Cuộc đời của điệp viên hai mang Phạm Xuân Ẩn có nhiều bí mật tới nay vẫn chưa sáng tỏ. Phạm Xuân Ẩn là ai? Một người
Việt Nam quen thuộc với giới ký giả ngoại quốc hành nghề tại Việt Nam thời chiến tranh, có nhiều “nick name” như: Dean of
the Việtnamese Press Corps, Professer Coup d’Etat, The Quiet Vietnamese, Commander of Military Dog Training, Ph.D.
of Revolutions, General Givral. Mỗi cái tên là kèm theo nhiều giai thoại. Và câu hỏi ấy đã được nhiều người tìm hiểu trong vị
trí và hiểu biết của mình.
Larry Berman, trong The Perfect Spy đã viết về một điệp viên mà sự phản bội cũng như lòng trung thành hiện diện ở hai
mặt. Với ý định viết một cuốn tiểu sử của một điệp viên Cộng sản Bắc Việt nên Larry Berman không có những nhận xét
khách quan cũng như không có những câu hỏi xoáy vào những vấn đề “nhạy cảm”. Còn Thomas Bass với The Spy Who
Loved Us viết sau, lại chú trọng vào sự tìm hiểu vóc dáng của Ẩn và có nhiều khám phá khiến chế độ Cộng sản không bằng
lòng. Từ nguyên bản Anh ngữ đến bản dịch sang Việt ngữ, đã có nhiều rắc rối khiến những người trong cuộc, tác giả và
dịch giả, bất đồng ý kiến với nhau và sự đôi chối giữa hai bên làm cho độc giả thấy được hậu trường của một mưu đồ của
Cộng sản muốn làm nổi bật con người của Phạm Xuân Ẩn theo kiểu “Yêu nước theo kiểu xã hội chủ nghĩa”. Nhưng sự thực
đã chứng minh lý tưởng Cộng sản chỉ là một chiêu bài để những người theo chủ nghĩa không tưởng Mác –Lê Nin giành giật
chính quyền và cai trị theo kiểu độc tài toàn trị. Câu hỏi đặt ra là yêu nước kiểu Phạm Xuân Ẩn có phải là một tượng trưng
của người Việt hay không? Hay chỉ là những kẻ mê muội đến khi bị vắt kiệt năng lực thì đành thở dài phẫn hận tự trách
mình… Tay đã nhúng chàm. Dại rồi còn biết khôn làm sao đây…
“Ở đây bây giờ là Phạm Xuân Ẩn…”, bản tin cuối cùng được gửi từ Sài Gòn trên hệ thống cable truyền thông của Time
Magazine đến New York ngày 29 tháng 4 năm 1975. Văn phòng của Time Magazines bấy giờ được điều hành bởi Phạm
Xuân Ẩn, vì tất cả các thông tín viên Hoa Kỳ đã được di tản vì tình trạng nguy hiểm. Ba bản tin đã được truyền đi trước khi
cable viễn thông bị cắt. Thành phố đã bị khép kín bởi lực lượng quân sự Cộng sản Bắc Việt.
Một nửa công việc là thông tín viên báo Time chấm dứt nhưng một nửa khác vẫn còn. Ðó là phần việc của một sĩ quan điệp
báo cao cấp của chế độ cầm quyền mới. Trong thời chiến tranh, Ẩn đã chụp nhiều hồ sơ quân sự tối mật của quân đội
VNCH và những trang tài liệu viết bằng một loại mực vô hình rồi chup thành phim ảnh và gửi tới địa đạo Củ Chi để khai thác
và chuyển về Hà Nội. Ẩn còn rời văn phòng đi vào rừng Hố Bò để tham dự những cuộc họp dưới hầm để dự trù kế hoạch
chiến thuật cho quân đội Cộng sản Bắc Việt. Còn tài liệu của Ẩn từ Củ Chi, được chuyển đến chân núi Bà Ðen, rồi biên giới
Miên Việt tới Thành phố Nam Vang rồi đến Quảng Châu ở Hoa Nam và sau cùng là đến Bộ Chính Trị ở Hà Nội. Những báo
cáo của Ẩn theo sát sự thực linh động và đầy đủ chi tiết đến nỗi Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã phải khen ngợi: “Chúng
ta bây giờ đã có người làm tai mắt ở ngay văn phòng điều hành chiến cuộc tại Hoa Kỳ”.
