Từ độ hai chục năm nay, chúng ta càng ngày càng nghe nói nhiều tới danh từ toàn cầu hóa. Nhất là trong mùa tranh cử tổng thống tại Mỹ hiện nay,
các ứng cử viên cũng đã nhiều lần trực tiếp hay gián tiếp nhắc đến toàn cầu hóa: công ăn việc làm, thương mại, giao dịch v.v…
Vậy, toàn cầu hóa là gì?
Theo định nghĩa chung, toàn cầu hóa là quá trình hội nhập mang tính cách quốc tế được phát sinh từ những cuộc trao đổi lẫn nhau về quan điểm,
sản phẩm, sáng kiến và những khía cạnh văn hóa khác của thế giới.
Nhưng khi nói đến toàn cầu hóa, người ta thường nghĩ ngay tới kinh tế hay những gì liên quan đến kinh tế, vì đây là lãnh vực có thể nói được toàn
cầu hóa mạnh nhất, nhanh nhất và dễ nhận ra nhất. Nhờ vậy mà các con đường vận chuyển trên không, trên biển và trên đất liền trở nên bận rộn
hơn bao giờ hết. Sự vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, tài chánh và thậm chí luôn cả người nữa đến nay đã đạt tới mức độ kinh khủng mà trước đây
không ai có thể tưởng tượng nổi và trong tương lai sẽ còn bận rộn hơn nữa. Sự luân lưu có tính cách toàn cầu đó tạo nên sự nối kết chặt chẽ giữa
các nền kinh tế với nhau – và đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc quyết định tương lai và vận mệnh của các quốc gia, công ty và
cá nhân. Cho dù đứng ở quan điểm thế nào về toàn cầu hóa, nếu như ai đó nhất định không chịu kết nối, hội nhập theo với xu hướng này thì cũng
đồng nghĩa là sẽ bị bỏ rơi lại đàng sau.
Tuy nhiên, hiểu ở một nghĩa rộng hơn, việc toàn cầu hóa không chỉ là một trào lưu mới xảy ra đây hay một sáng kiến mới lạ gì mà đã được hình
thành từ cả nghìn năm trước, kể từ thời đại của con đường tơ lụa nối liền Trung Hoa và Âu châu với những thương đoàn đông tới cả hàng vài trăm
người, ngựa và lạc đà di chuyển từ nơi này qua nơi khác dọc theo con đường nổi tiếng này để trao đổi hàng hóa với nhau, rồi trải qua thời kỳ của
những thuộc địa đến thời cách mạng kỹ nghệ. Nhưng nay, do mức tiêu thụ của người dân càng ngày càng cao cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ
thuật đã tạo nên hàng triệu “con đường tơ lụa” nối kết dày đặc ở khắp hang cùng ngõ hẻm trên thế giới.
Số lượng hàng hóa, dịch vụ và tài chánh luân lưu trên thế giới xuyên qua các quốc gia đã đạt mức 25 ngàn tỉ đô la trong năm 2013, chiếm 36%
tổng sản lượng (GDP) toàn cầu, và tăng 1.5 lần hơn mức của năm 1990. Hiện nay, cứ mỗi ba món hàng thì có một món đi ra ngoài biên giới quốc
gia, và hơn một phần ba đầu tư tài chánh là những giao dịch quốc tế. Trong một thập niên tới, số lượng hàng hóa và dịch vụ luân chuyển trên thế
giới có thể tăng gấp ba lần, do bởi đời sống của người dân sung túc hơn và những quốc gia hiện đang phát triển đến lúc đó cùng tham gia vào
cuộc chơi toàn cầu hóa, và một phần nữa là nhờ kỹ thuật số và internet càng ngày càng lan rộng. Một nghiên cứu cho biết số lượng hàng hóa và
dịch vụ luân chuyển trên toàn cầu có thể đạt từ $54 ngàn tỉ đến $85 ngàn tỉ vào năm 2025, hơn gấp đôi hoặc gấp ba mức hiện nay.
