Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 tại thành phố Hồ Chí Minh. Courtesy of voh.com.vn
Sáng ngày 22 tháng 2 năm 2016 nhằm vào rằm tháng Giêng âm lịch cũng là lễ Nguyên Tiêu, ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 với chủ đề "Đất nước Cánh buồm xuân" đã được khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ghi nhận Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 qua kinh nghiệm tham dự nhiều lần của ông:
“Không thể hy vọng gì quá nhiều trong ngày thơ Việt Nam về nghệ thuật thơ ca, đặc biệt là thơ ca cách tân. Ngay cả làm cho công chúng đến được với thơ ca cách tân dù thích hay không thích nhưng họ biết được là có nhiều khuynh hướng hướng tới thơ ca đích thực. Đặc biệt năm nay nhiều nơi đều có những mảng thơ hướng về biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đấy nó cho thấy sự công khai công bố một cách chính thức của suy nghĩ, cảm xúc của các nhà thơ đối với đề tài rất quan trọng hiện nay đó là đề tài biển đảo.
Đề tài mà trước đây ta có thể gọi là nhạy cảm nhưng thực chất qua Ngày thơ Việt Nam năm nay, kể cả năm ngoái thì tôi thấy vấn đề biển đảo là một vấn đề trở thành ý thức của nhà thơ, ý thức công dân rất mạnh mẽ đối với vấn đề quan trọng của đất nước. Tôi cho rằng Ngày thơ Việt Nam dần dần trở thành lễ hội có tính trí thức trong đời sống lễ hội Việt Nam.
Ngày thơ Việt Nam đầu tiên của Hội nhà văn Việt Nam được tổ chức ở Tiên Điền, Hà Tĩnh quê hương của đại thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều. Lần đó không chỉ ở Hà Tĩnh người ta về đông mà ở Nghệ An và nhiều nơi khác người ta kéo về. Tôi thấy nhiều bà nông dân đi cấy đi cày mà họ vẫn đội cả nón vào cái ngày thơ ấy. Như vậy chứng tỏ nó đã có cái gì khác với trước đây, cái sự lặng lẽ của ngày rằm tháng Giêng, cái sự lặng lẽ của tinh thần thơ ca. Từ ngày ấy cho đến giờ là 14 năm rồi. Năm nay theo quan sát của tôi thì càng ngày càng đông đảo và càng ngày càng rộng mở.”
Với chủ đề "Đất nước Cánh buồm xuân" năm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa mang tới sân thơ Quốc Tử Giám 3 bài thơ có tên: Đỉnh núi, Tây Bắc và Lính thời bình. Nhận định về Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 Trần Đăng Khoa cho biết:
“Ngoài phần thơ trẻ trình diễn để các em tìm tòi đưa ra những cái mới thì sân thơ thiếu nhi rất là mới. Trước đây gần như thiếu nhi bị bỏ quên thì giờ phục hồi lại sân thiếu nhi và sân thơ này quả thật rất sinh động. Các cháu mang đến sự sinh động, tươi trẻ. Hơn nữa cái mảng về biên cương biển đảo cũng là điều cần thiết, nhất là trong tình hình phức tạp của biển đảo hiện nay không hề đơn giản. Đấy là vùng Biển Đông, vùng chủ quyền của chúng ta đã bị xâm lấn.
Thêm một nét mới nữa đó là sự xuất hiện của các nhà thơ quốc tế và ngày thơ đã bắt đầu quốc tế hóa. Đã xuất hiện hai nhà thơ, một nhà thơ Bỉ một nhà thơ Pháp, hai nhà thơ rất nổi tiếng đoạt giải Concours của Pháp điều đó rất hết sức mới mẻ. Thế giới cũng đánh giá rất cao ngày thơ của chúng ta. Thực ra Festival thơ thì nước nào cũng có, thí dụ như ở Pháp tôi cũng đã dự Festival thơ nhưng nó chỉ xảy ra ở một điểm thôi nhưng ở ta thì cái ngày thơ đó được tổ chức ở 63 tỉnh thành, mà chính cái này thế giới người ta đánh giá rất cao ngày thơ của chúng ta, nó là một mỹ tục mới.”
Năm nay Ngày thơ Việt Nam diễn ra vào ngày 21 tháng 2 tại Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh sớm hơn Hà Nội một ngày. Tuy có vẻ ít ồn ào hơn Hà Nội nhưng nội dung của nó không đơn nhạt và khô khan như mọi năm trước. Ông Phan Hoàng, Phó chủ tịch Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:
“Như anh biết người Việt Nam mình vốn yêu thơ, tuy thơ không thể giúp cho người ta sống được nhưng thơ tạo con người ta cảm hứng, ước mơ nhất là khi đời sống gặp khó khăn về kinh tế hoặc là về những phức tạp của đời sống. Các bạn nhà thơ trẻ đã tiếp bước được thế hệ đàn anh vì bây giờ các bạn ấy có điều kiện hơn về tri thức, về văn hóa về thông tin. Do đó các bạn có một cơ sở văn hóa tốt hơn thế hệ đàn anh đi trước, tốt hơn cả thế hệ chúng tôi nữa.