David Halberstam, một bạn thiết cùng làm việc thông tín viên báo Time với Ẩn đã viết: “Câu chuyện của Ẩn đã nhắc tôi
những vấn đề căn bản mà Grham Greene đã viết trong “The Quiet American” và đặt thành câu hỏi. Thế nào là sự trung
thành? Thế nào là lòng yêu nước? Và chính xác sự thực là gì? Là ai khi nói những sự thực ấy? Có phải Ẩn là người có hai
mặt mà hần như tất cả chúng ta không thể nào tưởng tượng được. Nhìn lại sự việc đã qua, tôi nhìn hắn như một con người
bị xé làm đôi ở giữa.”
Tác giả Thomas Bass, giáo sư đại học Albany, người có nhiều cuốn sách nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, đã viết một
bài báo đăng trên The New Yorker ngày 23 tháng 5 năm 2005 về cuộc đời của tay trùm điệp báo Cộng sản Phạm Xuân Ẩn
với nhiều chi tiết khá độc đáo. Ðó là bài viết The Spy who loved us. Sau này, khai triển thành một cuốn sách với nhiều cuộc
phỏng vấn rất chi tiết với chính Phạm Xuân Ẩn và đã tiết lộ nhiều vấn đề khá độc đáo và cũng có nhiều chất “nhạy cảm” đối
với những người đang cầm quyền tại Việt Nam.
Phạm Xuân Ẩn đã kể lại về cuộc đời làm điệp báo của mình. Từ tết nguyên đán năm 1952, Ẩn vào bưng và làm việc với Ủy
Ban Kháng Chiến Nam Bộ, gặp người chị đã ra bưng 3 năm trước làm việc trong Ðài phát thanh Tiếng Nói Nam Bộ và sau
đó cấp trên chuyển Ẩn sang Cục Tình Báo Quân sự. Mới đầu Ẩn không thích thú lắm với sự lựa chọn này. Ẩn nói với
Thomas Bass: “Tôi là người được chọn lựa trong nhóm ứng tuyển đầu tiên. Lúc đầu tôi không ưa thích lắm công việc này.
Gián điệp là chuyện làm của chó săn. Tôi không muốn đóng vai trò của một con chim mồi của điềm chỉ viên”.
Năm 1953, Phạm Xuân Ẩn tuyên thệ gia nhập đảng Cộng sản tại buổi lễ ở rừng U Minh dưới sự chủ tọa của Lê Ðức Thọ và
sau đó làm việc dưới quyền của Mai Chí Thọ, em ruột Lê Ðức Thọ và là người cầm đầu hệ thống tình báo Cộng sản. Về
Sài Gòn, Ẩn ghi danh học Anh văn tại Cơ quan Thông Tin Hoa Kỳ USIS và xin được công việc kiểm soát thư tín tại Nha Bưu
Ðiện Trung Ương. Năm 1954, Ẩn bị động viên và nhờ sự giúp đỡ của Đại úy Phạm Xuân Giai nên được làm hạ sĩ quan của
Phòng 5, Bộ Tổng Tham Mưu. Tại đây Ẩn gặp Đại tá Edward Lansdale và được hướng dẫn để vào nghề tình báo theo
phương pháp Sherman Kent, lý thuyết gia CIA, giáo sư đại học Yale, soạn giả “Stragetic Intelligence for American World
Policy”
Có lần Phạm Xuân Ẩn đã tâm sự với một nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải: “Thường thường mỗi người chỉ có một nghề để
sinh sống, nhưng riêng tôi lại có hai nghề: Theo dõi cách mạng và nghề ký giả. Hai nghề ấy đối nghịch nhau nhưng cũng có
những liên quan đồng nhất vô cùng. Trách vụ về tình báo có việc thu nhập, phân tích và giữ kín tin tức y như cảnh mèo mẹ
ôm ấp mèo con. Ký giả, thì phương diện khác gom góp tin tức, phân tích và sau đó phổ biến trên các phương tiện truyền
thông”.
