Ngục trung thư là một tác phẩm quan trọng giúp người đọc có thể hiểu được nỗi lòng của nhà ái quốc vĩ đại Phan
Bội Châu khi bước vào đường cách mạng. Tác phẩm được viết bằng Hán văn và ghi lại những năm tù đầy ở
Quảng châu và hồi ức của cụ Sào Nam từ khi còn là thanh niên cho tới khi Tổng đốc Quảng Đông là Long Tế
Quang, bị toàn quyền Pháp mua chuộc, đã tống cụ vào nhà giam vào 1913.
Bản dịch do một học giả nổi danh là Đào Trinh Nhất chuyển ngữ.
Đào Trinh Nhất tên tự là Quán Chi, gốc Thái Bình, sinh ở Huế 1900, xuất thân từ một gia đình nho học có xu hướng
ái quốc nổi danh. Thân phụ là Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, có lập trường chống Pháp tới chết, thân mẫu là cháu
của cử nhân Lương Văn Can trong nhóm Đông kinh nghĩa thục.
Ông nổi tiếng về Nho học lại sang Pháp học về báo chí nên có kiến thức kiêm thông Âu-Á và nhìn xa thấy rộng.
Vào nghề văn bút ông là một ký giả có tiếng từng viết cho Hữu Thanh, Trung bắc chủ nhật, Tri Tân…ngoài Bắc và
cộng tác với Đông pháp, Thần chung, Phụ nữ tân văn và Đuốc nhà nam… trong Nam.
Ông còn là một dịch giả với ngòi bút tài hoa và bút pháp phong phú với Liêu trai chí dị và Ngục trung thư. Đào Trinh
Nhất cũng viết tiểu thuyết và được hậu thế biết tiếng với những bộ như Cô Tư Hồng và Con quỷ phong lưu…
Đào Trinh Nhất còn được biết là một cây viết quan tâm tới tiền đồ dân tộc qua những tác phẩm giới thiệu về Nhật
bản duy tân (Nhật bổn 30 năm duy tân) về nạn khách trú bành trướng ở Nam phần (Thế lực khách trú và vấn đề di
dân vào Nam kỳ), và về lịch sử cận đại như Đông kinh nghĩa thục, Việt Nam Tây thuộc sử…
Ông tạ thế tại Sài gòn vào năm 1951 và cái chết của ông đã khiến độc giả ái mộ, báo chí toàn quốc xúc động và
bày tỏ lòng thương cảm.
Ngục trung thư là một tác phẩm quan trọng của cụ Sào Nam cũng như cuốn Tự phán sau này, không những giúp
hậu thế tìm hiểu tác giả mà còn là những chi tiết về lịch sử quý giá mà những ai muốn biết thêm về các phong trào
Duy tân và Đông du phải đọc.
Ngục trung thư còn có một tác dụng quan trọng khác. Dưới dạng “thư” quen thuộc mà cụ Sào Nam hay dùng như
Lưu cầu huyết lệ tân thư, Hải ngoại huyết thư… chúng ghi lại những lời tâm huyết, chân thực của một nhà cách
mạng tiền bối gửi cho quốc dân, kêu gọi mọi người thức tỉnh và dấy lên bầu máu nóng giải phóng và xây dựng đất
nước.
Bản dịch của Đào Trinh Nhất lấy tên: Đời cách mệnh Phan Bội Châu, do nhà xuất bản Mai Lĩnh, Hà Nội xuất bản
năm 1938.
Sau đây là trích một đoạn đầu trong Ngục trung thư:
“Con chim sắp chết, tiếng kêu đau thương; người ta sắp chết, lời nói ngay thẳng. Những lời tôi nói ra đây có ngay
thẳng hay chăng, tôi đâu có biết. Nhưng chỉ biết là lời nói của một người sắp chết thì có.
Mùa đông năm Quý Sửu (1913) tôi đang ở đậu Dương Thành (tức Quảng Châu, tỉnh Quảng Ðông), thì quan Toàn
quyền Pháp (Albert Sarraut) ở Ðông Dương sang chơi Quảng Châu, đem vụ án đầu đảng cách mạng nước Nam
ra, xin chính phủ Quảng Ðông bắt tôi giao về chính phủ Pháp xử.
