![UserPostedImage](http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_16x9_1024_578/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/2016-05-06t060627z_579873661_s1betckxktab_rtrmadp_3_northkorea-congress.jpg)
Cờ đảng Lao Động Bắc Triều Tiên được treo khắp nơi ở Bình Nhưỡng nhân dịp Đại hội, 06/05/2016.
REUTERS/Damir Sagolj
Chế độ cha truyền con nối Bắc Triều Tiên vốn vẫn thường xuyên thu hút sự chú ý của thế giới bởi những lời lẽ và chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đầy khiêu khích lại trở thành tâm điểm thời sự bởi sự kiện đại hội Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên hôm nay khai mạc tại Bình Nhưỡng sau 36 năm không tổ chức.
Các tờ báo chính của Pháp ra hôm nay đều dành dung lượng lớn cho sự kiện đã được chế độ Bình Nhưỡng chuẩn bị tuyên truyền suốt hơn hai tháng qua. Giới quan sát quan tâm đến kỳ Đại hội Đảng lần này của chế độ Bình Nhưỡng, không phải vì họ mong chờ một sự chuyển biến chính trị sẽ diễn ra trong đất nước khép kín nhất hành tinh này.
Người ta chỉ hy vọng Đại hội này giải mã được phần nào chính sách hạt nhân và bộ máy quyền lực trong tương lai ở Bắc Triều Tiên. Một ghi nhận gần như đồng nhất của các báo Pháp về sự kiện này đó là kỳ Đại hội Đảng này sẽ là dịp để lãnh tụ Kim Jong Un tuyệt đối hóa quyền lực sau các cuộc thanh lọc nội bộ từ 4 năm cầm quyền vừa qua.
Nhật báo Le Figaro đăng một bức ảnh khổ rộng phủ hết phân nửa hai trang báo do thông tấn xã Triều Tiên phát hành, ghi lại cảnh hàng trăm đại biểu Đại hội Đảng đang bước vào một hội trường lớn ở Bình Nhưỡng mà trong đó có đến gần một nửa là các vị tướng tá quân đội, trên ngực phủ kín huân huy chương.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm 1980, Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên mở đại hội tại Bình Nhưỡng, dự kiến từ ngày 6/5 đến 25/5. Kim Jong Un, ở kỳ Đại hội trước còn chưa ra đời, nhưng giờ đây đang được báo chí chính thức ca tụng bằng danh xưng « Mặt trời vĩ đại của thế kỷ 21 ».
Tờ báo điểm lại quá trình nối ngôi thống trị đất nước của dòng họ nhà Kim đã qua 6 kỳ Đại hội Đảng kể từ 1945 đến 1986 từ Kim Nhật Thành, cha đẻ ra nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, trị vì đất nước trong sự sùng kính xen lẫn sợ hãi của dân chúng. Đến năm 1980, Kim Jong Il chính thức được lên thừa kế ngôi cha khi mới 38 tuổi trước 3.000 đại biểu dự Đại hội Đảng. Ba mươi sáu năm sau, triều đại nhà Kim vẫn còn đó. Theo Le Figaro, Đại hội lần này chỉ là để đẩy Kim Jong Un lên một tầm cao lãnh tụ mới, nói một cách khác là mở ra một kỷ nguyên mới của Kim Jong Un, sau khi được kế tục cha năm 2011 bị đánh giá là còn quá non trẻ và thiếu kinh nghiệm.
Về điểm này nhật báo La Croix cũng ghi nhận : « năm 2011, nhiều nhà phân tích đã nuôi hy vọng có thay đổi chính trị theo hướng mở cửa » ở Bắc Triều Tiên, vì họ dựa trên cơ sở cho rằng Kim Jong Un đã từng theo học phổ thông ở Thụy Sĩ, ít nhiều cũng sẽ có đầu óc cởi mở cấp tiến hơn. Nhưng các nhà phân tích đã thất vọng hoàn toàn. Một số nhà quan sát khác khi đó dự báo Kim Jong Un « quá trẻ, được chú nâng đỡ sẽ chỉ là con rối ». Nhận định này cũng sai nốt.
Theo La Croix : Sau bốn năm cầm quyền, chàng trai trẻ họ Kim đã loại bỏ gần một trăm quan chức cấp cao của đảng và quân đội, trong đó có cả ông chú dượng, bị hành hình chóng vánh chỉ vì trở nên quá nguy hiểm cho anh ta. Kim Jong Un đã thay đổi toàn bộ nhân sự ngoại giao của Bắc Triều Tiên ở nước ngoài và trẻ hóa khung lãnh đạo đảng trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng. Theo chuyên gia chính trị Juliette Morillot, « đây rõ ràng là kỳ Đại hội của Kim Jong Un. Chúng ta sẽ phải chú ý soi kỹ các diễn văn khai mạc và bế mạc để biết đường hướng của chính sách trong tương lai » ở Triều Tiên.
Kỳ Đại hội này cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Mỹ những nước đang rất lo ngại về khả năng phát triển hạt nhân cũng như những biến động chính trị bên trong Bắc Triều Tiên.
Tờ báo kết luận, không ai có thể biết trước được nội dung các diễn văn đó, cũng như thời gian thực sự của Đại hội kéo dài là bao lâu… Đối với người dân Bắc Triều Tiên thì dù sao, Đại hội vẫn là « lễ đăng quang « của « Mặt trời vĩ đại thế kỷ 21 ».
Theo RFI