Ẩn làm việc tình báo cho bốn phía: Phòng nhì Pháp, chính quyền VNCH, chế độ Cộng sản Bắc Việt và CIA nên luôn luôn
sống trong cảnh giác và lo sợ. “Tôi không có một phút giây nào yên bình. Sớm muộn gì khi là một điệp viên tôi sẽ bị bắt
như một con cá nằm trên thớt. Tôi phải sẵn sàng để chịu bị tra tấn. Ðó là một số mạng khó tránh của một người hành nghề
tình báo”.
Mai Chí Thọ và cụm trưởng tình báo của Ẩn, Mười Hương, quyết định cho Ẩn đi Hoa Kỳ để học về báo chí ở đại học
Orange Coast College ở tiểu bang California vào năm 1957. Trong khi học, Ẩn tập viết văn và đăng trong tờ báo sinh viên
của trường-The Barnacle. Tốt nghiệp văn bằng hai năm, Ẩn tập sự tại tòa soạn báo Sacramento Bee và đi thăm viếng nhiều
tiểu bang nhờ trợ cấp của Asia Foundation, một tổ chức của CIA.
Ẩn có cảm tình nhiều với đất nước Hoa Kỳ và thú nhận với Thomas Bass về mối tình với Lee Meyer, nữ sinh viên xinh đẹp
chủ nhiệm báo The Barnacle, một người được coi như huấn luyện Ẩn vào công việc làm báo và viết văn.
Trong khi Ẩn du học thì ở Việt Nam, Cộng sản miền Nam đang ở trong tình cảnh tan rã tột cùng. Các cơ sở bị khám phá,
các đảng viên bị lùng bắt. Chính Muời Hương, cụm trưởng tình báo của Ẩn cũng bị sa lưới và tra tấn. Có lệnh gọi Ẩn trở về.
Vì cuộc chiến tranh bằng bạo lực bắt đầu cho một cuộc chiến du kích tại miền Nam.
Phạm Xuân Ẩn kể với Thomas Bass là trước khi rời khỏi nước Mỹ vào năm 1959, Ẩn đến thăm cầu Golden Gate ở San
Francisco và ở trên đỉnh cầu nhìn về những ngọn tháp canh nổi trên những bức tường cao sừng sững của hòn đảo là trại
giam Alcatraz và tự nhiên thấy hoảng sợ vì số phận mong manh của mình. Khi trở về, Ẩn có thể bị bắt, bị tra tấn hành hạ
trong các chuồng cọp. Ẩn đọc lời nhạc của ca sĩ Josephine Baker với Thomas Bass “tôi có hai tình yêu Việt Nam và Hoa
Kỳ. Khi nào chiến tranh chấm dứt tôi muốn hai nước kết thân với nhau…” Ẩn chọn lựa nhiều cách thế để khỏi trở về Việt
Nam. Như lưu vong sang Pháp. Hay dạy tiếng Việt tại trường sinh ngữ quân đội Hoa Kỳ tại Monterey. Nhưng rốt cuộc, Ẩn
đã chọn sự trở về mà theo Ẩn là sự lựa chọn đúng nhất.
