logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 19/01/2016 lúc 08:56:09(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,331

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Dư luận sôi sục trước Đại hội Đảng Việt Nam

UserPostedImage
Các tranh cổ động, biểu ngữ quảng bá cho Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 tại Trung Tâm Hội Nghị, Hà Nội, ngày 18/01/2016
REUTERS/Kham

Chỉ còn hai ngày nữa là Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chính thức khai mạc, để chọn lựa giàn lãnh đạo mới cầm quyền trong năm năm tới. Càng gần đến thời điểm đại hội, không khí càng sôi sục với những lá thư tố cáo, những tin đồn được liên tiếp tung ra.
Tại một đất nước độc đảng như Việt Nam, hiếm khi công chúng tiếp cận được những bí mật chính trị và việc kỳ kèo thương lượng giữa các nhà lãnh đạo với nhau. Nhưng trong thời đại internet, những đấu đá nội bộ giữa các phe nhóm trong đảng Cộng sản – độc quyền lãnh đạo từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975 đến nay – đã được đưa ra ánh sáng, trước khi Đại hội chính thức khai mạc vào thứ Năm 21/01/2016.

Trong những tuần lễ gần đây, báo chí chính thức nhiều lần chỉ trích những bài viết đăng trên các blog và Facebook là « những thông tin xấu và nguy hiểm », kêu gọi người dân không nên để bị những tin tức này « làm ô nhiễm ». Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Trương Minh Tuấn, thứ trưởng bộ Thông Tin Truyền Thông cho rằng « việc tung tin xuyên tạc, bôi nhọ này là nhằm gây rối, nhiễu loạn thông tin trước Đại hội Đảng ».

Nhưng theo AFP, một bộ phận dân chúng Việt Nam không dễ dàng nghe theo. Nhiều người cho rằng tổ chức Đại hội Đảng là một sự lãng phí về tiền bạc và thời gian.

Hãng tin Pháp dẫn lời một công chức tên Minh, cho biết đã gởi con ra nước ngoài du học, và nếu người con không trở về thì bà cũng không can ngăn. Bà nói :

« Tôi không tin tưởng vào hệ thống quan liêu, tham nhũng, đấu đá giành quyền lực này. Chủ nghĩa tư bản tốt hơn chủ nghĩa xã hội… Ở đây, chúng tôi như sống trong một cái chuồng, rất khó thở ».

Đại hội Đảng kéo dài đến ngày 28/01/2016 sẽ chỉ định bốn chức vụ lãnh đạo quan trọng nhất : tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội, mà dân gian thường mệnh danh là « tứ trụ ». Trên nguyên tắc, bốn chiếc ghế này thường được thỏa thuận trước từ lâu, nhưng năm nay dường như chưa có gì là chắc chắn.

Theo các nhà phân tích, khó thể nói trước ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến không khoan nhượng chưa từng thấy, giữa phe bảo thủ trong đảng và phe cải cách, mà theo AFP, đứng đầu là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Lên làm thủ tướng từ năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là người thân phương Tây, đã chỉ đạo quá trình gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), và mới đây là việc tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ đề xướng.

Đối mặt với ông là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà theo AFP là quan chức bảo thủ có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, gần đây có vẻ đã giành lại được thế thượng phong khi bố trí được người của mình vào các chức vụ chủ chốt. Trước đại hội, ông Trọng đã cho điều động hàng loạt cán bộ về trung ương, và mở tới sáu lớp lý luận đặc biệt – nhiều cán bộ được « quy hoạch » loại này đã trở thành ủy viên trung ương hay cán bộ chủ chốt ở các địa phương.

Nghị quyết 244/QĐ/TW về « Quy chế bầu cử trong đảng » cũng cản đường tiến của ông Dũng, tước đi quyền đề cử và ứng cử của các ủy viên trung ương. Chừng như để trấn an dư luận, vài ngày qua báo chí chính thức có những bài viết nói rằng quyết định vẫn thuộc về các đại biểu dự Đại hội 12.

Tính chất gay gắt của đại hội lần này được thấy rõ với hai hội nghị trung ương 13 và 14 liên tiếp vẫn chưa ngã ngũ. Đặc biệt cuộc chiến lần này diễn ra khốc liệt trên mạng xã hội, khi các bên liên tục tung ra những tài liệu, thư từ thật giả lẫn lộn để bôi xấu nhau. Có thể nói các trang được mệnh danh là « lề trái » đã được lợi dụng để thay thế cho sự vắng bóng của những trang như Chân Dung Quyền Lực, trong đó có cả một trang uy tín mà người sáng lập đang ở trong tù.

Ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ là đích nhắm chủ yếu bị tấn công tới tấp. Đầu tiên là ba vị giáo sư Học Viện Chính Trị Quốc Gia tố cáo con gái ông có quốc tịch Mỹ, sau đó là đơn của một cán bộ lão thành tố thêm nhiều tội khác như âm mưu chuẩn bị « Cách mạng màu », phá hoại quan hệ Việt-Trung. Sau đó xuất hiện lá thư giải trình được cho là của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó khẳng định ông không xin tái cử, nội dung rất bất lợi cho ông. Dư luận cho rằng mục đích chính là gạt ông Dũng ra ngoài với lý do phải chờ đợi điều tra.

Những thông tin được cố tình cho rò rỉ trên mạng về bốn khuôn mặt trong « tứ trụ », trong đó không có ông Dũng, cũng trong mục đích này. Một số cây bút « lề trái » trong nước lâu nay tỏ vẻ trung dung, nay bỗng đứng hẳn về phía này hay phía khác.
Giáo sư Jonathan London thuộc City University ở Hồng Kông cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng không còn là nhân vật nhiều hy vọng nhất như trước đây, nhưng mọi chuyện còn để ngỏ. Ông nói với AFP : « Đã hẳn là như vậy, nhưng ai biết được ? Ông ấy vẫn có thể quay lại…Ngược với Trung Quốc, đại hội Đảng Việt Nam không hoàn toàn theo một kịch bản đã định trước ».