Các bạn có tinh thần đột phá rất mới, các bạn tiếp thu được trí thức của văn học phương tây cả phương đông. Các bạn tạo được nét rất độc đáo và ở đó không chỉ là tình yêu nước mà nó còn mang vẻ đẹp nhân văn, thậm chí có những bạn còn chú ý đến tầm cao hơn ngoài phạm vi quốc gia. Tôi nghĩ rằng tư tưởng và lực lượng của các nhà thơ trẻ của Việt Nam hiện nay là một việc làm tiếp nối của các nhà thơ trẻ của Sài Gòn.”
Nhà văn, nhà thơ Lê Minh Quốc có bài thuyết trình về Ngày thơ Việt Nam tại buổi khai mạc bằng một bài thơ, trong đó ông nhấn mạnh tới những điều mà cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lãng quên đó là vai trò của người đọc thơ, là nhân dân, là những người chung quanh nhà thơ, bài thơ dài có đoạn:
Thơ đứng ở đâu trên đường phố?
Tôi hỏi vòm xanh không vọng tiếng trả lời
Mẹ gánh gồng chân đi không bén đất
Miếng cơm ăn tần tảo giọt mồ hôi
Náo nhiệt phèn la âm thanh thành thị
Mù mịt khói xe nghẹt thở điên khùng
Những đất đai những dân oan quy hoạch
Nợ đền bù giải tỏa cũng nhẹ tênh
Hồn của đất trong thơ như hạt bụi
Sao không kêu thương máu chảy ruột mềm
Thơ đứng ở đâu trong những ngày biển động
Xác cá khô nằm xếp lớp buồn rầu
Thơ hoan ca qua bình minh chói sáng
Sao lại quên biên giới trắng hoa lau
Mẹ ơi mẹ đã ngàn đời lấn biển
Máu Âu cơ từng đổ ngấu biển Đông
Ngựa thánh Gióng tung hoành trong sử sách
Sao thơ không cuộn giữ máu Tiên Rồng?
Nói với chúng tôi, nhà văn Lê Minh Quốc cho biết:
“Mong mỏi của cá nhân tôi đối là hy vọng thơ đến với công chúng nhiều hơn. Công chúng phải đến với thơ nhiều hơn nữa. Vấn đề đặt ra là thẩm định thơ mình viết thì trong thời buổi này nhà thơ phải viết cái gì? Anh viết cái gì để nó chạm tới cái bức xúc, cái nội tâm thậm chí cả đời sống tâm linh của người đọc nữa.
Thơ viết cái gì thì đó mới thật sự đổi mới. Trong tranh luận nhiều người cho rằng để làm được điều đó thì phải đổi mới phương pháp thơ, đổi mới về hình thức, hiện đại tân hiện đại rồi cái này cái kia theo mình thì những cái đó không ý nghĩa gì cả. Ý nghĩa thật sự là nó phải chạm tới đời sống của người yêu thơ thôi. Thơ Đường thì có gì đâu chỉ 27 chữ bốn câu. Tứ tuyệt thì có gì đâu, rồi thơ Haiku Nhật Bản cũng vậy hình thức nó như thế ổn định như thế mà tại sao nó chạm vào lòng người?
Ngày thơ Việt Nam diễn ra tại Bạc Liêu.
Tôi quan niệm đổi mới hình thức phương pháp thì đồng ý nhưng không phải là tất cả. Điều quan trọng là chúng ta đang sống, chúng ta biết cái gì để đồng hành cùng thời đại đó là điều quan tâm. Vấn đề viết cái gì đây thì đó là điều thử thách nhất hiện nay.”
Chủ đề chung của Sân thơ Thiếu nhi và thơ Trẻ tại Hà Nội có tên “Đường Xuân”, tổ chức tại sân Thái Học. Nhà thơ trẻ Ngô Gia Thiên An, 17 tuổi là một trong 10 tác giả trẻ được đọc thơ tự sáng tác trên sân khấu. Trong khi đó tại thành phố Hồ Chí Minh các nhà thơ trẻ hóa thân vào vở kịch thơ “Chúng con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên” được công chúng tán thưởng nhiều và cũng là nét mới và điểm nổi bật của Ngày thơ lần thứ 14 tại thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà thơ trẻ hóa thân thành những người lính, canh giữ chủ quyền biển đảo cho người xem một cái nhìn tươi rói trước sự xâm lấn chủ quyền Việt Nam đang xảy ra ngày một trầm trọng hơn.
