 phút tại cửa ngõ bắt đầu vào thành phố Vũng Tàu, xe chúng tôi đã bị 1 đoàn hơn 20 công an giao thông và cảnh sát cơ động chặn lại để đòi chụp ảnh danh sách hành khách đi trên xe. Một viên cảnh sát giao thông còn ngang nhiên dùng xe mô-tô chắn ngang đầu xe khách. Sau đó chừng10 phút, họ bắt buộc cho xe tiếp tục di chuyển, tất nhiên là với rất nhiều kẻ lạ mặc thường phục thay phiên nhau bám theo sau xe chúng tôi.


Khoảng 7 giờ sáng, tại chân tượng đài Tổ Quốc Ghi Công (TP Vũng Tàu) dù một lần nữa xe khách bị chặn và sách nhiễu với lý do “đi sai làn đường”, cô bác anh chị trong đoàn vẫn đồng lòng đưa vòng hoa đi bộ lên đỉnh của đài tưởng niệm. Tại đỉnh của đài, một số nhân viên cây xanh mặc đồ rằn ri dàn hàng ngang ngăn cản, không cho chúng tôi mang hoa lên đài với lý do “đang bảo trì sửa chữa”, dù bên trên đài có khách tham quan cũng như nhiều dân phòng, an ninh. Sau một hồi đấu tranh họ buộc lòng phải tránh đường cho các anh chị em cùng cô bác mang hoa vào lễ đài. Như tiếc nuối cho việc đã cho chúng tôi mang hoa vào lễ đài, một số dân phòng đã chờ lúc mọi người đang mặc niệm để xông tới toan cướp đi vòng hoa nhưng bất thành. Ngay sau khi thắp nhang tưởng niệm xong, vòng hoa ngay lập tức bị các nhân viên công quyền này mang đi mất.


8 giờ sáng Xe chúng tôi tiếp tục tiến ra Bãi Dứa chìm vào giữa hai hàng các loại xe công vụ và công an, dân phòng chờ đợi. Một số anh em tách đoàn để mang vòng hoa và thức ăn đến đã bị chặn cướp ngay trên đường. Một số bông hoa trong lúc bị cướp còn rơi vãi lại cũng bị họ tìm cách cướp một lần nữa khi chúng tôi mang đến cổng vào của Bãi Dứa.


Đầu giờ chiều cùng ngày, chúng tôi tổ chức buổi tưởng niệm ngay bãi biển với băng rôn, khẩu hiệu ghi nhớ công ơn 74 anh hùng vị quốc vong thân. Chúng tôi hát vang những ca khúc đấu tranh quen thuộc. Băng rôn ngay lập tức bị những người quản lý bờ biển xông vào sâu xé, cướp giật. Khi mọi người cùng nhau hát bài “Việt Nam tôi đâu?” và “Anh là ai?”, thì tất cả những tên công an, quản lý bờ biển, dân phòng đồng loạt quay mặt đi không dám nhìn thẳng vào chúng tôi.


Khoảng 15 giờ cùng ngày, chúng tôi rời Vũng Tầu để trở về Sài Gòn. Có lẽ, phải tới hàng trăm kẻ lạ mặt được huy động bám theo sau.


Chúng tôi tổ chức buổi Lễ tưởng niệm này không gì khác chính hơn là để tỏ bày lòng biết ơn với những hy sinh của các anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ Tổ Quốc 42 năm về trước. Đó cũng là những trăn trở của những người con còn yêu đất mẹ, và đau đớn về một Việt Nam từ lâu đã không còn toàn vẹn chủ quyền”. Blogger Nguyễn Trí Dũng.


“Các hành động giám sát thì nhất cử nhất động của từng thành viên đoàn Sài Gòn đều được “chăm sóc” kỹ càng của ít nhất từ 2 đến 4 người lạ mặt. Ví dụ như việc tôi đi vệ sinh lần đầu tiên có tới 4 người âm thầm vào chung. Xin lỗi nếu có điều gì đó thiếu tế nhị trong lời kể của tôi. Nhưng tôi nghĩ cũng cần tường thuật một cách xác thực để bạn đọc hình dung được. Không biết họ có nhu cầu tự thân như tôi không, nhưng có 3 trong số 4 người giả vờ đứng bên bồn cầu. Một người còn lại đi vào từng buồng vệ sinh để... kiểm tra. Tôi không biết anh ta tìm cái gì trong các buồng vệ sinh như thế. Một lúc sau tôi lại có nhu cầu đi vệ sinh lần hai thì có ba người đứng đợi ở ngoài vì họ không vào được. Vì tôi đóng cửa. Tất nhiên rồi, đi vệ sinh ai lại không đóng cửa. Sau khi tôi vệ sinh xong, bước ra ngoài thì họ xông thẳng vào để kiểm tra từ cuộn giấy vệ sinh đến thùng đựng rác (dù vẫn còn rất nặng mùi). Một người kiểm tra, một người chuẩn bị điện thoại, một người quan sát.” Blogger Đỗ Đức Hợp.


