Ông Barack Obama trong một khoảng khắc suy ngẫm tại Tòa Bạch Ốc. (Getty Images)
Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez (CA-46), Đồng Chủ Tịch Nhóm Dân Biểu Về Vấn Đề Việt Nam, cùng với 19 dân biểu cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã gửi thư đến Tổng Thống Barack Obama, kêu gọi ông hãy đặt ưu tiên vấn đề nhân quyền với nhà cầm quyền Hà Nội, nhân dịp ông đến thăm Việt Nam bắt đầu cuối tuần này.
“Chuyến thăm viếng Việt sắp tới đây của ông là một cơ hội để định đoạt cho tương lai của quan hệ Việt-Mỹ. Chúng tôi mong rằng ông sẽ nắm bắt lấy cơ hội này để tiếp cận trực tiếp với người Việt Nam và để gửi một thông điệp rõ ràng là Hoa Kỳ sát cánh với những người Việt khát khao tự do,” lá thư viết đề ngày thứ Ba, 17 tháng 5, 2016.
Lá thư đã liệt kê một danh sách gồm hơn 100 nhà hoạt động, nhà báo, và người viết blog đang bị Cộng Sản Việt Nam giam cầm một cách bất công, vô lý. Nhóm 20 dân biểu đã khuyên Tổng Thông Obama hãy kêu gọi CSVN trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho hơn 100 tù nhân lương tâm đó và tất cả tù nhân lương tâm khác đang bị giam giữ trên khắp Việt Nam.
Ngoài bà Sanchez, lá thư được ký bởi các Dân Biểu Liên Bang sau đây: Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Susan Davis, Matt Cartwright, Judy Chu, Mark DeSaulnier, Keith Ellison, Mike Honda, Sheila Jackson Lee, Barbara Lee, Jim McDermott, James McGovern, Grace Napolitano, Scott Peters, Joseph Pitts, Mark Pocan, Linda Sanchez, Christopher Smith, và John Yarmuth.
Lá thư được gởi từ văn phòng của bà Loretta Sanchez đã được viết như sau:
Kính gửi Tổng Thống Obama:
Chuyến thăm viếng Việt sắp tới đây của ông là một cơ hội để định đoạt cho tương lai của quan hệ Việt-Mỹ. Chúng tôi mong rằng ông sẽ nắm bắt lấy cơ hội này để tiếp cận trực tiếp với người Việt Nam và để gửi một thông điệp rõ ràng là Hoa Kỳ sát cánh với những người Việt khát khao tự do.
Chúng tôi rất phẫn nộ trước các vụ án chính trị vừa rồi tại Việt Nam, việc liên tục sách nhiễu và giam cầm các nhà hoạt động chính trị ôn hòa, và việc chính quyền Hà Nội gia tăng nỗ lực để giới hạn thông tin.
Trước chuyến viếng thăm của ông, nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và kết án sáu nhà hoạt động về điều gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước.” Công an cũng thường xuyên sách nhiễu và hành hung các nhà hoạt động để buộc họ im lặng.
Theo tin tức cho biết thì bà vợ của tù nhân chính trị Mục Sư Nguyễn Công Chính bị bọn côn đồ của công an hành hung vào ngày 14 tháng Tư sau khi bà đi gặp các viên chức Hoa Kỳ. Cũng trong tháng Tư, nhân viên lãnh sự quán Hoa Kỳ bị ngăn cản không cho thăm cựu tù nhân chính trị Trần Minh Nhật, người đã bị đàn áp liên tục vì những hoạt động ôn hòa của anh.
Trong lúc đó, Hà Nội tiếp tục giới hạn các quyền đón nhận và truyền đạt thông tin của người dân. Dự luật tiếp cận thông tin gần đây có vẻ là một nỗ lực khắc nghiệt để giới hạn tiếp cận thông tin. Theo nghiên cứu mới nhất của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Việt Nam đứng hạng 175 thấp kém trong số 180 quốc gia về tự do báo chí.
Chúng tôi kêu gọi ông hãy truyền đạt mối quan tâm nghiêm trọng của chúng tôi về việc chính quyền Việt Nam bắt giữ tùy tiện các nhà hoạt động nhân quyền và bóp nghẹt tự do ngôn luận.
Chúng tôi đặc biệt kêu gọi ông ưu tiên đòi trả tự do cho các nhà bảo vệ nhân quyền đang bị các án tù dài và bất công: Linh mục Nguyễn Văn Lý (8 năm), Nguyễn Đặng Minh Mẫn (8 năm), Hồ Đức Hòa (13 năm), Đặng Xuân Diệu (13 năm), và Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm).
Đính kèm là danh sách của hơn 100 tù nhân lương tâm. Chúng tôi mong rằng ông sẽ lên tiếng chẳng những cho những người này mà còn để trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm.
Ngoài ra, thể theo nỗ lực của ông muốn gặp gỡ và hội ý thường xuyên với các tổ chức xã hội dân sự trên thế giới, thu xếp thời gian để gặp trực tiếp các nhà bảo vệ nhân quyền và đặc biệt là gia đình của các nhà hoạt động đang bị cầm tù sẽ gửi ra tín hiệu mạnh mẽ của một Hoa Kỳ hết lòng tranh đấu cho tự do.
Chúng tôi đồng thời cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc với việc có thể gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Việt Nam phải chứng minh cho thấy sự thành tâm cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi Hoa Kỳ xét đến chuyện này.
Cuối cùng chúng tôi kêu gọi ông hãy công khai nói rõ những điều cần thiết cho cuộc đối tác toàn diện thật sự giữa hai quốc gia: một Việt Nam đặt nền tảng trên các nguyên tắc dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Chúng tôi tin rằng đây không những là niềm mong muốn thiết tha của người dân Việt Nam mà còn là đánh giá của lịch sử về sự thành công của chính quyền ông hướng về Việt Nam.
Cám ơn ông đã quan tâm.
Ông Obama sẽ đến Hà Nội vào sáng sớm thứ Hai, 23 tháng 5, 2016 theo giờ Việt Nam, trong chuyến thăm dài ba ngày.
Theo báo Viễn Đông