Cứ mỗi lần cúng Giao Thừa xong, tôi mang bình trà vào phòng sách ngồi uống một mình. Chính những lúc nầy tôi
nhớ lại những ngày tết cũ xưa cũ. Khi còn nhỏ, tôi là người phải thức để lo sắp xếp bàn cúng giữa sân cho Bác tôi
khấn vái. Câu khấn đầu tiên Bác tôi giới thiệu về mình cho những người khuất mặt quanh đây biết về gia thế: “Kính
thưa ông bà, cha mẹ, những người khuất mặt quanh quẩn đâu đây. Tôi tên là Phan Xuân Sâm là con thứ năm của
cha mẹ tôi, người còn lại lớn nhất của gia đình nầy. Hiện tôi đang sinh sống tại Nại Hiên xã, Đà Nẵng xứ, Quảng
Nam tỉnh. Kính xin chư vị ghé qua đây hưởng chút nhang khói nhân ngày đầu khai niên. Giúp đỡ gia đình tôi mạnh
khỏe, thuận hòa. Chúng tôi luôn luôn cung kính gìn giữ lòng biết ơn chư vị…”. Năm nào Bác Năm tôi không được
khỏe, Ba tôi làm nhiệm vụ cúng bái Giao Thừa thay cho Bác. Ba tôi không nói ra những lời như Bác, ông chỉ lầm
thầm trong miệng rồi lạy. Hình như ông làm chuyện nầy cho có lệ, chứ không thành tâm như Bác tôi. Bác nằm trên
gường hỏi Ba tôi sau khi cúng xong vào nhà: “Chú có biết phải để cho cây hương tàn hết mới dọn vô nhà không?”
Ba tôi lúng túng trả lời cho qua chuyện, sự thật cây hương cháy chưa hết một nửa thì Ba tôi đã dọn vô nhà. Cúng
xong bao giờ Bác Năm cũng ngồi uống trà với Ba tôi. Cái cung cách đầu năm cũng đổi khác, nói chuyện với nhau
đượm một chút nhẹ nhàng. Hình như người ta gìn giữ tốt đẹp nhất cho ngày đầu năm.
Sau nầy Bác tôi mất, Ba tôi mỗi năm cúng GiaoThừa thay cho Bác. Tôi là người được ngồi đối diện uống trà với
Ba tôi. Sau đó hai cha con dẫn nhau xuất hành, thường thường chúng tôi đi đến chùa Nại Hiên lạy Phật. Chính lúc
trên đường đi Ba tôi mới kể cho tôi nghe nhiều chuyện của quê tôi. Cái chuông chùa của làng Nại Hiên là do ông
Án Nại đúc tặng cho làng (Ông Án Nại tên là Nguyễn Hanh, Án Sát tại Nghệ An, nguyên quán của ông ở làng Nại
Hiên nên thường gọi ông là Án Nại, sau ông từ quan theo phong trào Văn Thân, Cần Vương, bị tử thương ở mặt
trận Phú Thượng Hòa Vang, Quảng Nam). Có một năm vợ chồng người học trò cũ của Ba tôi tới chúc tết thầy. Ba
gọi tôi ra chào chị Hồng, người mà khi tôi còn nhỏ Ba tôi nhờ chị chăm sóc cho tôi vì má tôi mất sớm. Ba tôi đi
dạy mang tôi đi theo, các chị thay phiên chăm sóc tôi, đút cơm, tắm rửa, thay áo quần. Trong số các chị thì chị
Hồng là người lo cho tôi nhiều nhất. Lúc nầy tôi đang học đệ nhị. Từ trong buồng ngủ bước ra. Chị Hồng trố mắt
nhìn tôi: “Thằng Sinh đây hả thầy? Hồi nhỏ nó bụ bẫm sao lớn lên nó ốm quá vậy? Có đau gì không? Ừ, mà như
vậy trông có vẻ thư sinh, bảnh trai. Hắn mà gái trông thấy phải chạy theo thôi”. Chị hỏi tôi, hồi nầy có còn thích ăn
bánh bèo không? Hồi còn nhỏ xíu khi dẫn nó ra chợ, bao giờ nó cũng chỉ hàng bánh bèo, ăn một lần bốn năm
chén. Tôi gật gật đầu, ý của tôi nói với chị vẫn còn thích ăn bánh bèo.