Cũng theo AFP, dù vậy không có phe phái nào muốn thay đổi đáng kể về những vấn đề hệ trọng như bất đồng với Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông.

Tuy nhiên một nhà ngoại giao ở Hà Nội cảnh báo nếu phe ông Trọng chiến thắng, việc tiến hành những cải cách kinh tế cần thiết có thể bị chựng lại, do các chính khách có năng lực và ít giáo điều hơn bị cho ngồi chơi xơi nước. Như vậy sự chọn lựa lãnh đạo sẽ có tác động đáng kể đến Việt Nam, đất nước 90 triệu dân trong đó giới trẻ chiếm đa số.

Một cựu chiến binh Việt Nam, có 40 năm tuổi đảng nói lên tâm trạng ngờ vực, chán nản chung của nhiều người : « Cho dù ai lên ngôi đi nữa, cũng sẽ chẳng có thay đổi nào, họ đều như nhau cả ». Ông cho biết không còn tin tưởng vì vào chế độ cộng sản, đang « phá hoại » đất nước cho dù tỉ lệ tăng trưởng vẫn gần 7% mỗi năm.

Theo RFI
song  
#2 Đã gửi : 19/01/2016 lúc 08:59:22(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,331

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
HRW kêu gọi đảng Cộng sản Việt Nam để người dân bầu chọn lãnh đạo

UserPostedImage
Công tác chuẩn bị Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII, ảnh chụp ngày 18/01/2016. REUTERS/Kham

Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII, chính thức tiến hành từ ngày 21-28/01/2016, đang được giới quan sát trong và ngoài nước quan tâm theo dõi đặc biệt. Nhân dịp này, hôm qua 18/01/2016, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ra lời kêu gọi đảng Cộng sản Việt Nam hãy tuyên bố tổ chức « bầu cử tự do và công bằng để bầu các lãnh đạo đất nước ».
Human Rights Watch cũng kêu gọi các nhà tài trợ « công khai thúc đẩy bầu cử đa nguyên ở Việt Nam để chấm dứt nền cai trị độc đảng ». Tuyên bố của HRW dẫn lời ông Brad Adams, giám đốc ban Á châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền này nói :

« Sau nhiều thập kỷ do chế độ độc đảng cầm quyền, đã đến lúc chấm dứt tình trạng để một nhóm nhỏ quan chức đảng Cộng sản quyết định tương lai của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ». Đại diện của Human Rights Watch nhấn mạnh : « Việt Nam cũng nên tuân thủ những cam kết pháp lý quốc tế và cho phép người dân được bầu cử, thay vì để đảng cầm quyền tự chọn lựa thêm một lần nữa. »

Dẫn Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, đã được Việt Nam thông qua năm 1982, về quyền của người dân được tham gia công việc của đất nước trực tiếp hoặc thông qua các đại diện do mình tự do lựa chọn, tuyên bố của tổ chức theo dõi nhân quyền viết tiếp :

« Với vị trí độc tôn về quyền lực, trên thực tế, đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động như một chính quyền, kiểm soát đất nước thông qua hàng loạt các điều khoản lỏng lẻo và mơ hồ trong bộ luật Hình sự và các điều luật khác để dập tắt tiếng nói và bỏ tù những người chỉ trích hoặc kêu gọi dân chủ ».

Human Rights Watch kêu gọi : « Đại hội đảng cam kết cải thiện tình hình nhân quyền tồi tệ của Việt Nam, trong đó có việc hủy bỏ các điều luật cho phép biến những người chỉ trích ôn hòa thành tù nhân chính trị. »

Theo Human Rights Watch, tháng 12/2015, bộ trưởng bộ Công an Trần Đại Quang báo cáo trước Quốc hội rằng từ tháng 06/2012 đến tháng 11/2015, công an đã bắt giữ và xử lý 2680 người vì các tội danh an ninh quốc gia mơ hồ và đặt hơn 60 nhóm vận động dân chủ và nhân quyền vào tầm ngắm.

Nhắc lại vụ bắt giữ luật sư Nguyễn văn Đài, một nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước » vào tháng 12/2015, ông Brad Adams nói :

« Đại hội đảng sắp tới là một cơ hội thể hiện với nhân dân Việt Nam rằng đất nước đã sẵn sàng hiện đại hóa, chứ không phải đang mắc kẹt trong chế độ độc đảng bóp nghẹt tự do ngôn luận và các nguyện vọng dân chủ. Đã đến lúc Việt Nam phải sửa đổi luật pháp cho phù hợp với các cam kết quốc tế về nhân quyền của mình - chứ không phải chỉ theo lợi ích của đảng Cộng sản ».

Theo RFI
song  
#3 Đã gửi : 19/01/2016 lúc 09:18:34(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,331

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
VN và ĐH Đảng 12: Ai ‘đặc biệt’ hơn ai?

UserPostedImage
Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản khai mạc chính thức ngày 21/01/2016.

Trong bài phỏng vấn dành cho báo Tuổi Trẻ đăng hôm 16/01, ông Vũ Ngọc Hoàng – Ủy viên Trung ương và phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương – cho biết tại hội nghị 14, Trung ương đã bỏ phiếu kín chọn một ‘trường hợp đặc biệt’ thuộc Bộ Chính trị (BCT) tái cử, đúng như BCT đề nghị.

Khi hội nghị 14 diễn ra có tin cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người được BCT đề cử ở lại, ít nhất thêm một năm.

Nếu đúng vậy, trong số các ủy viên BCT khóa XI quá tuổi quy định (65 tuổi), chỉ một mình ông Trọng được giới thiệu tái cử khóa XII.

Khi được hỏi với tư cách là uỷ viên Trung ương, ông dựa trên tiêu chuẩn nào của ứng cử viên để bỏ phiếu, ngoài những tiêu chuẩn chung đã được ông Trọng nói công khai, ông Vũ Ngọc Hoàng nêu hai tiêu chuẩn mà ông cho là ‘quan trọng nhất’.

