Ngày tôi còn bé, người lớn hay hỏi: “Cháu có sợ ma không?” Tôi thường trả lời: “Cháu không sợ ma, chỉ sợ ăn trộm.” Chẳng
là ngôi nhà nghỉ hưu của bố tôi ở Bãi Dâu xây trên thửa đất rộng cả mẫu tây, vườn tược um tùm. Ngoài cây ăn trái, vườn nhà
tôi còn mùa nào thức nấy, mẹ tôi gieo trồng đủ thứ: Bắp, bầu, bí, mướp, su su, khế chua. Năm 1945 đói kém, những người
thiếu ăn quanh vùng cứ chờ nửa đêm về sáng, ai cũng say ngủ, thì nhẩy qua hàng rào vào vườn nhà tôi hái trộm quả. Hôm
nào không may bị phát giác, họ bỏ chạy tán loạn. Sáng ra, tôi thấy trái su su lăn lóc đầy vườn do bọn trộm vứt lại. Thế
nhưng, ma thì tôi chưa từng thấy nên tôi chỉ sợ kẻ trộm.
Những năm thơ ấu ấy, anh tôi được chú Tư, thợ mộc của bố tôi, đóng cho anh cặp cà kheo cao lênh khênh. Tối trăng sáng,
anh lấy chăn trải giường trùm đầu, giả làm ma đi nát trẻ con trong xóm, làm chúng sợ, la khóc ầm ỹ. Thế giới người âm, đối
với tôi thời đó, nới rộng đến khu mả ông Trạng trên đường Trung Bộ. Dư luận đồn đãi rằng khu này toàn chôn các hài nhi
yểu mệnh nên rất thiêng nhưng thực sự, thiêng như thế nào thì cho đến ngày theo chồng rời Huế, tôi chưa một lần được
chứng kiến chuyện gì xảy ra. Trong trí nhớ tôi, mỗi lần về học qua khu này, chỉ nhìn thấy trong nắng mưa những nấm mộ
thấp tè, tuồng như ở đầu một con ngõ, thỉnh thoảng có ai đó cúng giấy tiền, vàng bạc, kẹo bánh và cả những dây bông sứ
trắng, bày ngổn ngang trên đất, trong mấy cái bẹ chuối.
Năm ngoài 30 tuổi, tôi sinh một cháu trai thiếu tháng, không nuôi được. Tôi chôn cất cháu ở nghĩa trang đô thành, xây mộ và
dựng bia. Nhiều người bảo tôi lẽ ra không được làm như vậy vì cháu qua đời sớm, có khi u uất và lưu luyến gia đình thì
không siêu thoát. Đã lỡ lo cho cháu cách đó, tôi nên quên cháu đi, đừng cúng giỗ. Tôi chưa biết sao thì năm kế đó, tôi sẩy
thêm một cháu trai non tháng hơn và mất cháu tại bệnh viện Dung Anh. Mẹ tôi không nói gì nhưng tôi thấy bà lẳng lặng cùng
bà nhũ mẫu thuê xe đi tắp mãi đâu, lo liệu cho cháu giùm tôi. Tuần lễ sau khi tôi về nhà, mẹ tôi và mọi người tuyệt đối giữ im
lặng, không một ai hé môi nhắc về cháu nữa. Tôi vừa đau buồn, vừa cảm thấy rờn rợn một cảm giác sợ hãi mà không biết
tâm sự với ai để được giải tỏa. Mãi lâu về sau, chuyện đã nhạt bớt, có một lần tôi rụt rè hỏi bà nhũ mẫu thì bà gạt phắt đi, chỉ
nói ngắn gọn: “Bà và tôi đã lo cho cháu yên ấm rồi, mợ đừng bận tâm nữa.” Hai lần sinh nở sau, tôi sinh hai cháu gái.
Từ những biến cố này, tôi mơ hồ có thêm vài ý niệm về một cõi huyền bí khác, bên kia thế giới loài người. Cho đến tháng 4
năm 1979, tôi gửi cháu gái đầu lòng 15 tuổi đi vượt biên và cháu mắc nạn, bấy giờ tôi mới có cơ hội thực sự biết chắc về
hiện tượng linh hồn và không gian của những người đã qua đời.
