Có nhiều định nghĩa hàn lâm về hai chữ quê hương. Và mỗi người, khi nhớ về quê hương, cũng có nhiều định nghĩa riêng tùy thuộc thời khắc và tâm
cảnh khi họ nhớ về quê hương. Có người như cô bạn trẻ tới từ miền Bắc Việt Nam sau 1975 mà tình cờ tôi gặp ở đây, đang quay quắt hội nhập,
được hỏi có nhớ nhà, nhớ quê không? Cô cười, lắc đầu: “Em đang ở đâu thì đấy là nhà và quê hương.” Tâm lý này dễ hiểu vì cô lớn lên ở một đất
nước mịt mờ khói lửa can qua, trong một xã hội không khơi gợi cho cô tình gia đình và tình quê hương. Trưởng thành ở Sài Gòn sau tháng 4,
1975, trải qua những ngày cơ cực cùng với Sài Gòn bỗng nhiên nghèo đi, cô tốt nghiệp đại học Phú Thọ. Nhan sắc, tự tin, cô để cơn gió thời đổi
mới cuốn mình đi, làm giàu dễ dàng và nhanh chóng bằng con đường kinh doanh địa ốc. Cô cười nói: “Em chỉ nhớ những buổi đi ăn với bạn bè ở
các nhà hàng sang trọng; đi tắm hơi và đấm bóp ở những salon đẳng cấp, được phục vụ tận tình, được nghe những lời xưng tụng êm tai...”
Tới Mỹ theo con đường vòng: Một đứa con được bố bảo lãnh rồi đứa con ấy bảo lãnh mẹ, cô mang theo mình lòng tự tin có sẵn, tài sản và sự
tháo vát, nỗ lực thích nghi với hoàn cảnh mới, học thành công một chuyên môn ngắn hạn để có lợi tức học tiếp vài chuyên môn khác. Thay vì tình
tự quê hương, cô được dạy bài học sinh tồn rất thực tế, rất phù hợp với một Mỹ quốc thực dụng. Tôi biết những người như cô, định hình được
mục tiêu của mình, tập trung vào mục tiêu ấy, chắc chắn sẽ thành công cách này hay cách khác ở xứ sở này, sẽ thực hiện được Giấc Mơ Mỹ Quốc
theo lối nói thông dụng của nhiều người khi tới đây.
Còn tôi, ngơ ngẩn như mán về xuôi, bước ra khỏi khoang chiếc máy bay 2 động cơ hạ cánh lúc nửa đêm ở phi trường Ontario đèn đuốc sáng
choang, bốn mẹ con bà cháu dắt díu nhau như đi trong một cơn mơ, hành lý mang theo là những câu thơ tuyệt tác của những nhà thơ lớn thời đi
học, những “Ngẩng đầu ngóng mãi chưa thôi nhớ, hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya...” và những “Sóng gợn trường giang buồn điệp điệp, con
thuyền xuôi mái nước song song, thuyền về nước lại sầu trăm ngả, củi một cành khô lạc mấy giòng...” Những ngày đầu, chúng tôi tạm cư ở một
thành phố miền núi, đất đá khô cằn, cỏ cây xám xịt. Một cơn mưa bất ngờ, một vầng trăng lẻ loi, một sớm mai nghe tiếng chim hót, một mùi dạ
hương đâu đó trên lối đi, mỗi mỗi như dao ngọt cứa lên thần kinh cảm xúc của tôi, làm tim đập thất nhịp vì nhớ ra thân phận lạc loài của kẻ thiếu
quê hương. Đúng là những bâng khuâng chẳng được tích sự gì ở nơi phồn hoa đô hội cổ võ sự tranh sống kịch liệt này. Chẳng thế mà khoảng cách
giữa tôi và nước Mỹ ngày càng xa qua ba thập niên, từ điểm gặp gỡ đầu tiên sải về hai hướng. Nước Mỹ ngày càng văn minh, tiến bộ, đi hia bảy
dặm. Bước chân tôi ngày càng già nua, chậm chạp, không theo kịp. Hệt như thơ Lưu Trọng Lư: “Nhìn nhau mà lệ ứa, một ngày một cách xa.”