Về Sài Gòn sau một thời gian ngắn lánh mặt, Ẩn đến gặp Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính TrỊ Phủ
Tổng Thống, người cầm đầu hệ thống phản gián tình báo VNCH. Ẩn được chính thức vào làm việc tại Việt tấn xã với nhiệm
vụ hướng dẫn các thông tín viên quốc ngoại. Sau khi bác sĩ Trần Kim Tuyến bị thất sủng, Phạm Xuân Ẩn rời Việt tấn xã, làm
việc cho Reuters và sau đó cho Time Magazine.
Với các ký giả ngoại quốc đến Việt Nam làm việc, Ẩn có nhiều liên hệ và nhiều cảm tình. Là một ký giả nhưng cũng là một
điệp viên tình báo, Ẩn đã phối hợp cả hai lãnh vực một cách xuất sắc. Ẩn nói món ăn của các ký giả ngoại quốc là tin tức tài
liệu nên phải tiếp tục có thức ăn nuôi sống họ như cách nuôi dưỡng con chim để có thể hót được.
Ẩn tâm sự với Thomas Bass: “Tôi nhận được tin tức từ đủ mọi loại nguồn gốc: quân đội, cảnh sát, mật vụ, phản gián,… Các
giới chức như tư lệnh quân đội, sĩ quan của lực lượng đặc biệt, sĩ quan quân báo của quân chủng không quân, hải quân,
đều giúp tôi. Bù đắp lại tôi cung cấp cho họ những tài liệu tôi trình với phe kháng chiến. Chúng tôi thảo luận về tình hình từ
các tài liệu điệp báo. Phe Quốc Gia trong khi tìm kiếm một sách lược đã có một câu hỏi rất quan trọng về cách cư xử với
người Mỹ. Tôi biết yếu điểm này nên đã bày vẽ cho Mỹ phương cách đối xử với phe VNCH. Ðây là một trò chơi nguy hiểm
của ván cờ bạc thấu cáy. Một trong hai bên khám phá ra thì chắc chắn không thể nào tránh được giam cầm và tra tấn.”
Bí danh của Ẩn là Trần Văn Trung và chuyển tài liệu bằng các micro films nhét trong các đòn nem hay tôm cá nhét trong giỏ
đi chợ. Tài liệu được chuyển ở các vị trí bình thường bất ngờ nhất và mỗi lần công tác như vậy, vợ của Ẩn là người đóng vai
canh chừng hoặc báo động khi tình hình có vẻ nguy hiểm.
Với vẻ kín đáo của một nhân vật tình báo, Ẩn đã rất khiêm cung khi nói về thành tích của mình với Thomas Bass. Ông ta nói
công việc chính là chỉ quan sát tình thế để có dữ kiện để phân tích.
Nhưng theo báo chí của phe Cộng sản thì sự việc không đơn giản như vậy. Trận Ấp Bắc năm 1963 mà người được phe
Cộng sản coi như công đầu về mặt chiến thuật là Ẩn. Trận tấn công Tết Mậu Thân ở Sài Gòn, Ẩn là người đã chở đại tá đặc
công VC Tư Cang đi nghiên cứu tình hình các mục tiêu tấn công. Năm 1970, Ẩn đã can thiệp để Hà Nội và Khmer Ðỏ giải
thoát cho thông tín viên báo Time Robet Sam Anson bị bắt cóc tại Nam Vang. Ẩn sau này khi gặp lại Anson đã nói: “Tôi là
kẻ thù của nước anh nhưng anh là bạn tôi nên tôi đã cứu anh”.
Ngày 30 tháng tư năm 1975, Phạm Xuân Ẩn đã giúp Bác sĩ Trần Kim Tuyến thoát khỏi Sài Gòn trên chuyến trực thăng di
tản cuối cùng để đền ơn đã che chở và cứu giúp ông ta trong cuộc đời điệp viên của mình. Chính đó cũng là một trong
nhiều nguyên do khiến Ẩn bị theo dõi để ý và cho đi “cải tạo” lại. Cộng sản đã vốn nghi ngờ những người liên hệ với các
phe tình báo đối nghịch và lại càng đặt câu hỏi tại sao Ẩn lại gặp nhiều may mắn để thi hành những công việc khó khăn ở
ngay trước mũi của kẻ thù. Ẩn đã sống ở Mỹ, đã tiêm nhiễm lối sống Mỹ nên sau 1975 hoàn toàn bị thất sủng.
