Nhân đọc bài “Lặng lẽ ra khỏi đảng”, chợt giật mình, lo thay cho người rời đảng thì về đâu. Quan nhất thời, dân vạn đại. Làm dân thì làm tới cuối đời, không lo tăng chức, chẳng sợ mất chức, vừa sướng, vừa khổ.
Trước kia, nhiều nước trên thế giới họ hay nhấn mạnh từ Nhân dân trong các tên gọi của quốc gia, các tổ chức chính quyền hay xã hội, kể cả lực lượng vũ trang hay an ninh thường ăn theo.
Nay chỉ còn 5 quốc gia có People (nhân dân) là Trung Quốc, Bắc Triều tiên, Lào, Bangladesh và Algeria. Còn hầu hết có thêm chữ Cộng hòa (republic).
Quốc gia nào thêm chữ “nhân dân” trong tên gọi là y như khổ. Sang hỏi Lào, Trung Quốc hay dân Bắc Triều tiên là biết ngay.
Chính quyền Mỹ phi… nhân dân
Riêng nước Mỹ chẳng có Cộng hòa hay Nhân dân gì hết. Tên nước Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Quân đội gọi là USA Army, cảnh sát điều tra gọi là FBI, công an là police, gián điệp là CIA. Chính phủ gọi là Nhà Trắng, Quốc hội gọi là đồi Capitol.
Tòa án tối cao (Supreme Court) chỉ là..tòa án, vì gọi Tòa án Nhân dân chắc chỉ xử nhân dân, không xử cán bộ, trong khi tòa án Mỹ xử cả Tổng thống nếu phạm tội.
Từ chính quyền 50 bang và một tỉnh DC đến quận huyện chẳng thấy People đi kèm. Bang Texas đơn giản chứ không phải là Tiểu bang Nhân dân Texas. Bang Virginia, bang Maryland, tỉnh Washington DC là thủ đô đều thế cả.
Các hội đồng, tổ chức xã hội, nhân đạo các cấp không có people nốt.
Khổ thế, một quốc gia số một thế giới mà chính quyền các cấp không có nổi hai chữ “nhân dân”.
Không có people, chính quyền có “của dân, do dân và vì dân” hay không thì Tổng Cua chịu. Có lẽ cần vài trăm cuốn sách mới viết nổi.
Chính quyền Việt Nam đầy… nhân dân
Nước mình có bàn giao thế hệ hẳn hoi. Mới đẻ gọi là sơ sinh. Đi học vỡ lòng làm nhi đồng, hết tuổi nhi đồng thành thiếu niên tiền phong. Sau đó là đoàn viên nếu muốn. Ai may thành đảng viên. Ra đoàn, rời đảng, chỉ còn cách thành quần chúng, hay còn gọi chung là nhân dân.
Số đảng viên khoảng 3 triệu, số đoàn viên khoảng 6 triệu. Khối quần chúng đông đảo, khoảng 80 triệu người. Có lẽ vì thế mà đất nước này luôn có những từ kèm “nhân dân” rất đặc thù. Ít nhất là trong các tên gọi.
Ủy ban Nhân dân từ trung ương đến địa phương, Hội đồng Nhân dân các cấp.
Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân.
Quân đội Nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”
Cảnh sát Nhân dân, Công an Nhân dân “Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép”
Rồi danh hiệu như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nghệ sỹ Nhân dân đến mảnh giấy nho nhỏ Chứng minh… Nhân dân.
Kể ra thì rất nhiều tổ chức, cơ quan chính phủ mang danh nhân dân. Chưa kể tờ báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân mà độc giả hướng tới là quân đội, công an, đảng viên.
Cứ như là không có nhân dân thì người ta không biết những lực lượng này không phục vụ quần chúng.
Đơn giản hóa các tên gọi
Hội nhập, internet, thông tin quá nhiều, cần ngắn gọn ngay cả trong cái tên. Để đỡ tốn mực in laser, giấy in, báo chí tiết kiệm từ ngữ, nói năng đỡ dài dòng, nghe lặp đi lặp lại từ “nhân dân” rất nhàm, hay quần chúng đỡ mang tiếng xấu, ta nên đơn giản hóa các tên tổ chức chính quyền hay xã hội.
