Tổng bí thư đảng CS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) tiếp tổng thống Mỹ Barack Obama, Hà Nội, ngày 23/05/2016
JIM WATSON / AFP
Quyết định bãi bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam được tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo hôm 23/05/2016 tiếp tục được phân tích sôi nổi. Hãng tin Anh Reuters vào hôm nay 27/05 đã cho rằng : Chỉ bằng một ngón đòn dứt khoát, Mỹ và Việt Nam đã gây rắc rối cho chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Kể từ nay, Bắc Kinh sẽ phải nhức đầu đối phó với những thách thức chiến lược cả trước mắt lẫn lâu dài.
Trước mắt, theo Reuters, Trung Quốc sẽ không còn có thể tự do tung hoành tại Biển Đông như trước đây, vì Việt Nam sẽ có khả năng được trang bị bằng các loại radar và phương tiện dò tìm của Mỹ, cũng như các phi cơ trinh sát và máy bay do thám không người lái, cho phép Việt Nam giám sát tốt hơn và khi cần nhắm chính xác hơn vào các lực lượng Trung Quốc.
Còn trong dài hạn, cấm vận vũ khí Mỹ được bãi bỏ đã biến Việt Nam thành một tác nhân quan trọng trong chiến lược xoay trục qua châu Á của ông Obama. Các tập đoàn vũ khí của Mỹ sẽ có thể cạnh tranh với các nhà cung cấp Nga trong những hợp đồng lớn cho Việt Nam.
Ngoài ra, mong muốn từ lâu nay của Hải Quân Mỹ rất có thể sẽ được toại nguyện : Đó là được sử dụng Vịnh Cam Ranh, hải cảng tự nhiên tốt nhất trong vùng Biển Đông.
Bên cạnh đó, còn có triển vọng hợp tác chính trị và chia sẻ thông tin tình báo tốt hơn về các hành vi quyết đoán của Trung Quốc, ngay cả khi Việt Nam tránh không chính thức gia nhập bất kỳ một liên minh quân sự nào.
Chiến lược của Việt Nam : Bắt Trung Quốc phải trả giá đắt, nhưng tránh dồn ép
Kịch bản như được nêu ra ở trên hoàn toàn ăn khớp với các mục tiêu mà nhiều chiến lược gia quân sự của Việt Nam đã tiết lộ với hãng tin Anh, theo đó họ âm thầm nâng cao cái giá mà quân đội Trung Quốc vốn đang trên đường hiện đại hóa nhanh chóng sẽ phải trả nếu dám tấn công Việt Nam một lần nữa.
Việt Nam thừa hiểu rằng một cuộc chiến trong tương lai với người láng giềng khổng lồ của họ sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với cuộc chiến tranh đẫm máu ở vùng biên giới phía Bắc, khởi sự vào năm 1979 và kéo dài âm ỉ qua những năm 1980, hoặc là trận hải chiến Trường Sa vào năm 1988.
Theo ông Nguyễn Tông Trạch (Ruan Zongze), chuyên gia tại Viện Nghiên Cứu Quốc Tế, một trung tâm tham vấn thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh đang theo dõi sát việc mua các loại vũ khí hiện đại và triển khai những gì ở Biển Đông.
Theo chuyên gia này, nguyên là một cán bộ ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh không loại trừ khả năng việc đó « tác động đến các vấn đề lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam ».
Còn ông Trương Bảo Huy (Zhang Baohui), một chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông, thì cho rằng giới hoạch định chính sách Việt Nam dư biết là họ không bao giờ có thể thắng được quân đội Trung Quốc hiện đại, vì vậy Hà Nội vẫn sẽ phải dựa vào ngoại giao để giữ quan hệ ổn định với Bắc Kinh.
Theo Reuters, giới chức Hải Quân Hoa Kỳ cũng nhận thức rõ là Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc không nên dồn ép Trung Quốc. Theo các nguồn tin báo chí quân sự của Việt Nam, tháng Ba vừa qua, khi Việt Nam mở một cảng quốc tế mới ở Cam Ranh cho lực lượng hải quân nước ngoài, Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên được chính thức mời ghé cảng.
Cho dù vậy, Hải Quân Mỹ chờ đợi là các chuyến ghé cảng Việt Nam sẽ được dần dần tăng lên. Theo các chuyên gia phân tích về an ninh, ngay cả một sự gia tăng nhỏ cũng có khả năng gây rối cho hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi họ đang tập trung xây dựng các cơ sở được dùng cả vào mục tiêu quân sự trên bẩy hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Theo RFI