Ðô đốc Quảng Ðông lúc bấy giờ là Long Tế Quang chịu theo lời xin ấy, trước ngày cuối năm 8 bữa, bắt tôi giam
cầm trong ngục, và báo cho tôi biết rằng sớm muộn sẽ giải tôi giao trả cho người Pháp.
Tôi biết sớm chiều gì đây, đầu tôi cũng lìa khỏi cổ, nhưng tôi vẫn lấy làm vui vẻ. Than ôi! Bao nhiêu năm bôn tẩu,
mưu tính trăm việc mà không nên một việc gì, nghĩ mình tội nặng lỗi nhiều, có vui gì sống nữa mà ham.
Song trước khi chết, không lẽ không thốt ra một vài tiếng kêu đau thương sau chót. Ai biết lòng ta chăng? Ai bảo
ta có tội chăng? Còn một giây phút trước khi ta phải chôn mình dưới đất, ta cũng muốn cạn lời ta nói. Chiếc bóng
bơ vơ trời biển, ngọn đèn leo lét gió mưa, ta thấm giọt lệ còn lưu lại mấy chục năm nay, gom góp lịch sử một đời
ta, hòa với máu mà viết ra tập sách này. Hỡi ba ngàn muôn đồng bào chí ái chí thân, dầu ai biết lòng ta chăng?
Dầu ai buộc tội ta chăng? Khi đọc tập sách này, sẽ thấy giọt máu hầu khô, vẫn còn đầm đìa ở trên mặt tờ giấy vậy.
Triều vua Tự Ðức thứ 15, Nhâm Tuất (Tây lịch 1862), binh Pháp chiếm lĩnh đất Nam Kỳ của ta. Nam Kỳ là kho tàng
thiên nhiên của nước ta; cửa biển vào Saigon thật là cuống họng ta, nay đã vào tay người Pháp rồi, ta chưa mất
hết cả nước, chỉ là chuyện thời gian sớm muộn đó thôi. Chén vàng đã ụp, nhà lớn sắp tiêu, thương thay cho ta, lại
nhè giữa lúc ấy mà sinh ra đời. Thiệt ta sinh ra đời giữa năm Ðinh Mão niên hiệu Tự Ðức thứ 20, nghĩa là lúc Nam
Kỳ đã mất sáu năm rồi. Ðầu xanh nào đã biết gì, con thơ chưa lìa bọc mẹ, thế mà tấn kịch biển khóc non gào, sửa
soạn đem mi mà liệng vào giữa tấm màn thảm đạm ấy. Lồng lộng trời xanh, kẻ ấy là ai đó tá?
Lúc đầu thế kỷ 18, ngọn sóng mới của Âu học vọt lên cao muôn trượng; những tiếng dội phú cường, hầu như vang
động tràn lan cả hoàn cầu. Phải chi ta sớm được đầu thai ở giữa khoảng đó, có lẽ ta không đến đỗi mù mù mịt mịt
như ta ngày hôm nay. Nhưng tiếc thay, ta chẳng may sinh ra ở nước Nam ta.
Nước ta từ xưa phụ thuộc vào nước Tàu, địa lý, lịch sử, gốc tích, trải mấy ngàn năm nay, như hai nước anh em đã
lâu đời lắm vậy. Bởi đó, nước ta chỉ biết tôn sùng Hán học như thần thánh, mà Hán học xem trọng, chỉ có khoa cử
văn từ.
Tôi từ nhỏ tới lớn, vốn có tư chất thông minh, công phu đèn sách dùi mài cũng không bê trễ, nhưng kể đến sự kết
quả, chẳng qua chỉ là sự học khoa cử mà thôi. Vì lúc bấy giờ, lối học khoa cử của nhà Thanh, đang sôi nổi như gió
cuốn mây bay, người nước mình bắt bóng theo chân, chỉ sợ không giống như người Tàu. Bà con ta muốn cưỡi
mây lướt gió, không thể nào không mượn con đường khoa cử, dầu ai có muốn chẳng theo thời đi nữa, cũng
không có đường học nào mà đi. Than ôi ! Chổi cùn trong nhà, tự mình xem là của quý, sự ưa thích lâu đời đã thành
thói quen thành ra rốt cuộc tôi cũng bị thời trang trói buộc, đến đỗi tiêu hao ngày tháng về nghiệp khoa cử gần hết
nửa đời người. Ðó là cả vết nhơ rất lớn trong đời tôi.