Ẩn tâm sự với Thomas Bass là những ngày đầu tháng tư năm 1975, rất lo sợ vì tình trạng an ninh gia đình và bản thân nên
đã phải rời nhà và lánh nạn trên căn phòng của ký giả Robert Shaplen tại khách sạn Continental và sau đó dời qua văn
phòng của báo Time. Công an địa phương đã nhiều lần tra hỏi Ẩn vì nghi ngờ ông ta là điệp viên được gài lại.
Có sự phân vân về cách ứng xử với Ẩn khi Bộ Chính Trị Cộng sản và các nhân vật an ninh tình báo quân đội thảo luân. Gia
đình Ẩn được phép rời khỏi Việt Nam tị nạn những ngày tháng tư năm 1975 nhưng sau được lệnh phải trở về vì số phận
của Ẩn đã thay đổi. Bộ Quốc Phòng thì muốn sử dụng tiếp Ẩn trong công tác tình báo nhưng Bộ Chính Trị thì quyết định Ẩn
phải bị học tập cải tạo vào năm 1978 tại Học Viện Chính Trị thuộc bộ quốc phòng để “tẩy não”, một biện pháp dành cho
những nhân vật trung và cao cấp có vấn đề. Ðược đối xử không tốt, ăn ngủ thiếu thốn, thêm thời tiết ở Hà Nội rất lạnh vào
mùa đông nên rất bất mãn. Ẩn đã nói với Thomas Bass: “Tôi đã sống quá lâu trong lòng địch. Họ “hấp” tôi lại để sử dụng.
Tôi lại là một đứa học trò kém thuộc loại bết bát nhất trong lớp. Họ không ưa lối nói đùa cợt châm biếm của tôi. Họ lại càng
không thích cách sống của tôi một chút nào.Nhưng tôi cũng ráng giữ gìn không làm điều gì quá đáng để họ phải mang tôi đi
bắn bỏ”.
Khi Việt Nam bắt đầu đổi mới, Ẩn được thăng chức thiếu tướng, ông ta mỉa mai: “Trước năm 1975, bạn hữu và đồng
nghiệp gọi tôi là “Tướng Givral” bởi vì tôi hay ngồi ở đó để trò chuyện tán dóc. Bây giờ chính phủ thăng chức cho tôi để phù
hợp với danh xưng đã cũ này…”
Ẩn vẫn bị nghi kỵ. Bị cô lập không cho tiếp xúc với nhiều người. Xuất ngoại thì lại càng không, năm 1997 bị rút chiếu khán đi
New York tham dự một hội nghị báo chí. Ẩn nói :”Họ muốn kiểm soát tôi. Ðó là lý do họ giữ tôi lại lâu dài trong quân ngũ để
dễ dàng áp dụng kỷ luật quân sự. Tôi ăn nói bạt mạng. Họ muốn tôi im lặng bằng cách bịt miệng tôi.” Ẩn về hưu năm 2002,
lúc 74 tuổi.
Trong The Spy Who Loved Us, Thomas Bass có kể lại đã đến thăm Mai Chí Tho, Ðại tướng Công an và là người lãnh đạo
hệ thống tình báo của Ẩn thời chiến tranh. Thọ xác nhận Ẩn là người cán bộ tình báo được Ðảng Cộng Sản gửi đi du học ở
Hoa Kỳ đầu tiên và là người rất thích hợp với vai trò này. Khi được hỏi về tin đồn Ẩn sẽ được gửi qua công tác tình báo ở
Hoa Kỳ sau 1975 thì Mai Chí Thọ trả lời không hiểu lý do kế hoạch này bị tiết lộ. Nếu thành tựu thì Ẩn sẽ là một người cống
hiến tốt. Sau chiến tranh, chúng tôi phong Tướng cho Ẩn và ban cho Ẩn danh hiệu Anh hùng quân đội.
