Ban xã luận của nhật báo Washington Post, trong một bài quan điểm công bố hôm nay 25/04, kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tận dụng mọi cơ hội để nêu vấn đề nhân quyền với nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Bài xã luận điểm qua vụ bắt giữ và xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Anh Ba Sàm, và phụ tá của ông là bà Nguyễn Thị Minh Thúy. Các nhà báo của tờ Washington Post nhận định rằng các trang blog của ông Vinh là không thể chấp nhận được đối với chính thể chuyên chế ở Việt Nam, vốn kiểm soát các phương tiện thông tin chính và giới hạn ngôn luận, việc hội họp và tôn giáo. Theo tờ Post, ông Vinh và bà Thúy đã bị giam trong suốt thời gian Việt Nam đang trong các cuộc thương thảo với Hoa Kỳ về Hiệp Định TPP. Họ bị bắt giam từ tháng 5 năm 2014, nhưng mãi cho đến ngày 23 tháng 3 năm nay họ mới được đưa ra tòa xét xử. Và phiên tòa xét xử họ chỉ diễn ra trong vòng một ngày.
Bài xã luận cũng đề cập đến trường hợp những tên côn đồ do nhà nước Việt Nam khiển dụng đã đánh đập tàn nhẫn ông Nguyễn Văn Đài, một luật sư và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, ngay sau khi ông có một buổi thuyết trình về pháp luật và nhân quyền. Trường hợp của Luật Sư Đài được nêu lên như là một ví dụ về cách đối xử khác của nhà cầm quyền cộng sản đối với các blogger và người bất đồng. Tờ báo dẫn thống kê của tổ chức Human Rights Watch cho thấy trong năm ngoái, ít nhất 45 blogger và nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam đã bị những nhân viên an ninh mặc thường phục hành hung.
Các nhà bình luận của nhật báo Washington Post kết luận rằng, mặc dù Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương không đề cập đến dân chủ một cách hiển nhiên, Hoa Kỳ cần phải nêu vấn đề nhân quyền trong bất cứ một cơ hội nào, phải cho Việt Nam thấy rõ rằng hoạt động viết blog và những buổi hội thảo về nhân quyền là phù hợp với một xã hội cởi mở và tự do. Tờ báo kêu gọi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, người dự trù có chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam trong tháng tới, hãy thân hành mang theo thông điệp này. Và điều này chắc chắn sẽ làm cho các blogger và người bảo vệ nhân quyền đang bị kiềm tỏa ở Việt Nam cảm thấy được khuyến khích.
SBTN