Thời tiết miền Nam Cali năm nay rất lạ. Giữa tháng 5 rồi mà buổi sáng trời mù, gió hiu hắt lạnh. Buổi trưa ngày nắng ngày không, chút hoang mang
làm rung nhẹ những đỉnh cây đứng yên hai bên vệ đường. Radio làn sóng tiếng Việt đang phát Thuyền Viễn Xứ, Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của tác
già Huyền Chi. Được hỏi một lúc nào đó năm 2011, Phạm Duy cho biết bà Huyền Chi còn tại thế, có liên lạc với ông. Bây giờ không biết bà còn hay
đã mất, đang ở đâu và có giật mình thấy ra lời thơ rất thiêng của bà vô tình báo trước một thời đất nước điêu linh, dân tình tản lạc hay không?
“... Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi. Đời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi. Quay lại hướng làng, Đà Giang lệ ướt nồng, mẹ già ngồi im
bóng, mái tuyết sương mong con bạc lòng. Trời cao chìm rơi xuống đời, biết là bao sầu trên xứ người...” Phải công nhận ngòi bút của nhạc sĩ họ
Phạm có khi xuất thần, chữ nghĩa được ông phù phép một vẻ đẹp man dại và đau thương đến độ, “mái tuyết sương mong con BẠC LÒNG...”
Những đứa con ra đi là biền biệt, không quay đầu nhìn lại mẹ già ngồi như tượng, mỏi mắt chờ trông. Năm tháng làm phai màu tóc mẹ, phai cả lời
hẹn ước của con. Trong bài Trở Về Mái Nhà Xưa, ông viết: “Người xa vắng biết đâu NẤM nhà buồn.” Ngôi nhà không còn tình yêu khác gì nấm mộ
vùi chôn người ở lại?
Chúng ta đang sống ở thời đại mà lưu lượng thông tin nhiều như không khí, đã thu hẹp thế giới vào cái màn hình điện thoại thông minh chì lớn bằng
bàn tay, khiến người đi xa không còn tâm trạng “biết đâu” nữa. Quê hương gấm hoa một thời trẻ con thả diều đuổi bướm trên những đồng cỏ xanh
tươi, ăn quả non cũng thấy ngon, uống nước lã không đau bụng, nay thì tất cả mọi thứ cần cho đời sống đều chan chứa độc tố bởi vì quan chức
nhũng lạm câu kết với bọn gian thương, cho chúng buôn bán, sử dụng hóa chất bừa bãi, mặc chúng tung hoành thủ lợi trên xác thú vật và cả xác
người sống bị tước hết quyền phản kháng. Còn đâu rừng vàng, biển bạc, những đồng bằng màu mỡ, phì nhiêu giúp cho dân giàu, nước mạnh? Đến
con cá cũng không toàn mạng trong giang sơn vốn tự do vẫy vùng của nó nay bị xâm hại. Đến đất vô tri cũng nứt nẻ, vỡ ra từng mảnh, bị bức tử vì
Cửu Long Cạn Giòng.
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ dưới hầm tai vạ.” Đâu chỉ có bọn thái thú Bắc phương mới nở xuống tay đầy đọa con dân nhà
Nam, bọn quan chức vong thân ngồi trên những chiếc ngai nạm vàng ở Bắc bộ phủ đã đốt hết sử sách tiền nhân để lại, cai trị dân bằng tâm hồn
thái thú, vô cảm trước dân tình oán than ngút trời.