Đó là không tham nhũng, không có lợi ích nhóm và phải có đầu óc đổi mới, không bảo thủ.

Câu hỏi đặt ra là nếu ông Trọng là ‘trường hợp đặc biệt’ ấy, ông có hội đủ những tiêu chuẩn mà ông đề ra và đặc biệt hai tiêu chí ông Hoàng nêu ra hay không?

Trường hợp quá ‘đặc biệt’?
Thông tin cho rằng ông Trọng được BCT giới thiệu ở lại, trong khi ba ông khác trong ‘bộ tứ’ hiện tại – là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đặc biệt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – sẽ nghỉ hưu gây khá nhiều bất ngờ, bàn luận trong giới quan sát và dư luận Việt Nam.

Mãi tới gần đây ông Dũng là người được coi là cạnh tranh với ông Trọng để giành chức Tổng Bí thư (TBT) và có nhiều cơ hội nhất để trở thành lãnh đạo ĐCS Việt Nam.

Có người còn có phản ứng khá tiêu cực vì cho rằng ông Trọng không hội đủ những tiêu chuẩn mà ông đã nêu tại Hội nghị 11 năm ngoái.

Trong phát biểu bế mạc hội nghị ấy ông Trọng đã nêu một loạt tiêu chuẩn để được bầu vào BCH Trung ương và BCT khóa XII – như còn trong độ tuổi theo quy định và không ham mê quyền lực.

Nếu ông Trọng là 'trường hợp đặc biệt’ duy nhất trong BCT tiếp tục tại chức và dựa vào tiêu chuẩn ‘còn trong độ tuổi theo quy định’, ông là trường hợp không chỉ ‘đặc biệt’ mà còn quá ‘đặc biệt’.

Sinh năm 1944, ông hiện là người lớn tuổi nhất trong BCT – lớn hơn ông Dũng và ông Sang đến năm tuổi và quá ‘tuổi quy định’ đến bảy tuổi.

Được biết, phát biểu sau khi được bầu làm TBT cách đây năm năm ông Trọng đã cảm ơn những người do quá tuổi đã không ứng cử vào BCH Trung ương khóa mới để tạo điều kiện và cơ hội cho những người trẻ.

Ở tuổi 72, nếu được chính thức bầu tiếp tục giữ chức TBT vào tuần tới ông sẽ là một lãnh đạo già – đặc biệt so với lãnh đạo tại nhiều quốc gia khác.

Khi rời Nhà Trắng vào năm tới, sau tám năm lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama mới chỉ 55 tuổi. Ở Indonesia, ông Joko Widodo được bầu làm tổng thống ở tuổi 53. Chắc có rất nhiều người Việt Nam sẽ hỏi đến bao giờ đất nước mình mới có những lãnh đạo trẻ như thế?

Không rõ ông Trọng có vận động hay dùng ảnh hưởng của mình trong BCT để được giới thiệu tái cử.

Nếu có, ông cũng là người tham quyền cố vị hay thậm chí ‘ham mê quyền lực’ – cụm từ được ông nhắc đến ba lần khi đưa ra các tiêu chuẩn để được vào Trung ương.

Có đầu óc đổi mới?

Tuy yếu tố tuổi tác quan trọng, nó không phải là yếu tố quyết định. Có những tiêu chuẩn khác, cốt yếu hơn, người dân muốn thấy nơi các nhà lãnh đạo – đặc biệt những người nắm giữ các vị trí chủ chốt, như chức TBT.

Hai tiêu chuẩn được ông Vũ Ngọc Hoàng nêu trên là hai trong những tiêu chuẩn chính yếu ấy.

Như đã nêu trong một số bài viết, phỏng vấn gần đây của mình, ông Hoàng cho rằng tham nhũng và ‘lợi ích nhóm’ – ‘một dạng tham nhũng có tổ chức, đặt lợi ích cá nhân, cục bộ, bất hợp pháp trên lợi ích chung của quốc gia, dân tộc’, theo diễn giải của ông – đang làm đất nước suy yếu, tụt hậu và cần phải đấu tranh ngăn ngừa, loại bỏ.

Việc lãnh đạo Việt Nam không tham nhũng, không tham gia vào lợi ích nhóm là một tiêu chuẩn hết sức quan trọng. Và xem ra, ông Trọng đáp ứng được điều kiện này.

Khác hẳn với một số lãnh đạo khác, đến giờ dư luận không nghe đến chuyện ông Trọng có liên quan đến các vụ tham nhũng hay nhúng tay vào lợi ích nhóm.

Ông Trọng cũng có quyết tâm và đưa ra những biện pháp để ngăn chống tham nhũng và lợi ích nhóm dù những cố gắng của ông ít hay không thành công như ông muốn.

Nói "quyền lực là của dân", nhưng không cho dân biết danh sách ứng cử ủy viên BCT, BCH Trung ương hoặc ai là những người được giới thiệu nắm giữ bốn chức danh chủ chốt hay ai là ‘trường hợp đặc biệt’ được tái cử cũng là một việc làm phi dân chủ, coi thường dân.Đoàn Xuân Lộc
Liên quan đến tiêu chuẩn thứ hai, như ông Hoàng nhấn mạnh, Việt Nam "dứt khoát phải đổi mới" và phải "đổi mới căn bản".

Kiểu bầu cử ‘trên cử, dưới bầu’ – như "không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị" – là một việc làm thiếu dân chủ ngay trong Đảng.

Nói "quyền lực là của dân", nhưng không cho dân biết danh sách ứng cử ủy viên BCT, BCH Trung ương hoặc ai là những người được giới thiệu nắm giữ bốn chức danh chủ chốt hay ai là ‘trường hợp đặc biệt’ được tái cử cũng là một việc làm phi dân chủ, coi thường dân.