Tiểu Quyên, nhà báo, nhà thơ, cũng là trưởng tiểu ban Văn trẻ của Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh cho biết sự tham gia của các bạn trẻ tại thành phố vào Ngày Thơ Việt Nam:
“Một số bạn không hào hứng thì Văn trẻ cũng cố hết sức trong phạm vi các thành viên, trước mắt em chưa có kỳ vọng gì nhiều chỉ mong tất cả các bạn tham gia sân thơ và tạo sân chơi cho mình thì tự nhiên nó sẽ có sức sống mạnh hơn. Còn nếu như chúng ta rời xa sân thơ thì lĩnh vực, không gian của chính mình sẽ rất khó. Em nghĩ trước nhất là tinh thần còn kinh phí hay hình thức tổ chức thì nó lại là chuyện khác. Chỉ cần có tinh thần, có sự dấn thân, xả thân thì trong sân chơi chung em nghĩ đều ổn hết. Trước mắt em cũng chưa có kỳ vọng gì cho năm sau.
Em chỉ thay mặt Văn trẻ mời các bạn thơ trẻ cho dù mình chỉ nhận được 50% tinh thần ủng hộ đồng ý tham gia nhưng ngồi lại thì hời hợt lắm. Những người ít có tinh thần mà không có thời gian hay vì lý do gì khác thì em không muốn nhắc đến nhiều bởi vì có những lý do để chúng ta từ bỏ cái sân chơi của chính mình. Nhưng trước hết Quyên thấy tinh thần tham gia của các nhà thơ năm nay cũng rất là vui rồi bởi vì ai nhận lời tham gia thì đều cố gắng hết mình.
Mỗi năm mình chỉ có một lần thôi, gây được cái chương trình thế nào đó mà ít nhiều nó để lại trong lòng khán giả, trong lòng bạn thơ những giá trị nhất định đối với em như vậy cũng là thành công. Em không mong mỏi phải hoành tráng, phải tưng bừng, phải rộn ràng nhưng mà nếu như mình nhận được 100% sự ủng hộ hoàn toàn thì có lẽ tốt hơn một chút, nhưng theo em như vậy là ổn rồi bởi vì mọi người đã cố gắng rồi.”
Ngày thơ Thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1999, mỗi năm nhiều nước tổ chức các sự kiện vào ngày 21 tháng Ba. Mục đích của Ngày thơ Thế giới là thúc đẩy việc đọc, viết, xuất bản và giảng dạy thơ trên khắp thế giới.
Tại Mỹ, tháng thơ toàn quốc được tổ chức không thường xuyên, lần đầu tiên được Học viện Các nhà thơ Hoa Kỳ tổ chức, đưa ra chương trình “tháng thơ” nhắm vào việc nuôi dưỡng, khuyến khích và phát triển thơ trong cộng đồng qua các mục tiêu: làm nổi bật những di sản to lớn và thành tích của các nhà thơ Mỹ, khuyến khích cộng đồng đọc thơ, hỗ trợ giáo viên trong việc đưa thơ vào lớp học, tăng sự chú ý đến thơ của phương tiện truyền thông quốc gia và địa phương, khuyến khích việc tăng tần suất xuất bản và phát hành sách thơ, cũng như khuyến khích hỗ trợ cho các nhà thơ.
Tại Campuchia, Ngày thơ Thế giới được tổ chức rộng rãi trong các trường tiểu học. Các em thiếu nhi được thầy cô giáo khuyến khích bày tỏ sự sáng tạo của mình qua các bài thơ ngắn làm trong lớp, vui chơi với những bài thơ và hòa nhập với Ngày thơ Thế giới qua sự giảng giải của giáo viên về ý nghĩa và mục đích mà thơ mang lại cho con người.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 có nhiều nét mới và chuyển biến tích cực hơn so với 13 lần trước. Thơ được làm chiếc cầu nối giữa người sáng tác và người đọc, cùng chia sẻ những chủ đề thiết thân trong cuộc sống hơn là ca tụng những giá trị viễn mơ là thứ mà công chúng không thể nào với tới trong một không gian ầm ĩ đầy tiếng trống, tiếng loa cũng như tiếng cười nói của người xem.
Công chúng đến “xem” thơ, do đó hình ảnh bề ngoài chiếm một phần rất lớn tùy theo cung cách trình diễn. Thơ vì vậy phải vừa mới, vừa tiếp cận với công chúng hữu hiệu hơn đồng thời mở ra một câu hỏi cho các nhà tổ chức: Nếu thơ được xem thì thể loại nào sẽ thích hợp nhất với công chúng trong những lần trình diễn sắp tới?
Theo RFA
Sửa bởi người viết 28/02/2016 lúc 10:15:07(UTC)
| Lý do: Chưa rõ