Ông bố trợn mắt, quát: “Con nhà... mất dạy! Ông thì tống mày ra khỏi nhà!” Bà mẹ nhiếc: “Bà mà biết mày khó dạy như vậy,
chẳng thà trước đây, bà đẻ ra cái trứng còn được ăn, chứ đẻ ra mày chỉ tổ bây giờ mỏi mồm, lại còn bị hàng xóm láng
giềng mắng vốn!”
Đừng tuyệt vọng, đó có thể là một bản chất tuyệt diệu!
Cả bố lẫn mẹ: “Thấy con người ta ngoan ngoãn, hiền lành, chăm chỉ học hành mà thèm! Còn con nhà này chỉ bôi tro trét trấu
vào mặt. Thứ cứng đầu cứng cổ!”...
Trên đây chỉ là đôi ba câu “chửi” điển hình của các bậc cha mẹ Việt Nam ở ngoại quốc (vẫn sử dụng nhuần nhuyễn tiếng
Việt) trong hoàn cảnh con cái ngỗ nghịch. Xưa kia khi còn ở quê nhà, sau câu chửi hoặc đồng thời với miệng chửi, bao giờ
cũng diễn ra màn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” khiến lưng và bộ mông tròn trịa của thằng bé (đôi khi cả con bé nữa) bị
lằn lên những “con lươn” như những đường nét trên bản đồ vùng “lưỡi bò” hoặc mặt mũi bầm tím.
Nay sinh sống ở hải ngoại, phụ huynh cảm thấy mình... bất lực trước những đứa con cứng đầu - mà nó còn “cứng” gấp trăm
lần so với con cái ngày trước ở trong nước. “Bất lực” vì cha mẹ không thể nhân danh “yêu cho roi cho vọt” để dạy dỗ con.
”Bất lực” vì văn hóa Tây Phương không cho phép người “nhớn” sử dụng bạo lực với trẻ con. “Bất lực” vì chỉ... sợ nó có sẵn
“cell-phone” mà gọi số 911. Thế nhưng không lý “tức đấm ngực mà chết” à? Cuối cùng đành chỉ biết buồn, biết than, đôi
khi “ngậm bồ hòn làm ngọt” hay âm thầm... tuyệt vọng.
Thế nhưng mới đây bỗng “có tin vui vào giờ tuyệt vọng” khi kết quả nghiên cứu vừa được một nhóm tâm lý gia thời danh -
do bác sĩ tâm lý nhi đồng Helge Holgersen dẫn đầu - công bố, sau lại được tạp chí Time tiếp tay phổ biến: Hãy vui lên khi
con cái cứng đầu! À thì ra nhiều bậc cha mẹ có “núi của” ở ngay bên cạnh mình mà không biết; ông bà sở hữu kho tàng vô
giá trong nhà mà chẳng nhận ra.
Thành ngữ “cứng đầu”, “cứng cổ” ý chỉ người có tính nết bướng bỉnh, lì lợm, khó bảo, ương/ ngang ngạnh.
Cha mẹ, cách riêng cha mẹ Việt Nam vẫn ao ước có (những) đứa con “hiền như bụt”, bảo sao nghe vậy, trái lại rất “sợ”
những trẻ mà những lời dạy bảo chỉ như “nước đổ đầu vịt”; không những thế, nó chỉ làm theo ý riêng của nó thôi; cả ngày
lầm lầm lì lì mà hễ mở miệng lại nói “ngang như cua bò”. Thỉnh thoảng bố mẹ lại nhận được “thư mời họp riêng” của trường
học, lại y rằng bị thầy/cô giáo “mắng vốn” là... “cứng đầu” tuy “tốt bụng”... Đó là chưa “liệt kê” những “thành tích”, nhẹ thì
“xích mích”, “cãi lộn” mà “cao cấp” là “oánh nhau”...
Trên đây, người viết chỉ tường thuật những “kinh nghiệm bản thân” hoặc “kinh nghiệm xương máu” đối với con cái của chính
mình. Dĩ nhiên còn thiếu nhiều lắm và đó chẳng qua vẫn toàn “chuyện nhỏ”. Các chuyên gia vốn có “con mắt”... khác người
thường, do đó họ nhận xét sâu sắc hơn, đầy đủ hơn. Vâng, dưới đây là danh sách những dấu chỉ nơi những đứa trẻ bướng
bỉnh mà cuộc nghiên cứu đã thu thập được:
- Những đứa trẻ có ý chí, nghị lực mạnh mẽ - vẫn bị “hiểu lầm” là cứng đầu - thông thường bất tuân kỷ luật, nguyên tắc và đi
ngược lại những mong muốn của cha mẹ, tuy vậy lại thường tài giỏi ở học đường và khi trưởng thành ra đời lại thâu hoạch
“vượt chỉ tiêu”.