Tổng thống Hoa Kỳ thứ 44 sắp viếng thăm Việt Nam trước khi mãn nhiệm. Ông sẽ được các chủ nhân ông của quốc gia đối tác đầy tiềm năng này
tiếp đón với đầy đủ nghi lễ ngoại giao dành cho hàng quốc khách. Ông sẽ không phải ái ngại khi được mời dự quốc yến với thức ăn hảo hạng, cam
đoan tinh khiết và ngon miệng. Băn khoăn của riêng tôi là không biết thông minh và nhân bản như ông, khôi nguyên giải Nobel hòa bình, với tầm
nhìn độ lượng của một chính khách cao cấp thường quan tâm và bênh vực người nghèo, với khối lượng tin tức ban báo chí Tòa Bạch Ốc trình lên
ông hàng ngày, liệu ông có hình dung ra được mâm cơm của tuyệt đại đa số đồng hương chúng tôi dưới mái nhà của họ bên ấy không? Có ai nói
cho ông biết món thịt kho trên mâm cơm ấy có thể được nấu bằng thịt đã thối rữa mà người hàng thịt làm tươi lại bằng hóa chất và bán ra cho dân
lành hay không? Có ai nói cho ông biết đĩa rau quả trên mâm cơm ấy được nông trại tưới tẩm bằng thứ phân bón làm cho thân, lá, củ tốt tươi hơn
nhưng khó khai thật nó thuộc loại gì? Có ai nói cho ông biết những hạt gạo nuôi sống những gia đình “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” nay được pha
chế bằng nhựa dẻo? Và nếu biết, ông sẽ nói gì với vị nguyên thủ của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “đầy tiềm năng” như biểu hiện bên ngoài của
nó?
Có thể tổng thống cũng sẽ được mời thăm viếng một trung tâm du lịch tuyệt đẹp và sang trọng của Việt Nam từng được mệnh danh là Hòn Ngọc
Viễn Đông. Vâng, tổ quốc do tiền nhân chúng tôi tạo dựng cho con cháu mỹ miều như thế, nên thơ như thế, kỳ ảo như thế. Từ hơn 40 năm nay, nó
đã được chuyển nhượng từ toàn thể dân tộc chúng tôi sang tay một thiểu số kẻ xấu (theo cách gọi của Thượng Nghị Sĩ John McCain) với rất nhiều
máu xương của cả hai miền Nam Bắc Việt Nam và trở thành tài sản riêng của những người này. Quá trình chuyển nhượng bất đắc dĩ ấy có bàn tay
quyền lực của Hoa Kỳ thúc đẩy và góp phần.
Người dân Việt Nam đọc sử thế giới, ước mong Việt Nam có được vận hội như Nhật Bản sau Thế Chiến II, đón nhận một tướng đầy nghĩa khí và
tâm huyết như Douglas Mac Arthur, với lý tưởng và công tâm muốn biến miền đất từng chìm đắm can qua trở nên giầu có, văn hóa phát triển, trình
độ dân chúng nâng cao thành một nước lý tưởng như Mỹ. Trong thời chiến tranh, giới lãnh đạo Nhật Bản đã có những sai lầm, nhưng rồi đây, khi
Nhật Bản trở thành một nước dân chủ, một nước công nghiệp giầu mạnh, thì cũng như nước Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ có nền văn hóa dân chủ, tự do,
coi trọng sự lựa chọn của cá nhân. Hơn thế nữa, Nhật Bản nên là như vậy. (Tiến Sĩ Edwin O. Reischauer)
Nước Mỹ đã thay đổi nhiều điều trên nước Nhật nhân danh sự bình đẳng và tiến bộ của nhân loại, nay giúp thay đổi một thể chế cản trở, thậm chí
hủy diệt, những giá trị vừa nêu là việc không nên chối từ.
Một danh ngôn được ghi nhớ của Tướng Douglas Mac Arthur : “The old soldiers fade away,” nhưng tư tưởng của ông soi đường cho dân Nhật còn
mãi duy trì.
Với những người Việt Nam ly hương đang định cư ở Mỹ, lứa tuổi thất thập cổ lai hy, viễn ảnh một ngày được trở lại quê hương rất mờ nhạt. Dẫu
sao, còn hơi thở là còn nuôi hy vọng và còn cầu nguyện, xin cho quê nhà sớm thấy lại ánh dương quang, trẻ thơ có bầu sữa ngọt, cha mẹ già có
hạt cơm thơm và 90 triệu dân được thở không khí trong lành, can đảm cất lên tiếng kêu đòi khi có sự bất công để cô giáo Trần Thị Lam không còn
rơi lệ trên những dòng thơ châu ngọc.
Ôi, mong ước tràn ngập lòng những sáng, những chiều nhớ thương khôn nguôi!
Bùi Bích Hà