Vợ chồng chị Hồng chắc là khá giả, chị ấy móc tiền lì xì cho tôi 200 đồng, số tiền đó lúc ấy hơi lớn. Chị kể mấy chị
trong lớp hay bẹo má phúng phính của tôi. Thứ bảy chủ nhật các chị thay phiên nhau xin Ba tôi cho các chị mang
tôi về nhà. Ba tôi thì lúc nào cũng gật đầu đồng ý. Sau nầy lớn lên tôi mới biết đó là lúc tốt nhất để Ba tôi có thời
giờ đi cua “đào”. Ông thầy giáo vợ chết sớm, sống lẻ loi sao được, tuổi lại còn quá trẻ nên có cơ hội thuận tiện lúc
nào là ông “tranh thủ” đi đến nhà các bà bồ để tán dóc. Ra tết, chị Hồng chạy xe Honda tới nhà mang cho tôi
chừng hơn 10 chén bánh bèo. Bánh bèo Quảng Nam lớn lắm, chén đổ bánh bằng chén ăn cơm, chị nghĩ rằng hồi
còn nhỏ tôi ăn được 4 chén, thì bây giờ phải ăn gấp đôi. Tội nghiệp sự chu đáo của chị làm cho tôi nhớ mãi. Ba tôi
kể, nhà chị Hồng nghèo nên mỗi năm phụ huynh đi lễ tết cho thầy nào là bánh, mứt, rượu, gà, nếp, bánh tét… Ba
tôi gọi mẹ chị Hồng qua nhà lấy bớt đêm về nhà ăn tết, nên gia đình chị Hồng mặc dù ít mua sắm cho ngày tết, vẫn
có đầy đủ mọi thứ trong nhà. Khi chị đi lấy chồng Ba tôi có đi dự. Sau nầy chị kể cho Ba tôi nghe chị và anh Khiết
cùng học một lớp yêu nhau, nhưng gia đình anh Khiết nghèo quá nên anh ấy không thể cưới chị. Con gái đến tuổi
không thể chờ đợi nên gia đình phải gả chị cho anh Hoàng ở làng bên. Gia đình anh Hoàng khá giả, chị về làm dâu
cũng sung sướng. Anh Hoàng đi lính ở thành phố nên không sợ phải ra trận, còn anh Khiết cũng vào lính được
chừng hơn một năm thì tử trận.
Cái vui nhất của tôi là ngồi canh lửa nồi bánh tét. Mấy thằng bạn nhỏ trong xóm tụ lại nghe tôi kể chuyện. Ngồi
chung quanh nồi bánh, lửa phừng phực cháy xua đuổi cái lạnh mùa đông, ngồi chờ ngoại tôi vớt ra mấy cái bánh ú
cho tôi, bạn bè chia nhau ăn. Sau nầy lớn lên bao giờ tôi cũng mua một lít rượu để sẵn, một dĩa thịt heo dầm nước
mắm, một chén củ kiệu, vài thằng bạn ngồi nhâm nhi. Lúc nầy chúng tôi sắp bước vào lính nên bữa nhậu đượm
một chút buồn trên mặt.