Và xa hơn nữa, đối với người dân, cứ mãi kiên định chủ nghĩa xã hội (CNXH) dù không biết đến hết thế kỷ này ‘đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa’ và dù thực tế (ở Liên Xô, các nước Đông Âu và chính tại Việt Nam trước 1986) đã chứng minh CNXH đã hoàn toàn thất bại là một điều không thể chấp nhận được.

Liệu ông Trọng – người được coi là giáo điều, bảo thủ, luôn kiên định CNXH – có thể tiến hành những thay đổi căn bản để loại trừ những điều phi dân chủ, phi lý đó?

Nếu dựa trên những phát biểu của ông, có thể nói ông Trọng không phải là người muốn hay dám ‘đổi mới căn bản’ như thế.

Những phát ngôn của ông – như "Diệt chuột đừng để vỡ bình", "Đổi mới phải đúng quỹ đạo" hay "Nếu để xảy ra đụng độ gì [ở Biển Đông] thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?" – cho thấy với ông Trọng dù có làm gì hay dù có chuyện gì xảy ra, trước hết phải lo bảo vệ chế độ, kiên định CNXH và giữ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc.

Ai ‘đặc biệt’ hơn ai?

Nhưng không chỉ ông Trọng mà các ‘trường hợp đặc biệt’ còn lại trong BCT hiện tại cũng không ai vừa có ‘bàn tay trong sạch’ vừa có ‘cái đầu đổi mới’.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, ít nhiều được coi là người có đầu óc cải cách. Nhưng khác với ông Trọng, ông Dũng bị cho là có liên quan đến tham nhũng, lợi ích nhóm.

Việc chọn ai trong hai người này nắm giữ chức TBT có thể là điều đã gây tranh luận trong giới lãnh đạo Việt Nam trong thời gian qua và tiếp tục là đề tài tranh cãi tại Đại hộ XII.

Ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết: "cũng có ý kiến bảo là nhân sự đó có lợi ích nhóm, nhưng có thể đổi mới" nhưng ông "không hy vọng trên nền lợi ích nhóm tiêu cực mà có đổi mới tốt cho quốc gia".

Theo ông "đổi mới là hết sức cần thiết", tuy nhiên ông nói: "Cuộc đổi mới chân chính, có thể đem lại kết quả vững chắc, thực chất, cho nhân dân, cho lợi ích chung của đất nước, thì nó cũng phải xuất phát từ sự công tâm, trong sáng".

Đúng vậy. Nhưng một người giáo điều, bảo thủ, luôn đặt việc bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng trước chuyện bảo vệ nhân dân, có thực sự muốn ‘một cuộc đổi mới chân chính’ nhằm mang lại những kết quả thực chất cho nhân dân?

Hơn nữa, tham nhũng, lợi ích nhóm không bao giờ có thể ngăn ngừa, loại trừ nếu không có những đổi mới căn bản về kinh tế, chính trị.

Chừng nào vẫn chủ trương kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, bầu cử lãnh đạo không công khai, dân chủ hay không có tự do báo chí, tham nhũng và lợi ích nhóm cứ tiếp tục hoành hành, làm đất nước tụt hậu.

Vì thiếu một người vừa trong sáng vừa có đầu óc đổi mới, việc ai sẽ nắm giữ chức TBT phụ thuộc rất nhiều vào việc Đảng Cộng sản Việt Nam – hay nói cụ thể hơn, 1.510 đại biểu tham dự Đại hội XII – ưu tiên tiêu chuẩn nào.

Như một vài quan chức Việt Nam nhấn mạnh trong mấy ngày qua, vấn đề nhân sự cấp cao cuối cùng là do Đại hội quyết định.

Nếu phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, duy trì chế độ, bảo vệ CNXH được đặt lên hàng đầu, có rất nhiều khả năng họ sẽ bầu chọn ông Trọng tiếp tục làm TBT.
Nhưng nếu muốn đất nước có những đổi mới về chính trị, kinh tế, ngoại giao – đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần hội nhập, gần gũi với Mỹ và các nước dân chủ, phát triển để đối phó với thái độ càng ngày càng đang mạnh bạo, hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông – có thể họ muốn ông Dũng nắm chức vụ ấy.

Vì thế khả năng ông Dũng được tái cử và nắm giữ chức TBT vẫn còn. Ông chưa hoàn toàn bị loại như một số nguồn tin, ý kiến nhận định trong hơn một tuần qua.

TS. Đoàn Xuân Lộc gửi cho BBC từ Anh quốc
song  
#4 Đã gửi : 19/01/2016 lúc 09:34:24(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,331

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
TT Nguyễn Tấn Dũng giành ‘thắng lợi biểu tượng’ trước ông Trọng

UserPostedImage
Cuộc đua giành chức tổng bí thư giữa ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng được coi là sẽ 'gay cấn đến phút chót'.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiếm được nhiều cảm tình của các cư dân mạng hơn so với ông Nguyễn Phú Trọng, trong khi cuộc đua giành chức tổng bí thư giữa hai nhân vật hàng đầu này được coi là sẽ “gay cấn đến phút chót”.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến của độc giả trên trang web cũng như mạng xã hội của VOA tiếng Việt, ông Dũng giành được đa số đề cử.

Tính tới đầu giờ tối ngày 19/1 (giờ Việt Nam), trả lời câu hỏi, “ai sẽ là Tân tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam?” trên trang voatiengviet.com, hơn 65% trong số gần 2500 người trả lời cho biết chọn người đứng đầu chính phủ Việt Nam hiện thời, trong khi đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận được 25% số phiếu.

Trong một cuộc thăm dò tương tự trên trang Facebook của VOA tiếng Việt, con số người ủng hộ ông Dũng lên tới 74%.

Ngoài ra, so sánh các trang mạng không rõ nguồn gốc, “ăn” theo tên ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng thì trang liên quan tới người lãnh đạo chính phủ Việt Nam được truy cập và thu hút sự quan tâm nhiều hơn hẳn.
Theo trang web xếp hạng Alexa thuộc công ty bán hàng trực tuyến Amazon, trang nguyentandung.org hiện đứng thứ 19 với hàng nghìn lượt truy cập cùng lúc, trong khi website nguyenphutrong.net đứng thứ 8.538 ở Việt Nam chỉ với hàng chục lượt người trên trang này cùng một thời điểm.