“Ngày 17/1/2016, tôi có tham gia buổi Lễ Tưởng niệm 75 tử sĩ tử trận tại Hoàng Sa 1974. Tôi cùng các anh chị em đấu tranh Sài Gòn và một số anh em ở Vũng Tàu làm lễ tưởng niệm. Tôi muốn có một buổi tưởng niệm các tử sĩ thật long trọng vì các anh đã hy sinh cho đất nước VN để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó để bày tỏ sự ghi nhớ công ơn của các anh hùng, cho dù chỉ là một nén hương thôi. Nhưng cũng khó làm được. Trong khi trên các báo đài vẫn nói Hoàng Sa, Trường Sa là của VN. Vậy mà khi chúng tôi muốn tri ân các tử sĩ thì lại ngăn cấm không cho làm...


Tôi biết chúng tôi không thể tổ chức lễ tưởng niệm theo ý muốn ban đầu của mình được, chúng tôi thay đổi ý định là quay lên tượng đài liệt sĩ để làm lễ trên đó. An ninh, côn đồ bám theo rất đông. Lúc thắp nhang, trong đầu tôi suy nghĩ mình cứ lịch sự đưa nhang cho họ để họ cùng mình thắp nghĩ thế nên tôi đến bên họ mời họ cầm nhang cũng thắp với mình. Lúc đầu họ ngoảnh mặt đi không dám nhìn thẳng vào mặt tôi, cũng không dám nhận nén nhang tôi đưa. Nhưng tôi vẫn kiên trì mời và giải thích rằng đây là việc nên làm để tri ân những người đã hy sinh vì dân tộc. Cuối cùng cũng có mấy em cầm nhưng với thái độ ngượng ngùng, miễn cưỡng.


Tôi làm như vậy muốn các em hiểu những gì các em đang làm là sai cho dù chỉ là thừa hành lệnh trê”. Facebooker Tran Nguyen


Buổi tưởng niệm tại Lăng Cô, Huế qua tường thuật của Blogger Paulus Thanh Hoàng:
UserPostedImage
Tại Lăng Cô (nguồn hình: FB Thanh Hoàng)

“Vào khoảng 11 giờ, chủ nhật 17/1/1974, chúng tôi gồm có tôi Nguyễn Đức Quốc (Blogger Paulus Thanh Hoàng), Huỳnh Vạn Hạnh và một bạn trẻ đang học Trung học, đến bãi biển quê tôi ở Lăng Cô thắp hương và đặt Vòng hoa tưởng niệm 74 tử sĩ đã hy sinh tại Hoàng Sa ngày 19/1/1974. Vì ở khu vực trung miền trung chúng tôi rất ít người dấn thân nên chỉ tôi và bạn Huỳnh Vạn Hạnh làm công việc thắp hương và đặt Vòng hoa trên biển, hướng về Hoàng Sa mà cầu nguyện cho linh hồn 74 tử sĩ đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ đất nước với lòng tưởng nhớ và ghi ơn các anh. Chúng tôi đã cầu nguyện bằng nghi thức tôn giáo của mình.


Vì chúng tôi quá ít người, lại không thông báo công khai trên truyền thông và chúng tôi tưởng niệm trong âm thầm. Có lẽ vì thế nên công an không biết để ngăn cản hoặc phá phách. Nhưng cho dù chỉ có mấy anh em, nhưng chúng tôi vẫn muốn bày tỏ tấm lòng biết ơn đến các anh hùng đã vị quốc vong thân. Và cũng là để nhớ đến nỗi đau của Dân tộc”.


Trước thực trạng lãnh thổ, lãnh hải của đất nước đang bị ngoại bang xâm lấn và chiếm đoạt. Trong khi chế độ cầm quyền hiện nay không hề có một phản ứng xứng đáng nào nên tôi có thể gọi là chế độ hèn nhát nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước tới nay. Khi tưởng niệm 74 tử sĩ đã hy sinh tại đảo Hoàng Sa tôi nhận thấy mình cần phải đóng góp nhiều hơn nữa cho việc bảo vệ lãnh thổ đất nước. Mặc dù Hoàng Sa bị Trung Cộng chiếm đóng nhưng sự hy sinh của các anh đã đánh động lương tâm của những người Việt còn lương tri. Tôi yêu mến và ghi ơn tỉnh thần của 74 tử sĩ đã hy sinh tại Hoàng Sa. Blogger Thanh Hoàng.


Buổi tưởng niệm của các bạn trẻ tại bãi giữa Sông Hồng, Hà Nội qua chia sẻ của Blogger Lý Quang Sơn.


“Chúng tôi tổ chức buổi tưởng niệm ngày 15/1, tại bãi giữa sông Hồng, Hà Nội. Có khoảng 10 người tham gia.


Chúng tôi làm các nghi lễ tưởng niệm và thắp hương, thả vòng hoa một cách trang trọng.