Tết Mậu Thân, thành phố Đà Nẵng sống trong yên bình. Đêm giao thừa pháo vẫn nổ rộn rã, xen lẫn tiếng súng nổ
nhiều hơn mọi năm, tiếng súng nổ nhiều nhất ở ven thành phố. Dân chúng hoàn toàn không biết là Việt Cộng tổng
tấn công bị các đơn vị đồn trú bên ngoài đẩy lui. Bốn giờ sáng Ba tôi dậy pha trà, súng vẫn nổ nhiều mà không
dứt, mở radio nghe tin tức, mới biết là Việt Cộng tấn công vào các thành phố miền Nam. Lệnh của Bộ Tổng Tham
Mưu kêu gọi quân nhân đang ăn tết với gia đình, phải trình diện ở những đơn vị gần nhất. Tất cả gia đình đều hé
cửa nhìn ra đường, chỉ thấy xe tuần tiễu của quân đội thỉnh thoảng gắn loa phóng thanh, lệnh giới nghiêm 24 giờ
trên toàn thành phố. Tất cả phải đóng kín cửa không được ra đường. Các quân nhân ở xa về ăn tết ra đường đón
xe tuần tiễu để được chở vào Quân Vụ Thị Trấn. Sáng mồng một, đài phát thanh địa phương báo cho biết là Quân
đội đã đẩy lui các cuộc tấn công vào thành phố. Chỉ biết được tin tức qua đài phát thanh. Người dân Đà Nẵng yên
tâm ăn tết không bị quấy phá bởi lực lượng bên kia. Chừng 9 giờ sáng mọi người ra đứng trước cửa nói chuyện
với hàng xóm, khuôn mặt họ đều ngơ ngác. Nói chuyện về tình hình chiến sự chỉ đoán già đoán non chứ quả thật
không ai biết gì cả. Tối mồng một tết nghe phong phanh có mấy người trong xóm trước đây đi nhảy núi, đã thấy
xác của họ ở xã Hòa Cường. Chuyện thật hư không ai biết, mọi chuyện đều bị xé to. Tối cả nhà quây quần chung
quanh chiếc radio để nghe BBC và VOA, lúc nầy mới biết rõ các tỉnh, thành phố ở miền Nam đều bị tấn công.
Nghe lén đài phát thanh Hà Nội thì họ bảo quân Cách Mạng đã chiếm được miền Nam, dân chúng miền Nam đón
tiếp niềm nở. Sau nầy mới rõ, các cán binh miền Bắc tin vào lời tuyên truyền trên radio, trên truyền đơn, dân chúng
sẽ đón tiếp các anh nên họ tưởng thật. Khi vào thành phố họ mới biết chẳng có ai đón tiếp họ. Ai thấy họ cũng đều
sợ hãi, cũng đều trốn tránh. Thú thật người dân lúc đó rất hoang mang không thể tin được đình chiến mà lại bị
quân Bắc Việt tấn công. Ở Đà Nẵng chỉ nghe súng nổ trong ngày mồng một tết, khuya mồng một tiếng súng nghe
xa xa nghĩa là chiến sự đang ở các vùng quê. Như vậy quân đội đã làm chủ được tình hình. Đó là một cái tết đã
làm điêu đứng toàn dân, phe Cộng Sản xé bỏ hiệp định đình chiến. Từ cái chuyện Tết Mậu Thân, tôi bắt đầu ngao
ngán chế độ Công Sản, tôi không tin những gì họ tuyên truyền trước đây. Tôi nghĩ nếu chế độ nầy họ thắng trong
cuộc chiến thì dân chúng sẽ khổ biết mấy. Chỉ có một hiệp đình đình chiến trong 3 ngày tết để dân chúng nghỉ ngơi
mà họ trắng trợn vi phạm. Thì làm sao họ tôn trọng những thứ khác. Sau khi chiếm được miền Nam thì mới tỏ rõ
bộ mặt nham hiểm thật sự của họ. Những ngày sau đó thành phố Huế vẫn còn phe Giải Phóng chiếm đóng, chiến
sự vẫn còn gay gắt. Gần một tháng quân đội miền Nam mới thực sự chiếm lại Huế.