Khi được hỏi lý do vì sao mà nhiều người Việt Nam lại đặt lòng tin vào ông Dũng, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore, nhận định:

“Về mặt chính sách đối nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn chung được đánh giá là, mặc dù có những sai lầm và sự cố trong việc điều hành nền kinh tế, đặc biệt là quản lý các doanh nghiệp nhà nước, nhiều người nhìn ông là con người dám hành động, và sẵn sàng cải cách nhiều hơn so với một số các nhà lãnh đạo khác, bảo thủ hơn. Tất nhiên ông có những sai lầm, nhưng một phần bắt nguồn từ việc ông dám hành động, dám đưa ra các quyết định để mà thúc đẩy Việt Nam đi lên. Cái thứ hai, về mặt đối ngoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như có những phát biểu, những hành động thể hiện cái tinh thần dân tộc, chủ nghĩa dân tộc và đặc biệt là có sự thẳng thắn phê phán Trung Quốc trong một số trường hợp. Và yếu tố thứ ba, tôi nghĩ rằng nếu như xét tổng thể trong dàn lãnh đạo hiện tại, thì sự ủng hộ của người dân đối với thủ tướng Dũng không phải là sự lựa chọn hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu mà so với các lựa chọn khác thì có thể họ nhận thấy vẫn khả dĩ hơn trong bối cảnh hiện nay.”

Trong khi các cư dân mạng đang có nhiều đồn đoán về “cuộc đấu đá giữa hai phe thân Trung Quốc và thân phương Tây” cũng như người sẽ lên lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong 5 năm tới, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, kêu gọi người dân “không nên căn cứ thông tin mạng để suy diễn “tứ trụ”.

Ông Tuấn nói trong một cuộc họp báo hôm 18/1: “Chúng ta không nên căn cứ thông tin trên mạng để suy diễn về công tác nhân sự của Đại hội XII. Vì công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII đã được thực hiện dân chủ, nghiêm túc, đúng quy trình và đúng quy định của Đảng. Việc nhân sự ban chấp hành Trung ương, các vị trí chủ chốt, các vị trí quan trọng sẽ được công bố khi có kết quả bầu cử theo đúng quy định của Đại hội”.
UserPostedImage
Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn kêu gọi người dân “không nên căn cứ thông tin mạng để suy diễn 'tứ trụ'.

Đại hội đảng lần thứ 12 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày mai, 20/1 và sẽ kéo dài cho tới ngày 28/1 ở Hà Nội, với sự tham gia của hơn một nghìn đại biểu.

Cũng giống như một số nhà quan sát, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đồng ý với quan điểm cho rằng “cuộc đua vào chức Tổng bí thư sẽ gay cấn đến phút chót”. Ông nói với VOA Việt Ngữ:

“Sau hội nghị 14, nhiều người cho rằng kết quả đã được an bài, và sẽ không có bất ngờ ở phút cuối, vì một nguyên nhân chính. Nhiều người chỉ ra rằng cái quyết định 244, tháng Sáu năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quy định rằng các ủy viên trung ương hiện tại, nếu mà không có sự hậu thuẫn, không có sự đồng ý của Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương hiện tại thì sẽ không được tự ứng cử hay nhận đề cử từ đại hội. Người ta cho rằng như vậy là, cơ hội, đặc biệt đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không còn nữa. Tuy nhiên, điều lệ đảng quy định rằng đại hội là cơ quan tối cao của đảng Cộng sản Việt Nam, và như vậy đại hội sẽ có quyền quyết định quy trình bầu cử. Nếu coi điều lệ đảng là hiến pháp của đảng, thì ở một nghĩa nào đấy, quyết định 244 có thể gọi là mang tính chất vi hiến. Có một khả năng là đại hội có thể quyết định ngược lại quyết định 244 đấy và có thể vẫn cho phép các đại biểu họ đề cử những người ngoài danh sách đã được ban chấp hành trung ương khóa cũ và bộ chính trị khóa cũ đã thông qua. Và như vậy, nếu mà thực sự điều đấy đó xảy ra thì chúng ta thấy rằng kết quả vẫn còn bỏ ngỏ. Chúng ta vẫn phải chờ tới ngày cuối cùng của đại hội để biết được kết quả cuối cùng.”

Trong một diễn biến khác liên quan tới Đại hội đảng, hôm nay, tổ chức thúc đẩy nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở ở New York đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam nhân dịp đại hội lần này “ra tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử tự do và công bằng để bầu ra các nhà lãnh đạo đất nước”.

Ngoài ra, tổ chức từng bị Hà Nội chỉ trích này cũng kêu gọi các nhà tài trợ cho Việt Nam “thúc đẩy bầu cử đa nguyên ở Việt Nam để chấm dứt nền cai trị độc đảng”.

“Sau nhiều thập kỷ do chế độ độc đảng cầm quyền, đã đến lúc chấm dứt tình trạng để một nhóm nhỏ quan chức đảng cộng sản quyết định tương lai của hơn 90 triệu người dân Việt Nam,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Việt Nam cũng nên tuân thủ những cam kết pháp lý quốc tế và cho phép người dân được bầu cử, thay vì để đảng cầm quyền chọn lựa thêm một lần nữa”.
Theo VOA
song  
#5 Đã gửi : 19/01/2016 lúc 09:36:38(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,331

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Tin đồn làm chao đảo Đại hội Đảng 12?

UserPostedImage
Người dân trò chuyện trong khi uống trà tại một công viên công cộng ở trung tâm thành phố Hà Nội hôm 18/1/2016. AFP

Các tin đồn đoán liên quan đến việc tranh giành quyền lực trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 đã khiến cho ban lãnh đạo VN hết sức lo ngại. Những tin đồn đoán đó xuất phát từ đâu, nhằm mục đích gì và có tác động đến dư luận XH và Đại hội 12 thế nào?