Mạng lưới luân chuyển toàn cầu đó đang phát triển nhanh chóng nhờ những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển ngày càng tham gia đông hơn.
Thu nhập của người dân ở những quốc gia đó ngày một khá hơn tạo nên những trung tâm mới cho nhu cầu tiêu thụ, sản xuât và thương mại, cũng
như tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội để đi ra ngoại quốc do nhu cầu của công việc kinh doanh cũng có mà đi du lịch cũng có. Những tuyến
đường luân chuyển hàng hóa và dịch vụ đang hoạt động thì ngày càng mở rộng thêm và những tuyến đường mới xuất hiện để đáp ứng cho nhu cầu
ngày một tăng do có thêm nhiều quốc gia tham gia vào. Những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển hiện nay chiếm 38% số lượng hàng hóa và
dịch vụ luân chuyển toàn cầu, tăng gần gấp ba so với năm 1990.
Và sự vận hành của toàn cầu hóa không chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia mà còn có thêm những thành phần khác cũng đang tham gia vào. Trước
đây chỉ có các chính phủ và công ty đa quốc gia là những thành phần có liên hệ đến những cuộc trao đổi xuyên quốc gia. Nhưng nay, nhờ có kỹ
thuật số đã cho phép ngay cả những công ty nhỏ nhất hay những doanh gia riêng lẻ cũng có thể tham gia vào toàn cầu hóa – buôn bán hàng hóa,
dịch vụ và trao đổi sáng kiến xuyên qua những quốc gia khác. Các cá nhân còn có thể làm việc từ những nơi xa xôi hẻo lánh bằng cách kết nối qua
mạng internet, và nhờ vậy đã tạo ra những vụ giao dịch trên không gian ảo,
Nhưng điểm đáng nói nhất của toàn cầu hóa là nó ảnh hưởng trực tiếp tới những sinh hoạt trong cuộc sống của chúng ta, và trong từng mỗi sản
phẩm chúng ta tiêu thụ đều ít nhiều có hơi hướm của toàn cầu hóa. Có thể nói chúng ta đang sống ở thời đại không giống bất kỳ thời đại nào trước
đây. Hầu hết mọi sản phẩm khi tới tay người tiêu thụ đều đã qua sự hợp tác của rất nhiều người và trải qua một cuộc hành trình dài thật lạ lùng mà
không ai có thể tưởng tượng ra. Toàn cầu hóa đã làm thay đổi khái niệm về sản xuất. Trước đây, một sản phẩm bắt đầu từ khâu đầu tiên cho tới
khâu cuối cùng để hoàn tất thường được tập trung ở một chỗ vì người ta cho rằng một sản phẩm quy tụ nhiều bộ phận được chế tạo rải rác ở
khắp nơi thì sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất vì phải trả thêm cho việc vận chuyển. Nhưng nay khái niệm đó đã bị đảo ngược, và có thể nói một
sản phẩm với nhiều bộ phận được đưa về từ nhiều nơi khác nhau để lắp ráp thường khi lại làm cho chi phí sản xuất rẻ đi.
Ta thử tưởng tượng xem mỗi sáng cầm ly cà phê trên tay nhâm nhi mà có mấy ai chú ý tới cuộc hành trình dài của những hạt cà phê để làm ra
chất nước đậm màu có mùi thơm quyến rũ đó. Trước hết, hạt cà phê có thể được trồng ở một làng xa xôi hẻo lánh tận châu Phi, sau đó được hái
xuống rồi được đưa lên xe chở tới một bến cảng, và sau đó là lên tàu vượt đại dương, xuyên qua hai kênh đào Suez và Panama để đến được nơi
nó cần đến – tính ra cuộc hành trình dài hơn 10,000 hải lý. Có người đã làm một con tính đơn giản và thấy rằng trung bình một gia đình người Mỹ
mỗi năm tiêu thụ một số lượng cà phê mà những hạt cà phê đó đã phải di chuyển không dưới nửa triệu dặm đường để tới được chiếc máy lọc.