Năm tôi 17 tuổi, tức là năm Tự Ðức 36, Quý Mùi, quân Pháp chiếm lấy Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ. Ðến năm tôi 19
tuổi, nhằm năm Ất Dậu, Hàm Nghi nguyên niên, quân Pháp chiếm kinh thành Huế, vua Hàm Nghi phải chạy: cung
điện bày ra cảnh hoang lương, nhởn nhơ bầy nai, đầy dăng ổ quạ, tấn kịch vong quốc mở ra từ tháng Bảy Hàm
Nghi năm đầu trở đi vậy. Ôi! Trời nghiêng đất ngã, lúc này kẻ làm trai đội trời đạp đất, ai nỡ dòm non sông bằng
con mắt gỗ đá, trơ trơ cho đành !
Tôi được trời phù hộ cho, máu nóng không vừa, ngay từ hồi còn là thằng trẻ con đọc sách của cha để lại, mỗi khi
đọc tới chuyện người xưa hăng hái thành nhân tựu nghĩa (hy sinh vì chính nghĩa), tôi thường nhỏ nước mắt ròng
ròng, thấm ướt cả sách. Những chuyện Trương công Văn Ðịnh chết theo Nam Kỳ và Nguyễn công Tri Phương
tuẫn thành Hà Nội, tôi hay đàm đạo nhắc nhở tới luôn, mà mỗi lần nhắc tới, khiến tôi vung tay vỗ ngực, tự thẹn cho
mình thua sút hai ông đó. Vì tính chất trời sinh cho tôi như thế, không thể nào làm bộ khác hơn được.
Sau lúc kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi ngự giá ra đóng tại sơn phòng tỉnh Hà Tĩnh, các bậc quan nhân đang ở
nhà, như Nguyễn Xuân Ôn, Ðinh Văn Chất, đua nhau dựng cờ cần vương, phong trào lan tràn khắp các phủ huyện
đều có. Ngó lại tôi còn là một tên học trò nhỏ tuổi, nào có thế lực gì dám cùng các cụ cùng nổi lên làm việc lớn.
Mình như con chim con, lông cánh chưa đủ, nanh vuốt còn non, tự nghĩ mà buồn. Lại nhớ đến chuyện anh hùng của
Ðổng Thiên Vương ngày xưa 3 tuổi cỡi ngựa đánh giặc, tôi nghĩ tôi thật là một thằng trai hèn quá.
Suy đi tính lại, không biết làm cách gì, chỉ còn có cách kêu gào bọn đồng học, tổ chức ra một đội quân học trò giúp
vua, gọi là “Sĩ tư cần vương đội”. Tôi với bạn thiết Trần Văn Lương là người phát khởi, cùng tôn ông cử nhân Ðinh
Xuân Sung lên làm đội trưởng, tôi thì làm đội phó. Ðội này chỉ có lối vài trăm người. Công việc sắp đặt hơi yên,
duy có binh lương khí giới chưa có cách tìm đâu cho ra. Vừa gặp lúc người Pháp đem đại binh tới hạ thành Nghệ
An, rồi thừa thắng tiến binh đánh dẹp các phủ huyện. Ðội quân của chúng tôi tổ chức, cả lương hướng súng đạn
đều không có, thành ra chỉ trong giây lát, như bầy muông chim vỡ lở tứ tán. Tôi phải trà trộn trong đám nạn dân mà
chạy thoát thân. Tới nay nhớ lại việc tôi đã làm đó, không khác gì trẻ con làm nhà bằng giấy để chơi, không bỏ cho
bậc người kiến thức chê cười. Tuy vậy, tôi cũng cứ chép ngay ra đây, vì tấm lòng mưu toan cứu quốc, thật là phôi
thai từ việc ấy mà ra. Nghĩ mình bày trò tuy giả, nhưng mà lòng vốn thẳng ngay, cho nên tôi không dám giấu giếm
chỗ dở của tôi. Lúc bấy giờ, cửa nhà tôi bị tiêu hủy vì họa binh đao, thân phụ tôi giữa cơn hoạn nạn, lại mang bịnh
nặng. Tôi không còn mẹ, cũng không có anh em nào, thành ra không dám bỏ cha mình mà ngó tới việc gì khác. Tôi
đành nương náu ở nhà dạy học trò, để chuyên lo săn sóc bịnh cha, cả thảy 9 năm.