Có 1 vài người dân ở đó tò mò ra xem. Có người còn chụp hình ghi lại khoảnh khắc chúng tôi tưởng niệm. Họ hỏi han về việc chúng tôi làm. Và chúng tôi chia sẻ với họ về những gì diễn ra 42 năm về trước. Họ cũng biết việc Hoàng Sa cũng đã bị mất bởi tay Trung cộng. Một điều được an ủi nữa là có người còn nhắc đến anh hùng Ngụy Văn Thà. Blogger Lý Quang Sơn.
UserPostedImage
Tại bãi giữa Sông Hồng, Hà Nội (Nguồn hình Lý Quang Sơn)

Khi được hỏi về việc báo chí “lề đảng” gần đây có đưa tin, ca ngợi sự hy sinh của các chiến sĩ VNCH và xây dựng khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”, những người tham gia tưởng niệm đã nói:


Lý Quang Sơn: "Đó là dấu hiệu đáng mừng cho 1 sự mở đầu của hòa giải dân tộc.


Việt Nam vẫn chưa kiện Trung Quốc mà chỉ mới trao công hàm phản đối, như thế thôi thì chưa đủ. Điều đó chưa đủ mạnh, chưa chứng tỏ được điều gì.


“Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.”


Tôi nghĩ phải xem thực tâm của CS đến đâu đã, chứ mới chỉ là xây dựng mộtđài tưởng niệm mà đã vội mừng, đã vội tin thì không được.”


Paulus Thanh Hoàng: Tôi thấy việc đặt viên đá đầu tiên xây dựng tượng đài nghĩa sĩ để ghi ơn 74 người lính VNCH, thêm nữa là việc đưa tin của truyền thông lề đảng không thể khẳng định sự thực tâm của người cộng sản. Tôi nghi ngờ việc xây dựng tượng đài nghĩa sĩ Hoàng Sa. Theo tôi nếu họ thực sự xây dựng tượng đài để ghi ơn 74 tử sĩ đã ngã xuống tại Hoàng Sa, họ cần phải tôn trọng sự thật với danh hiệu của các anh được đồng bào miền nam phong tặng là Tử sĩ VNCH chứ không phải xây dựng với nội dung xây dựng tượng đài nghĩa sĩ mà họ đã loan tin.


Hành Nhân: Theo tôi, việc báo chí chính thống đã dám đưa tin về hải chiến HS trong vài năm gần đây chính là nỗ lực rất đáng khen của cánh anh chị em làng báo (vốn chịu rất nhiều áp lực và kiểm duyệt của Nhà nước). Bên cạnh đó, trước sức mạnh của truyền thông mạng xã hội và đỏi hỏi của người dân, chính quyền cũng không thể bưng bít nổi sự thật lịch sử. Vì thế nên mới có sự cởi mở đôi chút đối với những vấn đề "nhạy cảm" này so với trước đây. Việc xây dựng tượng đài Nghĩa sĩ HS để ghi nhớ công ơn 74 chiến sĩ VNCH đã ngã xuống vì bảo vệ Tổ Quốc, biển đảo đáng lẽ ra nên làm và phải làm từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, "món nợ" ân tình đối với các nghĩa sĩ, tử sĩ VNCH giờ đây mới được nhớ đến.


Ngoài ra, để những hy sinh xương máu ấy không đổ ra vô ích, chính quyền hiện thời cần phải có những chính sách chăm lo cho con em, thân nhân của những tử sĩ, nghĩa sĩ VNCH, nhằm xóa đi những phân biệt đối xử giữa hai chế độ, để vươn tới sự hòa hợp hòa giải dân tộc. Đặc biệt, cần phải nêu cao tinh thần dân tộc, chống hiểm họa xâm lăng, bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc mà một trong những cách cụ thể nhất là kiện Trung cộng ra Tòa án quốc tế.


Và họ cũng phải tôn trọng, khuyến khích việc người dân khắp nơi tổ chức tưởng niệm, nhớ ơn những người lính VNCH đã ngã xuống vì biển đảo Tổ quốc chứ không phải đi ngăn chặn, hăm dọa, phá rối... Lời nói phải đi đôi với việc làm! Chính những hành động thực tế sẽ nói lên tất cả. Người dân sẽ biết và cảm được chính quyền này có thực lòng tri ân hay không, hay chỉ là để xoa dịu, diễn tuồng, và có những mưu đồ tính toán phía sau...


Khi bài viết này được gõ đến những con chữ cuối cùng thì ở Hà Nội cũng vừa kết thúc buổi tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa. Có khoảng hơn 80 người yêu nước, nhà hoạt động nhân quyền đã tập trung tại tượng đài Lý Thái Tổ để tổ chức buổi tưởng niệm một cách rất trang trọng và thành kính. Được biết, lần tổ chức này đã không bị đàn áp, phá phách như nhiều lần trước đó.
UserPostedImage
Tại Hà Nội sáng 19/1 (nguồn hình: Mai Thanh

Trong khi đó, cuộc tưởng niệm tại Sài Gòn đã không thể diễn ra suôn sẻ như dự định. Nhiều người bị chặn tại nhà, một số người bị bắt trên đường. Một lực lượng đông đảo gồm khoảng 50 công nhân(?) môi trường đô thị tiến hành việc quét dọn và xả nước liên tục tại khu tượng đài Trần Hưng Đạo, nơi tổ chức buổi tưởng niệm. Những kẻ lạ mặt xông vào cướp vòng hoa và gây hấn những người tham gia tưởng niệm.
UserPostedImage
Tại Sài Gòn (Nguồn hình: Nga Thi Bich Nguyen)

Xin mượn câu nói của nhạc sĩ Tô Hải để kết thúc bài viết này:


“Ôi! anh Ngụy văn Thà và đồng đội của anh hãy yên nghỉ nơi biển cả quê hương... Tấm gương hy sinh vì Tổ Quốc của các anh sẽ sống mãi trong tim của triệu triệu người con VN chứ không cần đến lũ người mà không có trái tim người”.