Ðề cập đến những nhân viên điệp báo dưới quyền, Mai Chí Thọ cho rằng Phạm Xuân Ẩn, Ðặng Trần Ðức (tức Ba Quốc),
Vũ Ngọc Nhạ, và Phạm Ngọc Thảo là những nhân vật đứng đầu xuất sắc. Nhưng có một điều cả bốn người lại làm gián
điệp nhị trùng cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến. Chẳng lẽ cơ quan tình báo phản gián VNCH lại yếu kém đến mức đó à (?). Trong
khi, thực tế, cả cụm trưởng gián điệp Cổng sản Bắc Việt là Mười Hương cũng còn bị sa lưới. Như vậy, những tin tức như
thế có được tin tưởng không?
Thomas Bass kể lại khi từ giã Phạm Xuân Ẩn để trở về Hoa Kỳ đã quan sát chỗ ở cũng như tình cảnh sinh hoạt gia đình của
Ẩn. Cư ngụ trong một ngôi nhà khang trang cạnh ga xe lửa thuộc Quận 3 Sài Gòn, Ẩn vẫn có thú vui tiêu khiển cũ: huấn
luyện chó, nuôi chim, nuôi cá, sưu tầm sách vở. Trong tủ sách nhiều sách ngoại ngữ nhưng rất ít sách tiếng Việt. Ẩn nói dân
chúng ở đây không được viết tự do. Ðó là lý do tại sao Ẩn không viết hồi ký. “Tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đề cập đến
cuộc đời tôi hoặc những sự kiện mà tôi biết. Tôi làm việc ở trong bóng tối và sẽ chết trong bóng tối”. Và chỉ tay vào những
quyển sách, Ẩn nói “tôi sẽ nhớ tiếc những cuốn sách này khi tôi ra đi, coi như tôi là người độc nhất còn lưu ý đến những câu
chuyện cũ”.
Hỏi Ẩn về chủ nghĩa Cộng sản Mác- Lê Nin, thì Ẩn nhìn nhận chủ nghĩa này có nhiều hạn chế , nhiều sai lầm và là nguyên
nhân của cuộc chiến đã gây ra chết chóc cho nhiều triệu người dân Việt. Nhưng rồi Ẩn ngụy biện: sẽ chẳng có tổ chức nào
ngoài đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc chiến đấu cho đất nước. Chủ trương Cộng sản nếu thưc hiện được sẽ phải đến triệu
năm, một chủ trương không tưởng nhưng đẹp (?).
Thomas Bass kể mỗi lần đến thăm, Ẩn thường chọn một vài cuốn sách đặt vào tay như nửa để khoe nửa để ký thác một vài
ý nghĩ mà không tiện nói thành lời. Có thể đó là những ám hiệu tư tưởng để vượt qua những rình rập những dòm ngó của
công an. Một lần Ẩn đưa ra một cuốn sách của Charles Dickens với câu “It was the best of Time. It was the worst of Time”
với nghĩa là thời điểm đẹp nhất cũng là thời điểm tệ hại nhất. Hay có lần Ẩn đưa cuốn sách ngụ ngôn La Fontaine và nói
thích các câu chuyện thú vật hành động như người và con người lại có hành vi như con vật.
Gặp gỡ lần sau cùng, Ẩn đưa cho Thomas Bass cuốn sách của Gerald Tongas, một nhà giáo dục Pháp đã đến Hà Nội giúp
chế độ Cộng sản sau năm 1954. Ẩn nhấn mạnh đến việc Tongas cũng như Edward Lansdale có một con chó thông minh
đã cứu ông thoát chết vì độc dược. Cái nhan đề của cuốn sách chuyên chở theo một ngụ ý. J’ai vecu dans l’enfer
Communiste au Nord Viet Nam et j’ai choisi la liberte (Tôi đã sống trong địa ngục Cộng sản Bắc Việt và tôi đã chọn tự do).
