Fanpage của VTV24 hướng dẫn cách vượt tường lửa vào Facebook
Những người tại Việt Nam phản ánh với BBC là rất khó truy cập Facebook trong những ngày này dù dùng 3G hay thuê bao Internet với nhà mạng.
Từ vài ngày qua, những người dùng Facebook tại TP Hồ Chí Minh cho hay rất khó truy cập mạng xã hội này, dù vào trang cá nhân hay gửi tin nhắn Facebook messenger.
“Dường như cơ quan chức năng đang có động thái chặn người dân tiếp cận với thông tin về vụ cá chết và lời kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội”, ông Nguyễn Ngọc Tấn, ngụ tại quận Bình Thạnh, nói với BBC hôm 4/5.
Trước đó, nhiều bạn đọc phản ánh trên fanpage BBC là họ không thể gửi những tin nhắn SMS có chứa các từ “cá chết, Formosa, biểu tình, xuống đường”.
Một độc giả nhắn tới Facebook của BBC Việt ngữ: "Từ hôm lễ đến nay nếu dùng 3G sẽ không thể vào được hoặc mất rất nhiều thời gian để load. Nếu dùng mạng internet bình thường thì mới hôm qua bị block tầm 10', sau đó vào lại vẫn bình thường."
Một người khác cho biết "Thường thấy người xử dụng mạng Vinafone hay gặp trường hợp này. Facebook rất chậm."
Một bạn đọc có nick Đặng Phước Lộc viết: "Việt Nam sắp giống Trung Quốc rồi, kiểm soát tin nhắn, chặn Facebook, rồi tiến tới chặn Google, chặn những gì của quốc tế, đẩy mạnh chính sách "ngu dân" từ bấy lâu nay!".
Trong khi đó người sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam nói không gửi được tin nhắn có nội dung tới vụ cá chết.
"Tôi vừa mới test xong, lấy hai điện thoại mạng Viettel nhắn tin 'cá chết' và 'Hà Tĩnh' thì không đến được người nhận nhưng tôi vẫn bị trừ tiền ngon lành. Còn nhắn 'anh yêu em' thì đến cái rẹt luôn", một người viết.
Trong ngày, trang Người Lao Động đăng tin:
"Sáng ngày 4.5, tại thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), người dân tiếp tục thu gom hàng tạ cá lồng bị chết để chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy."
'Hậu họa khôn lường'Trong một diễn biến khác, tổ chức Văn đoàn Việt phát đi ‘Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung’ với tổng cộng 1.449 người ký đến ngày 4/5.
Trong số những người ký vào văn bản này có những người nổi tiếng: Nguyễn Quang A, Hoàng Hưng, Bùi Minh Quốc, Vũ Thư Hiên...
“Người dân Việt Nam quyết không chọn con đường tăng trưởng kinh tế với cái giá hy sinh môi sinh của đất nước, hi sinh quyền lợi của dân nghèo, hisinh chủ quyền quốc gia”.
“Người dân Việt Nam quyết không chấp nhận những kẻ cầm quyền ngu dốt, tham lam, bán rẻ dân tộc vì lợi lộc, tham vọng cá nhân và phe đảng”.
“Người dân Việt Nam quyết không chịu chết thảm như những con cá nhiễm độc ở Biển Đông!”, tuyên bố viết.
Hôm 4/5, từ Hà Tĩnh, luật sư Nguyễn Duy Bình, Văn phòng luật sư Duy - Trinh, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, nói với BBC: “Không riêng gì người dân Quảng Bình, Hà Tĩnh, mà tất cả người dân cả nước đều mong muốn chính phủ có một kết luận chính xác. Có kết luận, trả lời chính xác, trung thực thì đảng và nhà nước mới mong lấy lại được chút niềm tin từ nhân dân”.
“Mong muốn lớn hơn của người dân là kẻ gây tai họa phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm và cơ quan chức năng phải giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ nay về sau để lấy lại vùng biển sách cho nhân dân cư trú, làm ăn lâu dài.
Một mong muốn lớn hơn nữa là nhà nước phải giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa nhằm đảm báo quốc phòng, an ninh cho đất nước”.
“Nếu để Formosa muốn làm gì trong khu vực dự án của họ mà chính quyền không biết, không kiểm tra thì có thể xảy ra hậu họa khôn lường cho cả dân tộc Việt Nam”, luật sư nói.
Ông Bình cũng là một trong 27 luật sư tham gia Liên danh Phục vụ Công lý cùng ký thư ngỏ đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ cá chết tại bốn tỉnh miền Trung và yêu cầu Bộ Công an “cân nhắc khởi tố vụ án hình sự”.
Vào tuần trước truyền thông Việt Nam đăng tải nhiều về vụ cá chết nhưng dường như các báo không cập nhật diễn biến mới nhất từ đầu tuần này.
Một số báo nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam đưa tin về vụ cá chết hàng loạt và phản ứng của tân chính phủ.
Theo BBC