Một miếng bánh pizza của công ty Domino’s Pizza quy tụ những thành phần gồm rau quả lấy từ Thái Lan, hộp đựng từ tiểu bang Georgia, muối từ
Minnesota – và qua 16 trung tâm phân phối được đưa đi khắp nước Mỹ. Tại mỗi trung tâm này mỗi ngày người ta phải nhào bột, cán bột để làm
khoảng 100,000 chiếc bánh rồi chất đầy trong tủ lạnh cùng những thành phần thực phẩm khác để chờ đến khuya khi các tiệm đóng cửa thì được
các xe tải chở tới giao hàng. Sáng ra, khi tiệm mở cửa trở lại thì đã có sẵn những chiếc bánh bột và các thành phần thực phẩm khác để được nhân
viên làm thật nhanh thành một chiếc bánh pizza hoàn hảo trước khi đưa vào lò nướng.
Hay như lon coca cola mà chỉ nội chiếc lon không thôi là cả một quá trình hợp tác. Trước hết, người ta phải lấy loại đất đỏ bauxit ở tận mãi bên Úc
rồi tinh luyện thành những thỏi nhôm. Những thỏi này được vận chuyển tới một nhà máy, có thể ở Tennessee, để cán thành những tấm nhôm mỏng,
sau đó được đưa qua một nhà máy khác, có lẽ ở California, đển uốn thành lon trước khi cho nước vào đóng hộp để thành một lon nước ngọt cho
người tiêu thụ.
Đó là những sản phẩm tương đối đơn giản. Còn những sản phẩm phức tạp hơn, ví dụ như chiếc điện thoại iPhone chẳng hạn, mà tất cả mọi bộ
phận phụ tùng được làm từ khắp nơi trên thế giới và sự vận chuyển của chúng khi được đưa tới nơi lắp ráp tính ra bằng số dặm đường dài gấp
tám lần chu vi của trái đất. Chiếc điện thoại iPhone được lắp ráp tại Trung Quốc, nhưng bộ phận cảm ứng khí áp (barometric sensor) được làm tại
Đức, mặt kính được làm tại Kentucky, bộ xử lý (processor) được làm tại Đài Loan. Thế nên, cho dù chiếc iPhone được lắp ráp ở bất cứ đâu thì tất
cả những bộ phận phụ tùng kia vẫn được làm ở khắp nơi trên thế giới. Khi ứng cử viên Donald Trump nói rằng ông sẽ bắt buộc công ty Apple phải
chế tạo sản phẩm của họ ở Hoa Kỳ là ông nói bậy và chứng tỏ không hiểu gì về phương thức sản xuất hiện nay.
Toàn cầu hóa là một tiến trình dài của lịch sử nhân loại, và như đã nói, nó không phải là một sáng kiến gì mới mẻ cả. Chúng ta nghe tới nó nhiều chỉ
vì một lý do đơn giản là gần đây có nhiều người nói tới nó thế thôi. Dù ủng hộ hay không thì xu hướng toàn cầu hóa là điều không thể tránh được,
nhất là với các kỹ thuật tân tiến ngày nay lại càng thúc đẩy xu hướng đó nhanh và mạnh hơn nữa. Toàn cầu hóa có lẽ không hoàn toàn xấu mà cũng
chẳng hoàn toàn tốt, điều quan trọng ở đây là ta phải làm gì với nó trong cuộc sống và làm thế nào để việc toàn cầu hóa biến đổi thế giới chúng ta
đang sống thành một thế giới tốt đẹp và có nhân tính hơn. Để đạt được mục tiêu đó người ta phải chịu hội nhập và chấp nhận sống chung với
những nhóm văn hóa khác mà không e dè hay ngại ngùng.
Huy Lâm