- Trẻ cứng đầu có bản năng thi đua phong phú; điều này có thể mang lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn.
- Những người bướng bỉnh đòi hỏi nhiều hơn, chứ không ưa “sao cũng được”, đồng thời cũng dám đương đầu với những
điều kiện so với những kẻ khác.
- Những người cứng đầu chẳng dễ gì bỏ cuộc, không đầu hàng nhanh chóng, nhưng tranh đấu tới cùng cho điều mà họ cho
là mình có quyền đòi hỏi.
- Đứa trẻ cứng đầu tin tưởng hơn cả vào cảm giác nội tâm của mình.
- Đứa trẻ lì lợm cố gắng hết mình, nỗ lực tối đa cho dù sự việc bất hợp lý hay bất khả thể.
- Đứa trẻ ương ngạnh tin tưởng nơi mình hơn là làm giống như mọi người khác.
- Tuy nhiên cha mẹ có trách nhiệm quan trọng để thực hiện là lo sao hầu sự bướng bỉnh của đứa con trở thành một năng
lượng tích cực, tốt đẹp và hữu ích.
Tâm lý gia nhi đồng Helge Holgersen cho rằng có sự liên hệ giữa sự cứng đầu với sự thành đạt. “Lời vàng ý ngọc” của
chuyên gia này: “Bướng bỉnh có thể là một tư chất tuyệt diệu. Sự cứng đầu đi cùng với nhiều sự liên hệ. Giải pháp có thể là
người ta khởi sự la hét trong cơn bất mãn sau lần thử nghiệm”.
Bẩm sinh?
Theo ông Holgersen, tính bướng bỉnh ở mức độ khá lớn do bẩm sinh - giống quan niệm phổ thông của người Việt: “Cha
mẹ sinh con, trời sinh tính.” Tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng điều này chẳng có nghĩa là cha mẹ không thể ảnh hưởng vào.
Chính chúng ta đã thấy tận mắt có những đứa trẻ sơ sinh “ngoan thật là ngoan, nằm ngủ yên cả ngày, hiền như cục bột”,
trong khi các trẻ khác thì “quậy” mãnh liệt và năng động, lăn qua lộn lại. Tuy nhiên mức độ bướng bỉnh bẩm sinh ấy theo
ngày tháng có thể giảm thiểu hoặc tăng trưởng trong cuộc sống với gia đình. Hậu quả còn tùy theo các bậc cha mẹ trong
việc khuyến khích đứa trẻ sống với chính bản thân hoặc là ngược lại.
Dưới đây là một số lời khuyên của các nhà tâm lý nhi đồng về việc tập dợt bản tính bẩm sinh:
1) Hãy để đứa trẻ tự tìm cách: Quí vị phụ huynh dư biết đứa con mình còn nhỏ quá, chẳng hạn để tự cột dây giầy. Ông bà
đứng trước ngã 3 đường: Phần hiểu đứa trẻ sẽ bất mãn, phần quí vị muốn tiết kiệm thời giờ vì phải chờ đợi kết quả, phần
không muốn để đứa con “khổ sở” trước sự thất bại.
Thế nhưng có lẽ quí vị chớ nên vội kết luận thay cho đứa trẻ!
Những người không dám thử nghiệm, chỉ khám phá được ít hoặc chẳng được gì. Thí dụ: Đứa trẻ muốn xếp một ngọn tháp
bằng những cục khối và cần trải nghiệm “sự cố” đổ nhiều lần trước khi thành công. Đó là những kinh nghiệm quan trọng.
Quí phụ huynh ơi, cứ để cháu bé làm thử một hay hai ba lần, kể cả khi quí vị biết là cháu bé sẽ không thể thành công.
2) Hãy thử nghiệm ranh giới của sự “bất khả thể”: Những đứa trẻ ương ngạnh thường có tính thăm dò. Theo cuộc nghiên
cứu, chúng dường như bao giờ cũng đi ngược lại nguyên tắc và bất chấp những giới hạn.
“Hãy để đứa trẻ tự khám phá thế giới”. Có những đứa trẻ muốn bay ra khỏi cái xích đu. Các em này có lợi điểm về thể lý
hơn những đứa khác, bởi vì chúng đã thí nghiệm các vật/điều nào vốn là ranh giới của sự bất khả thể. Chúng học hỏi cái gì
làm được và cái gì không thể; và bất ngờ chúng làm được... thế mới hay! Tuy thế, phụ huynh dĩ nhiên phải can thiệp liền nếu
sự gì nguy hiểm nhưng mà dứa trẻ cứ nằng nặng đòi thử.
