Đại diện các nước trong khối TPP bên cạnh thủ tướng New Zealand John Key (thứ 6 từ bên phải) ngày 04/ 02/2016 tại Auckland.
MICHAEL BRADLEY / AFP
Hiệp định TPP, thành lập vùng thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương, đã được 12 quốc gia thành viên long trọng ký kết vào hôm nay 04/02/2016 tại Auckland, New Zealand. Đối với Mỹ, hôm nay là một ngày lịch sử, hiệp định TPP là vũ khí ngăn chận Bắc Kinh kiểm soát thương mại thế giới.
Sau năm năm đàm phán gay go, 12 quốc gia thành viên từ châu Mỹ cho đến châu Á và châu Đại Dương chung quanh Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, bao trùm một khu vực lớn nhất thế giới.
Văn kiện này phá bỏ hàng rào quan thuế giữa các đối tác gồm Úc, New Zealand, Chilê, Mêhicô, Peru, Canada, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Hoa Kỳ. Nền kinh tế của 12 quốc gia TPP chiếm đến 40% tổng sản lượng địa cầu. Trung Quốc tạm thời bị loại khỏi cuộc chơi.
Đối với Washington, kế hoạch thành lập vùng mậu dịch tự do lớn nhất thế giới là một chiến lược ngăn chận Trung Quốc kiểm soát kinh tế toàn cầu.
Từ Washington, tổng thống Barack Obama khen ngợi TPP là con đường lý tưởng nhất để cải thiện đời sống cho 800 triệu dân trong lãnh vực dịch vụ và tiêu thụ hàng hóa.
Tổng thống Mỹ nhận định thêm là TPP cho phép Hoa Kỳ, chứ không phải những nước như Trung Quốc, chỉ đạo kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21 và đặc biệt là ở vùng châu Á Thái Bình Dương.
Trong thông điệp hướng về công luận quốc nội, chủ nhân Nhà Trắng cho là TPP vừa tạo công ăn việc làm cho công nhân Mỹ, vừa củng cố vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ.
Cùng tần số với tổng thống Obama, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tỏ ra hài lòng về văn kiện quy định luật chơi trong thương mại quốc tế mà Tokyo « đóng vai trò tích cực trong các cuộc đàm phán ».
Theo RFI