Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại khu mua sắm Mirae Shop mới được xây dựng. Ảnh do KCNA chụp ngày 28/03/2016.
REUTERS/KCNA
Mười ba nhân viên làm việc cho một nhà hàng của chính quyền Bắc Triều Tiên ở nước ngoài đã trốn sang Hàn Quốc, theo loan báo của Seoul ngày 08/04/2016.
Phát ngôn viên bộ Thống Nhất Hàn Quốc, Jeong Joon Hee, thông báo với báo chí, một nhân viên nam và 12 nhân viên nữ làm việc cho một nhà hàng Bắc Triều Tiên ở nước ngoài đã cùng bỏ trốn và đến Hàn Quốc vào ngày 07/04/2016.
Ông Jeong từ chối cho biết nhà hàng đó nằm ở nước nào. Ông nói : « Chúng tôi không thể tiết lộ tên quốc gia và lộ trình họ đã đi qua, do lo ngại sự cố ngoại giao và phải bảo vệ nhóm người đào thoát, cũng như những trường hợp tương tự trong tương lai ».
Phát ngôn viên này nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên có bằng ấy người làm việc trong cùng một nhà hàng Bắc Triều Tiên ở ngoại quốc đồng loạt bỏ trốn với nhau. Sở dĩ Seoul quyết định công bố thông tin vì sự kiện này là hiếm hoi. Những nhân viên đào thoát đã được đưa đi khám sức khỏe và tất cả đều ổn.
Theo ước tính của Seoul, Bình Nhưỡng mỗi năm thu được khoảng 10 triệu đô la từ việc khai thác 130 nhà hàng tại 12 quốc gia, hầu hết nhân viên đều là người Bắc Triều Tiên. Tháng 02/2016, khi loan báo một loạt biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng do thử hạt nhân đến lần thứ tư, Seoul đồng thời kêu gọi kiều dân Hàn Quốc tại các nước tẩy chay các nhà hàng Bắc Triều Tiên.
Trước các trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên rất cần nguồn thu nhập từ các nhà hàng này. Báo chí cho biết có những nhân viên chưa được trả lương do các nhà hàng phải gia tăng số tiền nộp về Bình Nhưỡng. Ông Jeong cho rằng đây có thể là một trong những lý do khiến nhóm nhân viên trên quyết định cùng đào thoát.
Việc lựa chọn người cho ra nước ngoài làm việc tại các nhà hàng rất khắt khe, phải có « lý lịch tốt », vì Bình Nhưỡng hiểu rằng họ sẽ biết được thêm nhiều thông tin về thế giới bên ngoài.
Theo Trung Tâm Dữ Liệu Nhân Quyền Bắc Triều Tiên đặt tại Seoul, hiện có khoảng 50.000 người Bắc Triều Tiên làm việc tại nước ngoài, đa số tại Trung Quốc và Nga, mỗi năm mang về từ 200 đến 300 triệu đô la cho Bình Nhưỡng.
Theo RFI