19/1/2015

Phạm Thanh Nghiên
xuong  
#2 Đã gửi : 18/01/2016 lúc 11:21:17(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Những người Anh Hùng không bao giờ chết

Ngày 19 tháng Giêng hàng năm là ngày tưởng niệm những chiến sĩ VNCH đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến bất cân xứng về lực lượng giữa Hải quân VNCH và Hải quân Trung cộng xảy ra ngày 19-1-1974.


Những chiến sĩ HQVNCH đã kiên cường chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa dù biết trước kết quả thua thiệt sẽ về mình, không đẩy lui được địch quân và mình sẽ hy sinh. Sự kiện đó nói lên điều gì nếu không phải là tinh thần quật cường anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung, và truyền thống bất khuất bảo quốc an dân, kiên quyết chiến đấu chống giặc cộng xâm lược đến cùng của Quân Lực VNCH nói riêng, mà quân chủng Hải Quân là một trong những thành phần cốt yếu.


Sự hy sinh cao cả của các anh hùng tử sĩ VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 hay của bất cứ người lính, người dân miền Nam VN nào trong cuộc chiến đấu tự vệ, chống trả bá quyền TC và tập đoàn bán nước VC cũng đều là vô giá và được vinh danh tưởng nhớ.


Trong lịch sử quốc gia, có những chiến thắng hiển hách, những chiến công oanh liệt, những thành quả vang dội thì cũng có những thất thủ bi hùng, những mất mát đau thương nghiệt ngã. Điều quan trọng là cách thế và sự ứng xử của người dân khi xảy ra những sự kiện đó. Những chiến sĩ HQVNCH, đại diện cho tập thể chiến sĩ QLVNCH cũng như toàn thể quân dân cán chính VNCH, đã chọn cách thế ngẩng đầu, cách hành xử rõ ràng và quyết liệt, bảo vệ chủ quyền đất nước dù đang trong thế yếu và dù có phải hy sinh.


Còn gì cao đẹp và sáng ngời hơn thế nữa?


Những vị anh hùng đó mất đi phần thể xác nhưng hồn phách tinh anh vẫn còn và đã hòa nhập vào khí thiêng sông núi, hợp chung với hào khí ngàn xưa của tổ tiên cha ông để tiếp tục hun đúc thêm truyền thống bất khuất, ý chí quật cường của giống nòi.


Như vậy sự hy sinh của các vị không phải là vô ích mà trái lại, đã góp thêm cho vốn liếng tinh hoa dân tộc và khí thiêng sông núi càng mạnh mẽ trường tồn hơn. Đó là nguồn sống tinh thần vô giá, nuôi dưỡng thêm sức mạnh, nung nấu thêm ý chí cho toàn dân VN chờ ngày vùng lên đánh đuổi quân xâm lược.


Kẻ thù gian manh có thể tạm thời cưỡng chiếm đất nước chúng ta nhưng chúng không thể xóa bỏ được tinh thần bất khuất chống ngoại xâm, chống cái ác của toàn dân chúng ta vốn đã có từ ngàn xưa.


Trong niềm thương tiếc và tưởng nhớ 74 chiến sĩ HQVNCH đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa, xin kính dâng một nén hương lòng tri ân và tưởng niệm. Cũng xin kính ngỏ lòng tri ân và tưởng nhớ liệt vị anh hùng tử sĩ VNCH đã hy sinh xương máu trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm lẫn quốc nạn CS.


Xin chép lại một bài thơ đã viết vào tháng Giêng 2014 sau đây.


Hoàng Sa Chiến Sử Anh Hùng
(Như một nén hương để tưởng niệm và tri ân những Chiến sĩ Hải Quân VNCH đã hy sinh trong trận hải chiến gìn đất giữ nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa Tháng Giêng 1974)

Nhớ quá, nhớ quá!
Hoàng sa! Hoàng sa!
Gió thét sóng gào đập quanh ghềnh đá
Nghèn nghẹn từng cơn khí uất lệ nhoà


Tháng Giêng về khơi niềm thương nhớ
Bốn mươi năm rồi mà như mới hôm qua
Chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa
Những con người khí phách hiên ngang
Những chiến hạm uy nghi trấn giữ trùng dương
Tổ quốc đẹp giàu, giang sơn gấm vóc
Quần đảo thân thương sóng bạc cát vàng


Trận hải chiến bi hùng đã đi vào lịch sử
Lịch sử nước Nam chống giặc ngoại xâm
Lịch sử dân Nam một lòng đoàn kết
Lịch sử người Nam vì nước quên mình


Báo động, báo động!
Bọn Trung Cộng lăm le chiếm đoạt
Hoàng, Trường Sa dậy sóng bao lần