Ẩn nói với Thomas Bass: “Ðây là một cuốn sách rất quan trọng và là một tác phẩm rất xác thực mà ông nên đọc”. Lại giọng
châm biếm cố hữu, ông nói: “Vợ tôi bảo tôi là đã đến lúc lùi ra để nhường chỗ cho thế hệ trẻ nhưng tôi chưa chết được.
Không biết rồi tôi sẽ đi về đâu? Ðịa ngục để dành riêng cho bọn gian manh mà ở Việt Nam bây giờ bọn gian manh quá
nhiều. Mọi nơi mọi chỗ đầy dẫy những kẻ gian manh…”
Trong cuộc phỏng vấn của Thomas Bass với Ẩn, nhiều vấn đề rất nhạy cảm với chế độ mới đã thành câu hỏi. Ví dụ, như
câu hỏi về vụ án T4 mà tướng Võ Nguyên Giáp bị thêu dệt nói xấu có chủ mưu của Cơ Quan phản gián Tổng Cục II. Trả lời
Thomas Bass, ông Ẩn rút ra từ ngăn kéo lá thư gửi Trung Ương Ðảng của Tướng Giáp dài 17 trang và thận trọng trả lời:
“Tôi đã được huấn luyện để có nhận thức khách quan mọi sự việc. Ðiều tôi nên nói là Tướng Giáp đúng trong sự mô tả góc
nhìn của ông.
Thật nguy hiểm khi phải chọn lựa để đi theo một phe nhóm nào. Lý do chúng tôi không có lịch sử Việt Nam do người Việt
viết là vì anh không thể nói trắng ra sự thật. Vì thế toàn bộ sách của tôi đều do người ngoại quốc viết.”
Một câu hỏi khác, tế nhị nhưng nhạy cảm: Việt Nam sẽ ra sao nếu Hoa Kỳ thắng cuộc chiến? Ẩn trả lời Việt Nam sẽ không
giống Bắc Hàn. Bắc Việt khi đó chắc chắn sẽ bị “absorbed” vào Trung Quốc. Còn Nam Việt Nam? Người miền Nam không
tàn nhẫn như Triều Tiên. Miền Nam sẽ chỉ là một ngôi sao nhỏ trong quỹ đạo phương Tây”
Phạm Ngọc Ẩn dường như muốn phác họa qua chính bản thân mình một mẫu người yêu nước lãng mạn cho độc giả Tây
phương. Ẩn đã nói ông ta chưa bao giờ là người thuộc phe cách mạng mà chỉ là người lãng mạn, yêu tổ quốc và sẵn sàng
bảo vệ quê hương cho đến khi lìa đời. Nhưng xem ra, đã làm nghề điệp báo thì có thể thực hiện được ý muốn cá nhân
riêng không? Có lẽ câu trả lời là chẳng bao giờ.
Nguyên bản The Spy Who Loved Us đã hoàn thành nhiều năm trước. Năm 2014, có bản dịch Việt ngữ Ðiệp viên Z21- Kẻ
thù tuyệt vời của nước Mỹ với dịch giả Nguyễn Việt Long. Bản dịch này đã gây cho tác giả Thomas Bass nhiều nhận định
không hay về hệ thống kiểm duyệt sách vở trong nước mà ông là nạn nhân. Qua trang mạng Pro& Contra của Phạm thị
Hoài, ông đã phổ biến lá thư nêu rõ việc trên.
Phần thứ hai của bài viết, chúng tôi sẽ xin góp nhặt một vài chi tiết đã đọc để đề cập đến một vấn đề kiểm duyệt của các
chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam hiện giờ mà có người cho rằng tuy không có kiểm duyệt chính thức nhưng có “siêu” kiểm
duyệt…
Nguyễn Mạnh Trinh