Chân dung ảnh phóng viên Naji Jerf, người Syria, bị sát hại tại Thổ Nhĩ Kỳ.
STR / AFP
Hôm trước Ngày Thế Giới vì Tự Do Báo Chí, 03/05/2016, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF công bố danh sách 12 người đứng đầu Nhà nước, bị coi là "sát thủ" của tự do truyền thông.
Trong số 12 sát thủ tự do báo chí được điểm danh có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hay thủ tướng chính quyền quân sự Thái Lan Prayuth Chan-O-Cha. Chương trình The Wrong Party của RSF lên án tình trạng truyền thông bị bóp nghẹt với nhiều phương thức khác nhau. Tại Trung Quốc và Nga là chính sách tuyên truyền một chiều, được áp đặt một cách hệ thống, tại Thái Lan là việc nhiều nhà báo bị đưa vào trại tram do quân đội quản lý…
Đây là năm thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp BETC, chuyên về các cải cách trong lĩnh vực văn hóa, chung tay với Phóng Viên Không Biên Giới trong chiến dịch vạch mặt giới lãnh đạo chống báo chí. Nội dung của chiến dịch truyền thông này được quảng bá rộng rãi, với các áp phích được dán trên nhiều đường phố của thủ đô Paris, hay được phổ biến trên các mạng xã hội.
Trong bảng xếp hạng về tự do báo chí thường niên của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), được công bố hôm 20/04/2016, Việt Nam tiếp tục đứng ở vị trí thứ 175 trên 180, chỉ trên năm quốc gia đội sổ là Eritrea, Bắc Triều Tiên, Turkmenistan, Syria và Trung Quốc. RSF đặc biệt lên án việc chính quyền Việt Nam đàn áp các nhà báo – công dân một cách hệ thống.
Thổ Nhĩ Kỳ : số phận hai nhà báo gây lo ngại
Trong khi đó, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International lưu ý công luận đến 9 quốc gia, nơi số phận của các nhà báo bị bắt giữ gây lo ngại, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình tự do ngôn luận tại quốc gia Trung Cận Đông, ứng cử viên vào Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt được chú ý. Thông tín viên Alexandre Billette tường trình từ Istanbul:
« Có một nghịch lý ngày càng trở nên nổi bật : trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ký với châu Âu một thỏa thuận về người tị nạn, Ankara ngày càng bị chỉ trích về các xâm phạm quyền tự do ngôn luận.
Nhà báo Can Dundar, tổng biên tập nhật báo nổi tiếng Cumhurriyet, đang bị xét xử và có thể phải chịu một án tù vì tội gián điệp. Các tờ báo gần gũi với giáo sĩ Gulen, đối thủ của tổng thống Erdogan, bị những người thân cận với chính quyền chiếm đoạt. Nhiều phương tiện truyền thông của người Kurdistan bị đóng cửa, vì bị cáo buộc có quan hệ với đảng PKK, và sự kiện mới đây nhất là việc hai nhà báo bị kết án vì tội ‘‘kích động thù hận’’, sau khi ấn hành trang bìa của tờ báo châm biếm Pháp Charlie Hebdo, có vẽ hình nhà tiên tri của đạo Hồi.
Nhiều nhà báo nước ngoài làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở thành nạn nhân bạo lực. Trong những tháng gần đây, có ít nhất năm nhà báo Syria bị giết hại tại thành phố Gaziantep, mà thủ phạm rất có thể là các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ».
Theo RFI