Lần này rõ rệt
Chiến hạm địch lầm lì kéo tới
Hàng hàng lớp lớp liên hồi
Những con tàu chở những ý đồ đen tối
Xâm phạm chủ quyền biển đảo Hoàng Sa
Ỷ thế nước lớn, rắp tâm cưỡng đoạt
Bản tính tham tàn quỷ quái ranh ma


Cường địch số đông, nhưng các anh nào xá kể
Thế trận không cân, sức yếu đâu màng
Truyền thống cha ông bất khuất
Chính nghĩa há sợ gian tà?
Kẻ xâm lăng phải bị răn đe trừng trị
Đánh cho rõ mặt dân Nam
“Đánh cho chích luân bất phản
Đánh cho phiến giáp bất hoàn”*


Nhanh chóng! Nhanh chóng!
Lên đường rẽ sóng
Cấp kỳ thẳng tiến
Nghênh chiến đội hình


Hộ tống hạm uy danh
HQ-10 Nhật Tảo
Hướng thẳng mũi tàu
Chĩa ngay nòng pháo
Cùng chiến hạm bạn HQ-4, HQ-5, HQ-16
Trực chỉ quân thù mà... Bắn!


Súng gầm đạn nổ tàu địch bật tung
Xác cường tặc văng ra từng mảng
Chìm sâu dưới đáy đại dương
Cho đáng đời những quân ngạo mạn
Cho Hoàng Sa nước Việt kiên cường
Cho rõ mặt con Hồng cháu Lạc


Nhưng than ôi!
Cũng từ giây phút đó
HQ-10 trúng đạn
Bọn sài lang ỷ số đông hung hãn
Nã pháo loạn xạ, xả súng điên cuồng
Vào đài chỉ huy, vào phao cấp cứu
Bất kể công ước quốc tế, luật biển giao tranh


Thương thay! Mãnh hổ nan địch quần hồ
Pháo tháp gãy đôi anh hùng vắn số
Bảy mươi bốn ánh sao băng vụt sáng giữa trùng khơi


Hồn thiêng bay vút về trời
Xác cùng chiến hạm sóng vùi biển Đông
Hoàng Sa chiến sử anh hùng
Tấm gương tuẫn quốc còn trong muôn đời
Tháng Giêng Mười Chín ngậm ngùi
Nén hương tưởng niệm khóc người liệt oanh
Đáp đền nợ nước hy sinh
Sánh danh kim cổ sử xanh lưu truyền.


(Tháng Giêng 2014)


Quang Dương
_______________
* Hịch của vua Quang Trung Nguyễn Huệ khi đại phá quân Thanh
xuong  
#3 Đã gửi : 18/01/2016 lúc 11:38:47(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
'Tử sĩ Hoàng Sa phải được vinh danh trên chính quê hương mình'

LTS: Cách đây 42 năm, Hoàng Sa đã rơi vào tay Trung Quốc trong một trận chiến đẫm máu vào ngày 19 tháng 1 năm 1974. Bảy mươi bốn người lính hải quân của chiến hạm HQ10 Nhật Tảo của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, do Trung Tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng và Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí làm hạm phó đã mãi mãi nằm lại trên vùng biển Hoàng Sa. Nhân dịp này, Báo Người Việt đã có cuộc gặp gỡ gia đình hai quả phụ của hạm trưởng và hạm phó HQ10 là Bà Huỳnh Thị Sinh (vợ cố Trung Tá Ngụy Văn Thà) và bà Ngô Thị Kim Thanh (vợ cố Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí), tìm hiểu về biến cố Hoàng Sa cũng như đời sống trong hiện tại.
UserPostedImage
Chiến hạm HQ10 Nhật Tảo trước lúc xuất hành đi Hoàng Sa và bị đánh chìm trong trận hải chiến với Trung Quốc. (Hình: Bà Huỳnh Thị Sinh cung cấp)

Bà Huỳnh Thị Sinh: Tự hào là vợ của một người lính Hải Quân VNCH

Việt Hùng (NV): Trước hết xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này. Bà có thể cho biết tình hình sức khỏe và cuộc sống của bà hiện nay thế nào?

Bà Huỳnh Thị Sinh (HTS): Hiện nay tôi đang sống với 2 đứa cháu ruột ở căn chung cư do tổ chức “Nhịp cầu Hoàng Sa” tặng vào năm 2014. Tôi có 3 người con gái, đã lập gia đình nên các cháu đều ở riêng. Trước đây tôi buôn bán băng đĩa (đĩa CD, VCD ca nhạc, phim), nhưng những năm gần đây số người mua đĩa rất ít, họ thích dùng USB hay xem trực tiếp trên mạng nên tình hình buôn bán ế ẩm. Bởi vậy tôi đã nghỉ hẳn.

Sức khỏe tôi thì cũng không được tốt lắm, người già mà ai cũng phải vậy thôi. Hôm qua đây (ngày 16 tháng 1 năm 2016) tôi được mời đi ra núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi để dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa, nhưng vì lý do sức khỏe tôi đã không tham dự.

NV: Bà có còn nhớ gì vào thời điểm năm 1974, trước lúc chồng mình, cố Trung Tá Ngụy Văn Thà đã hi sinh anh dũng cùng chiến hạm HQ10?