Tuần lễ đầu tiên sau khi cháu mất, một đêm đang ngủ vùi vì ảnh hưởng của thuốc, tôi chợt thức giấc. Nằm mãi không ngủ lại
được, tôi trở dậy, định bụng xuống nhà dưới làm một việc gì đó. Khi tôi mở cửa phòng, toan bước ra, tôi thấy cháu mặc
quần áo trắng, tóc xõa vai, quay lưng đi xuống cầu thang. Tôi nghĩ cháu đã về nhà, đứng trước cửa phòng ngủ của mẹ và
các em lâu lắm nên khiến tôi tỉnh giấc. Người ta thường nói khi gặp người cõi âm (hay gọi là ma) thì da mọc ốc và xương
sống lạnh toát. Tôi hoàn toàn không có cảm giác này mà nhớ ngay là cháu đã chết và lòng buồn vô hạn, thấy cháu tan biến
trên mấy nấc thang trước mắt.
Thời gian sau đó, sức khỏe của tôi sa sút trầm trọng. Tôi chỉ còn cân nặng 37 ki lô và hai chân không đỡ nổi thân mình. Một
xế trưa, tôi té bất tỉnh trong phòng ăn của ngôi nhà ở Phú nhuận. Mẹ tôi năm ấy 83 tuổi, nghỉ trưa ở nhà ngoài. Hai con nhỏ
của tôi đi học. Không ai hay biết tôi lâm nạn. Chừng tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện Nguyễn văn Học. Cháu
Hằng, bạn thân thiết của con gái tôi mà tôi coi như con nuôi, vừa cười như mếu vừa kể: “Tự nhiên con nóng ruột quá! Hình
như có tiếng H. kêu con chạy qua nhà má vì má bệnh mà bà ngoại không hay. Vậy là con bỏ việc, tuôn về, thấy má nằm bất
tỉnh trên gạch. Con kêu la ầm ỹ, hàng xóm đổ tới chở má vô nhà thương. Bác sĩ bắt mạch, nói má không còn mạch nữa.
Con khóc quá trời, tưởng má chết. May quá, má tỉnh rồi!”
Vì ốm đau nên tuy đã đặt xong tấm mộ bia cho cháu, định bụng đem xuống chỗ cháu nằm trong khuôn viên đất chùa xã
Bình Thủy như đã hẹn với ông lão coi sóc khu này nhưng tôi không thể đi được. Phải mất gần 6 tháng, tôi mới hồi phục dần.
Khoảng đầu tháng tư năm kế, khi chuyến xe lôi vừa thả tôi ngay lối vào xóm, tôi hết sức ngạc nhiên thấy trẻ con, người lớn
ùa ra đón tôi, tiếng trẻ con la chói lói: A! Mẹ cô TH. về! Mẹ cô TH. về! Đoàn người đi với tôi đến chỗ mộ cháu nằm ven con
đường mòn vào sâu bên trong xóm. Tôi ngạc nhiên lần nữa, thấy nấm đất đắp điếm sơ sài cho cháu năm ngoái nay được
vun cao và có hàng rào kẽm gai vây quanh. Trên mộ cháu có bánh ít, bánh bò, xôi, thịt quay, trái mận v.v... Dân xóm kể cho
tôi nghe cháu rất linh thiêng, ai bán chè cháo ế ẩm ngoài chợ, cứ chạy ra kêu cầu cháu, xin cho buôn may bán đắt thì chỉ
một thoáng là hết hàng. Những chuyện này xảy ra tiếp theo sự việc đầu tiên khi một trong hai người tù mà công an xã giao
nhiệm vụ đào huyệt chôn cháu đêm tháng 4 năm ngoái, tên là Sơn, được thả ra. Anh ta mua một tấm vé số, đem vùi dưới
đám cỏ chỗ cháu nằm, khấn khứa xin cháu có khôn thiêng thì trả ơn anh, cho anh trúng số để có vốn làm lại cuộc đời. Đến
ngày xổ số, anh được toại nguyện với lô độc đắc trị giá $8,000 đồng hồi đó. Tin này loan ra, cả xóm mới đổ xô vào nhang
khói cho cháu kể từ sau biến cố ấy.
