Trong khi mọi người vẫn chưa rõ kết quả ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng Mười một,
nhưng tôi có thể nói chắc chắn - trước khi lá phiếu đầu tiên được bỏ - rằng ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử năm nay
ở Việt Nam. Đó là Tướng Trần Đại Quang. Tôi thậm chí còn biết ai sẽ là Thủ tướng sắp tới. Ông ta tên là Nguyễn
Xuân Phúc.
Tôi là một nhà tài tiên tri ư? Không, đáp án mang tính đời thường hơn rất nhiều. Tháng trước Đảng Cộng sản Việt
Nam họp Đại hội Lần thứ 12 và như mọi kỳ đại hội khác, được tổ chức năm năm một lần, đã đưa ra quyết định về
các ứng viên cho vị trí chủ tịch nước và thủ tướng. Để diễn trọn màn kịch bầu cử, tháng Năm tới đây cả nước sẽ
thực hiện đúng trình tự chính thức để bầu ra Quốc hội mới. Cuộc bầu cử này sẽ do Đảng Cộng sản đạo diễn, với
một số rất ít ghế, đã được tuyên bố khoảng từ 25-50 người, dành cho các đại biểu không phải là đảng viên để làm
vì. Theo kịch bản đã cũ mòn, đến tháng Bảy thì Quốc hội sẽ chọn Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, rồi sau đó
ông này sẽ đề cử Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng.
Quyết định về việc những ai sẽ giữ các vị trí lãnh đạo đất nước thường được đưa ra trong các cuộc họp kín diễn
ra từ trước đại hội đảng. Nhưng năm nay, cuộc đua giữa Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí
thư Đảng Cộng sản đương chức Nguyễn Phú Trọng đã lọt ra ngoài và thu hút sự chú ý của công chúng. Đó là một
cuộc đấu quyết liệt: kẻ thắng sẽ được giữ vị trí quan trọng nhất nước, tổng bí thư Đảng Cộng sản, và sẽ có quyền
chỉ đạo chính phủ, vốn phải phục tùng Đảng theo hệ thống chính quyền ở Việt Nam. Người thua sẽ bị buộc về hưu.
Kết cục, Trọng, tổng bí thư đương chức và là nhân vật bảo thủ hơn trong hai ứng viên, đã giành thắng lợi. Dù chỉ
có một nhóm nhỏ trong số lãnh đạo Đảng lựa chọn ra đội ngũ lãnh đạo mới – bỏ qua ý kiến của hơn 93 triệu
người dân Việt Nam – Trọng đã mạnh miệng tuyên bố “Đại hội lần này là đại hội biểu hiện dân chủ, đoàn kết, kỷ
cương, trí tuệ.” Cộng đồng mạng xã hội rất năng động ở Việt Nam đã phản ứng với lối châm biếm hài hước vốn
phổ biến lâu nay. Một thành viên Facebook bình luận, “Vâng, chúng tôi có tự do tuyệt đối để bầu cho ông.” Một số
bình luận viên mạng xã hội ở Việt Nam cũng dẫn câu thơ của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy viết về chiến tranh Mỹ
ở Việt Nam: “Phe nào thắng thì nhân dân đều bại.”
Nhiều quan sát viên sẽ mổ xẻ cuộc đấu quyết liệt trong nội bộ đảng để tìm ý nghĩa sâu hơn về khả năng đa nguyên.
Buồn thay, không có mảy may nào, vì đảng không hề có ý định mở rộng tự do. Nếu muốn tìm bằng chứng thì chỉ
cần nghĩ đến rất nhiều nhà vận động dân chủ Việt Nam đang ở trong các trại giam.
Đáng lo hơn, chủ tịch nước sắp tới lại chính là người đang đứng đầu Bộ Công an đầy tai tiếng, người chịu trách
nhiệm tổ chức hệ thống công an trị và bắt bớ những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Tháng Mười một năm
ngoái, Tướng Trần Đại Quang tuyên bố với Quốc hội rằng trong thời gian từ tháng Sáu năm 2012 đến tháng Mười
một năm 2015, “ngành công an đã tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 1.410 vụ, 2.680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc
gia… Cũng trong khoảng thời gian này, số đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội, nhóm bất hợp pháp dưới danh
nghĩa dân chủ, nhân quyền với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh, thành.”
Dù không được cầm lá phiếu nào, nhưng rất nhiều người Việt Nam đã chăm chú theo dõi cuộc đua giành ghế, thể
hiện nguyện vọng lớn lao được tham gia lựa chọn những người lãnh đạo đất nước. Chúng ta trông đợi Hoa Kỳ và
Liên minh Châu Âu – từng phát biểu rằng bầu cử tự do và công bằng ở các nước láng giềng như Miến Điện là
điều kiệu để thắt chặt thêm quan hệ và gia tăng viện trợ - sẽ hỗ trợ nguyện vọng nói trên bằng cách công khai kêu
gọi bầu cử đa đảng thực chất ở Việt Nam. Nhưng chỉ thấy sự im lặng rùng rợn.
Đối với chính quyền Obama, chính sách “tái cân bằng” trong quan hệ ngoại giao với các nước châu Á và nỗ lực
kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng nghĩa với mục tiêu cần chú trọng vào việc thông qua được Hiệp ước
thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, đối phó với hành động tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển
Đông, và tăng cường hợp tác an ninh. Dân chủ và nhân quyền có được nhắc đến, nhưng không phải là vấn đề ưu
tiên.
Tuần này Tổng thống Obama sẽ có một cơ hội vàng để bổ sung các giá trị từng thiếu vắng lâu nay trong chính sách
châu Á được hô hào rất ầm ĩ của mình. Với tư cách chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất Hoa Kỳ -
ASEAN (Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á) trên đất Mỹ, sẽ đứng kề vai với Thủ tướng Việt Nam, Obama nên
không chỉ dừng lại ở yêu cầu thả hết tù nhân chính trị mà còn cần kêu gọi Việt Nam theo gương Miến Điện tổ chức
bầu cử đa đảng thực sự. Sức ép quốc tế trong nhiều thập kỷ đã tạo ra không gian chính trị cho cuộc bầu cử năm
ngoái ở Miến Điện, để cho cử tri được quyết định ai sẽ là người điều hành đất nước. Obama cần dành nguyện
vọng như thế cho người dân Việt Nam. Và thông điệp của ông cần rõ ràng, dứt khoát.
Brad Adams là Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
Bài đã đăng trên Washington Post, ngày 15 tháng Hai, năm 2016.
HRW gửi Danlambao
https://www.hrw.org/vi/news/2016/02/16/286972