Ngày 16/01/2016, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, cứ vào dịp diễn ra các sự kiện lớn của đất nước thì nhiều đối tượng chống phá lại tung ra đủ loại thông tin xuyên tạc, sai sự thật, để bôi nhọ lãnh đạo Đảng hòng làm nhiễu loạn thông tin.

Trên thực tế, các tin đồn nói trên được phát tán và chia sẻ rất nhiều trên mạng internet, với các bằng chứng là: hình ảnh, các tài liệu nội bộ, đơn thư tố cáo của các đảng viên và cán bộ cao cấp thuộc loại tuyệt mật... Mà bức thư của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu Chủ tịch Nước Lê Đức Anh gửi TBT Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban CHTW liên quan đến vấn đề lựa chọn nhân sự lãnh đạo đảng trong HNTW13. Hoặc các kết quả bầu chọn 4 nhân vật chủ chốt – “tứ trụ” sau HNTW14 kết thúc, là những ví dụ.

Các thông tin đó được người dân hết sức quan tâm và phần nào có tác động đến lòng tin của dân chúng đối với chế độ.

Trao đổi với RFA, bà Lan Hương, một người dân ở TP. Hồ Chí Minh cho biết:

“Những tin đồn đoán đó có rất nhiều trên mạng hiện nay, tôi nghĩ rằng các tin đó là có cơ sở chứ không phải là ngẫu nhiên mà họ nói ra, vì không có lửa thì làm sao có khói? Nhưng thông tin này có ảnh hưởng đến lòng tin của tôi về sự lãnh đạo của đảng và tôi thực sự thất vọng, nếu các tin này hoàn toàn là có cơ sở.”

Ông Lê Hùng, một người dân ở Hà nội bày tỏ:

“Tôi nhận thấy đa phần các tin đó không có nguồn gốc rõ ràng và không thể kiểm chứng, vì thế nó không đáng tin cậy. Tôi đọc vì để thỏa mãn sự tò mò, mang tính chất tham khảo thôi. Chứ những thông tin đó không ảnh hưởng đến việc quyết định chính kiến của tôi.”

Các lãnh đạo nhà nước VN luôn cho rằng, các tin đồn nói trên là các thông tin “xấu và độc hại”, do các thế lực thù định xuyên tạc và phát tán nhằm chống phá nhà nước.
Đánh giá về các tin đồn nói trên, từ Sài Gòn Nhà báo Nguyễn An Dân, một nhà quan sát thời sự chính trị VN nhận định:

“Các tin đồn có 2 luồng, một luồng từ các nguồn ngoài hệ thống đảng đưa ra và một luồng từ hệ thống đảng đưa ra. Để ý sẽ thấy các thông tin đó có lớp lang, có hình ảnh và những cái chúng ta có thể kiểm chứng được. Thí dụ như lá thư kiến nghị của Trung tướng Lưu Phước Lượng (Nguyên Phó ban chỉ đạo Tây Nam Bộ gửi TBT và Ủy ban Kiểm tra TƯ đề nghị xử lý ông Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đã vu khống khi tố cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), đó là bằng chứng cho thấy rằng đó là thông tin có từ hệ thống. Còn về mặt giá trị thông tin bài viết thì tôi nghĩ nó chỉ có giá trị tham khảo.”

Tình trạng này đã kéo dài và là việc có hệ thống, tuy vậy điều này không hề gây bất lợi cho đảng cầm quyền, mà còn gợi mở ra khả năng "đổi mới chính trị từ tổ chức của mình". Ông Phạm Hùng Vĩ, một nhà đầu tư tại Sài gòn nói với chúng tôi:

“Khi đưa các thông tin đó ra thì họ nhằm các mục đích rất cụ thể, vậy ai là người có lợi ích liên quan trực tiếp nhất? Cho là các thế lực thù địch hay người dân, nhưng khi đo lường lợi ích thì thấy rất là mơ hồ. Tôi đã quan sát một quá trình 5 năm nay rồi, thì thấy cái chuyện thông tin nọ kia không phải nó mới xuất hiện ngày hôm qua, mà là nhiều năm nay rồi. Điều đó đã khiến người dân chán nản và cho rằng đó là thông tin đấu đá nội bộ.”

Thể chế chính trị độc đảng hiện nay không chỉ làm tê liệt cơ chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực nhà nước và vấn đề thiếu minh bạch là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhà báo Nguyễn An Dân nhấn mạnh:

“Trong các cuộc bầu bán, bầu cử các chức danh lãnh đạo trong hệ thống “quan lại”của đất nước hiện nay, vì không có cuộc bầu cử công khai, dân chủ, pháp trị thì luôn có chuyện dùng các thủ đoạn mờ ám để triệt hạ nhau và cái đó là chuyện bình thường. Và chúng ta sẽ thấy, bất cứ cái gì mà thiếu minh bạch thì nó sẽ sinh ra mờ ám. ”

Đồn đoán đúng tới đâu

Các tin đồn đoán có tác động không ít đến tâm lý xã hội, đã khiến người dân nghi ngờ. Ông Phạm Hùng Vĩ cho biết:

“Theo tôi, những thông tin đó không phải hoàn toàn bịa đặt, nó cũng có yếu tố đúng và phải có từ nguồn nào đó. Và đương nhiên là những thông tin đó có những tác động nhất định đến nhận thức, hành vi của các giới trong XH. Việc tâm lý của xã hội giao động là có, vì các quyết định của lãnh đạo cao cấp nhất sẽ có tác động rất lớn đến các chính sách, hành vi thị trường và sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều người.”

Theo báo VNN online mới đây cho biết, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đã phải lên tiếng trấn an rằng: Trong Ban lãnh đạo Đảng có sự đoàn kết rất lớn, không hề có sự phân tán, không hề có sự lo lắng như những thông tin xấu, độc đưa ra.