Bà HTS: Lúc đó gia đình tôi đang ở Sài Gòn. Tôi chỉ nhớ là vào những ngày gần Tết, không khí bà con xung quanh hàng xóm chuẩn bị Tết rất nhiều. Vào 2 giờ chiều ngày 19 tháng 1 năm 1974 thì có người của Tư Lệnh Hải Quân VNCH xuống nhà báo là anh Thà đang chỉ huy tàu chiến đấu với Trung Cộng ở ngoài Hoàng Sa, nếu đến 6 giờ tối mà không có thông tin phản hồi của HQ10 thì có thể là tàu đã bị Trung Cộng đánh chìm.

Tôi nghe xong là tay chân bủn rủn, nhưng vẫn cố bình tĩnh để không gây ảnh hưởng đến 3 đứa con, vì tụi nó còn quá nhỏ. Sáng mai, tôi lần mò đi mua báo và nghe radio. Và tôi biết là chồng tôi đã chết theo tàu. Sau đó tôi đã nhận được giấy báo tử và giấy mời lên Bộ Tư Lệnh Hải Quân để làm lễ truy điệu.

Bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ những hình ảnh chụp tại lễ truy điệu. Nhưng sau năm 1975 vì quá lo sợ Cộng Sản nên nhiều hình tôi đã cắt mấy chỗ có dính mặt mấy ông lớn VNCH, chỉ lưu lại hình ảnh mẹ con tôi vì sợ bị Cộng Sản làm khó dễ.

UserPostedImage
Bà Huỳnh Thị Sinh trước di ảnh chồng, cố Hải quân Trung tá Ngụy Văn Thà. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)


NV: Sau năm 1975, bà có điều kiện hay lời mời nào để gia đình được định cư ở Hoa Kỳ không?

Bà HTS: Có, vào thời điểm 1975, có người ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân xuống bảo gia đình có muốn đi Mỹ thì họ sẽ đưa lên tàu lớn để đi. Lúc đó một phần vì các con còn nhỏ, một phần tôi nghĩ là bây giờ chồng đã mất, ở Việt Nam còn có gia đình chú bác ông bà giúp đỡ, chứ qua Mỹ không có người thân thích, tiếng Anh lại không biết thì sống làm sao? Bởi vậy tôi đã quyết định không đi.

NV: Cho đến bây giờ bà có hối tiếc về điều đó?

Bà HTS: Tôi nhớ lúc đó rất nhiều người đã xuống tàu và đi. Tôi không ngờ là sau năm 1975 hoàn cảnh gia đình lại rơi vào tình trạng bi đát như vậy? Lúc đó tôi bị mất việc, mãi đến năm 1978 tôi vào làm hợp tác xã của chế độ mới, nhưng lương ba cọc ba đồng, lại còn bị khinh rẻ vì là vợ của “lính ngụy.” Nhiều lúc cũng tủi thân.

Sau đó hợp tác xã giải thể, tôi chuyển qua buôn bán nhỏ. Làm mẹ đơn thân, nuôi 3 đứa con vào thời điểm đó phải nói là không dễ dàng tí nào. Bởi vậy, nhiều lúc nghĩ lại: Sao lúc đó (thời điểm 1975) mình ngu thiệt, có điều kiện đi Mỹ lại không đi? (Cười)

NV: Là vợ của Trung Tá Ngụy Văn Thà, một người đã chiến đấu và hi sinh anh dũng cho quê hương Việt Nam. Nếu nói vài lời về chồng mình, bà có thể nói gì?

Bà HTS: Tôi tự hào là người vợ của anh Thà - một người lính Hải Quân VNCH. Từ sau 1975, đi đâu tôi cũng bị nhiều người nói là “vợ lính ngụy.” Nhưng tôi vẫn tự hào về cái từ “ngụy” đó. Tôi chỉ buồn là với lý lịch như vậy nên sau 1975, con cái tôi phải chịu nhiều thiệt thòi khi đi học cho đến lúc ra trường tìm việc làm đều bị gây khó dễ.

Nếu có một lời nói về chồng mình thì tôi chỉ nói “anh ấy là người đàn ông tuyệt vời của đời tôi.” Bởi vậy mặc dầu sau 1975, cuộc sống gia đình khó khăn, có nhiều “anh” giàu có cũng theo đuổi tôi, nhưng tôi luôn từ chối. Vì với tôi, chỉ có một người đàn ông mà tôi có thể trao thân đó là anh Thà mà thôi.

Mấy đứa con tôi khi lớn lên đều nghe tôi kể về ba nó. Và chúng nó luôn tự hào về người cha đã mất của mình. Hằng năm gia đình tôi đều làm lễ cúng giỗ cho anh Thà vào ngày 27 Tết.

NV: Vì sao không phải là ngày 19 tháng 1, Tây lịch?

Bà HTS: Ngày 27 Tết là ngày mà chồng tôi mất, theo dương lịch là 19 tháng 1 năm 1974. Gia đình chúng tôi theo tập quán cúng giỗ ngày âm lịch, nên chọn ngày 27 Tết. Chỉ vậy thôi chứ không có vấn đề gì hết.

