Một nhóm chống cộng đốt biểu tượng của cộng sản trong cuộc biểu tình ở Bandung, tỉnh Tây Java, Indonesia. Ảnh chụp ngày 21 tháng tám năm 2015.
Một nhà hoạt động cánh tả ở Indonesia là ông Adlun Fiqri bị bắt giữ vì mặc một chiếc áo có in ba chữ PKI là tên viết tắt của đảng cộng sản Indonesia.
Ngoài ra cảnh sát còn thẩm vấn một chủ tiệm sách, thu giữ nhiều sách vở, áo thun có in hình búa liềm, tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản.
Hiện nay tại quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này, chủ nghĩa cộng sản vẫn còn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật kể từ khi có cuộc chính biến vào năm 1965, trong đó các nhóm vũ trang có quân đội ủng hộ đã tàn sát ít nhât 500 ngàn người, trong đó có nhiều thành viên, hoặc cảm tình viên của đảng cộng sản Indonesia.
Vào năm 1965, ông Suharto đã dùng lực lượng quân đội dẹp tan một cuộc đảo chánh được cho là do đảng cộng sản tổ chức.
Tiếp theo biến cố này các nhóm dân quân vũ trang được sự hậu thuẫn của quân đội đã ra tay tiêu diệt đảng cộng sản Indonesia, trong đó có rất nhiều thành viên gốc Trung Quốc.
Từ khi Tổng thống Suharto bị lật đổ vào năm 1968, công luận Indonesia bắt đầu nói đến việc điều tra, xem xét lại cuộc thảm sát năm xưa.
Trong tháng tư vừa qua chính phủ Jakarta đã tổ chức những buổi tranh luận về sự kiện đẫm máu 1965, với sự tham dự của nhiều người thoát chết, cũng như các cựu quân nhân.
Nhưng việc xem xét lại quá khứ bị giới quân đội và cảnh sát phản đối mạnh mẽ.
Nhiều nhân vật bảo thủ trong lực lượng an ninh Indonesia nói họ lo ngại lực lượng cộng sản sẽ nổi dậy, tuy trên thực tế đảng cộng sản Indonesia đã bị tiêu diệt.
Hồi năm ngoái một kế hoạch kỷ niệm 50 năm ngày diễn ra cuộc thảm sát đã bị ngăn chặn, còn hiện nay thì lực lượng an ninh đang nỗ lực ngăn chặn sự truyền bá của chủ nghĩa cộng sản tại Indonesia.
Tuy nhiên một giáo viên dạy âm nhạc 34 tuổi lại nói với hãng thông tấn AFP rằng chính quyền bị hoang tưởng, vì chủ nghĩa cộng sản chẳng thể nào trở lại với Indonesia được.
Theo RFA