Tuy vậy, theo báo QĐND, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương đã thừa nhận: Tôi không loại trừ nguyên nhân do những phần tử xấu, thậm chí do “lợi ích nhóm”. Họ muốn bảo vệ ông này thì nói xấu ông kia. Ngay như cá nhân tôi cũng bị có người đến gửi văn bản đề nghị ký ủng hộ nhóm này, nhóm kia nhưng tôi trả lời là “không”.

Bình luận về phát biểu của ông Nguyễn Thế Kỷ, Nhà báo Nguyễn An Dân nhận định:

“Trong đảng bây giờ có nhiều người có những, quan điểm, tư duy khác nhau thì chuyện nội bộ đảng có đoàn kết hay không thì tôi không nói. Nhưng sự phân tán là điều chắc chắn và chuyện ông Nguyễn Thế Kỷ nói rằng, không có sự lo lắng trước những thông tin xấu độc thì là không đúng, có lo lắng nhưng nó ở mức độ nào mà thôi.”
Trả lời câu hỏi, các thông tin đó có tác động trực tiếp đến tư tưởng của các đại biểu dự ĐH Đảng 12 và sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu bầu của họ hay không?

Ông Phạm Hùng Vĩ cho biết:

“Đối với các quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi như VN, thì lực lượng (đại biểu) trung dung họ sẽ quan sát các tín hiệu chính thức từ đảng, như từ HNTW14. Ngoài ra họ còn căn cứ vào các kênh thông tin khác để quan sát, như thông tin đồn thổi hay các tín hiệu từ thị trường tài chính – tiền tệ để họ ra các quyết đinh chọn lựa.”

Nhà báo Nguyễn An Dân chia sẻ:

“Các Ủy viên TƯ chịu áp lực từ các đảng bộ, chi bộ của họ sinh hoạt, đó là vấn đề của các Ủy viên TƯ phải đối mặt, nếu có nhiều đảng viên cấp dưới mà họ phản đối quá thì sẽ là áp lực không nhỏ đối với họ. Thành ra nếu hỏi cái (tin đồn) đó có tác động đến các Ủy viên TƯ hay không thì tôi nói có và có thể sẽ tác động đến quyết định của Ủy viên TƯ tại ĐH12.”

Khi được hỏi, để xóa bỏ vấn đề tin đồn đoán, chính quyền cần phải có các giải pháp gì?

Trong cái cơ chế lãnh đạo độc đảng của VN, thì nó công khai minh bạch theo tư duy cá nhân của hệ thống lãnh đạo. Như vậy họ sẽ tùy hứng, hôm nay công khai cái nọ, ngày mai không thông tin những cái kia. Nhà báo Nguyễn An Dân tiếp lời:

“Vì vậy muốn xóa bỏ tình trạng này thì VN phải có cạnh tranh chính trị và cần có một nền dân chủ đúng nghĩa và lành mạnh, vận hành theo luật pháp. Và luật pháp đó phải được nhân dân thông qua. Có như thế, nó mới xóa bỏ được tình trạng này. ”

Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã kêu gọi cộng đồng tẩy chay những loại thông tin bịa đặt, xuyên tạc nói trên. Theo ông, mỗi người cần tỉnh táo, bình tĩnh xem xét để không mắc phải âm mưu của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Tuy vậy, người ta không thấy vị lãnh đạo này nhắc đến vấn đề minh bạch thông tin từ phía nhà nước đối với dân chúng.
Theo RFA
song  
#6 Đã gửi : 19/01/2016 lúc 09:47:56(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,331

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
ĐCSVN sử dụng truyền thông phi chính thống?

UserPostedImage
Người dân sử dụng smart phone, iPad để truy cập thông tin trong một quán cà phê ở Hà Nội hôm 23/7/2014. AFP

Thời gian trước trước khi đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 khai mạc, rất nhiều thông tin đủ các loại về nội bộ đảng, cũng như về các nhân vật lãnh đạo được phát tán khắp nơi trên nhiều trang mạng khác nhau. Nhiều người nói rằng các thông tin này do chính những nhóm người trong đảng phát tán ra. Sau đây là nhận xét của một số nhà báo, và người điều hành các trang thông tin được nhiều người theo dõi.

Cơn bão thông tin

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người từng là đảng viên và làm việc khá lâu trong guồng máy an ninh của đảng cộng sản Việt nam nhận xét:

“Chưa bao giờ một cái đại hội của đảng cộng sản Việt nam mà lại diễn ra tình hình lộ, lọt tài liệu kinh khủng như vậy. Điều này đã được chính Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang xác nhận là rất nghiêm trọng. Trước khi có lời xác nhận của ông Trần Đại Quang, chúng ta chứng kiến tình hình tài liệu thì có thể nói là vẫn chưa có cơ sở để đánh giá những tài liệu đó thật giả tới mức độ nào. Nhưng sau lời xác nhận không chỉ của ông Trần Đại Quang mà còn của ông Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, thì có thể nói là phần đông dư luận đều tin rằng tình hình lộ lọt tài liệu là có thật, mà không những lộ lọt tài liệu mà đó là những tài liệu nội bộ có tính chất tuyệt mật.”

Bà Đinh Ngọc Thu, người điều hành trang Ba Sàm cho chúng tôi biết rằng trang này nhận được nhiều tài liệu gửi tới, chẳng hạn như: Thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị và nhiều thư của các cựu quan chức gửi TBT Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... cũng như các bài viết liên quan tới nhân sự Đại hội 12. Có tài liệu ủng hộ phe TBT Nguyễn Phú Trọng, có tài liệu ủng hộ phe TT Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc chiến tranh giành quyền lực.