Nói đến tết mà không đề cập tới tết Mậu Thân ở Huế là một thiếu sót lớn. Mặc dù tôi không ở Huế để chứng kiến
cái cảnh tan nát mà người dân Huế phải gánh chịu. Thế nhưng mỗi ngày tôi phải mở đài BBC và VOA để nghe
chiến sự ở Huế. Đà Nẵng và Huế chỉ cách nhau vào khoảng 80 cây số theo đường chim bay (100 cây số tính theo
đường quốc lộ), thế mà Huế lại gánh tất cả những hãi hùng, thật tội nghiệp. Những nơi bị Việt Cộng chiếm đóng
xẩy ra biết bao tai ương, số người bị họ giết nhiều vô kể. Đổ lỗi cho cá nhân nầy, cá nhân kia gây nên, tôi không
đồng ý, vì cá nhân không thể tàn bạo như vậy, giết hại bà con ruột thịt của mình. Chỉ có quyết định của đảng Cộng
Sản. Tôi không đề cập đến chuyện nầy, điều mà tôi muốn nói ra trong hồi ký nầy là tang thương ụp lên đầu những
người dân vô tội, nhà nào cũng có người là nạn nhân của cuộc tấn công tết Mậu Thân. Gần đây sau bốn mươi bảy
năm những người Cộng Sản im tiếng, thì bỗng nhiên có một người ngụy tạo ra một tài liệu bảo rằng những nạn
nhân tết Mậu Thân đều do máy bay Mỹ giết hại. Khi quật những nấm mồ tập thể, tất cả những nạn nhân bị cột tay
chung với nhau, đầu bị vỡ sọ. Như vậy họ dùng cuốc xẻng đập vào đầu, không thấy một vết đạn nào. Lại nghe nói
một ông đạo diễn dàn dựng một cuốn phim về tết Mậu Thân quy tội cho Mỹ Và quân đội Cộng Hòa. Còn cán binh
Bắc Việt vô tội. Việc làm nầy đi ngược lại sự thật đã trở thành hiển nhiên, mà họ tán tận lương tâm thêu dệt ra để
tránh tội. Họ quên nghĩ rằng, những vùng của họ chiếm đóng làm sao có lính Cộng Hòa vào bắt đồng đội của mình
đem ra giết. Cho nên vải thưa không thể che mắt thánh. Chuyện của họ làm người dân Huế đều biết rõ, không chối
cãi được. Người Mỹ trước đây quá mệt mỏi với “Cuộc Chiến Việt Nam”, họ không muốn khui lên đống tro tàn sợ
đau lòng dân chúng Mỹ. Những năm gần đây, sự việc đã trở nên nguội lạnh, thì chính những Quân Nhân Mỹ tham
chiến tại Việt Nam bắt đầu lên tiếng. Họ cho rằng QLVNCH là một quân lực hùng mạnh nhưng phải thua vì thiếu vũ
khí và đạn dược. Chính nước Mỹ gây ra oan khiên nầy. Song song đó thì bà Giáo Sư Orgar Dror phân khoa lịch sử
Đại học Texas A&M (một người Do Thái gốc Nga) dịch quyển Giải khăn sô cho Huế của nhà văn Nhã Ca ra tiếng
Anh với nhan đề MOURNING HEADBAND FOR HUE. Giải khăn sô cho Huế tố cáo những tội ác của quân Bắc
Việt gây ra tan thương cho Huế. Chính Nhã Ca đã có mặt ở Huế lúc đó, chị là một nhân chứng sống, viết với một
tấm lòng dành cho Huế, không thêu dệt hay bịa đặt. Cuộc ra mắt sách tại Đại học UC Berkeley, California, được
sinh viên Mỹ hoan hô nhiệt liệt.
Sau khi Huế được Quân Đội Cộng Hòa chiếm lại, chừng một tháng sau, tôi có dịp ra Huế. Cầu Trường Tiền sụp,
nhà cửa tiêu điều, đường phố vắng người. Chỉ có xe quân đội tuần tiễu trên đường phố. Tôi có cảm tưởng như
Huế mắc phải cơn trọng bịnh chưa kịp hồi phục, sống trong uể oải, nhìn thấy người đi đường mặt buồn thiu. Huế
tang thương như vậy đó, thật tôi nghiệp. Đi đâu cũng thấy vết tích chiến tranh, số người chết nhiều quá, nhiều hơn
ngày Kinh thành Huế thất thủ, khi vua Hàm Nghi khởi nghĩa cuộc binh biến bất thành. Sau đó quân Pháp tràn vào
gặp ai giết đó, bất kể người có tội hay không. Huế nơi nào cũng có máu đổ, người dân Huế nhà nào cũng lập đàn
cúng cô hồn trong ngày Kinh Thành thất thủ. Sau nầy đêm giao thừa người dân Huế cũng lập đàn cúng tế cho
những vong hồn bị Việt Cộng giết trong tết Mậu Thân. Số người bị giết chết trong tết Mậu Thân nhiều hơn số
người bị Pháp giết trong ngày Kinh Đô thất thủ.
