Ảnh của hai nghi phạm vụ đặt bom Boston : Dzhorkhar và Tamerlan Tsarnaev (Reuters /FBI)Hai nghi phạm vụ khủng bố ở Boston, hai thanh niên Tchechnia lớn lên ở Hoa Kỳ, có thể là tiêu biểu cho một thế hệ mới những người tham gia thánh chiến qua Internet và tiến hành tấn công ngay tại nơi mình sinh sống. Đó là nhận định của các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay.
Hiện giờ chưa ai biết rõ động cơ đã thúc đẩy Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, bị bắn chết tối thứ năm và người em Dzhokhar, 19 tuổi, bị thương và bị bắt hôm qua, hành động như vậy. Ngay chính tổng thống Obama hôm qua thừa nhận rằng, « còn có rất nhiều câu hỏi chưa cho lời giải đáp ».
Tổng thống Mỹ đặt một loạt câu hỏi : « Tại sao những thanh niên đã lớn lên và học tập ở đây cùng với chúng ta, tại đất nước chúng ta, lại sử dụng bạo lực như thế ? Họ đã hoạch định và tiến hành những vụ khủng bố này như thế nào ? Họ có được ai trợ giúp không ? »
Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI cho hãng tin AFP biết là họ đã từng thẩm vấn Tamerlan Tsarnaev, theo yêu cầu của một chính phủ ngoại quốc, nhưng lúc ấy họ không thấy có điều gì khả nghi.
Đối với ông Frank Cilluffo, giám đốc viện an ninh nội địa thuộc Đại học George Washington, những hành động và phương pháp của hai anh em Tsarnaev cho thấy rõ ràng có một sự cực đoan hóa mang âm hưởng quốc tế.
Là người Tchechnia theo Hồi giáo, hai anh em Tsarnaev đã cùng với gia đình đến Cambridge như là những người tỵ nạn vào khoảng năm 2003. Chính tình trạng bị mất gốc rễ như vậy khiến những người trẻ dễ bị những lời lẽ cực đoan lôi kéo. Điều quan trọng không phải là họ có đã được huấn luyện ở các trại ở Tchechnia hay không, mà chính là tiến trình cực đoan hóa của những thanh niên này trên các mạng xã hội.
Bản thân người anh Tamerlan đã mở một trang Youtube vào tháng 08/2012, trên đó liệt kê nhiều clip video Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là trong hạng mục « khủng bố ». Người em Dzhokhar cũng có một tài khoản trên mạng xã hội Twitter và cũng thường lên mạng xã hội Vkontakte, một loại Youtube của Nga.
Theo lời bà Fiona Hill, chuyên gia về vùng Kavkaz của Viện Brookings, Al Qaida đã sử dụng cuộc xung đột tại Tchechnia như là một công cụ để tuyển mộ các thành phần khủng bố mới. Còn theo bà Mary Habeck, chuyên gia về Hồi giáo cực đoan ở Đại học John Hopkins, các yếu tố đầu tiên dường như cho thấy là người anh Tarnaev quan tâm đến một hệ phái Hồi giáo rất cực đoan, có liên hệ chặt chẽ với Al Qaida và các tổ chức ngoại vi của mạng lưới khủng bố này.
Vụ khủng bố ở Boston có thể được xem là một hành động mang tính chất nội địa, nhưng cũng có thể là một hành động mang tính quốc tế, tùy theo là anh em Tarnaev có liên hệ hay không với các lãnh đạo thánh chiến Hồi giáo.
Như vụ tấn công ở căn cứ quân sự Fort Hood vào năm 2009, Nidal Malek Hasan, một bác sĩ tâm thần của quân đội Mỹ, đã bắn chết 13 người. Người ta được biết là trước đó, viên bác sĩ này đã trao đổi thư từ với một giáo sĩ Hồi giáo cực đoan.
Chuyên gia Frank Cilluffo, giám đốc Viện An ninh Nội địa thuộc Đại học George Washington, nhắc lại rằng có rất nhiều người muốn ra nước ngoài chiến đấu, nhưng Al Qaida khuyến khích họ tiến hành khủng bố ngay ở nước sở tại. Đây cũng chính là điều mà Inspire, tạp chí trên mạng của chi nhánh Al Qaida ở Yemen, vẫn rao giảng. Những quả bom làm từ nồi áp suất được sử dụng trong vụ khủng bố Boston cũng chính là làm theo chỉ dẫn của tạp chí Inspire.
Các chuyên gia đã thống kê được là kể từ các vụ tấn công khủng bố 11/09/2001 đến nay, ở Hoa Kỳ đã xảy ra 104 vụ tấn công khủng bố hoặc mưu toan khủng bố, trong đó 3/4 những người có liên quan là công dân Mỹ, gồm phân nửa là sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ và 29% mới được nhập quốc tịch Mỹ, giống như anh em Tsarnaev.
Nhiều người trong số họ đã khởi đầu thánh chiến từ Internet và trải qua một quá trình cực đoan hóa trên mạng. Đối với những người này, thánh chiến không hẳn là biểu hiện của niềm tin tôn giáo, mà đúng hơn là nhằm bày tỏ những bức xúc của cá nhân.
Source: RFI