Quân đội Nhân dân Việt nam – tại sao không gọi là Quân đội Việt Nam
Công an Nhân dân Việt Nam – Công an Việt Nam đơn giản hơn nhiều
UB Nhân dân Tỉnh – UB tỉnh, xã, huyện. Ủy ban Tỉnh Ninh Bình chắc là ngắn và đầy đủ hơn là UB Nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Tòa án Nhân dân Tối cao – Tòa án Tối cao để đảm bảo không ai ngồi trên luật.
Và nhiều tên có từ “nhân dân” khác có thể viết ngắn lại mà không mất đi ý nghĩa “vì dân, do dân và của dân”.
Ai cũng biết, có hai từ đó hay không, các tổ chức và lực lượng này đều phục vụ nhân dân. UB Nhân dân Hành chính xã lại thành “hành dân là chính” thì càng không nên thêm hai chữ này vào.
Tại sao vậy. Vì rằng dân cũng sướng và… khổ lắm rồi.
Nhân dân gánh vác trọng trách và cả lỗi lầm
Quần chúng mang vác rất nhiều trọng trách, nhỏ thì tầm địa phương, lớn hơn là tầm quốc gia, xa hơn là khu vực, không kể cả vai trò nhân loại. Đôi lúc cũng sướng như các chân dài trên bãi biển dưới đây. Lúc nào đói kém, bán vài cái, vừa sướng vừa kiếm ối tiền.
Thời chống Mỹ, chống Pháp, chúng ta là nhân dân mang trên vai sứ mệnh lịch sử, phải chiến thắng mọi kẻ xâm lược, từ nhỏ đến to, từ mạnh đến yếu.
Chiến tranh với Campuchia, và Tầu, lời kêu gọi bảo vệ Tổ quốc được vang lên “Một lần nữa, sứ mệnh lịch sử lại giao phó cho nhân dân ta đánh bại chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh”.
Đến nỗi, người ta tự hỏi, lịch sử là thằng nào mà toàn giao cho quần chúng toàn sứ mệnh…khó thế.
Khi chiến thắng, được nghe những câu “vẻ vang này thuộc về nhân dân”, mất mát cũng thế “sự hy sinh xương máu cao quí này thuộc về nhân dân”.
Đôi lúc lỗi lầm, bất cập của chính quyền cũng thuộc về số đông này.
Văn hóa xuống cấp là các bác trên đổ luôn cho dân trí.
Giao thông lộn xộn, anh La Thăng nói đó là dân ý thức kém, Bộ Giao thông chẳng có trách nhiệm.
Kiến trúc tạp nham do dân trình độ thấp, không biết thiết kế nhà cửa cho ra hồn.
Nói bậy, chửi thề, toàn do dân hết.
Tham nhũng hối lộ cũng tại đám dân đen, chứ quan nào lại nhận tiền của người nghèo, họ cứ nhét vào tay, chả lẽ không nhận.
Nhớ vụ phá đổ cái lều trông cá của anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên lãng, đại tá Ca thản nhiên nói “đó là do nhân dân bức xúc phá”. Sau này người ta hiểu “nhân dân” không phải là… nhân dân.
Kết luận về việc cưỡng chế ở Văn Giang, Tiên Lãng và nhiều nơi khác, có nhiều sai lầm, nhưng chính quyền địa phương vẫn khẳng định “được nhân dân đồng tình ủng hộ”.
“Nhân dân” ở đây là mấy ngàn cảnh sát vũ trang, quân đội, đại gia giầu có, nhân dân thật thì bị cưỡng chế mất đất.
Đất cát chiếm xong rồi, chỉ có số ít “nhân dân” có tiền mua biệt thự, văn phòng trong đó. Còn “đại bộ phận nhân dân là tốt” đứng ngoài hàng rào nhìn cùng với “quân đội nhân dân, công an nhân dân” vì họ giải ngũ rồi cũng thành…quần chúng
Ở nước mình làm gì tốt xấu đều mang danh chung chung như thế. Kể cũng khổ, dân có tiếng không có miếng.
Vì thế, xin các vị hoạch định chính sách, các nhà chính trị, nhà trí thức, văn hóa khi định đặt tên cho tổ chức nên bỏ chữ nhân dân đi, mà chỉ cần thực hiện đúng lời hứa, chính quyền là “của dân, do dân và vì dân”, thế là phúc cho quần chúng lắm rồi.
Blog Hiệu Minh