Chỉ vài ngày trước khi Đại hội đảng chính thức khai mạc, một trang thông tin khác là Dân Luận nhận được một bài viết ký tên là Người đưa tin với nội dung kết tội nặng nề ông Nguyễn Phú Trọng, và ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Nguyễn Công Huân, kỹ sư ngành truyền thông, hiện đang điều hành trang Dân Luận cho chúng tôi biết về nội dung các bản tin này.
“Các bản tin đó thì thường họ pha trộn giữa những thông tin có thể kiểm chứng được, là sự thật,… với những thông tin mang tính chất chụp mũ cho đối thủ. Khi mà mình đọc một bên thì cũng khó xác định được sự thật, mình phải đọc cả hai phía, và so sánh những thông tin nội bộ lộ ra từ nhiều phía thì mình mới có thể xác định được phần nào là thật phần nào là giả.”

Qua email, Bà Đinh Ngọc Thu cũng cho chúng tôi biết về độ tin cậy của các thông tin mà trang Ba Sàm nhận được trong thời gian trước đại hội đảng như sau:

“Những thông tin từ các file ảnh họ gửi cho tôi rất chính xác. Như thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị, thư của Đại tướng Lê Đức Anh, thư của ông Phan Diễn, Lê Quang Nhường, Trịnh Văn Lâu... mà các thông tin phản hồi của những người có liên quan đều có nhắc tới. Chỉ cần kiểm tra các dòng thông tin chuyển tiếp và theo dõi các thông tin liên quan, có thể biết các trang tài liệu đó là thật. Chẳng hạn như, về đề nghị xác minh những vấn đề liên quan tới Thủ tướng, LS Trần Quốc Thuận cũng cho là đúng khi ông trả lời BBC. Hay thư viết tay của ông Phan Diễn, nhiều người cũng đã xác nhận đó là nét chữ của ông. Và trong thư viết tay đó, ông Phan Diễn cũng có nhắc tới bức thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng có khả năng các lực lượng chính trị trong nước sử dụng các trang tin mà nhà nước của đảng cộng sản Việt Nam cho là không chính thống để đưa những thông tin hay bình luận mà họ muốn. Theo ông thì nguyên nhân của việc này là do báo chí của nhà nước không thể thay đổi để thỏa mãn yêu cầu của các lực lượng chính trị trong những thời điểm quan trọng như đại hội đảng.

“Nếu mà không thay đổi được thì…. Mà lại có cái nhu cầu gấp gáp của đại hội kỳ này, sự xung đột giữa các lực lượng chính trị thì cần phải có thông tin. Và khi mà báo chí trong nước không thể thay đổi, và không thể trở thành phương tiện để thông tin, những văn bản nhạy cảm, những văn bản nội bộ, thì lại phải nhờ đến những trang mạng như là trang Ba Sàm, mà một thời nhà nước coi là cực kỳ thù địch, mà bây giờ vẫn coi là như vậy.”

Và ông Dũng nhận xét thêm là từ giữa tháng 11 cho đến nay các trang phi chính thống được người đọc chú ý nhiều từ trước đến nay như Ba Sàm, Dân Luận,… được truy cập dễ dàng từ Việt Nam.

Không phải chính thống nhưng cũng không bị chỉ trích

Ngoài những trang luôn bị nhà nước Việt Nam xem là phi chính thống, còn có những trang thông tin đặc biệt xuất hiện trong vài năm gần đây, và đặc biệt được chú ý trong những thời điểm như hiện nay, đó là các trang mang tên các nhà lãnh đạo Việt nam như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang,…

Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận xét về các trang này:

“Tôi cho rằng về thực chất thì những trang này thuộc về những lực lượng chính trị, mang tính chất vệ tinh truyền thông của những lực lượng chính trị đó. Nhưng sở dĩ nó không nằm trong hệ thống báo chí nhà nước vì nếu như vậy nó phải tuân thủ những điều luật khắt khe của Ban tuyên giáo trung ương và Bộ thông tin truyền thông. Mà Ban tyên giáo trung ương và Bộ thông tin truyền thông vốn có thói quen là hàng tuần, hàng tháng họp yêu cầu rất sát sao từng nội dung chi tiết, cái nào được đăng, cái nào không được đăng, cái nào phải cẩn trọng. Và báo chí cứ phải răm rắp làm theo mà thôi.”

So sánh những trang này với những trang như Anh Ba Sàm, Dân Luận, ông Nguyễn Công Huân nêu lên sự khác biệt trong cách cư xử của cơ quan công quyền Việt Nam:
“Báo chí trong nước cũng có lên tiếng đòi xác định, mà nó vẫn tồn tại, không có một cuộc điều tra chính thức hay truy tố những trang này như là đối với các blogger độc lập như là Bọ Lập, hay Anh Ba Sàm. Mình có thyể thấy ngay là sự cương quyết của Bộ công an hay là tình báo quân đội để tìm kiếm chủ nhân các trang này đều rất là thấp. Thì tôi chắc chắn là phía sau phải là những người thuộc các phe lãnh đạo. Phải có một đội ngũ nhiều người tham gia phía sau. Và nó được tài trợ, đầu tư khá là lớn.”

Ông Huân nhận xét thêm là trong những trang mang tên các nhà lãnh đạo Việt nam thì trang Nguyentandung.org là hoạt động tích cực nhất. Ngay trước thời điểm khai mạc đại hội đảng, trang này đưa liên tục những bình luận, yêu cầu, mong mỏi đương kim Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành người đứng đầu đảng trong thời gian tới đây.

Khi được hỏi là có phải các phe phái chính trị Việt Nam đang sử dụng các trang phi chính thống để chỉ trích lẫn nhau không, bà Đinh Ngọc Thu nói rằng bà không rõ, nhưng có vẻ như mỗi phe đều muốn sử dụng trang Ba Sàm để chuyển tải thông tin, họ muốn tranh thủ sự ủng hộ của công luận.

Ông Nguyễn Công Huân thì cho rằng khả năng dùng các trang phi chính thống để đưa ý kiến quan điểm của các nhà lãnh đạo Việt Nam là có thật và họ cũng nhân đó ghi nhận phản hồi của dân chúng, của độc giả thông qua các trang này là như thế nào.
Theo RFA
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.272 giây.