Đã lâu, dân làng không thấy tôi về qua, ai cũng nghĩ chắc tôi đã đi nước ngoài. Tôi được nghe kể lại, một buổi chiều chạng
vạng tối, vài hôm trước ngày tôi khăn gói xuống thăm mộ cháu, khi không cháu về, nhập vào một bà để trả lời mọi người là:
“Mẹ cháu chưa đi đâu, mẹ cháu bệnh nhưng mùng 5 này mẹ cháu về đấy!” Vì vậy, khi tôi về tới, mọi người đã biết trước, họ
vui mừng vì biết cháu thực sự linh thiêng.
Vì việc gia đình tôi xuất cảnh đi Mỹ do đơn bảo lãnh của anh tôi đã tiến hành nên tôi biết sớm muộn gì, tôi cũng phải cải táng
cho cháu, hỏa thiêu và gởi tro cháu vào chùa để tôi được yên tâm cháu nương náu cửa Phật khi tôi đi xa, không thể mang
cháu theo. Do đó, 3 tháng sau, tôi trở xuống Bình Thủy làm giấy tờ với chính quyền xã, xin phép bốc mộ. Bà con biết tin này,
hết sức ngăn cản tôi, nhất là chị Dung, cán bộ làm việc cho công ty Rau Quả Cần Thơ. Chị khóc sưng cả mắt, cố van nài tôi
để cháu lại đây, chị hứa sẽ trông nom mộ cháu tử tế vì chị rất thương yêu cháu. Tôi cảm tấm lòng của chị nhưng ngày ấy, ra
đi đâu có hẹn trở về? Vì vậy, tôi cũng khóc với chị, xin chị hiểu giùm hoàn cảnh khó xử của tôi và cho phép tôi được mang
cháu đi. “Cháu linh thiêng, ở đâu cũng phù hộ chị và bà con.”
Có giấy tờ rồi, về Sài Gòn, tôi thu xếp với nhà đòn lo việc cải táng cháu. Các vị phu chuyên bốc mộ cho biết phải khởi hành
từ tối hôm trước để kịp hoàn tất công việc trước khi mặt trời mọc lúc 5 giờ sáng tại nghĩa trang. Tôi được dặn đem theo
chừng 10 lít nước ngũ vị hương để tắm rửa xương cốt cho cháu và một cái quách dài vừa với thi thể cháu trong trường hợp
cháu chưa rã mục hết. Nửa đêm, xe chờ qua phà bắc Mỹ Thuận, trăng sáng vằng vặc trên bến phà giờ đó vắng người và xe
cộ lưu thông, tôi đi loanh quanh cho đỡ chồn chân, đôi mắt mỏi mệt ngước lên trời cao xanh thẳm, tự hỏi “Dấu chân con đã
in ở nơi nào trên con đường này, trong chuyến đi định mệnh mang con ra khỏi đời mẹ?”
Sau phần hương khói cáo mộ, nhát cuốc đầu tiên bổ xuống vào khoảng 3 giờ sáng. Hai người phu rất chuyên nghiệp nên
khi vừa ló dạng tấm poncho màu xanh, họ vứt cuốc xẻng, quỳ thụp xuống và dùng hai tay bới tiếp. Tôi chờ đợi sẽ ngửi thấy
mùi hôi của xác chết bị khai quật nhưng mọi người và tôi đều ngạc nhiên, không có gì khác trong không khí đồng quê mát
rượi mùi sương sớm chúng tôi đang thở. Hai người phu cẩn trọng gom hết những gì còn lại trong hố đất và bưng nguyên
tấm poncho gói cháu đặt lên mặt đất. Họ bắt đầu tìm kiếm và xếp đặt. Hai mắt tôi hoa lên, đầu gối khuỵu xuống. Tuy nhiên,
tôi còn kịp nhớ đến mấy can nước thơm và nhắc họ. Các anh nói: “Đã mang theo thì dùng thôi, cháu sạch lắm.” Và họ đưa
một mảnh xương của cháu lên cao cho mọi người cùng thấy, mảnh xương khô, trắng lốp, như một khúc xương giả trong bộ
xương cách trí bày ở phòng thí nghiệm. Trong khoảnh khắc bàng hoàng, nửa mê nửa tỉnh, tôi nghe tôi lẩm bẩm: “Con ơi,
mới hơn một năm mà con đã tan biến hết, không còn gì của con cho mẹ nhìn thấy con nữa sao?” Chỉ một tích tắc đồng hồ
sau khi lời than buột ra khỏi miệng tôi, một trong hai người phu bốc mộ dơ cao một bàn tay vẫy vẫy, mấy ngón của bàn tay
kia đưa gần vào mặt tôi một miếng da trắng tươi dài chừng 5 phân, mặt trong còn bám chút thịt đỏ hồng lấy từ một chỗ nào
đó trên di hài của cháu. Trong khi tôi sửng sốt, không thể tin vào mắt mình thì người phu bốc mộ tử tế vừa bỏ miếng da vào
trong quách của cháu, vừa nói to: “Để vào đây cho cháu cho đủ.”