Khi ra đơn vị, tôi trình diện Trung Đoàn 51 Biệt Lập, đồn trú tại Quảng Nam, vào khoảng hai mươi tháng chạp,
nghĩa là chỉ còn 10 ngày nữa tới tết. Đây là cái tết đầu tiên của tôi ở quân đội. Năm thằng sĩ quan ở chung một
phòng. Người lính phụ trách câu-lạc-bô, đêm giao thừa mang tới cho chúng tôi 2 lít rượu đế và 5 lon thịt ba lát, bảo
rằng Đại Úy Đại Đội Trưởng bảo mang đến cho các ông uống rượu mừng xuân. Năm đứa trải chiếu ngồi xuống
sàn nhà bắt đầu uống rượu. Thú thật đây là cái tết buồn nhất trong đời tôi, chúng tôi ngồi uống rượu mà không nói
một lời, mỗi đứa mang một tâm trạng khác nhau. Nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ bạn bè còn bên ngoài, nhớ quán
cà phê… Uống hết hai lít rượu định don dẹp đi nằm thì mấy người lính ở Trung Đội của tôi trông coi, mang rượu
vào nhập cuộc, lúc nầy đông người chúng tôi mới cảm thấy hứng chí. Cuộc rượu cho đến sáng mồng một mới tan
hàng. Suốt ngày mồng một chúng tôi ngủ li bì.
Sau 1975, tôi sống ở Sài Gòn. Có một năm tôi về Đà Nẵng ăn tết. Chiều 28 tháng chạp, Ba tôi và tôi ra chợ hoa
tìm một cành mai. Tôi muốn mua một cành mai lớn, Ba tôi thì bảo mai lớn mắc tiền trong lúc kinh tế khó khăn, nên
mua một cành nhỏ cho đỡ tốn kém. Tôi đồng ý vì nghĩ lại mọi người đang chật vật mà mình phung phí như vậy cũng
khó coi. Tất cả hoa hồng và hoa cúc Ba tôi trồng nở rực rỡ nên cái tết năm đó thật vui cửa vui nhà. Mồng bốn tết
tôi chuẩn bị vào lại Sài Gòn thì Công an mời lên Phường làm việc vì họ nghi tôi thuộc diện sĩ quan trốn học tập. Tôi
đi theo người Công an khu vực lên phường, trình bày các giấy tờ trình diện cho họ xem, tôi bị thương được cho về
địa phương học tập tại chỗ. Ông trưởng Công an phường bảo tôi để giấy tờ ở đây để họ xác minh. Tôi thấy không
xong nên tìm người giúp đỡ. Cũng may thằng cháu gọi tôi bằng cậu bảo với tôi là rõ ràng tụi nầy muốn làm tiền,
cậu đưa một ít tiền con đi lấy giấy tờ về cho cậu. Quả nhiên một lúc thằng cháu mang giấy tờ về cho tôi. Từ đó, tôi
không bao giờ về Đà Nẵng ăn tết nữa. Ở Sài Gòn những ngày tết đến, tôi nhớ nhà quay quắt thế nhưng nghĩ lại cái
cảnh làm tiền trắng trợn, bắt nạt dân chúng của Công an địa phương, tôi đành phải từ bỏ ý định trở về.