UserPostedImage
Bà Sinh đã cất giữ rất cẩn thận những tấm hình như là kỉ niệm với người chồng quá cố. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)


NV: Trong những năm gần đây, phía nhà cầm quyền Việt Nam cũng có những hành động công nhận những người lính đã hi sinh cho Hoàng Sa. Bà nghĩ gì về điều này?

Bà HTS: Đầu tiên tôi vui khi họ công nhận điều này. Năm ngoái tôi đã được thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn mời đi ra Trường Sa để làm lễ cầu siêu cho các vong linh nghĩa sĩ đã hi sinh ở Hoàng Sa vào năm 1974.

Năm nay tôi cũng được mời đi dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng đài tưởng niệm các nghĩa sĩ đã anh dũng hi sinh để bảo vệ Hoàng Sa nhưng bất thành. Tôi chưa biết chính quyền có dám ghi tên 74 nghĩa sĩ VNCH đã hi sinh vào ngày 19 tháng 1 hay không?

Với tôi họ phải có tấm bia tưởng niệm viết tên từng người đã mất và ghi rõ họ là lính VNCH. Như thế mới gọi là thật tâm hòa hợp hòa giải dân tộc, còn không chỉ là lời nói suông mà thôi.


***

* Tử sĩ Hoàng Sa phải được vinh danh trên chính quê hương mình


Bà Ngô Thị Kim Thanh (vợ) và chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (con gái) cố Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí cùng hồi tưởng về trận hải chiến ngày 19 tháng 1 năm 1974.

NV: Trước hết xin cảm ơn bà và chị đã cho Người Việt cuộc phỏng vấn này. Cuộc sống gia đình mình hiện nay thế nào?

Bà Ngô Thị Kim Thanh (NTKT): Gia đình tôi vừa mới dọn qua ngôi nhà mới ở Bình Tân do gia đình và sự trợ giúp của chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” mua. Hiện nay tôi vẫn đang sống với 2 đứa con ở ngôi nhà này. Tuy sức khỏe của tôi không được tốt, nhưng năm nay tôi rất vui vì đã có được một nơi chốn đàng hoàng, để đặt bàn thờ anh Trí một cách trang trọng hơn.

NV: Đã 42 năm kể từ trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra và cướp mất chồng mình cùng các thủy thủ trên chiến hạm HQ10 Nhật Tảo, bà có còn nhớ những diễn biến vào lúc đó?

Bà NTKT: Lúc đó tôi đang có bầu thằng con sau được 2 tháng, anh Trí được lệnh đi tuần ra Đà Nẵng. Tôi nhắc lại là lúc đó họ chỉ nói là đi tuần, chứ không phải đi đánh giặc gì hết? Tại vì chiếc HQ10 này lúc đó cũng bị hư hỏng một ít, nên họ tính đi xong chuyến này sẽ đưa qua đảo Guam - Mỹ, để tu sửa lại.

Anh Trí mới nói với tôi là: “Bây giờ em có bầu, với một đứa con nhỏ. Mà ngày tết lại không có anh ở nhà, nên thôi để anh đưa cả nhà về nhà ngoại (ở Nha Trang) chơi ăn Tết, chứ ở Sài Gòn này thì cũng buồn, rồi đi công tác xong ảnh sẽ ghé đón mẹ con về lại Sài Gòn.” Thế là cả nhà về Nha Trang ăn tết.

Tôi nhớ lúc đó là 29 Tết Canh Thân, tôi nghe loáng thoáng trên radio đài quân đội, chương trình của Dạ Lan là Hải Quân VNCH đụng độ với Trung Cộng. Nhưng tôi vẫn chưa hình dung ra được sự việc, vì radio lúc đó cứ bị rè, lúc nghe được lúc không. Mãi đến 22h tối ngày 29 tết, tôi nhận được tin nhắn của nhà chồng báo là mẹ con về Sài Gòn có chuyện gấp.

Gia đình chồng tôi lúc đó không cho tôi biết là chồng tôi đã mất, vì sợ tôi bị động thai. Qua hôm sau là ngày mồng 1 Tết thì tôi không mua được vé xe đò để về Sài Gòn. Đến Mồng 2 Tết thì mới bắt được xe đò vô lại Sài Gòn. Lúc tới nhà chồng, thì tôi đã thấy bàn thờ chồng tôi đã lập sẵn. Thế là tôi ngất xỉu luôn.

UserPostedImage
Bà Ngô Thị Kim Thanh và con gái Nguyễn Thị Thanh Thảo bên bàn thờ cố thiếu tá Nguyễn Thành Trí. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (NTTT): Lúc đó tôi chỉ mới 5 tuổi, với trí nhớ của tôi thì ngày truy điệu ba tôi là có nhiều người đến nhà, rồi trống kèn. Mà lại không có xác ba tôi, nên tôi cứ nghĩ đó ngày lễ, bạn bè các cô chú đến nhà chơi.

Sau này khi lớn lên tôi mới thấy được nổi mất mát khi không có cha. Tôi vẫn được nghe mẹ tôi kể nhiều về cha tôi và tôi rất tự hào khi có được người cha như vậy.