Những trong 9 năm ấy tôi vẫn lo nghĩ trau dồi lông cánh để một mai bay nhảy vẫy vùng, chứ không hề xao lãng. Tôi
thường cùng anh em đồng chí là bọn ông Vương Thúc Quý (người cha khởi nghĩa, đem hương binh chống với
Bảo Hộ, sau bị tử nạn) và Hà Văn Mỹ (là một viên kiện tướng bộ hạ của cụ Phan Ðình Phùng, sau bị quân Bảo Hộ
bắt được tự tử mà chết), chúng tôi âm mưu vớ nhau, mỗi năm tới ngày lễ kỷ niệm cộng hòa (14/7), anh em mật hội
đồ đảng ở tỉnh thành Nghệ An, toan bề hãm thành. Song quân lính Bảo Hộ đông đảo, việc phòng bị kiên cố lắm,
chúng tôi không thể thành sự. Có điều là nhân mấy dịp đó mà anh em giang hồ hiệp khách được làm quen kết bạn
với nhau, cũng tức là đầu giây mối nhợ cho cuộc hoạt động của tôi sau này vậy.
Ðến năm tôi ngoài 30 tuổi, đảng Cần Vương khắp trong nước nối nhau vỡ lở tan tành, chỉ còn sót lại một mình cụ
Phan Ðình Phùng ở La Sơn, cố sức cầm cự được lâu. Nhưng tới năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 6, cụ
mất. Từ đó trở đi non sông hiu quạnh, việc gánh vác không còn ai. Trải 10 năm, tôi ôm lòng phẫn, nuôi chí to, vẫn
rắp ranh ở giữa khoảng núi Hồng sông Lam, dựng lên một cây cờ độc lập. Tới đây tôi không thể nào nín mà không
làm được.
Tôi sinh trưởng trong làng xóm dã man, thuở giờ chỉ quen lặn lội trong rừng từ chương khoa cử, nói đến tài học
như người Âu châu, thật không có mảy may nào. Song tôi có bẩm chất cang cường, biết nghĩa liêm sỉ, không chịu
theo đuôi làm tớ người ta. Vừa gặp trong nước hồi nay cựu đảng đã im hơi bặt dấu, tân đảng thì chưa nẩy nhánh
đâm chồi; tôi kết giao họp đảng bao nhiêu lâu, thành ra ở trong xã hội hơi có tiếng tăm hơn trước, thiết nghĩ lúc này
chính mình không tự ra tay làm việc, liệu còn chờ ai. Kết quả tôi được như ngày nay, thiệt bởi môt tấc lòng suy nghĩ
đó là nguyên nhân vậy.
Tuy thế, tôi dại dột thì thôi. Nghĩ xem thế lực người Pháp lớn lao thế kia, tài sức tôi nhỏ nhoi thế này, tôi ỷ vào quốc
dân, mà quốc dân ở vào trình độ còn thấp thỏi ra sao, tôi dựa vào thời thế nhằm lúc khó khăn ra sao, không nói
cũng rõ. Vậy mà tôi chẳng dòm trước ngó sau, chỉ cậy mình có bầu máu nóng trơ trơ, toan ra tay làm việc vá trời
lấp biển, chẳng phải là tôi điên khùng lắm sao? Dù sao mặc lòng, tôi cứ việc hăng hái đi tới, không dòm ngó trước
sau gì hết. Trong trời đất có ai ngu dại hơn tôi nữa không?”
Hoàng Yên Lưu