Thực tình mà nói, mười lăm năm sống trong nước, tôi trải qua cay đắng, vinh nhục. Nhưng rồi mọi chuyện cũng trôi
qua. Ở ngay trên quê hương mình mà mỗi lần đến tết không dám về thăm nhà, nghĩ cũng buồn thật. Sáng mồng
một tết, tôi chở hai con đi chùa, Chùa chúng tôi đi ở Cống Bà Xếp, gần ga Hòa Hưng, Sài Gòn. Chùa do một vị
Trụ Trì người Miền Trung (hình như là Bình Định) trông coi. Vì chùa nhỏ ở trong một con hẻm sâu nên người đi
viếng chùa đầu năm cũng không nhiều. Thầy rất quý mến tôi. Đến chùa nầy tôi nhớ lại chùa Nại Hiên của tôi, mỗi
năm đi với Ba tôi, cùng ngồi trên bàn với mấy bác bạn vối Ba tôi trong làng, uống nước trà, nói chuyện râm ran.
Khi về lại nhà thì quá nửa đêm, bao giờ Ba cũng bảo tôi vào nhà trước để “đập đất”. Mặc dù thức khuya, nhưng
bao giờ Ba tôi cũng dậy sớm pha trà cúng đầu năm. Cái đêm ba mươi trầm lặng, thế mà mỗi khi xa nhà nhớ lại
thấy nó lâng lâng, lòng bỗng dưng cồn cào quay quắt. Cho đến bây giờ hơn hai mươi lăm năm xa xứ lòng tôi càng
quặn đau thêm. Nếu có ai hỏi tôi, đêm 30 tết ở Đà Nẵng có cái gì khác với đêm 30 tết ở Sài Gòn trước đây hay
hải ngoại bây giờ? Tôi sẽ không trả lời được. Có những điều chỉ biết cảm nhận nhưng không thể mô tả bằng ngôn
ngữ, trường hợp nầy cũng vậy.
Tôi đến Mỹ năm 1990. Năm đó tôi sống ở Philadelphia thuộc tiểu bang Pennsilvania. Đêm 30 tết tôi có đi dự đón
giao thừa ở nhà thờ gần nhà, mặc dù chúng tôi không phải là giáo dân. Tôi cảm thấy lẻ loi, những người tham dự
rất vui. Hay là tâm trạng của người mới hội nhập chưa thích ứng với cuộc sống nơi đây, nhưng sau nầy tôi có một
thời gian sống ở Oakland gần San Jose, California, thành phố người Việt đông, thế mà tôi vẫn không tìm thấy cái
không khí như bên quê nhà. Mới biết quê hương đã ăn sâu, thấm đẫm trong lòng chúng tôi.
… Sau nầy tôi định cư ngụ nhiều chỗ khác nhau, nhiều tiểu bang khác nhau. Dù có bận rộn đêm 30 tết tôi vẫn chở
các con đi lễ chùa, vì đó là cách tốt nhất còn gìn giữ lại được một chút gì đó cho quê hương.
Giống như Ba tôi ngày xưa, sau khi cúng giao thừa tôi ngồi một mình uống trà. Chính lúc nầy là lúc nhớ nhà. Theo
thói quen đầu năm tôi thường làm vài câu thơ mà người xưa hay bảo là khai bút:
“những câu thơ khiến ta chùn bước
lời ru quen đẫm nát lòng nhau
một thuở nhớ hoài thành mỏi mệt
cuối năm trời lạnh thêm nỗi sầu”
(Nhớ người, chiều cuối năm – trong thi tập Tát cạn đời sông)
Hoặc:
“trời lạnh, đêm tàn, một mình uống rượu
một mình ngồi giữa đêm ba mươi
tìm quanh không thấy một bóng người
lòng rũ, mắt đục mờ sương khói.”
(Đêm ba mươi, uống rượu – trong thi tập Tát cạn đời sông)
… Hôm nay là ngày đầu năm, tôi viết lại hồi ức nầy để tưởng nhớ, để suy ngẫm. Những điều hay cũng có, những
điều không hay cũng nhiều. Tất cả đều rơi vào thời kỳ quá vãng. Dù hay dù dở nó đều gợi lại cho tôi một chút kỷ
niệm vui buồn…
Phan xuân Sinh
Những ngày cuối năm Ất Mùi