![UserPostedImage](http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_16x9_1024_578/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/2016-04-23t111647z_138819975_gf10000393011_rtrmadp_3_northkorea-missile.jpg)
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh do hãng KCNA cung cấp. Reuters
Ngày 06/05/2016, 3.000 thành viên đảng Lao Động Triều Tiên tập hợp về Bình Nhưỡng tham dự Đại hội Đảng lần thứ 7. Le Monde đặt câu hỏi : Liệu Đại hội 7 của đảng Lao Động Bắc Triều Tiên có là một bước ngoặt chính trị, đem lại một sự đổi mới cho quốc gia này tương tự như Đại hội 12 của đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 1982 hay Đại hội 6 của đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1986 hay không ?
Đã nhiều lần bị hoãn lại, không biết Đại hội lần này kéo dài trong bao lâu, nhưng Le Monde đặt câu hỏi : Về mặt đối ngoại, đây có phải là cơ hội để Kim Jong Un, có một cử chỉ hòa hoãn với cộng đồng quốc tế sau khi đã liên tục bắn thủ tên lửa ?
Theo đánh giá của thông tín viên khu vực báo Le Monde, Philippe Pons, « Đại hội 7 là dịp để Kim Jong Un khẳng định uy quyền của một vị lãnh tụ, đồng thời xác định lại mục tiêu của chính sách ‘byungjin’, tức là phát triển cùng lúc cả về mặt quân sự lẫn kinh tế », đây là một đường hướng đã được Bình Nhưỡng phác họa ra từ 2013.
Tờ báo nhắc lại, từ khi lên cầm quyền vào cuối 2011, Kim Jong Un đã không ngừng thâu tóm quyền lực từ bên quân đội, qua hàng loạt các đợt thanh trừng. Sau cùng, theo tác giả bài báo, một yếu tố cần theo dõi, đó là nhân vật đại diện cho chính quyền Trung Quốc đến quan sát Đại hội 7 Bắc Triều Tiên. Đây sẽ là một tín hiệu về mức độ quan hệ giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc : Quyền lực trong tay thế hệ « con ông, cháu cha »Ở Bắc Triều Tiên, có triều đại dòng họ Kim, còn tại Trung Quốc quyền lực được đặt trong tay cả một thế hệ « các hoàng tử đỏ ». Trong cuốn sách vừa cho ra mắt công chúng, « Les fils de princes » (tạm dịch : Con của các ông hoàng) của nhà xuất bản Fayard, chuyên gia Pháp về Trung Quốc, giáo sư Jean-Luc Domenach soi rọi vào cả một thế hệ lãnh đạo ở Bắc Kinh đã khéo dung hòa chủ nghĩa cộng sản với thế giới tư bản để củng cố quyền lực.
Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro nhân dịp sách được phát hành, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Học viện Khoa học Chính trị - Sciences Po, nêu lên một số điểm quan trọng : « Thế hệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay, là nhịp cầu giữa thế hệ cha chú, trung thành với chủ nghĩa cộng sản của Mao Trạch Đông và thế giới tư bản. Nhờ vậy mà Trung Quốc đã bắt kịp con tàu của tiến trình toàn cầu hóa ».
Nhưng khác biệt giữa các thế hệ cầm quyền tại quốc gia rộng lớn này với thời kỳ của Mao xưa kia là ngày nay Trung Quốc đã nắm bắt được những gì tinh tú nhất của nước Mỹ, từ mặt công nghiệp đến các ngành công nghệ mũi nhọn để vươn lên, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa rất riêng biệt của mình.
Từ đó, các « cậu ấm, cô chiêu Trung Quốc » đã ngồi vào những vị trí then chốt trong guồng máy chính trị, kinh tế tại quốc gia này. Ngay cả những gia đình nổi tiếng trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn mặc cảm khi phô trương thế lực tài chính.
Công luận Trung Quốc phần nào chấp nhận việc để tư bản tập trung trong tay con cháu các nhà lãnh đạo, với điều kiện là « những khó khăn kinh tế và xã hội đang hoành hành tại đất nước này cần được giải quyết nhanh chóng » bằng không thì « chắc chắn là mô hình đó sẽ vỡ tung cũng như cái vẻ thống nhất bề ngoài » của những người cầm quyền ở Bắc Kinh.
Theo RFI