Công việc hoàn tất đúng như dự liệu. Xung quanh chúng tôi, đã có đông bà con trong làng tụ tập để chứng kiến và tiễn đưa
cháu. Chị Dung ôm tôi lần cuối cùng và chúng tôi cùng khóc khi chia tay, biết rằng khó còn cơ may gặp lại.
Về tới Sài Gòn, chúng tôi đưa cháu thẳng vào an dưỡng địa Phú Lâm để cháu được hỏa thiêu. Sáng hôm sau, khi tôi trở lại
theo hẹn, trên mặt bằng xi măng của an dưỡng địa mỗi bề rộng chừng 5 thước, những cái khay nhôm đầy tro than được đặt
nằm thẳng hàng song song bên nhau, ở đầu mỗi khay có tên của mỗi người viết bằng sơn màu đen. Thân nhân được phát
cho mấy đôi đũa và được hướng dẫn cách lấy tro của người quá cố. Tro từ xương cốt có màu trắng xám, mỏng và nhẹ, lẫn
vào tro từ than củi dùng để thiêu. Tôi cố nhặt hết những gì được xem là còn sót lại của cháu, kể cả những chiếc răng khỏe
mạnh và những chiếc răng sâu đã trám, để tất cả vào chiếc bình gốm, thuê nhân viên ở đây dùng xi măng hàn kín nắp bình
và gắn chân dung cháu bên ngoài, tên họ, ngày sinh, ngày mất, rồi đem gởi vào bảo tháp của chùa.
Thời gian ở Mỹ, tôi vẫn đều đặn hàng năm gởi tiền về Chùa (nơi ký vong cháu) và về An Dưỡng Địa Phú Lâm (nơi gởi tro cốt
cháu) để nhờ quý vị trụ trì các nơi này hương khói, giúp săn sóc chút di hài của cháu. Năm 2001, tôi về quê hương thăm mộ
thân phụ ở Huế xong thì vào nam thăm nơi an nghỉ của con gái. Cái hộp kiếng trong suốt bên ngoài hũ tro của cháu ngày tôi
ra đi, sau 15 năm trong một góc tối của bảo tháp, chen chúc với nhiều tro cốt khác tới sau, đã bám đầy bụi đen như bồ hóng
hay muội đèn. Quá đỗi thương tâm, tôi vội vàng đóng lệ phí cho chính quyền ở cả hai nơi để xin trích xuất cháu ra. Chúng tôi
thuê sẵn xe và trực chỉ con đường oan nghiệt bất ngờ đưa cháu về cõi khác 23 năm trước tính từ ngày miền Nam Việt Nam
thất thủ. Xe tới bến Ninh Kiều, Cần Thơ, chúng tôi xuống thuyền trong một buổi trưa nắng chói lòa trên dòng sông Hậu gió
lồng lộng. Thuyền ra giữa mênh mông trời nước Tây Đô, tôi ôm bình tro của cháu, đặt nằm nghiêng trên mặt sông cuồn
cuộn sóng để gió lùa hết những gì còn lại của kiếp người ngắn ngủi, thả xuống đáy mộ sâu.
Cùng với cháu, một phần xương thịt của tôi cũng mãi mãi ở lại khúc sông này của quê hương một thời khổ đau.
Bùi Bích Hà