3) Đừng quá bênh hay bảo vệ đứa trẻ về sự thất bại: Đứa trẻ cần trải nghiệm hay “nếm” chút đỉnh sự chống đối, sự không
được như ý muốn. Phụ huynh nên cẩn thận trong việc đặt ranh giới cho sự bướng bỉnh của đứa trẻ và sự biểu lộ tình cảm
do sự lo sợ thất bại. Đứa trẻ chịu đựng được sự thử thách, chịu đựng được sự sai lầm. Vả lại chúng có bộ óc tuởng tượng
tuyệt diệu để sửa chữa nhiều lắm. Hãy quan sát một đứa trẻ trượt băng... vèo vèo. Trước đó, nó đã ngã chổng vó nhiều lần
nhưng sau mỗi lần bị té, nó lại lồm ngồm ngồi dậy, đứng lên rồi lấy chân đẩy đôi giầy lăn trên mặt băng. Trí tưởng tượng
cho đứa trẻ một sự tự tự do thể lý bên trong khả dĩ nó chịu đựng được sự thử thách.
4) Không phải sự bướng bỉnh nào cũng tốt: Sự cứng đầu được “đánh giá” là tích cực dưới hình thức sức mạnh của ý lực
và sức thúc đẩy can đảm. Tuy nhiên sự bướng bỉnh cũng có thể là thứ kém may mắn. Nếu đứa trẻ cứng đầu bởi vì nó sợ
thì đó không phải là điều tốt cho đứa trẻ này. Đối với một số người, sự ương ngạnh như vậy sẽ trở thành một sự trở ngại
hơn là một bước tiến.
Tâm lý gia nhi đồng Holgersen bày tỏ: “Một vài đứa trẻ tỏ ra bướng bỉnh bởi vì chúng đang đau khổ bởi bị cưỡng bức. Điều
này chúng ta có thể thấy nơi trẻ bị chứng tự kỷ. Đó không phải là sự bướng bỉnh đúng nghĩa. Đối với những trẻ này đó là sự
đau khổ khi sự việc thay đổi. Chúng bị căng thẳng và sợ hãi và không để bộc lộ ra.
5) Nghệ thuật khả thể từ bỏ một dự án vô vọng: Vài lần sự bướng bỉnh cũng có thể trở thành chướng ngại vật. Đứa trẻ này
từ chối hủy bỏ một dự tính vô vọng khi vẫn cứ muốn tiếp tục thử nghiệm cùng cách thức và lại thất bại. Chúng không thể
thay đổi chiến lược và “chịu” thất bại hơn là muốn nghe theo những lời chỉ dẫn của người khác. Sự kiện này kể ra cũng ổn
thôi khi đứa trẻ hành động nhưng không ích lợi lắm để mang theo mãi trong cuộc sống. Đa số đứa trẻ chịu chấm dứt sau
một lúc, nhưng không phải tất cả. Chúng ta, người lớn hãy nhận biết chúng là những con người vốn từ chối đầu hàng mặc
dù “trận chiến đã thua”.
6) Cha mẹ cần chịu đựng sự bất mãn: Lứa tuổi lì lợm có thể là tuổi bất mãn kinh khủng, kể cả lớn lẫn nhỏ và gần như thể là
chướng ngại vật vốn có thế khó thấy trước. Thường thì cũng tốt nếu cha mẹ báo cho đứa con biết trước một sự gì đó để
nó có thể “tự biên tự diễn”. Chẳng hạn nếu quí vị bận quá mà không “sửa sai” một lời hứa nào đó thì hãy chịu đựng tiếng la
hét của đứa nhỏ. Hãy thông cảm là đứa trẻ không/chưa thể phân biệt được giữa tình trạng quan trọng và không quan trọng
để có thái độ “chuẩn bị” cho cả những “sự cố” lớn, nhỏ...
Lời cuối cùng của tâm lý gia nhi đồng Holgersen: “Tuy nhiên đứa trẻ cũng cần học hỏi nhận thức mình là một phần của gia
đình. Ngược lại, là phụ huynh, người lớn cũng phải chịu đựng khi tình trạng tương tự xảy ra vốn có thể hay buộc phải thích
hợp cho đứa trẻ”.
HOÀI MỸ
Sửa bởi người viết 27/01/2016 lúc 06:38:38(UTC)
| Lý do: Chưa rõ