Vào các dịp gần ngày 19 tháng 1 này, năm nào tôi cũng vào mạng Internet để đọc các thông tin kỷ niệm về các tử sĩ đã hi sinh ở Hoàng Sa.

NV: Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, gia đình chị có điều kiện hay lời mời gì để có thể định cư ở Hòa Kỳ không?

Bà NTKT: Không, hoàn toàn không có. Gia đình tôi cũng đã viết đơn cho lãnh sự quán Mỹ từ những chương trình như HO, HR nhưng hoàn toàn không nhận được hồi đáp. Họ chỉ nói đã nhận được đơn mà thôi. Chứ nếu có được lời mời thì chắc gia đình tôi đã đi Mỹ rồi (cười).

NV: Với tinh thần chiến đấu đầy quả cảm và anh dũng hi sinh của Đại Úy Trí để bảo toàn lãnh thổ Việt Nam, gia đình có mong muốn điều gì từ xã hội ngày nay?

UserPostedImage
Lễ truy điệu cố thiếu tá Nguyễn Thành Trí, lúc đó bà Thanh đang mang thai đứa con thứ 2 mới được 2 tháng. (Hình: Gia đình bà Ngô Thị Kim Thanh cung cấp)

Bà NTKT: Gia đình tôi cũng không mong muốn điều gì cả. Cuộc chiến đã diễn ra 42 năm rồi. Những khó khăn mà gia đình tôi đã gặp phải cũng đã qua rồi. Tôi chỉ hơi buồn là với lý lịch “lính ngụy” nên con cái tôi phải chịu nhiều thiệt thòi từ khi cắp sách đến trường và tìm việc.

Phải nói làm người mẹ đơn thân nuôi 2 con là quá khó, nhất là trong thời kì bao cấp. Thế mà tôi cũng đã vượt qua để nuôi dạy 2 con nên người và giữ trọn tình phu thê (không tái giá) là tôi đã mãn nguyện rồi.

Chị NTTT: Với một người làm con thì tôi muốn cha tôi phải được vinh danh ở Việt Nam này. Tôi biết hằng năm vào ngày 19 tháng 1, ở Hải ngoại đều làm lễ vinh danh các tử sĩ Hoàng Sa. Nhưng tôi muốn cha tôi, cùng 73 tử sĩ Hoàng sa phải được vinh danh trên chính quê hương mình.

Trong lịch sử chia cắt 2 miền Nam - Bắc, chỉ có trận chiến bảo vệ Hoàng Sa là trận chiến không phải người Việt Nam ở 2 miền Nam - Bắc tàn sát nhau, mà là cuộc chiến của người Việt Nam chống quân xâm lược Trung Cộng. Bởi vậy không có lý do gì mà họ không được vinh danh trên chính quê hương mình.


Việt Hùng/Người Việt

xuong  
#4 Đã gửi : 18/01/2016 lúc 11:49:26(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Lễ tưởng niệm 74 tử sỹ Hoàng Sa

UserPostedImage
Buổi lễ sáng 19/1 tại Hà Nội không bị cản trở

Hàng chục người tham gia lễ tưởng niệm 74 tử sỹ Việt Nam Cộng hòa nhân ngày Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc 19/1.

Buổi lễ sáng thứ Ba ở Hà Nội diễn ra tại tượng đài Lý Thái Tổ dưới sự quan sát của chính quyền nhưng không bị can thiệp.

Tuy nhiên một buổi lễ được lên kế hoạch tại TP Hồ Chí Minh đã bị một số công nhân vệ sinh và vòi phun nước cản trở. Được tin một số người tham gia bị câu lưu.

Một nhân chứng có mặt trong lễ tưởng niệm ở Hà Nội cho BBC hay ước tính khoảng 60 người có mặt tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm Hà Nội.

Buổi lễ bắt đầu lúc 8:30 sáng. Người tham gia cầm hoa và biểu ngữ mang dòng chữ "Nhân dân không bao giờ quên" cùng ngày tháng 19/1, 17/2 và 14/3, tức mốc dấu các sự kiện xung đột với Trung Quốc năm 1974, 1979 và 1988.

Một số người mang dải băng màu xanh có dòng chữ 'Nhân dân không quên' trên trán.

Một nhóm trẻ em cũng mang hoa đặt tại chân tượng đài, có em cầm lá cờ mang con số 74.

Riêng trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974, 74 chiến sỹ hải quân của VNCH đã ngã xuống và quần đảo này hoàn toàn rơi vào tay Trung Quốc.

Hiện trong nước bắt đầu có kêu gọi vinh danh các tử sỹ VNCH cùng những liệt sỹ khác đã "hy sinh vì Tổ quốc".

Hôm 17/1 ở đảo Lý Sơn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chính quyền địa phương đã tổ chức lễ đặt viên đá khởi công Khu tưởng niệm Nghĩa sỹ Hoàng Sa, trong đó có các chiến sỹ VNCH.

Tuy nhiên cũng có tiếng nói phản đối của những người cho rằng VNCH phải chịu trách nhiệm đã "để mất Hoàng Sa".
Theo BBC
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.339 giây.